Chứng từ của chỗi dậy

Thiên Thần canh mộ Chúa nói : „Ngài đã chỗi dậy từ cõi chết. Ngài không còn ở đây nữa.“ (Mc 16,6).

Hằng năm vào mùa mừng lễ Chúa sống lại, cây nến Chúa Giêsu phục sinh cao to lớn hơn mọi cây nến trong thánh đường được dựng thắp sáng trên cung thánh. Cây nến này là hình ảnh biểu tượng cho ánh sáng Chúa Giêsu Kito đã chỗi dậy sống lại.

Chỗi dậy sống lại là một biến cố không chỉ lạ lùng, mà nó vượt ra ngoài mọi biên giới của trí tưởng của trí khôn suy hiểu con người chúng ta. Như ánh sáng cây nến Chúa phục sinh lan toả ra, cũng thế sức sống mới từ Chúa Kitô phục sinh cũng lan tỏa ra như vậy.

Chúa Giêsu chỗi dậy sống lại không là một biến cố thuộc về qúa khứ. Nhưng vẫn còn tiếp tục kéo dài vào hiện tại, sát gần gũi với đời sống con người, và có thể cùng muốn điều gì xảy đến với con người chúng ta nữa.

Trong dòng lịch sử đời sống Giáo Hội xưa nay có rất nhiều những khuôn mặt đã sống trải qua là nhân chứng cho chỗi dậy sống lại, mà Chúa Kitô phục sinh đã lan toả sức sống mới của Ngài sang đến cho họ.

1. Maria Magdalena

Vị Thánh nữ này có đời sống sôi nổi lên xuống rất hấp dẫn khác thường.

Phúc âm Thánh Luca thuật lại, Maria Magdalena được Chúa chữa lành giải thoát khỏi bảy qủi dữ (Lc 8,1-3).

Rồi từ đó có lẽ chị ta đã theo Chúa trở thành mên đệ trung tín của Chúa Giêsu cho tới giờ phút cuối cùng của Chúa trên trần gian. (Mc 15,41)

Maria Magdalena là nhân chứng cùng với đức mẹ Maria theo dõi cuộc khổ nạn thương khó của Chúa Giêsu, đứng dưới chân thập gía Chúa tới khi Chúa chết, rồi cùng tham dự tích cực vào cuộc an táng Chúa Giêsu. (Mc 15,40…Mt 27,55…Lc 23,49.., Ga 19,25…),

Và sau cùng là người đầu tiên đã được nghe Thiên Thần báo tin Chúa Giêsu đã sống lại, rồi được gặp nhìn Chúa Giêsu Kito sống lại. (Mc 16,1, Mt 27,61).

Maria Magdalena là nhân chứng tận mắt nhìn vào ngôi mộ chôn Chúa Giêsu trống không còn xác Người nữa.Vì Người đã chỗi dậy sống lại. Ga 20,1-18, Mc 16,9-11.

Theo Đức Giáo Hoàng Gregor cả ( 540 in Rom; † 12. März 604, là Giáo hoàng 590-604) Maria Magdalena cũng là Maria đã khóc lóc ăn năn tội lỗi mình, và lấy tóc lau chân Chúa Giêsu như trong phúc âm thuật lại (Lc 7,36-50).

Đức Giáo Hoàng Gregor cả còn cho rằng Maria thành Betania (Lc 10,39), em của Martha và chị của Lazaro được Chúa Giêsu cho chỗi dậy sống lại khi đã chết, cùng là người đã xức dầu chân Chúa (Ga 12,1-11) cũng là Maria Magdalena.

Cũng còn có ý kiến nghĩ rằng người phụ nữ phạm tội ngoại tình bị bắt đưa đến trước mặt Chúa Giêsu ở sân đền thờ Giêrusalem, và theo luật pháp bị xử ném đá, đã được Chúa Giêsu cứu khỏi bị xử ném đá (Ga 7,53-8,11.), cũng được cho là chính Maria Magdalena.

