Cây cầu ván dài ngoằng nằm vắt va vắt vẻo ngang con đường nước chảy qua. Gọi là con đường nước chảy qua vì nó chỉ có nước sau cơn mưa, còn ngày nắng tạnh nó có chút bùn dẻo, nhão nhoẹt. Sở dĩ cần cây cầu ván vì nó là lối đi duy nhất cho hơn trăm học sinh đi ra, đi vào lớp học mỗi ngày. Gọi là cây cầu cho dễ diễn tả, thực ra nó là một miếng ván gỗ cũ, mặt rỗ lỗ chỗ lỗ đinh. Cái đinh tám xám ngoắt, không nhổ được nên được đánh gục đầu là duyên cớ gây thẹo cho lũ học trò. Cái đinh lại nằm ngay gần giữa thân cầu, khi đi miếng ván uốn cong, lượn xuống, run lên bần bật. Ngày nắng khô lũ học trò không ngại nhấn gót thật mạnh cho mảnh ván rung rẩy như giẫy chết nhưng ngày mưa nhún gót làm miếng ván uốn lượn như thế làm người leo, nếu không cẩn trọng, mất thăng bằng, té nhào xuống xình lầy.

Trời mưa ỉ ả cả đêm, nước không nhiều lắm nhưng đủ ướt đất, dính chân. Lũ học trò đi học chân đứa nào cũng đi giầy đất vì đất dính quanh bàn chân một lớp dầy giống hệt như chiếc giầy. Khi leo lên cầu ván nó trơn trượt rất dễ té. quả vậy thằng Tôi sau hai ba lần chao đảo nó té ngay vào chỗ cái đầu đinh gục, đầu gối nó mắc vào đầu đinh, thịt lòi ra không đứa nào dám đến giúp vực nó dậy. Cả bọn hô lên,

Thằng Tôi té cầu. thằng Tôi té cầu.

Thầy giáo nghe tiếng học sinh réo gọi, ông ra đứng vỉa hè lớn tiếng hỏi,

Đây là đứa thứ mấy rồi mà chúng mày vẫn chưa học được bài học cẩn trọng hả?

Nói xong câu đó coi như thầy đã giải quyết vấn đề cách ổn thoả, thầy lững thững đi vào văn phòng bỏ mặc bọn trẻ muốn ra sao thì ra. Trong số năm bảy đứa bị té cầu ván chỉ có thằng Tôi bị nặng nhất, những đứa kia đứa rách áo, kẻ rách quần, đứa bẩn quần áo, không thương tật, riêng thằng Tôi thì mang thương tật. Dẫu thế cả phụ huynh lẫn thầy giáo không ai nghĩ tới vấn đề an toàn học sinh, sửa cây cầu ván cho đàng hoàng. Trách nhiệm của thầy chỉ là tiên học lễ, hậu học văn, còn trách nhiệm an toàn, sức khoẻ của học trò không phải là của thầy.

Hơn tuần sau thằng Tôi mới đi học lại được. Nhìn thấy nó thầy dặn,

Vết thẹo nhắc nhớ mày từ nay phải cẩn thận, nhớ chưa.

Thằng Tôi đáp, Thưa thầy, dạ nhớ.

Vết thẹo té cầu dính liền với cuộc đời thằngTôi. Nó lớn dần với bắp thịt chân của thằng Tôi, khi té vết thẹo bé tí tẹo bằng ngón tay, do đầu đinh xé toác da thịt ra. Khi khôn lớn, vết thẹo cũng to ra bằng nắp hộp lọ dầu cù là, tương xứng với cẳng chân, rõ mồn một, lớp da ngoài bóng loáng, không có lỗ chân lông, coi rất hách dịch.

