Nhân kỷ niệm Đệ Nhị Bách Chu Niên (08/16/1815—08/16/2015) Sinh Nhật Cha Thánh Gioan Bosco
Thành Phố Tôrinô sẽ tiếp đón Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô vào tháng 6, 2015
Theo tin từ Zenit.org ngày 25 tháng 3 năm 2015, thì ĐTC Phanxicô sẽ đến Tôrinô vào hai ngày 21 và 22 tháng 6 năm 2015 nhân dịp trưng bầy Khăn Liệm Thánh (từ ngày 19 tháng Tư cho đến 24 tháng Sáu), và kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Cha Thánh Gioan Bosco. Đó là nội dung lời ĐTC Phanxicô loan báo trong buổi gặp gỡ giáo dân hàng tuần vào tháng 11 năm ngoái.
Đây cũng là dịp để vị Giáo Hoàng gốc Á Căn Đình có dịp thăm viếng gia đình gốc xứ Piedmontê của mình.
Trong buổi gặp gỡ báo chí hôm nay, Đức Tổng Giám Mục (ĐTGM) Cesare Nosiglia của thành phố Tôrinô đã tiết lộ chi tiết cuộc hành hương hai ngày của ĐTC như sau:
Chúa Nhật 21 tháng 6 năm 2015
8 giờ sáng: ĐTC gặp các vị đại diện giới lao động tại Piazzeretta Reale. Sau đó, ĐTC sẽ đến Vương Cung Thánh Đường để cầu nguyên trước Khăn Liệm Thánh và trước bàn thờ Chân Phước Pier Giorgio Frassati.
10:45 sáng: ĐTC cử hành Thánh Lễ tại Piazza Vittorio như Ngài vẫn thường làm hàng tuần tại Công Trường Thánh Phêrô, sau đó Ngài sẽ đọc Kinh Truyền Tin.
Kế tiếp Ngài sẽ ăn trưa với các thanh thiếu niên đang bị giam giữ tại “Ferrante Aporte,” cử hành nghi thức thống hối với các thanh thiếu niên, các di dân, người vô gia cư, và một gia đình sống đời du mục.
Buổi chiều, ĐTC viếng thăm Thánh Điện Đức Bà Là Nguồn An Ủi, nơi Ngài sẽ dành một ít thời giờ để cầu nguyện.
3 giờ chiều, ĐTC đến Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, nơi Ngài sẽ gặp các tu sĩ Salêdiêng và Nữ Tử Mẹ Phù Hộ. Tiếp đó, Ngài đến Nhà Thờ Thánh Cottolengo và gặp gỡ các bệnh nhân và người khuyết tật.
6 giờ chiều, ĐTC trở về Piazza Vittorio và gặp gỡ giới trẻ thành phố, kết thúc ngày hành hương thứ nhất.
Thứ Hai 22 tháng 6 năm 2015 được mở đầu với cuộc viếng Đền Valdese. Sau khi trở về tòa TGM, ĐTC sẽ có cuộc gặp gỡ riêng với một số thân nhân họ hàng trong vùng. Tiếp đó, Ngài dâng Thánh Lễ cầu cho các thân nhân và ăn trưa với họ.
Trước khi ra phi trường Casello, ĐTC sẽ có một buổi gặp gỡ ngắn với một số thành viên Ủy Ban Khăn Liệm Thánh cũng như các nhân viên tổ chức cuộc viếng thăm của Ngài.
Với chủ đề là “Tình Yêu Lớn Nhất,” cuộc trưng bầy Khăn Liệm Thánh vào cửa hoàn toàn miễn phí, khách hành hương sẽ tùy tâm dâng cúng để giúp đỡ người nghèo đói và túng thiếu.
Nhân nói đến dịp kỷ niệm 200 năm sinh nhật Cha Thánh Gioan Bosco, vào ngày 16 tháng 4 vừa qua, Zenit.org cũng cho chạy một hàng tin như sau: “Giống như ĐTC Phanxicô, Thánh Sáng Lập Dòng Salêdiêng đã dậy rằng: Không hề có cái gọi là người ‘Kitô hữu buồn.’”