Dù đời sống Magadalena thế nào đi chăng nữa, Chúa Giêsu đã cho vị Thánh nữ này chỗi dậy, và có được kinh nghiệm cùng cảm nghiệm bản thân thế nào là chỗi dậy sống lại.

2. Saulus

Trên đường đi Damaskus Chúa Kitô sống lại đã hiện ra gặp Saulus. Ngài để cho ông ngã ngựa, và cho ông biết Ngài chính là Chúa Kitô đã chỗi dậy, mà ông đang đi truy lùng những tín hữu của Ngài.

Từ đó Saulus chỗi dậy được cải tên trở thành Phaolo nhận ra Chúa Kitô đã vượt qua sự chết và đã chỗi dậy sống lại. Ông đã xuay hướng thay đổi đời sống, và trở thành nhà truyền giáo can đảm nhiệt thành nhất đi rao giảng làm nhân chứng cho tin mừng Chúa Giêsu Kito đã chỗi dậy sống lại.

Kinh Thánh thuật lại về Ông: 22 "Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi về Giê-ru-sa-lem, mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó,23 trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi.24 Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giê-su, là long trọng làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa.“ (Cv 20, 22-24).

Thánh Phaolo đã được Chúa Giêsu Kitô, đấng đã chỗi dậy, làm cho ông cũng được chỗi dậy, sống làm chứng cho sự chỗi dậy của Chúa Kitô.

3. Phanxico thành Assi

Lúc đạt tới 23 tuổi Phanxico đã quay lại lưng lại không gia nhập đội ngũ phục vụ vị lãnh chúa đi chiến đấu trong chiến tranh nữa. Vì Phanxico nhận ra rằng chỉ có một vị Chúa thật, Người sống vượt trên mọi thiên nhiên. Chúa đó là Chúa Kitô đã chỗi dậy sống lại.

Một hôm đang khi múa nhảy ca hát ngoài đường phố, bỗng nhiên Phanxico đứng khựng lại. Ông cảm thấy cô đơn. Rồi một sức mạnh bừng dậy trong người ông. Sức mạnh đó là ơn gọi làm thay đổi đời ông. Theo ơn gọi đó Phanxico sống là nhân chứng cho Chúa Kito qua cung cách sống nghèo khó khiêm nhượng đến tận cùng.

Chúa Giêsu Kitô đã chổi dậy và đã cho Phanxico cũng chỗi dậy trở thành một vị Thánh thời danh trong Giáo Hội.

4. Anphonsô thành Ligouri

Trong đời sống vị Thánh này, Chúa Giêsu Kitô chỗi dậy đã cho phong trào đạo đức của ông chỗi dậy cách lạ lùng.

Là linh mục, Anphongsô lúc đầu đã tụ tập một ít người đồng chí hướng để cầu nguyện chung và trao đổi về đời sống cảm nghiệm đức tin. Dần dần vòng thân hữu đạo đức này lan rộng thành những những buổi hội họp ban chiều. Năm 1798 có 85 buổi với trên dưới 1.000 tham dự viên. Năm 1834 lên tới 100 buổi với 300 tham dự viên ở mỗi buổi họp. 50 năm sau con số tham dự viên lên tới 30.000 người.

Một ý tưởng và những cảm nghiệm về đức tin đã đưa dẫn đến một nếp sống mới, mà Chúa Giêsu Kito chỗi dậy đã làm cho tâm hồn con người đông đảo tham gia tích cực phong trào đạo đức do Thánh Anphonsô đề nghị khơi lên.

4. Mẹ Thánh Terexa thành Calcutta.

Mẹ Thánh Teresa thành Calcutta đã có thể kể ra rất nhiều kinh nghiệm là nhân chứng về Chúa Giêsu Kitô đã chỗi dậy sống lại, mà Thánh nữ luôn hằng trong đời sống mình có liên quan chặt chẽ với.

