Thánh lễ Truyền Dầu tại giáo xứ Đồng Chưa

Sáng thứ Tư Tuần Thánh, 01/04/2015, tại giáo xứ Đồng Chưa, Đức Cha giáo phận đã long trọng cử hành thánh lễ Truyền Phép Dầu. Cha Tổng đại diện, tất cả quý cha trong linh mục đoàn giáo phận, và quý cha dòng Châu Sơn đồng tế với Đức Cha. Quý tu sĩ, chủng sinh và gần năm ngàn tín hữu đã về tham dự thánh lễ, thể hiện sự hiệp thông sâu xa với vị Cha Chung của giáo phận.

Xem Hình

Những năm trở lại đây, do nhu cầu mục vụ và nhắm đến mưu ích thiêng liêng cho cộng đoàn Dân Chúa trong giáo phận, Đức Cha đã tổ chức thánh lễ làm phép Dầu tại các giáo hạt. Năm nay giáo xứ Đồng Chưa thuộc giáo hạt Đồng Chưa đăng cai tổ chức.

Công tác chuẩn bị cho ngày đại lễ đã được cha quản hạt Phêrô Vũ Đại Đồng, quý cha trong hạt, các hội đoàn, cùng bà con giáo dân trong hạt, cách riêng là giáo xứ Đồng Chưa, hoàn tất chu đáo từ những ngày trước đó. Ngày hôm nay, ngay từ sáng sớm bầu không khí đã trở nên nhộn nhịp lạ thường, từng đoàn người từ các giáo xứ hân hoan đổ về Đồng Chưa tham dự ngày đại lễ.

Đúng 9g00, đoàn đồng tế trang nghiêm tiến ra lễ đài. Mở đầu thánh lễ, Đức Cha gửi đến quý cha và cộng đoàn Dân Chúa lời chào, lời cầu chúc bình an, sốt sắng trong Tuần Thánh; đồng thời Ngài cũng nói lên những ý nghĩa đặc biệt của thánh lễ ngày hôm nay.

Trong bài giảng, Đức Cha nói lên ý nghĩa các loại Dầu Thánh. Bên cạnh đó Ngài nhấn mạnh đến vai trò của các linh mục, khích lệ các ngài luôn ý thức cố gắng sống xứng đáng với thiên chức cao trọng đã được Chúa trao ban. Đức Cha cũng mời gọi cộng đoàn hãy luôn cầu nguyện, cộng tác, nâng đỡ các ngài khi thi hành thừa tác vụ linh mục. Đặc biệt trong thánh lễ ngày hôm nay, Đức Cha hướng mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận quan tâm đến việc thực thi các công việc bác ái, nâng đỡ những người đau khổ, bệnh tật, cùng cực bất hạnh, xóa bỏ thái độ dửng dưng với tha nhân. Trong bối cảnh năm Phúc Âm hóa các cộng đoàn giáo xứ và cộng đoàn sống đời thánh hiến, Đức Cha tha thiết chia sẻ ước mong của mình là các cộng đoàn giáo xứ và cộng đoàn sống đời thánh hiến ngày hôm nay phải trở thành những hải đảo của tình thương Chúa giữa đại dương vô cảm mênh mông, là nơi mà tất cả mọi người có thể an tâm tìm đến và nương cậy trong bình an đích thực.

Sau bài giảng, các linh mục đứng vòng quanh Đức Cha, trước sự chứng kiễn của cộng đoàn, lặp lại lời tuyên hứa trong ngày chịu chức linh mục. Đây là cơ hội giúp các ngài ý thức lại những bổn phận của người linh mục, khơi lại khát vọng trở nên giống Chúa Kitô mỗi ngày, và là những mục tử tốt lành như lòng Chúa mong ước.

Nghi thức làm phép Dầu diễn ra ngay sau đó. Các bình dầu được quý Thầy phó tế tiến dâng lên Đức Cha để ngài truyền phép thành Dầu Thánh. Sau đó Đức Cha lần lượt truyền phép từng loại dầu.

