“Hội Dòng Ảnh Phép lạ”, một tên gọi mà có thể không chỉ trong nước, cả trên toàn thế giới cũng ít người nghe đến cái tên, lại là một Hội Dòng chỉ chuyên dành cho các thiếu nữ người dân tộc thiểu số vùng Tây nguyên, đặc biệt vùng Kontum, vùng Truyền giáo đầu tiên ở Tây Nguyên. Vậy mà dòng Ảnh Phép lạ Kontum đã được Tòa Thánh phê chuẩn từ ngày 3 tháng 2 năm 1947, do Đức Cha Jean Sion Khâm chính thức công bố thành lập ngày 6 tháng 4 năm 1947, lấy ngày Bổn mạng là ngày 27/11 hằng năm, lễ Đức Mẹ hiện ra với bà Thánh Catarina de Labouré.

Hình ảnh

Các nữ tu Dòng Ảnh Phép lạ là những chị em người dân tộc Giarai. Xơđăng, Bahnar, Rơngao, Deh, Jră, Jơlơng.v.v…Chính nhờ các xơ mà hạt giống Tin mừng ngày càng được gieo rắc khắp các bản làng. Các xơ đã dùng chính đời sống phục vụ đầy tràn tình yêu thương, cùng với tiếng nói bản địa của mình để thu phục nhân tâm nơi chính bản làng dân tộc của mình. Khi thiết lập Hội Dòng, Đức Cha Jean Sion Khâm chỉ ước ao xin Mẹ Maria làm Phép lạ, ban cho các xơ người dân tộc biến đổi được cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đang hết sức mê tín, lạc hậu, trở thành những con người tiến bộ, biết hòa nhập vào cuộc sống của xã hội văn minh để có thể trở thành những người con của Chúa, biết yêu thương và đùm bọc lẫn nhau.

Trải qua gần 70 năm, hiện nay Hội dòng cũng chỉ mới có 130 nữ tu, 10 dự khấn, phục vụ ở 27 Cộng đoàn thuộc Giáo phận Kontum. Trong đó có 6 Cộng đoàn là những Nhà Vinh Sơn, chuyên nuôi dạy trẻ mồ côi. Tuy nhiên, hầu như cộng đoàn nào cũng có nuôi dưỡng các trẻ em mồ côi và có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Có Cộng đoàn chuyên chăm sóc những bệnh nhân Phong cùi.

Hội dòng Ảnh Phép lạ với cuộc sống phục vụ yêu thương:

Để được trải nghiệm cuộc sống đích thực của các xơ (tiếng dân tộc Bahnar gọi là Yă, đọc là Giá), chúng tôi đã bỏ ra nhiều ngày để tiếp xúc với một số Cộng đoàn. Không báo trước cho các xơ mà chỉ đến thật bất ngờ để được tận mục sở thị cuộc sống đời thường của các xơ.

Đến Nhà Vinh Sơn 1, là Cộng đoàn gần nhất, ở tại trung tâm Thành phố Kontum, tọa lạc ngay sau Nhà thờ Gỗ (Nhà thờ Chính tòa). Nơi đây nuôi dạy 200 em mồ côi và nghèo khó, gôm 82 nam và 112 nữ nhưng chỉ có 5 nữ tu phụ trách. Có em chỉ mới sơ sinh, các xơ phải vất vả chăm sóc, các em mới khỏe mạnh được. Có em đang theo học lớp 12 và cao đẳng.

Vất vả nhất là khi các cháu ốm đau phải đưa đi bệnh viện, theo xơ Y Khâm cho biết: khi mang cháu đến bệnh viện, xơ mang theo bình sữa cho bú khi cháu khóc. Xơ Y Khâm thì người to cao, nhiều người hiểu lầm và mắng: “Mẹ thì to khỏe mà không cho con bú, bảo sao nó không bệnh!” Xơ Y Khâm cũng chỉ biết im lặng chứ không muốn thanh minh, nhưng sau đó họ biết là các xơ nuôi trẻ mồ côi thì đến xin lỗi.

Xơ Y Khâm là Phó Bề trên Cộng đoàn Vinh Sơn ! cho biết: Tất cả các Nhà Vinh Sơn đều được sự giúp đỡ của Hiệp hội YOU CAN MAKE A DIFFERENCE của Hoa Kỳ tài trợ tiền ăn mỗi cháu 5.000đ/ngày. Ngoài ra cũng có những đoàn từ thiện từ khắp nơi thỉnh thoảng đến thăm và giúp một số quà. Các xơ phải trồng trọt, chăn nuôi thêm để các em có thêm lương thực đầy đủ.