Dù đã hai trăm năm sau ngày sinh, Thánh Gioan Bosco (08/16/1815—01/31/1888)--thường được gọi là Don Bosco—vẫn còn rất thân quen với nhiều người, chỉ có điều là có ít người biết đến các sinh hoạt mang tính sáng tạo nơi Vị Thánh xứ Piedmontê này.
Chẳng hạn như khi thành lập “Nguyện Xá,” Don Bosco đã tổ chức một nhóm trẻ lấy tên là “Thiếu Niên Vui” (TNV), mục đích là dùng các trò chơi, các câu truyện hay sách báo để các bạn trẻ tụ họp lại tìm được niềm vui. Do đó điều cấm kỵ là bất cứ cái gì gây ra buồn nản, nhất là điều lỗi phạm đến giới răn Chúa. Em nào chửi tục, thề gian, kêu Tên Chúa vô cớ hoặc nói chuyện bậy bạ, nhảm nhí thì không được tham gia hội “TNV” này.
Nội quy của hội TNV là: (1) Không nói hay làm điều xúc phạm đến người Kitô hữu, (2) Làm hay ôn bài vở ở trường, (3) Sống vui.
Nói khác đi, Don Bosco và các bạn trẻ chỉ tìm cách sống vui, siêng năng học hành, trung kiên với niềm tin, chan hòa niềm hân hoan kính Chúa, yêu người.
Hội TNV này khiến Don Bosco trở thành nổi danh. Ngài viết: “Năm 1832, Cha được quý mến và tuân phục như một viên đại đội trưởng. Giới trẻ đi tìm Cha ở mọi nơi cốt để được vui chơi, giải trí, hay giúp đỡ riêng tư…trong khi đó, Chúa Quan Phòng gửi tiền cho Cha mua sách vở, quần áo và các nhu yếu phẩm, đỡ gánh nặng cho gia đình Cha.”
Để biết rõ hơn về hội TNV và tìm hiểu xem đuờng lối này đã gây ảnh hưởng thế nào đến chương trình giáo dục giới trẻ, ZENIT đã phỏng vấn Linh Mục (LM) Roberto Spataro, Thư Ký Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Latinitatis và giáo sư tại Giáo Hoàng Học Viện Salêdiêng.
ZENIT: Người ta bảo rằng Don Bosco là một người lạc quan, lúc nào cũng vui tươi, ngài sáng tác nhạc, viết bài hát và soạn kinh, có phải vậy không?
LM Spataro: Đúng thế, Don Bosco là một người đa tài, có nhiều khả năng thiên phú cả về trí thức lẫn sự khéo léo tay chân, thực tiễn. Ngài là một thánh nhân vui tươi. Trong thư “Gaudete in Domino” (hãy hân hoan trong Chúa), ĐTC Phaolô VI đã đề cập đến Don Bosco như là một trong các “Thánh Nhân của niềm vui Kitô hữu.”
Trong cuốn cẩm nang Don Bosco viết về việc đào tạo Kitô hữu, ta đọc thấy rằng: “Có hai cách đánh lừa ma quỷ thường sử dụng nhằm lôi kéo giới trẻ rời xa nhân đức, đó là khiến họ nghĩ rằng muốn phụng sự Chúa thì phải tỏ ra buồn nản, chứ không được nhẹ nhàng thanh thản vui tươi. Các con ơi, không phải thế đâu! Cha muốn dậy chúng con một cách sống đời Kitô hữu, vừa vui vẻ, vừa hạnh phúc, và chỉ cho các con biết như thế nào mới là giải trí đúng nghĩa, phải làm sao mới là sống tươi vui chân chính. Mục tiêu của cuốn sách này là: phụng sự Chúa trong hân hoan vui sướng.”