Thân phận của những người nghèo khổ cùng đinh đã đánh động làm cho ytâm hồn Mẹ Teresa ăn ngủ không yên. Chính điều này đã trở thành ơn Gọi thứ hai cho mẹ. Mẹ viết lại: năm 1946 tôi đi đến Darjeeling để tham dự tuần cấm phòng. Trên xe lửa tôi nghe thấy tiếng gọi nói trong tâm hồn bỏ mọi sự và theo Chúa Giêsu đến vùng người dân đang sống nghèo khổ cùng đinh, để phục vụ Chúa giữa những người nghèo khổ bất hạnh nhất. Những gì xảy ra trong những năm tháng tiếp theo sau đó, sẽ trở thành không, nếu không có Đấng đã chổi dậy sống lại.

Tiêng gọi của Đấng đã chỗi dậy làm cho mẹ Teresa chỗi dậy đi đến với người nghèo khổ bất hạnh trên trần gian.

5. Các vị truyền giáo

Các nhà truyền giáo ngày xưa cách ba hay bốn trăm năm từ Âu châu đã bỏ lại quê hương sau lưng bôn ba sang tận Á Châu, Phi Châu, Mỹ châu, Úc châu….

Họ đi đến những đất nước ở vùng chân trời xa lạ không phải để lập nghiệp, cũng không phải để đi tỵ nạn. Nhưng để làm công việc truyền bá tin mừng tinh thần đạo giáo cho Chúa Giêsu Kito, Đấng đã chỗi dậy sống lại.

Xưa nay chúng ta gọi họ là những vị Thừa sai. Nếu nghĩ theo kiểu chơi chữ, họ không phải là người „ thừa“ , người làm việc „sai“. Nhưng họ là những người được sai đi.

Người được sai đi phải chỗi dậy mới đi được. Chỉ có sức mạnh của Đấng đã chỗi dậy là Chúa Giêsu Kito mới thúc đẩy làm cho họ chỗi dậy bỏ quê hương xứ sở lên đường ra đi. Họ chỗi đậy ra đi chỉ có một nhiệm vụ sống làm chứng cho Chúa Giêsu Kito đã chỗi dậy sống lại.

6. Đức Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn văn Thuận

Trong những tù biệt giam bên Việt Nam, Đức tổng giám mục Phanxico xavie Nguyễn văn Thuận đã có được kinh nghiệm cùng cảm nghiệm của mình về làm chứng cho Chúa Kitô đã chỗi dậy sống lại thế nào với người Cộng sản“

„ Trong cuộc đời tôi, có những lúc chính hoàn cảnh thực tế đã giúp soi sáng tôi khi nghĩ tới nhiệm vụ lớn lao làm chứng tá cho Chúa Kitô.

Trong thời gian bị biệt giam, tôi được giao cho 5 người canh gác. Họ thay phiên nhau luôn luôn có hai người ở với tôi. Các cấp chỉ huy nói với họ: Cứ mỗi hai tuần chúng tôi sẽ thay thế các anh bầng một nhóm khác, để các anh không bị : tiêm nhiễm bởi ông Giám mục nguy hiểm này.“

Sau một thời gian, chính họ lại đổi quyết định:“ Chúng tôi sẽ không thay đổi các anh nữa, bởi nếu không thì ông giám mục đó sẽ tiêm nhiễm tất cả công an của chúng ta.“

Ban đầu công an canh gác không nói chuyện với tôi. Họ chỉ trả lời có hay là không.

Thật là buồn. tôi muốn tử tế và nhã nhặn với họ mà không được. Họ tránh nói chuyện với tôi.

Đêm nọ, một tư tưởng đến với tôi: „ Phanxicô, con còn giầu lắm, con còn tình yêu Chúa Kitô trong tim, hãy yêu thương họ như Chúa Giêsu đã yêu thương con.“

Ngày hôm sau tôi bắt đầu yêu Chúa Giêsu nơi họ hơn nữa, bằng cách cười nói trao đổi với họ vài câu thân tình. Tôi bắt đầu kể cho họ nghe về những chuyến đi ngoại quốc của tôi, cho họ biết các dân tộc tại Mỹ, tại Nhật Bản, tại Phi luật Tân...sống như thế nào, và nói với họ về kinh tế, về sự tự do, về kỹ thuật.