Nhà Vinh Sơn 1 và Vinh Sơn 2 do điều kiện ở trung tâm thành phố Kontum nên theo chủ trương của Nhà nước là cơ sở hạ tầng phải đủ tiêu chuẩn mới được nuôi dạy trẻ mồ côi. Nhờ sự trợ giúp của các nhà hảo tâm, 2 cộng đoàn này được xây dựng khang trang hơn cả. Nhưng đây lại là một khó khăn cho 2 nhà, có nhiều lần đoàn từ thiện ghé thăm định tặng quà, thấy nhà cửa khang trang họ liền quay xe đi chỗ khác.

Tại Nhà Vinh Sơn 6, thuộc làng Kon Dơxing, huyện Kon Rẫy. Chúng tôi đến từng chuồng heo nhà, heo rừng do các xơ chăn nuôi, ra thăm những vườn rau và rẫy của các xơ. Thời tiết ở đây thật khắc nghiệt, đất đai lại khô cằn nên vào mùa này chẳng có cây gì mọc được.

Đang lúc dùng cơm với các xơ, cơn mưa giông bất ngờ ập đến, do mái tôn lâu ngày xuống cấp nên nước mưa chảy ào vào nhà, mưa ướt cả những ổ điện gây chập và mất điện. Chúng tôi phải bỏ dỡ bữa ăn để gấp rút quay về vì đường xa trời mưa rất nguy hiểm.

Một đặc điểm chung về thức ăn của các Nhà Vinh Sơn, món ăn đặc sãn được gọi là truyền thống, đó là món rau đọt mì. Đọt khoai mì được luộc hoặc nấu canh, món ăn mà không một người dân tộc nào không ăn. Chúng tôi cũng ăn thử nhưng nói ra thật ngại, vì mùi vị rất nồng và khó nuốt, thế mà ai cũng ăn một cách ngon lành. Cùng ăn với các xơ, món mà tôi khoái khẩu nhất là rau khoai lang và canh bầu. Vị rau thật ngọt, không bón, không thuốc sâu.

Đến thăm Làng Phong cùi Đăk Kia, xúc động trước ngôi nhà lụp xụp, vào trong nhà có cảm giác nóng hầm, vậy mà xơ Y Phương năm nay 78 tuổi đã ở đây chăm sóc cho bệnh nhân cùi đã 50 năm, chúng tôi thật thắc mắc sao xơ tiếp xúc với người cùi lâu năm vậy mà không lây? Xơ Y Phương cho biết do mình biết giữ vệ sinh, nhất là nhờ Mẹ ban phép lạ. Khi tôi đến thì xơ Y Lan đang chia thịt heo cho những người cùi trong làng, vì hôm nay là ngày Quốc tế đẩy lùi dịch bệnh phong cùi.

Chia thịt heo cho người cùi, nhưng đến bữa trưa chúng tôi lại được thưởng thức rau mì truyền thống, tôi chỉ ăn được duy nhất món canh bầu. Ở đây cũng có chừng 20 em được 2 xơ nuôi dưỡng, cùng ngồi ăn chung với nhau. Đem thắc mắc hỏi xơ Y Lan thì được giải thích: Đó là con em của những bệnh nhân phong cùi, do ở nhà không có gì ăn nên các em đến đây ăn nhờ của các xơ. Từ đó 2 xơ phải cưu mang các em. Hai xơ đã nghèo lại càng thêm khó khăn, bởi vì hầu như các đoàn từ thiện, các nhà hảo tâm chỉ biết đến thăm và giúp đỡ những người bệnh phong cùi, chứ không ai biết rằng con cái họ chính là những người đang rất cần được sự giúp đỡ.

Cảm nhận được những điều tốt đẹp sau những ngày tiếp cận với các Cộng đoàn, đó là các xơ đã gìn giữ được những nét văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc mình cho thế hệ mai sau. Từ những kỹ thuật dệt, những điệu múa cồng chiêng v.v…Nhưng điều đáng ghi nhận nhất đó là các xơ đã đào tạo được những con người truyền giáo là người dân tộc thiểu số. Vì chỉ có các xơ nuôi dạy các em mồ côi, có điều kiện cho các em học hành, tạo cho các em một nền đạo đức nhân bản trước khi dấn bước theo ơn gọi. Đời sống của người dân tộc thiểu số còn quá nhiều khó khăn để cho con cái được đến trường, do đó ơn gọi cũng rất khó. Như Mẹ Bề trên Hội Dòng đã từng tâm sự: “Các em dự tu đến từ các Nhà Vinh Sơn thì rất dễ đào tạo vì các em đã có một nền căn bản đạo đức nhân bản, nhất là các em biết vâng lời. Còn các em đến từ bản làng dù có học giỏi và ngoan hiền cách mấy cũng như những con thú giữa rừng, bây giờ ràng buộc vào trong chuồng thì nó bất kham”.

Mà nói như Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn: “Chỉ có những người dân tộc mới có thể truyền đạt thiết thực nhất Tin Mừng của Chúa cho chính người dân tộc của mình”. Đó cũng chính là mục tiêu truyền giáo của Đức Cha Jean Sion Khâm khi thành lập Hội Dòng.