SỐNG VĂN HÓA THÁNH THỂ QUA LỜI TRUYỀN PHÉP HƯỚNG ĐẾN SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG

Thay Lời nói đầu:

Giáo phận Xuân Lộc vừa có Tin Mừng: Vào lúc 17 giờ ngày 4 tháng Sáu vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô chính thức bổ nhiệm Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, nguyên Giám mục Phụ tá lên làm Giám mục Phó Giáo phận Xuân Lộc với hiệu Tòa Gadiaufala. Đức Cha Giuse một trong những Giám mục cuối cùng được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm chỉ trước mấy tiếng khi ngài từ nhiệm ngai Tòa Phêrô (28.2.2013).

Niềm vui có Đức Cha Phó Giáo phận càng thêm ý nghĩa khi Giáo phận Xuân Lộc đang mừng Năm Thánh Giáo phận, mừng Kim khánh thành lập Giáo phận (1965-2015) sau năm năm chuẩn bị tích cực (chương trình Ngũ niên). Mừng Năm Thánh, gia đình Giáo phận đặt trọng tâm Gia đình và Giáo xứ Sống Mầu nhiệm Thánh Thể.

Đức Cha Giuse hiện là Chủ tịch UB Giáo dục Công Giáo trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, đồng thời là Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc.

Tạ ơn Chúa, người viết được diễm phúc là một trong những môn sinh lớp đầu của Đức Cha Giuse dưới mái nhà Đại chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc, nhất là được ngài hướng dẫn làm luận văn ra trường.

“Này là Mình Thầy (Hoc ets Corpus Meum)’ (Mc 14,22), khẩu hiệu Giám mục của Đức Cha Giuse làm cho người viết lại bầu khí sống trong Đại Gia đình Chủng viện. Bằng trái tim Mục tử, Ngài thường nhắc nhở Chủng sinh- những Linh mục tương lai lòng say mê Chúa Giêsu -sống thanh thoát- nhiệt tình với sứ vụ; điểm nổi bật trong đó sống gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngài đã cho làm nhiều ‘Nhà tạm’ riêng để anh em Chủng sinh tiện lợi, dễ dàng đên với Chúa Giêsu Thánh Thể.

Trong tâm tình Tạ ơn Chúa, cám ơn Đức Cha Giáo Phận và Tân Giám mục phó, người viết mạn phép ‘suy tư’ về Sống Văn hoá Thánh Thể qua Lời Truyền phép hướng đến Truyền giáo.

Hẳn nhiên trong khả năng có hạn, người viết rất mong nhận được những góp ý xây dựng, chỉ dạy.

(Lưu ý: Bài viết dưới đây được viết lại từ một phần trong luận văn ra trường, đã được Bản tin Hiệp Thông của HĐGM.VN, số 38 đăng; Bài viết này thêm phần “một chút suy tư’ về Linh mục sống Văn hóa Thánh Thể, trước hết cho riêng mình)


“Sống văn hoá Thánh Thể qua lời Truyền phép’. Lời mà Giáo Hội vẫn hiện tại hoá hàng ngày trong mỗi Thánh lễ; Lời như dấu chỉ giúp hai môn đệ trên đường Emmaus đang thất vọng trước cái chết phũ phàng của Thầy Giêsu nhận ra Đấng Phục sinh, rồi quyết tâm trở về với cộng đoàn Giáo Hội, hiến trọn cả đời mình cho sứ vụ Rao giảng Tin Mừng (x.Lc 24, 30-32).

Lời Truyền phép: “Người cầm lấy bánh (1), Dâng lời Tạ ơn (2), rồi Bẻ ra (3), Trao cho các ông (4) và nói: Đây là Mình Thày”

Lời Truyền phép tuyệt vời trên là cả một kho tàng sống Văn hóa Thánh Thể sinh động. Bốn cử hành của lời Truyền phép gợi cho ta bốn chiều hướng sống Văn hoá Thánh Thể nên giống Thầy Giêsu.

1 “Cầm lấy bánh”- Xác định Bản ngã- nhân vị mình: Tôi là ai?

“Cầm lấy bánh”, hành động đầu tiên trong Hy tế Thánh Thể. Khi cầm lấy bánh, Chúa Giêsu, trong tâm trí Người đã minh xác Bánh và Rượu sẽ trở nên Thịt - Máu Người, nên Người mới nói: Đây là Mình Thày... đây là Máu Thầy.

Điều này gợi cho ta chiều kích sống Văn hoá Thánh Thể trước hết- xác định bản ngã: Tôi là ai?