Niềm lạc quan của Don Bosco không phải là một thái độ ngây thơ. Ngài hiểu rõ xu hướng lăng loàn của bản chất con người, nhưng ngài cũng tin tưởng vào Ơn Thánh Siêu Nhiên. Chính vì thế, ngài đã chọn Thánh Phanxicô đệ Salê làm mẫu mực bởi vì Thánh Phanxicô đi tiên phong trong học thuyết nhân bản tôn sùng, nghĩa là có một quan niệm tích cực thiết thực về con người vốn luôn rộng mở trước tác động của Ơn Thánh.
Don Bosco là một nhạc sĩ, một nhà soạn nhạc, viết thánh ca, nhất là trong những năm đầu đời sống LM. Ngài biết đánh đàn khi còn đi học ở Chieri. Ngài tin rằng âm nhạc có một giá trị giáo dục thực sự. Ngài thường bảo: “Nhà Salêdiêng mà thiếu âm nhạc thì chỉ là cái xác không hồn.”
Tại Nguyện Xá Don Bosco, ta thấy giới trẻ chơi thể thao (đá bóng là số một), ca hát, tập văn nghệ, thổi kèn, đánh trống. Truyền thống này luôn luôn sống động trong mọi nơi có các tu sĩ Salêdiêng hiện diện, cho dù có thể thay đổi về hình thức theo thời gian và tùy theo sở thích của giới trẻ. Học giả thời danh tại Ý là Umberto Eco đã hết lời ca ngợi khi nghĩ đến cái khối tổng hợp của giáo dục và truyền thông, của truyền thông và lãnh đạo giới trẻ mà Don Bosco đã khai sáng.
ZENIT: Có đúng là Don Bosco đã sử dụng các kỹ thuật tân tiến để giảng dậy, tỉ như viết các câu nói và cách ngôn lên trên tường chăng?
LM Spataro: Rất chính xác! Ngày nay ta có Facebook, nhưng vào thời của Ngài, Don Bosco đã rất am tường nghệ thuật truyền thông và biết lợi dụng các phương thức thời đại. Nếu hôm nay bạn đặt chân đến Valdocco, “Thánh Địa của Don Bosco,” bạn có thể đọc được các câu châm ngôn Don Bosco cho viết trên tường. Giới trẻ đi qua đọc được. Và rồi những lời ấy in dần vào tâm trí khiến họ không thể nào quên được.
ZENIT: Vậy đâu là bí quyết của sự khai phá và hiệu năng truyền thông của Don Bosco?
LM Spataro: Câu trả lời ngắn gọn là: vì Don Bosco yêu giới trẻ. Khi người ta nói, hay truyền đạt một thông điệp ‘ex abundantia cordis’ (tràn ứa từ trong tim), thì người ta sẽ tìm được ngôn từ chính xác và việc thông đạt sẽ hữu hiệu. Nói đến lối truyền thông của Don Bosco, ta có thể áp dụng câu châm ngôn này của Thánh Phanxicô đệ Salê, cũng đã trở thành kim chỉ nam cho Chân Phước Hồng Y John Henri Newman: “Cor ad cor loquitur”(hai trái tim cùng thỏ thẻ). Khi nhận chức LM, Don Bosco đã xin cho được ơn nói năng hiệu quả. Chúa đã nhậm lời ngài.
ZENIT: Don Bosco đã đạt thành quả nào trong việc loan báo Tin Mừng và giáo dục những con người không nằm trong luồng ảnh hưởng của ngài?
LM Spataro: Xin cho phép tôi được thay đổi câu hỏi. Trên thực tế, vào thời của Don Bosco, đã bắt đầu có trào lưu hiếu học và đã xuất hiện nhiều cá nhân xuất sắc ít là trong giai đoạn tiểu học. Điều này khiến ta lưu ý đến một điểm ít người biết đến, đó là: Don Bosco là một người viết rất nhiều. Ngài viết dưới hình thức của một tâm thư (Epistolario); ngài viết để đáp ứng nhu cầu của giới bình dân vốn bị lãng quên vì sách báo thời đó dành ưu tiên cho giới chuyên môn. Ngài viết hàng loạt bài được đăng trong các tập sách nhỏ, mang tên là “Bài Đọc Công Giáo.” Ngài viết nhiều cho giới trẻ, đồng thời viết sách giáo khoa, tỉ như cuốn “Lịch Sử Nước Ý.’