Trước hết, Đức Cha thánh hiến Dầu Bệnh Nhân (OI), sau đó là Dầu Dự Tòng (OS). Với hai dầu này, Đức Cha dang tay đọc lời nguyện thánh hiến.

Riêng Dầu Thánh Hiến (SC), trước khi dang tay đọc lời nguyện thánh hiến, ngài pha dầu thơm vào bình dầu, thổi hơi vào bình dầu. Đặc biệt, khi Đức Cha đọc lời nguyện thánh hiến, các linh mục hiêp thông với Đức Giám Mục trong im lặng và giơ tay hướng về bình dầu.

Tiếp theo nghi thức truyền phép dầu, Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể như thường lệ.

Sau lời nguyện hiệp lễ, cha quản hạt Đồng Chưa thay lời Ban tổ chức cảm ơn Đức Cha, quý cha, quý chủng sinh, tu sĩ và cộng đoàn. Cách riêng, ngài cảm ơn các hội đoàn, các cá nhân đã góp công sức cộng tác, trợ giúp tổ chức Thánh lễ này.

Trước khi ban phép lành với ơn Toàn Xá, Đức Cha thay mặt quý cha và cộng đoàn cám ơn cha chánh xứ, giáo xứ, giáo hạt Đồng Chưa đã tạo mọi điều kiện giúp tổ chức Thánh lễ được trang nghiêm, sốt sắng. Một lần nữa Ngài cầu chúc mọi người đang hiện diện có một Tuần Thánh sốt sắng, thánh thiện, có việc làm bác ái cụ thể để mừng đại lễ Chúa Phục Sinh trong niềm vui, bình an và ơn thánh.

Sau Thánh lễ, quý thày Phó tế rước Dầu Thánh vào nhà xứ, và san cho quý cha dùng trong năm 2015.

Bài giảng của ĐGM Nguyễn Năng trong thánh lễ Truyền Dầu 2015

“Loan báo Tin Mừng cho người nghèo”

1. Trong thánh lễ Truyền Dầu, Hội Thánh cử hành nghi thức làm phép các loại dầu: dầu dự tòng, dầu thánh hiến, dầu bệnh nhân. Trong ba loại ấy, dầu thánh hiến là quan trọng hơn cả. Dầu thánh hiến được dùng để thánh hiến bàn thờ và nhà thờ, thánh hiến các Kitô hữu khi lãnh nhận bí tích Rửa tội và Thêm sức, thánh hiến các phó tế, linh mục và giám mục. Xức dầu là dấu chỉ bên ngoài diễn tả việc thánh hiến dành cho Thiên Chúa. Khi một người được xức dầu, Chúa Thánh Thần đến trong người ấy để thánh hóa họ và làm cho họ trở nên tư tế.

Chỉ có Chúa Giêsu là Tư tế. Ngài cho chúng ta được thông phần vào chức tư tế của Ngài, “làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đã đổ máu để cứu chuộc chúng ta, nên tất cả chúng ta, các Kitô hữu, đều là tư tế của Thiên Chúa. Các giám mục, linh mục, phó tế, được xức dầu thánh hiến để trở thành hiện thân của Chúa Giêsu trong tư cách là Mục tử và Thủ lãnh. Còn tất cả mọi Kitô hữu, dù là giáo dân hay tu sĩ, nam hay nữ, nhờ bí tích Rửa tội, tất cả đều là tư tế. Giáo lý Công Giáo gọi đây là chức tư tế chung, tư tế phổ quát.

2. Khi nói đến chức tư tế, trước tiên chúng ta nghĩ đến việc cử hành phụng vụ thánh, nhất là thánh lễ, để tôn thờ Thiên Chúa và nhận lãnh ân sủng thánh hóa. Là tư tế, chúng ta phải là những người ở gần Thiên Chúa, gắn bó kết hợp với Ngài. Nhờ việc cử hành Thánh Thể, chúng ta nên một với Chúa Giêsu, sống nhờ Chúa Giêsu và được biến đổi nên giống Chúa Giêsu, để nhờ đó chúng ta làm những công việc cứu thế như Chúa Giêsu.

