LỄ CHÚA BA NGÔI, năm B
Mt 28,16-20

CHÚA BA NGÔI : CHÚA CHA CHÚA CON VÀ CHÚA THÁNH THẦN

Nói về Chúa Ba Ngôi là một việc không phải là dễ ! Bởi vì, người ta chỉ có thể hiểu được Chúa Ba Ngôi nhờ đức tin. Tôi vẫn còn nhớ khi còn nhỏ tham dự các lớp giáo lý :các Sơ, các Thầy và các Giáo lý viên hay dung ngón tay có ba đốt để ví von về Chúa Ba Ngôi. Có người dùng trái trứng gà, trứng vịt hoặc trứng ngỗng để cắt nghĩa Chúa Ba Ngôi. Càng lớn lên, càng suy niệm, học hỏi, tôi càng cả thấy những cách diễn tả ấy không ổn mấy! Phải có đức tin, suy niệm, lắng đọng thẳm sâu tâm hồn, với đức tin, người ta mới nhận ra Chúa Ba Ngôi như Chúa Giêsu dạy :” …Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần…” ( Mt 28, 20 ).

Thực tế, khi nói về Chúa Ba Ngôi, chúng ta chỉ có thể nhận ra Ngài khi chính Thiên Chúa mặc khải, Đấng ấy là Chúa Giêsu, Con Một duy nhất của Thiên Chúa, chính Ngài sẽ cho chúng ta biết có một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi khác nhau nhưng chỉ là một Thiên Chúa. Đây là mầu nhiệm về Chúa Ba Ngôi. Thánh Gioan định nghĩa :” Thiên Chúa là Tình Yêu “. Thiên Chúa duy nhất nhưng không hề lẻ loi, đơn độc, không bao giờ cô đơn . Nhiều lần Chúa Giêsu đã xác định :” Ta và Cha Ta là một “ “ Lạy Cha xin hãy cho mọi người hiệp nhất nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha “.Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giorđăng, chúng ta nhận thấy Ba Ngôi Thiên Chúa xuất hiện một lúc “ Trên trời có tiếng phán : Đây là Con Ta yêu dấu, Con làm đẹp lỏng Ta. Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa, Chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa “. Có lần Chúa Giêsu nói :” Cha Ta làm việc liên lỉ. Ta cũng làm việc liên lỉ. Chúa Giêsu cũng nhiều lần nói tới Chúa Thánh Thần :” Cha sẽ ban cho anh em Một Đấng Phù Trợ khác để Ngài ở với anh em luôn mãi “ ( Ga 14, 16 ). Ba Ngôi Thiên Chúa luôn khăng khít với nhau để dẫn đưa con người, dẫn dắt Giáo Hội. Con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Do đó, Chúa Ba Ngôi luôn hiện diện trong con người chúng ta. Thiên Chúa luôn cần cù làm việc để tô đẹp vũ trụ, gìn giữ vũ trụ, loài người, con người. Chúa Giêsu, nghĩa là Chúa Con, Ngôi Hai Thiên Chúa hy sinh mạng sống cứu đời, làm cho con người, loài người được hạnh phúc, được thoát vòng tội lỗi. Chúa Thánh Thần, Đấng tác sinh, thánh hóa, soi dẫn con người, dẫn dắt Giáo Hội.

Mầu nhiệm Ba Ngôi đưa chúng ta vào sự thật vì chính Chúa Giêsu đưa chúng ta kết hiệp, hiệp nhất với Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi đưa chúng ta sống hiệp thông, chia sẻ và yêu thương bởi vì “ Ai ở trong Tình Yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy “ ( 1 Ga 4, 16 ).

Mỗi lần chúng ta đọc Kinh Tin Kính là chúng ta tuyên xưng một Chúa Ba Ngôi. Mỗi lần chúng ta đọc Kinh Sáng Danh là mỗi lần chúng ta ca ngợi Thiên Chúa Ba Ngôi. Đặc biệt, mỗi lần chúng ta vì dấu Thánh Giá là mỗi lần chúng ta in dấu Thánh Giá trên con người chúng ta. Chúng ta đã được lãnh nhận Chúa Ba Ngôi ngày chúng ta được chịu phép rửa.Chúa Ba Ngôi luôn đi theo chúng ta trong cuộc hành trình đức tin của chúng ta.

Cha Francois-Xavie Amherdt viết :” …Hãy rửa tội cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Hãy dìm họ vào trong tình yêu đã kết hợp Thầy với Chúa Cha và được gọi là Thánh Thần. Hãy hít thở bằng sự hiện diện của Thầy. Hãy để cho Thần Khí của Thầy cư ngụ trong các con, hãy hiệp thông với Người và chuyển giao Người cho đồng loại “.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con luôn tôn kính, mến yêu Chúa Ba Ngôi. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Chúng ta biết Chúa Ba Ngôi nhờ ai ?
2.Thánh Gioan định nghĩa Thiên Chúa là ai ?
3.Nơi nào cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều xuất hiện ?
4.Ba Ngôi Vị : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là mấy Chúa ?
5.Trong Ba Ngôi : Cha, Con và Thánh Thần, Ngôi nào lớn, Ngôi nào bé hơn?