Và để đáp ứng nhu cầu giáo dục những người nghèo nhất, ngài còn sáng tác cả hài kịch, tỉ như vở “Hệ Thống Đo Lường Bằng Mét,” nhằm tránh việc du nhập hệ thống đo lường mới gây thiệt hại cho khá nhiều người.
Lần đầu tiên gặp Chân Phước Piô IX, Don Bosco đã tự giới thiệu như là một LM lo về “Nguyện Xá” và viết các bài trong loạt “Bài Đọc Công Giáo.” Tóm lại, là một vị thánh thời đại mới, Don Bosco đã sử dụng các phương tiện truyền thông tiến bộ nhất thời đó để có thể đến được với nhiều người. Năm 1884, trong dịp Tổng Triển Lãm tại Tôrinô, ngài đoạt giải hai về hiệu năng ấn loát (mà lẽ ra ngài phải chiếm giải nhất!).
Đó mới chỉ là sơ lược về Don Bosco. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã truy tặng ngài danh hiệu là: “Cha và Thầy của Giới Trẻ.”
ZENIT: Liệu Don Bosco sẽ nói gì với giới trẻ hôm nay?
LM Spataro: Trong cả ngàn thứ ngôn ngữ, với cả ngàn giọng điệu khác nhau. Don Bosco chắc sẽ nói với họ rằng điều ngài viết trong lời phi lộ của tổng hợp khoa sư phạm, dưới hình thức tâm thư, đó là “Thư viết từ Rôma” năm 1884. Đây là những lời tuyệt vời ngài viết: “Cha chỉ có một ước mơ, đó là nhìn thấy các con được hạnh phúc đời này và đời sau.” Chắc hẳn Don Bosco sẽ nhắc lại lời này cho từng em.
Đầu Tháng Hoa Mẹ 2015
Nguyễn Kim Ngân
Thành Phố Tôrinô sẽ tiếp đón Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô vào tháng 6, 2015
Theo tin từ Zenit.org ngày 25 tháng 3 năm 2015, thì ĐTC Phanxicô sẽ đến Tôrinô vào hai ngày 21 và 22 tháng 6 năm 2015 nhân dịp trưng bầy Khăn Liệm Thánh (từ ngày 19 tháng Tư cho đến 24 tháng Sáu), và kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Cha Thánh Gioan Bosco. Đó là nội dung lời ĐTC Phanxicô loan báo trong buổi gặp gỡ giáo dân hàng tuần vào tháng 11 năm ngoái.
Đây cũng là dịp để vị Giáo Hoàng gốc Á Căn Đình có dịp thăm viếng gia đình gốc xứ Piedmontê của mình.
Trong buổi gặp gỡ báo chí hôm nay, Đức Tổng Giám Mục (ĐTGM) Cesare Nosiglia của thành phố Tôrinô đã tiết lộ chi tiết cuộc hành hương hai ngày của ĐTC như sau:
Chúa Nhật 21 tháng 6 năm 2015
8 giờ sáng: ĐTC gặp các vị đại diện giới lao động tại Piazzeretta Reale. Sau đó, ĐTC sẽ đến Vương Cung Thánh Đường để cầu nguyên trước Khăn Liệm Thánh và trước bàn thờ Chân Phước Pier Giorgio Frassati.
10:45 sáng: ĐTC cử hành Thánh Lễ tại Piazza Vittorio như Ngài vẫn thường làm hàng tuần tại Công Trường Thánh Phêrô, sau đó Ngài sẽ đọc Kinh Truyền Tin.
Kế tiếp Ngài sẽ ăn trưa với các thanh thiếu niên đang bị giam giữ tại “Ferrante Aporte,” cử hành nghi thức thống hối với các thanh thiếu niên, các di dân, người vô gia cư, và một gia đình sống đời du mục.