Tuy nhiên các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho thấy một điều khác cũng quan trọng không kém: khi được xức dầu thánh hiến, chúng ta được đầy tràn Chúa Thánh Thần “để loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”. Chúng ta được “sai đi để công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa”. Như vậy, chức tư tế trong Kitô giáo không phải chỉ để cử hành tế tự, mà trước hết để loan báo Tin Mừng cho người nghèo, dấn thân phục vụ những người bé mọn khổ đau.

3. Điều ấy trước hết áp dụng cho Chúa Giêsu. “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà tai anh chị em vừa nghe”. Chúa Giêsu là Tư tế tối cao, nhưng cứ theo những gì Phúc Âm kể lại, ta không thấy Chúa cử hành các nghi thức tế tự, không thấy Chúa quanh quẩn trong Đền Thờ, mà lại thấy Chúa đi loan báo tình thương cứu độ của Thiên Chúa, yêu mến và bênh vực người nghèo hèn thấp kém, chữa lành bệnh nhân, giải thoát người bị quỉ ám, tha thứ và cứu vớt các tội nhân. Chúa cho kẻ đói được có của ăn, Chúa quì xuống rửa chân cho môn đệ, Chúa hiến mình chịu chết trên thập giá. Tư tế là như thế.

Chúng ta thường quan niệm chức tư tế theo khuôn mẫu tế tự và nghi lễ, mà quên rằng Chúa Giêsu là tư tế một cách hoàn toàn mới mẻ, chứ không theo mẫu của Cựu Ước. Đối với Chúa, là tư tế trước hết là loan báo Tin Mừng, là đi ra đến với người nghèo, là “băng bó những tấm lòng tan nát”.

4. ĐTC Phanxicô nói: “Điều Hội Thánh ngày nay cần hơn cả, đó là khả năng chữa lành các vết thương và sưởi ấm tâm hồn các tín hữu. Hội Thánh cần sự gần gũi, cận kề. Tôi nhìn Hội Thánh như một bệnh viện dã chiến sau một trận đánh. Phải chữa ngay vết thương của họ đã, rồi mới nói tới các chuyện khác. Chữa lành các vết thương, chữa lành các vết thương. Điều quan trọng nhất là lời công bố đầu tiên: Đức Giêsu Kitô đã cứu bạn!”

Vâng, có quá nhiều vết thương cần được chữa lành, có quá nhiều những tấm lòng tan nát cần được băng bó. Người thì đau lâu ốm dài, kẻ thì thân xác tật nguyền, kẻ khác thì chấn thương tâm lý, trầm cảm, thất vọng. Cứ ngước lên mà xem, sẽ thấy bao nhiêu người sống bần cùng đói khổ, cô độc; bao nhiêu cảnh đời bị bỏ rơi, bị loại trừ; bao nhiêu trẻ em mồ côi lang thang kiếm sống để rồi sau này lại đi bụi đời và rơi vào các tệ nạn xã hội; bao nhiêu nạn nhân của bạo lực, hận thù chém giết; bao nhiêu người thấp cổ bé miệng oan ức vì bị áp bức bóc lột; bao nhiêu người mang trong mình những chứng bệnh lây nhiễm phải sống trong mặc cảm bị đào thải. Trong đời sống gia đình, bao nhiêu người chồng người vợ bị phản bội, bao nhiêu người con như đứa con hoang đàng. Trong đời sống tâm linh, biết bao tội nhân đang cần đến lòng thương xót; biết bao người đau khổ vì bị ngăn trở không thể xưng tội rước lễ.

Không thể kể cho hết những vết thương của con người trong xã hội hôm nay. Các vết thương ấy ở trong các gia đình của chúng ta, trong giáo xứ, cộng đoàn, trong xã hội của chúng ta, ngay bên cạnh chúng ta. Nhưng chúng ta không thấy, vì chúng ta dửng dưng vô cảm, vì chúng ta an phận. ĐTC Phanxicô nói: “sự dửng dưng vô cảm có nguy cơ trở thành toàn cầu hóa”. Nghĩa là ngày càng có nhiều người dửng dưng vô cảm, ngay cả trong hàng ngũ các Kitô hữu và các mục tử.

