(Vatican, 12/12/2003) - Ngày 12/12/2003, Đức Thánh Cha đã tiếp 4 vị tân đại sứ đến trình quốc thư. Đây là một dịp để Đức Thánh Cha bày tỏ quan ngại của ngài về tương lai Châu Âu và tình hình tại Thánh Địa.

Đức Thánh Cha đã bày tỏ quan ngại sâu sắc của ngài đối với sự thờ ơ của châu Âu đối với niềm tin tôn giáo. Đồng thời, theo Đức Thánh Cha, đây là một thời điểm cho "những cuộc thương thảo thực sự" giữa Do Thái và Palestine.

Bốn vị tân đại sứ đến trình quốc thư gồm có ông Birger Dan Nielsen của Đan Mạch, ông Walter Woon của Singapore, ông Mohamad Jaham Abdulaziz Al-Kawari của Qatar, và ông Priit Kolbre của Estonia. Đặc biệt, ông Mohamad Jaham Abdulaziz Al-Kawari là vị đại sứ đầu tiên của nước Hồi Giáo Qatar tại Vatican. Đức Thánh Cha đã trao riêng cho từng vị một lá thư và đã gặp gỡ chung các vị này.

Trong nhận định đưa ra với tân đại sứ Đan Mạch, Đức Thánh Cha ghi nhận rằng "việc che dấu đi bất cứ ý tưởng nào về Thiên Chúa tạo ra một bóng tối, không chỉ cho xứ sở của ngài, nhưng xuyên suốt toàn lục địa châu Âu này". Tưởng cũng nên nhắc lại là các đại biểu của các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu đã tụ tập tại Brussels, Bỉ để bàn thảo về hiến pháp mới của Châu Âu. Điều đáng tiếc là bản dự thảo hiến pháp mới của Liên Hiệp Âu Châu không hề đả động gì đến căn cội và gia sản Kitô Giáo của đại lục này, là điều mà Đức Thánh Cha đã nhiều lần thỉnh cầu. Đức Thánh Cha đã cảnh cáo rằng "Viễn kiến về một Châu Âu tách rời khỏi Thiên Chúa chỉ dẫn đến sự băng hoại xã hội, mơ hồ về đạo lý, và chia rẽ về chính trị". Một Âu Châu không nhìn nhận gia sản Kitô Giáo của mình sẽ bỏ qua "thực trạng của luật cao nhất đã được viết trong tâm tư của mỗi người nam nữ, và được thấu triệt trong lương tâm con người".

Gặp gỡ ông tân đại sứ Estonia, Đức Thánh Cha cũng đưa ra cùng một nhận định trên và cám ơn nước Estonia đã mạnh mẽ ủng hộ việc ghi nhận gia sản Kitô Giáo trong hiến pháp Châu Âu. Đức Thánh Cha cũng lưu ý ông tân đại sứ về cuộc khủng hoảng trong đời sống gia đình tại Âu Châu và cách riêng tại Estonia. Theo Đức Thánh Cha, Estonia đang trải qua "một giai đoạn chuyển tiếp" từ ách nô lệ cộng sản sang một chế độ tự do sau sự sụp đổ của cộng sản tại Đông Âu. Ngài đặc biệt cảnh báo về "một thứ chủ thuyết thế tục hủy hoại" trong đó chấp nhận "thảm cảnh ly dị" và "bệnh dịch phá thai".

Chào đón vị đại sứ đầu tiên của quốc gia Hồi Giáo Qatar, Đức Thánh Cha hoan nghênh "thái độ chào đón" của quốc gia này đối với Kitô Giáo. Ngài nhắc đến một đoạn trong sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 2002 rằng "Các hệ phái Kitô Giáo và các tôn giáo lớn khác của nhân loại phải hợp tác với nhau để loại trừ những căn cớ về xã hội và văn hóa gây nên khủng bố".

Với ông tân đại sứ Singapore, Đức Thánh Cha đã nói đến những lợi ích của đối thoại liên tôn "trong một miền được ghi dấu bởi những căng thẳng và những biến cố bi thảm gần đây".

Cuối cùng, trong buổi gặp gỡ chung với bốn vị tân đại sứ, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bày tỏ niềm hy vọng của ngài là "tất cả những người hoạt động trong đời sống công cộng, đặc biệt trong lãnh vực chính trị và kinh tế, sẽ chứng tỏ một sự nhạy cảm luân lý hơn bao giờ trong khi điều hành công vụ".