Buổi chiều, ĐTC viếng thăm Thánh Điện Đức Bà Là Nguồn An Ủi, nơi Ngài sẽ dành một ít thời giờ để cầu nguyện.
3 giờ chiều, ĐTC đến Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, nơi Ngài sẽ gặp các tu sĩ Salêdiêng và Nữ Tử Mẹ Phù Hộ. Tiếp đó, Ngài đến Nhà Thờ Thánh Cottolengo và gặp gỡ các bệnh nhân và người khuyết tật.
6 giờ chiều, ĐTC trở về Piazza Vittorio và gặp gỡ giới trẻ thành phố, kết thúc ngày hành hương thứ nhất.
Thứ Hai 22 tháng 6 năm 2015 được mở đầu với cuộc viếng Đền Valdese. Sau khi trở về tòa TGM, ĐTC sẽ có cuộc gặp gỡ riêng với một số thân nhân họ hàng trong vùng. Tiếp đó, Ngài dâng Thánh Lễ cầu cho các thân nhân và ăn trưa với họ.
Trước khi ra phi trường Casello, ĐTC sẽ có một buổi gặp gỡ ngắn với một số thành viên Ủy Ban Khăn Liệm Thánh cũng như các nhân viên tổ chức cuộc viếng thăm của Ngài.
Với chủ đề là “Tình Yêu Lớn Nhất,” cuộc trưng bầy Khăn Liệm Thánh vào cửa hoàn toàn miễn phí, khách hành hương sẽ tùy tâm dâng cúng để giúp đỡ người nghèo đói và túng thiếu.
Nhân nói đến dịp kỷ niệm 200 năm sinh nhật Cha Thánh Gioan Bosco, vào ngày 16 tháng 4 vừa qua, Zenit.org cũng cho chạy một hàng tin như sau: “Giống như ĐTC Phanxicô, Thánh Sáng Lập Dòng Salêdiêng đã dậy rằng: Không hề có cái gọi là người ‘Kitô hữu buồn.’”
Dù đã hai trăm năm sau ngày sinh, Thánh Gioan Bosco (08/16/1815—01/31/1888)--thường được gọi là Don Bosco—vẫn còn rất thân quen với nhiều người, chỉ có điều là có ít người biết đến các sinh hoạt mang tính sáng tạo nơi Vị Thánh xứ Piedmontê này.
Chẳng hạn như khi thành lập “Nguyện Xá,” Don Bosco đã tổ chức một nhóm trẻ lấy tên là “Thiếu Niên Vui” (TNV), mục đích là dùng các trò chơi, các câu truyện hay sách báo để các bạn trẻ tụ họp lại tìm được niềm vui. Do đó điều cấm kỵ là bất cứ cái gì gây ra buồn nản, nhất là điều lỗi phạm đến giới răn Chúa. Em nào chửi tục, thề gian, kêu Tên Chúa vô cớ hoặc nói chuyện bậy bạ, nhảm nhí thì không được tham gia hội “TNV” này.
Nội quy của hội TNV là: (1) Không nói hay làm điều xúc phạm đến người Kitô hữu, (2) Làm hay ôn bài vở ở trường, (3) Sống vui.
Nói khác đi, Don Bosco và các bạn trẻ chỉ tìm cách sống vui, siêng năng học hành, trung kiên với niềm tin, chan hòa niềm hân hoan kính Chúa, yêu người.
Hội TNV này khiến Don Bosco trở thành nổi danh. Ngài viết: “Năm 1832, Cha được quý mến và tuân phục như một viên đại đội trưởng. Giới trẻ đi tìm Cha ở mọi nơi cốt để được vui chơi, giải trí, hay giúp đỡ riêng tư…trong khi đó, Chúa Quan Phòng gửi tiền cho Cha mua sách vở, quần áo và các nhu yếu phẩm, đỡ gánh nặng cho gia đình Cha.”