Thay vì dửng dưng vô cảm, Hội Thánh phải là bệnh viện dã chiến, phải chữa lành các vết thương, băng bó những tâm hồn tan nát. Là tư tế của Thiên Chúa, chúng ta được xức dầu thánh hiến để đi ra gặp gỡ những người đang đau khổ và công bố cho họ tình thương cứu độ: Thiên Chúa đã cứu bạn, Thiên Chúa yêu thương bạn. Là tư tế của Thiên Chúa, chúng ta hãy làm một điều gì đó để chữa lành các vết thương tâm hồn và thể xác của họ. Loan báo Tin Mừng cho người nghèo là như thế. Đôi khi chúng ta dễ trở thành những kẻ biệt phái tự hào mình đạo đức để kết án và khủng bố tinh thần của họ. Chúng ta không được làm quan tòa kết án, cũng không được vô tư thản nhiên như thể chẳng hề liên quan đến mình.

Ước gì các cộng đoàn Kitô hữu mang lấy trái tim chạnh lòng thương xót của Chúa để băng bó những tâm hồn tan nát, ủi an khích lệ, mở ra cho họ một con đường để sống xứng đáng phẩm giá con người. Một cộng đoàn được Phúc-Âm-hóa phải là “một hải đảo của lòng thương xót giữa một đại dương dửng dưng vô cảm”. Nếu có một nơi nào để người nghèo đói tìm đến, nếu có một nơi nào để người đau khổ tìm được sự cảm thông và sự an ủi khích lệ, nếu có một nơi nào để những tâm hồn tan nát được chữa lành và tìm thấy ánh sáng của niềm hy vọng, thì đó phải là Hội Thánh, là các cộng đoàn giáo xứ và dòng tu. Hội Thánh là như thế, và đó mới là Hội Thánh.

5. Thật ra, Hội Thánh ngày nay cần cử hành phụng vụ và các nghi thức để tưởng niệm các biến cố trong mầu nhiệm cuộc đời của Chúa, cử hành các bí tích để chuyển thông ân sủng cứu độ cho nhân loại. Không có đời sống kết hiệp với Chúa thì không thể bác ái với tha nhân. Không có ơn Chúa thì dù hoạt động vất vả đến đâu cũng không thể chuyển thông tình thương cứu độ cho người khác được.

Tuy nhiên chúng ta không được dừng lại nơi các sinh hoạt phụng vụ và đạo đức. Là tư tế, chúng ta phải đi ra, dấn thân nhiều hơn nữa vào các hoạt động bác ái và loan báo Tin Mừng cho người đói nghèo, khổ đau và bé mọn. Nhìn lại các sinh hoạt trong Hội Thánh, chúng ta nhận thấy có một sự mất quân bình. Từ cấp giáo phận đến giáo xứ hoặc dòng tu, chúng ta đầu tư rất nhiều vào lãnh vực xây dựng cơ sở vật chất: nhà thờ, nhà giáo lý, tượng đài; chúng ta tổ chức nhiều lễ mừng, các buổi liên hoan, các cuộc rước kiệu, dâng hoa; chúng ta đã phần nào quan tâm nhiều hơn cho việc học hỏi Lời Chúa và giáo lý. Trong khi đó, các sinh hoạt bác ái và loan báo Tin Mừng lại quá kém. Đó là sự mất quân bình nghiêm trọng cần được chấn chỉnh cho phù hợp tinh thần Phúc Âm. Phải, các hoạt động mục vụ của chúng ta đã mất cân đối, đến độ có nguy cơ lạc hướng. Cần tìm lại sự hài hòa cân đối giữa sinh hoạt phụng vụ, giáo lý, xây dựng nhà cửa, bác ái và truyền giáo. Càng cho đi, Hội Thánh lại càng tăng trưởng. Một ngọn đèn mà lấy thùng úp lại chắc chắn sẽ tắt vì thiếu khí. Một Hội Thánh ít quan tâm đến bác ái và loan báo Tin Mừng sẽ không có sức hấp dẫn.