Chúa Giêsu mẫu gương toàn hảo mọi đàng: khiêm nhường tột độ, vâng phục tuyệt đỉnh, tự hủy tận cùng nhưng đồng thời Người cũng hằng khẳng định rõ Ngôi Vị đích thực của mình: “các người nghe người xưa… còn Ta, Ta bảo…” (Mt 6,11-48); “ai nghe lời Ta và thi hành” (Mt, 7,21); “người chăn chiên tốt, chính là Ta” (Ga 10,14 ) … Điểm độc đáo, Chúa Giêsu dùng chủ từ tôi nhưng không dừng lại nơi mình mà hoàn toàn quy về Cha của Người, “Đạo lý tôi dạy không phải của tôi nhưng là của Đấng đã sai tôi” (Ga 7,16; x. 5, 30).

Người môn đệ theo Chúa Giêsu không phải giết đi cái tôi, xóa đi bản ngã độc đáo mình có, mà chính là tìm ra được ‘cái tôi’- cái bản ngã- cái con người thật của chính mình.

Chính Chúa Giêsu đòi hỏi điều ấy. Trên đường lên Giêrusalem chịu chết, Người hỏi các môn đệ: “Phần anh em, anh em nói Thày là ai?” (Mt 16,15). Từ “anh em” đặt các môn đệ ra khỏi đám đông, trực diện với chính mình để tự trả lời về căn tính Giêsu. Người muốn lời tuyên xưng Đức tin phát xuất từ chính cuộc sống mỗi người chứ không muốn chấp nhận thụ động từ một công thức .

Quả thế, theo Chúa các môn đệ cũng không đánh mất “cái tôi” đặc thù của mình: một Phêrô trực tính, nhiệt thành; một Gioan trầm tư, sâu lắng; một Giuđa gian manh chuyên lấy cắp công quỹ (Ga 12,6)… Không đánh mất, song người Môn đệ theo Chúa phải ý thức không ngừng thanh luyện ‘cái tôi’ để góp phần xây dựng Giáo Hội trong tinh hiệp nhất yêu thương. Không đánh mất chính mình nên Thân Thể Chúa Giêsu là Giáo Hội không ngừng lớn lên, đa dạng, phong phú.

Chúa yêu hết mọi người nhưng đồng thời ngài cũng yêu từng người, thấu rõ từng người. Xác định “tôi” là xác định chiều kích riêng tư, đặc thù, đầy sinh động trong tương quan tình yêu tôi với Chúa, là biết mình.

Theo Chúa mà không biết mình có thể đưa đến nguy cơ vong thân (!).

Không tìm được bản ngã- đánh mất mình, dù có “nhân danh Chúa mà nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ” kết cục Chúa vẫn không nhận ra, và bị nghiêm xét: “Ta không hề biết các người, xéo đi!...” (Mt 21, 21-23). Như thế “biết mình” giúp ta tránh lối sống giả tạo, đầu môi chóp lưỡi. Như thế biết mình có tương quan với biết Chúa . Đây là điều Thánh Giáo phụ Augustino từng khắc khoải: “Xin cho con biết Chúa xin cho con biết con”’

“Biết mình” là nhận ra căn tính mình, nhận ra tình yêu nhưng không của Chúa dành cho riêng mình. Căn tính của Kitô hữu là con Thiên Chúa, tất cả đều được kêu mời nên thánh, chung sứ vụ Cứu thế của Đức Giêsu. Giá trị đích thực của Kitô hữu hệ tại ở việc gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, nên giống Chúa Giêsu chứ không phải danh chức cơ cấu. Một Kitô hữu Giáo dân sống tốt, đạo đức có giá trị hơn nhiều một Linh mục sống bất trách, bê tha… Đối với Chúa Giêsu đồng xu bà góa nghèo lại có giá trị hơn cả bạc triệu dư thừa của người giầu (Lc 21, 1-4).

Trong Truyền giáo “biết mình - biết Chúa” được coi là hai yếu tố của Tu đức Truyền giáo . Xác định bản ngã - biết mình nhưng không dừng ở tôi mà là để vượt lên cái tôi. Theo Hồng Y Joseph Ratzinger, “chủ từ “tôi” quan trọng, vì nó đưa chúng ta vào vai trò Thiên sai năng động của Chúa Giêsu, đồng thời giúp chúng ta vượt lên chính mình để hướng tới hiệp nhất với Đấng đã tác tạo và là cùng đích của chúng ta” .

2 Dâng lời Tạ ơn- Hướng đến sống kết hiệp với Chúa trong tâm tình Tán tạ Hồng ân:

Tạ ơn không xa lạ với Dân Israel, nó giữ vai trò chính yếu trong Kinh Thánh. Đối với họ, Tạ ơn không hẳn chuyện quá khứ, cảm tạ những ân huệ Chúa đặc ban- những kỳ công Ngài thực hiện cho dân tộc mình mà còn hướng đến chiều kích tương lai, hy vọng thời Cánh chung khải hoàn. Bởi vậy, Tạ ơn hàm chữa việc Chúc tụng trong hân hoan một cách công khai, biểu lộ cụ thể qua hy vật .