Mấy chục năm sau mỗi lần nhắc đến vết thẹo, thằng Tôi vẫn không ngờ, hình ảnh lúc đó lại hiện rõ trong đầu, từng chi tiết một rất rõ ràng, mạch lạc, y như hệt lúc nó té ngã. Nó nhìn rõ khuôn mặt thất thần của thằng bạn học, đứa đi trước, đứa đi sau, không dám cứu nó, chỉ đứng ngây ra như trời trồng. Nó nhìn thấy hình ảnh của chính nó, một chân bị treo trên thành ván, mắc vào đầu đinh, chân kia tòng teng, đong đưa. Tay trái nó chống xuống bùn, tay phải cố dơ cao để khỏi làm bẩn tập vở, thế mà mấy tuần sau thầy vẫn viết thơ về nhà nói tập vở nó không giữ gìn cẩn thận, dơ bẩn. Bố nó định tẩn cho một trận nhưng mẹ nó can thiệp làm bố nó nguôi cơn giận. Thằng Tôi thoát được cây đinh gục đầu nhờ mấy đứa bạn sợ quá, nhanh chân phóng thẳng sang bên kia, khiến tấm ván bật mạnh vung lên, bắn nó xuống vũng nước bùn. Thằng Tôi vẫn nghe rõ tiếng thầy hỏi bọn nó câu đây là đứa thứ mấy rồi mà chúng mày vẫn chưa học được bài học cẩn trọng. Nó nhớ khuôn mặt con Cút khóc thét khi nhìn thấy máu từ chân nó chảy ra. Chân nó vướng cây đinh, máu chảy dầm dìa, chưa thấy đau nhưng nó có cảm tưởng con Cút đau hơn nó. Trong lớp nhìn ra nó nhìn thấy cảnh mẹ nó chạy vội đến ôm chằm lấy nó, không sợ dơ bẩn, không sợ máu, nước mắt tràn trề. Thấy mẹ nó đến thầy nói,

Em nó bị té cầu, chảy máu chân, không nặng lắm.

Mẹ nó, nước mắt lưng tròng nói hai tiếng cám ơn rồi dắt con về. Nó cố nhảy còng còng theo mẹ, vết thương lại vỡ ra, máu lại chảy. Thằng Tô to lớn nhất lớp thầy ra lệnh
Tô mày kèm vai thằng Tôi về nhà rồi trở lại học sau.

Vết thẹo nói lên được rất nhiều điều từ quá khứ, hiện tại và kéo dài tới tương lại. Mỗi lần kể lại vết thẹo thằng Tôi vẫn lên tiếng cám ơn hai thằng bạn, đã không bỏ chạy mà còn đứng nhìn nó với con mắt thất thần, thông cảm. Vết thẹo cảnh giác thằng Tôi về nỗi uất ức với thầy ngày đó giờ đã qua, tan biến, chỉ còn lại dư âm của câu nói trách móc. Không phải thời gian xoá nhoà tâm trí, tình cảm mà chính là giúp nó trưởng thành hơn trong suy nghĩ. Vết thẹo dấu ấn kỉ niệm của những ngày giận hờn đã qua. Vết thẹo nhắc nhở một kỉ niệm không thể quên trong quá khứ. Vết thẹo ghi dấu kỉ niệm ấu thơ, dù là kỉ niệm đau khổ. Vết thẹo nhắc nhở tình mẫu tử, lòng yêu thương, nước mắt tràn mi của mẹ nó. Vết thẹo ghi dấu kỉ niệm những ngày đau đớn mẹ nó chăm sóc, chỉ bảo, hướng dẫn, không than thở, trách mắng. Vết thẹo nhắc thằng Tôi nơi chốn nó bị ngã dập vùi. Vết thẹo giúp thằng Tôi nhìn ra tình yêu bạn dành cho nó, tình thương mẹ ấp ủ nó, cái hờ hững của ông thầy, cách làm cẩu thả, thiếu trách nhiệm của người làm cầu ván, thiếu dự phỏng phòng ngừa tai nạn cho người khác.

Vết thẹo giúp nó hiểu tại sao ông thánh Tôma lại đòi coi vết thẹo từ tay chân Đức Kitô. Những điều trên cho thấy Đức Kitô rất tế nhị và khôn ngoan khi cho Tôma xem vết đinh đóng trong lòng bàn tay Ngài. Đây là vết đinh của Thầy. Đây là vết thẹo cạnh sườn Thầy. Chỉ bằng đó chữ cũng nhắn nhủ, nhắc các tông đồ nhớ rành mạch chi tiệt về sự thật đã qua, về sự thật trước mắt, về nơi chốn Thầy bị đóng đinh, về tình yêu Thầy hy sinh cho bạn hữu, về tình yêu và lòng tha thứ Thầy xin cùng Chúa Cha cho kẻ đóng đinh Thầy,về lời hứa Thầy ban nước trời cho kẻ trộm thống hối, về sứ mạng Thầy dặn làm chứng cho muôn dân. Mỗi lần nhìn lên thập tự có Đức Kitô bị đóng đanh, hãy nhìn vết thẹo để nhắc nhớ những gì đã xảy ra cho người mang vết thẹo tình yêu.

Có lẽ Tôma không hiểu hết những gì khi đòi xem vết thẹo, chỉ đến khi nhìn thấy vết thẹo tâm hồn ông mới hiện lên hình ảnh chân thực đó và chính những hình ảnh đó là câu chuyện Tôma suốt đời rao giảng.

Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ tay vào lỗ đinh, và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin Gn 20,25

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org