Đời sống của Hội Thánh cần có hai nhịp: đi về và đi ra. Đi về với Chúa để đón nhận sự sống của Chúa qua các cuộc cử hành phụng vụ và các sinh hoạt đạo đức, đi ra đến với tha nhân để đem lòng thương xót của Chúa cho anh chị em. Không đi về với Chúa, sẽ không có lòng mến Chúa làm động lực siêu nhiên thúc đẩy và sẽ như con rối không có định hướng; còn đi về mà không đi ra thì sẽ là những người ích kỷ chỉ biết sống cho riêng mình và có nguy cơ đánh mất chính phần rỗi của mình.

6. Anh em linh mục thân mến, hơn ai hết, anh em và tôi là tư tế một cách đặc biệt với tư cách là hiện thân của Chúa Giêsu là Mục tử và là Thủ lãnh. Là tư tế được đặt lên để phục vụ cộng đoàn Dân Chúa, anh em hãy nghe lại lời của ĐTC Phanxicô: “Các thừa tác viên của Hội Thánh phải thương xót, có trách nhiệm với dân, đồng hành với họ như người Samaritanô nhân hậu, biết rửa sạch, lau khô và nâng đỡ tha nhân. Đây mới là Tin Mừng đích thực. Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi. Các thừa tác viên của Tin Mừng phải là người có thể sưởi ấm trái tim con người, bước đi với họ trong đêm tối, biết đối thoại và để mình đi vào đêm tối của họ, vào bóng đêm nhưng không bị lạc lối. Dân của Chúa muốn có các vị mục tử, chứ không muốn các giáo sĩ hành động giống như nhân viên văn phòng hay công chức”.

Là mục tử, chúng ta dễ bị cám dỗ lo cho 99 con chiên ngoan trong đàn và ngại ngùng lên đường tìm kiếm con chiên lạc. Lo cho những người đạo đức hiền lành không vất vả bằng lo cho những người khô khan nguội lạnh, sống trong tội lỗi hoặc gặp khó khăn trong cuộc sống. Chúng ta có thể dâng mỗi ngày hai ba thánh lễ, nhưng đến với bệnh nhân và người nghèo lại là điều rất khó. Đi thăm những gia đình quen biết vẫn vui hơn đến với những người chưa biết Chúa. Chúng ta là người chịu trách nhiệm giữ cho Hội Thánh ổn định và kỷ cương, nhưng trái tim chúng ta lại có nguy cơ cứng nhắc vô cảm.

Chúng ta phải thắng những cám dỗ ấy. Là tư tế, chúng ta phải lên đường đến với con chiên lạc, loan báo Tin Mừng cho người nghèo, chữa lành các vết thương, băng bó những tâm hồn tan nát; chúng ta phải đi ra, ra khỏi nhà và ra khỏi mình. Hội Thánh là như thế, và đó mới là Hội Thánh.

Nhưng anh em không thể đi ra được nếu không có Chúa trong lòng. Phải có đời sống cầu nguyện và kết hiệp mật thiết với Chúa, anh em mới có thể đem tình thương của Chúa cho mọi người. Nếu ly nước tâm hồn của anh em không đầy Chúa, anh em không thể tuôn trào tình thương của Chúa cho ai được; cùng lắm anh em chỉ có thể làm được một vài việc theo phong trào hoặc tùy hứng từng lúc.

Anh em phải là những người giữ lửa và thông truyền lửa tình yêu cho mọi người. Phải có đời sống nội tâm sâu xa phong phú, anh em mới có đủ khả năng phá tan tình trạng băng giá vô cảm và thông truyền niềm hứng khởi thiêng liêng cho các tín hữu.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần nhào nặn con tim của chúng ta nên giống Trái tim Chúa Giêsu.


+ Gm Giuse Nguyễn Năng