Với Kitô giáo, Tạ ơn không chỉ giữ vai trò chính yếu mà còn thuộc về bản tính của Giao Ước mới . Hy tế Thập Giá chính là hy tế Tạ Ơn hoàn hoàn hảo nhất, đẹp lòng Thiên Chúa nhất. Qua Thánh Lễ, Giáo Hội theo lệnh truyền Chúa Giêsu tiếp tục hiện tại hóa Hy lễ Thập giá. Khi dâng lễ Tạ ơn, Giáo Hội đồng thời Tuyên xưng - Ca Tụng - Tôn Vinh - Chúc tụng trước nguồn Ân sủng dồi dào, vô tận do Thiên Chúa ban tặng trong Đức Kitô.

Được làm Con Người giống Hình ảnh Thiên Chúa đã là một Hồng ân khôn ví; được làm Con Chúa nhờ ơn Cứu độ của Chúa Giêsu khi nhận phép Thánh Tẩy đã làm cả đời ta, và cả đời đời tán tụng ân tình Chúa không đủ, thì việc ta gặp gian nan thử thách, đau khổ chỉ là chuyện nhỏ.

Hơn nữa, nhờ Chúa Giêsu Tử nạn – Phục sinh, chính trong đau khổ ấy lại là Hồng ân, là lúc ta đang nên giống Chúa Giêsu nhất, là lúc ta được vinh dự cộng tác vào công trình Cứu thế của Chúa. Các thánh luôn khao khát được đau khổ, thêm đau khổ vì Chúa Giêsu và vì phần rỗi các Linh hồn.

Trong cái nhìn Đức tin ấy, chỉ đời riêng thôi đã là cả chuỗi Hồng ân Chúa tặng ban- có thể nói, cuộc đời của chúng ta – những môn đệ theo Chúa Giêsu đi trên thảm Hồng ân.

Sống tâm tình Tạ ơn, chính là sống Tin Mừng, đang tích cực Rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu. Giữa cuộc đời được coi là “bể thảm” mà ta vẫn vui sống, tràn đầy hy vọng sẽ là một câu hỏi lớn trước một thế giới mà nền văn minh sự chết bao trùm. Người ta thắc mắc rồi nhờ ơn Chúa họ sẽ khám phá và tin nhận Tin Mừng Đức Giêsu Kitô.

3 “Bẻ ra”- Hướng đi Đường hẹp, bỏ mình vác Thập giá:

Cử chỉ Chúa Giêsu “Bẻ bánh” diễn tả hành vi Tự hiến của Người nhờ đó ta được thông phần bàn tiệc Cứu độ. Thật thế, khi lập Phép Thánh Thể Chúa Giêsu đã hướng đến Hy tế đồi Canvê. “Đây là mình Thày, hiến thân vì anh em; Đây là Máu Thày, máu Giao ước mới đổ ra vì muôn dân” (Lc 22,19.21). Rõ ràng toàn tâm trí Chúa đang hướng đến Hy tế Thập giá, đầy ý thức và chủ động. Và Hy tế Thập giá để hoàn tất Phép Thánh Thể. Noi gương Chúa Giêsu, ngay từ đầu Giáo Hội coi tử đạo gắn liền với Thánh Thể- “chính vị tử đạo trở nên Thánh Thể” .

Sống Văn hóa Thánh Thể “bẻ bánh” là chấp nhận bỏ mình vác thập giá, đi vào đường hẹp- con đường đưa đến sự sống (Mt 16,24b; 7,14).

Nói cách khác ‘bẻ ra’ là sống tinh thần trách nhiệm, ngay cả những chuyện nhỏ. Chúa Giêsu nói: “Khi chút ít mà trung tín thì nhiều mới trung tín; khi chút ít mà bất lương thì nhiều cũng bất lương” (Lc 16,10). Biết làm chủ chính mình, không sống phóng túng, không bê tha rượi chè, cờ bạc… không làm nô lệ cho của cải danh vọng…; chấp nhận khép mình vào khuôn khổ, cũng là cách “bẻ ra”.

Không có đổ Máu thì không có Giao Ước mới, không có ơn Cứu độ (x.Dt 9,1-14). Vinh dự của tôi là Thập giá Đức Kitô. Theo Chúa không có hy sinh, không chịu cố gắng đời Kitô hữu sẽ nhạt nhẽo, vô vị, bế tắc và không cần phải đợi đến đời sau, ta đã thấy hoả ngục ngay tại đời này.