Tôi đã kích thích tính tò mò của họ và đưa họ tới chỗ đặt rất nhiều câu hỏi. Dần dần chúng tôi trở thành bạn với nhau. Họ muốn học tiếng ngoại quốc: tiếng Pháp, tiếng Anh...và như thế những người canh tù trở thành học trò của tôi.“ Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn văn Thuận, Chứng nhân hy vọng, Các bài giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và Giáo triều Roma, Vatican mùa Chay 12.-18. Tháng Ba 2000. Dân Chúa xuất bản 2001 trang 100 )

Trong đêm tối cùng quẫn cô đơn, Chúa Kitô đấng chỗi dậy sống lại đã đánh thức Đức Cha Thuận chỗi dậy đem tin mừng tình yêu thương cho kẻ ghét làm hại mình.

7. Những bậc cha mẹ

Có lẽ những bậc cha mẹ chúng ta là những người có kinh nghiệm cảm nghiệm nhiều, cùng sâu sắc về đời sống chỗi dậy như thế nào.

Thuở ban đầu lúc mới thành hôn lập gia đình với nhau có lẽ hai vợ chồng mới không cảm thấy sự chỗi dậy bao nhiêu cùng như thế nào. Vì đường đời sống chưa gặp thử thách. Nhưng dần theo dòng thời gian, nhất là khi có con, họ càng nhận ra điều này rõ ràng hơn, và coi chỗi dậy là nhu cầu cần thiết của đời sống.

Nhiều vợ chồng trẻ kể lại rất sung sướng hạnh phúc khi họ có người con chào đời trong gia đình.

Nhưng nhất là người cha càng dần cảm thấy bị „ stress“ nhiều. Vì phải cùng với vợ dành nhiều thời giờ có khi cả thức đêm săn sóc đứa con, những lúc nó đau ốm khóc đêm, rồi phải hy sinh nhiều cho gia đình…

Càng có thêm con trong gia đình, vui mừng đấy, nhưng vợ chồng càng có thêm „ stress“. Họ than thở nhiều khi mệt qúa không chỉ thân xác mỏi mệt, nhưng cả tinh thần cũng chùng xuống nữa. Và chỉ muốn buông xuôi. Những khi như thế hai vợ chồng an ủi nhau, khuyến khích nhau chỗi dậy tiếp tục. Vì đó là bổn phận, là đời sống của chính mình, là tương lai của con cái mình.

Rồi khi con lớn khôn, việc dậy dỗ giáo dục uốn nắn những đứa con sống nên người về học hành, nghề nghiệp, tinh thần đạo gíao, là vần đề lớn cho cha mẹ. Vấn đề lo nghĩ mà rất nhiều khi phân vân không sao tìm ra giải đáp đã làm tinh thần họ uể oải chùng xuống, như người nằm ngồi sát tận nền nhà mặt đất. Những khi như thế mà chỗi dậy được khác nào như sống lại.

Cha mẹ có đức tin Công Giáo vào Chúa Giêsu Kitô đã chỗi dậy sống lại là gương mẫu thúc đẩy cho tinh thần của họ, những khi họ gặp hoàn cảnh khó khăn đứng khựng lại.

Chúa Giêsu Kitô chỗi dậy sống lại mang ánh sáng niềm vui phấn khởi cho con người. Theo dấu chân đó của Chúa Giêsu Kitô, cha mẹ chỗi dậy làm việc bổn phận mang niềm vui hạnh phúc cho chính mình và cho con cái mình trong đời sống.

Chỗi dậy là nhu cầu cần thiết cho đời sống. Chúa Giêsu Kito là người

thứ nhất đã chỗi dậy sống lại mang sự sống ơn cứu độ cho con người khỏi hình phạt tội nguyên tổ Adong Evà.

Sống theo dấu vết của Chúa Giesu chỗi dậy và loan truyền làm chứng cho Chúa Giêsu chỗi dậy sống lại là tiếp nối công việc mang ánh sáng tin mừng sự sống của Chúa giữa lòng đời sống con người trên trần gian.

Mừng lễ Chúa Giesu Kito phục sinh 2015

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long