Để biết rõ hơn về hội TNV và tìm hiểu xem đuờng lối này đã gây ảnh hưởng thế nào đến chương trình giáo dục giới trẻ, ZENIT đã phỏng vấn Linh Mục (LM) Roberto Spataro, Thư Ký Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Latinitatis và giáo sư tại Giáo Hoàng Học Viện Salêdiêng.
ZENIT: Người ta bảo rằng Don Bosco là một người lạc quan, lúc nào cũng vui tươi, ngài sáng tác nhạc, viết bài hát và soạn kinh, có phải vậy không?
LM Spataro: Đúng thế, Don Bosco là một người đa tài, có nhiều khả năng thiên phú cả về trí thức lẫn sự khéo léo tay chân, thực tiễn. Ngài là một thánh nhân vui tươi. Trong thư “Gaudete in Domino” (hãy hân hoan trong Chúa), ĐTC Phaolô VI đã đề cập đến Don Bosco như là một trong các “Thánh Nhân của niềm vui Kitô hữu.”
Trong cuốn cẩm nang Don Bosco viết về việc đào tạo Kitô hữu, ta đọc thấy rằng: “Có hai cách đánh lừa ma quỷ thường sử dụng nhằm lôi kéo giới trẻ rời xa nhân đức, đó là khiến họ nghĩ rằng muốn phụng sự Chúa thì phải tỏ ra buồn nản, chứ không được nhẹ nhàng thanh thản vui tươi. Các con ơi, không phải thế đâu! Cha muốn dậy chúng con một cách sống đời Kitô hữu, vừa vui vẻ, vừa hạnh phúc, và chỉ cho các con biết như thế nào mới là giải trí đúng nghĩa, phải làm sao mới là sống tươi vui chân chính. Mục tiêu của cuốn sách này là: phụng sự Chúa trong hân hoan vui sướng.”
Niềm lạc quan của Don Bosco không phải là một thái độ ngây thơ. Ngài hiểu rõ xu hướng lăng loàn của bản chất con người, nhưng ngài cũng tin tưởng vào Ơn Thánh Siêu Nhiên. Chính vì thế, ngài đã chọn Thánh Phanxicô đệ Salê làm mẫu mực bởi vì Thánh Phanxicô đi tiên phong trong học thuyết nhân bản tôn sùng, nghĩa là có một quan niệm tích cực thiết thực về con người vốn luôn rộng mở trước tác động của Ơn Thánh.
Don Bosco là một nhạc sĩ, một nhà soạn nhạc, viết thánh ca, nhất là trong những năm đầu đời sống LM. Ngài biết đánh đàn khi còn đi học ở Chieri. Ngài tin rằng âm nhạc có một giá trị giáo dục thực sự. Ngài thường bảo: “Nhà Salêdiêng mà thiếu âm nhạc thì chỉ là cái xác không hồn.”
Tại Nguyện Xá Don Bosco, ta thấy giới trẻ chơi thể thao (đá bóng là số một), ca hát, tập văn nghệ, thổi kèn, đánh trống. Truyền thống này luôn luôn sống động trong mọi nơi có các tu sĩ Salêdiêng hiện diện, cho dù có thể thay đổi về hình thức theo thời gian và tùy theo sở thích của giới trẻ. Học giả thời danh tại Ý là Umberto Eco đã hết lời ca ngợi khi nghĩ đến cái khối tổng hợp của giáo dục và truyền thông, của truyền thông và lãnh đạo giới trẻ mà Don Bosco đã khai sáng.
ZENIT: Có đúng là Don Bosco đã sử dụng các kỹ thuật tân tiến để giảng dậy, tỉ như viết các câu nói và cách ngôn lên trên tường chăng?
LM Spataro: Rất chính xác! Ngày nay ta có Facebook, nhưng vào thời của Ngài, Don Bosco đã rất am tường nghệ thuật truyền thông và biết lợi dụng các phương thức thời đại. Nếu hôm nay bạn đặt chân đến Valdocco, “Thánh Địa của Don Bosco,” bạn có thể đọc được các câu châm ngôn Don Bosco cho viết trên tường. Giới trẻ đi qua đọc được. Và rồi những lời ấy in dần vào tâm trí khiến họ không thể nào quên được.
ZENIT: Vậy đâu là bí quyết của sự khai phá và hiệu năng truyền thông của Don Bosco?
LM Spataro: Câu trả lời ngắn gọn là: vì Don Bosco yêu giới trẻ. Khi người ta nói, hay truyền đạt một thông điệp ‘ex abundantia cordis’ (tràn ứa từ trong tim), thì người ta sẽ tìm được ngôn từ chính xác và việc thông đạt sẽ hữu hiệu. Nói đến lối truyền thông của Don Bosco, ta có thể áp dụng câu châm ngôn này của Thánh Phanxicô đệ Salê, cũng đã trở thành kim chỉ nam cho Chân Phước Hồng Y John Henri Newman: “Cor ad cor loquitur”(hai trái tim cùng thỏ thẻ). Khi nhận chức LM, Don Bosco đã xin cho được ơn nói năng hiệu quả. Chúa đã nhậm lời ngài.
ZENIT: Don Bosco đã đạt thành quả nào trong việc loan báo Tin Mừng và giáo dục những con người không nằm trong luồng ảnh hưởng của ngài?
LM Spataro: Xin cho phép tôi được thay đổi câu hỏi. Trên thực tế, vào thời của Don Bosco, đã bắt đầu có trào lưu hiếu học và đã xuất hiện nhiều cá nhân xuất sắc ít là trong giai đoạn tiểu học. Điều này khiến ta lưu ý đến một điểm ít người biết đến, đó là: Don Bosco là một người viết rất nhiều. Ngài viết dưới hình thức của một tâm thư (Epistolario); ngài viết để đáp ứng nhu cầu của giới bình dân vốn bị lãng quên vì sách báo thời đó dành ưu tiên cho giới chuyên môn. Ngài viết hàng loạt bài được đăng trong các tập sách nhỏ, mang tên là “Bài Đọc Công Giáo.” Ngài viết nhiều cho giới trẻ, đồng thời viết sách giáo khoa, tỉ như cuốn “Lịch Sử Nước Ý.’
Và để đáp ứng nhu cầu giáo dục những người nghèo nhất, ngài còn sáng tác cả hài kịch, tỉ như vở “Hệ Thống Đo Lường Bằng Mét,” nhằm tránh việc du nhập hệ thống đo lường mới gây thiệt hại cho khá nhiều người.
Lần đầu tiên gặp Chân Phước Piô IX, Don Bosco đã tự giới thiệu như là một LM lo về “Nguyện Xá” và viết các bài trong loạt “Bài Đọc Công Giáo.” Tóm lại, là một vị thánh thời đại mới, Don Bosco đã sử dụng các phương tiện truyền thông tiến bộ nhất thời đó để có thể đến được với nhiều người. Năm 1884, trong dịp Tổng Triển Lãm tại Tôrinô, ngài đoạt giải hai về hiệu năng ấn loát (mà lẽ ra ngài phải chiếm giải nhất!).
Đó mới chỉ là sơ lược về Don Bosco. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã truy tặng ngài danh hiệu là: “Cha và Thầy của Giới Trẻ.”
ZENIT: Liệu Don Bosco sẽ nói gì với giới trẻ hôm nay?
LM Spataro: Trong cả ngàn thứ ngôn ngữ, với cả ngàn giọng điệu khác nhau. Don Bosco chắc sẽ nói với họ rằng điều ngài viết trong lời phi lộ của tổng hợp khoa sư phạm, dưới hình thức tâm thư, đó là “Thư viết từ Rôma” năm 1884. Đây là những lời tuyệt vời ngài viết: “Cha chỉ có một ước mơ, đó là nhìn thấy các con được hạnh phúc đời này và đời sau.” Chắc hẳn Don Bosco sẽ nhắc lại lời này cho từng em.
Đầu Tháng Hoa Mẹ 2015
Nguyễn Kim Ngân