Đức Phanxicô trong huấn từ đầu tiên trên cương vị Giáo hoàng đã nói “Khi chúng ta đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá, và khi chúng ta tuyên xưng Đức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian”

3.4 “Trao cho các ông”- Sống tương quan phục vụ trong khiêm tốn, yêu thương

Bẻ ra- hy sinh chỉ có giá trị khi hướng đến phục vụ tha nhân, sống tương quan hiệp thông bác ái. Giáo Hội dạy: “Thiên Chúa đã muốn tất cả mọi người phải làm thành một gia đình và đối xử với nhau bằng tình huynh đệ” (GH 31).

Trong hiệp nhất Giáo Hội, Chúa Giêsu được coi là Đầu, Giáo Hội là Thân Thể Người, và mỗi chúng ta là những chi thể sống động trong gia đình Giáo Hội. Nét độc đáo nơi Chúa Giêsu là Đầu cũng chính là tôi tớ, đến để phục vụ, hiến mạng sống mình cho người khác (x.Mc 10,45).

Đặt trong bối cảnh Tiệc ly, Chúa Giêsu là Chúa, là Thầy mà đi rửa chân cho các môn đệ, tức một việc làm của tôi tớ thấp kém nhất (đầy tớ dân ngoại mới làm việc này, còn người ở Do Thái thì không). Chúa Giêsu không chỉ nêu tấm gương khiêm nhường phục vụ trong yêu thương mà còn cho thấy cách để “dự phần” với Chúa, và người Môn đệ chỉ khi sống được tâm tình này mới thực sự được thông phần với Người, mới thực sự là sứ giả Tin Mừng Đức Giêsu Kitô. Chính vì thế Người lệnh truyền: “Ta làm cho anh em thế nào, anh em cũng làm cho nhau như vậy” (Ga 13,15).

* Thay Lời kết: “Đây là mình Thầy” (Hoc est Corpus Meum)

Sau bốn động tác cử hành của Lời Truyền phép, Chúa Giêsu tuyên bố: “đây là Mình Thầy”.

“Này là Mình Thầy” - món quà Thần lương Chúa Giêsu trao cho Giáo Hội, cho từng Kitô hữu và Người mong muốn Giáo Hội và từng Kitô hữu tiếp tục đem tặng Hồng ân Cứu độ này cho người khác.

Sống Truyền giáo, món quà trao cho lương dân chính là Đức Giêsu, làm nổi bật Chúa Giêsu trong mọi các tương quan đời sống. Người ta chỉ trao cho người khác những gì mình có. Làm sao trao Chúa Giêsu cho người khác nếu ta không có Người trong mình, không gặp được Tin Mừng Phục sinh.

Bởi thế, sống Truyền giáo- sứ vụ thuộc về bản chất của Giáo Hội, của mỗi người Kitô hữu, ta cần cần sống mật thiết với Chúa Giêsu, năng viếng và đón nhận Thánh Thể. Điều này không nhất thiết đòi đi Lễ mỗi ngày. Thực tế, vì cuộc sống dù muốn cùng khó có thể đi Lễ ngày thường được, nhưng ta vẫn có thể rước Chúa - viếng Chúa cách thiêng liêng, mọi lúc, mọi nơi.

Phải chăng Lời chào cuối mỗi Thánh lễ “chúc anh chị em đi bình an” Giáo Hội muốn lặp lại lệnh truyền của Chúa Giêsu, như một nhắc nhớ cho Dân Chúa, nhất là Giáo dân ý thức căn tính Truyền giáo của mình, hãy đem Tin Mừng Cứu độ vào đời sống, cho lương dân. Đức Bênêddictô XVI viết: “Linh đạo Thánh Thể không chỉ là việc tham dự Thánh lễ và Tôn sùng Thánh Thể, linh đạo này bao trùm toàn bộ đời sống” . Và như thế, mỗi lần tham dự Thánh lễ Kitô hữu Giáo dân lại có dịp hun đúc tinh thần sống Truyền giáo.

Tóm lại, bốn cử hành trong Lời truyền phép nêu bật những nét đặc thù của một Linh đạo Thánh Thể, tự chất chúng có tương quan mật thiết, hỗ trợ nhau. Điểm nổi bật nhất của Linh đạo Thánh Thể: hướng đến Hy tế Thập giá, cách thức Chúa Giêsu thể hiện Tình yêu cho đến cùng (Ga 13,1). Bởi thế, sống Thánh Thể là sống năng động Đức ái Kitô giáo trong tương quan ba chiều: với Chúa- với mình và với tha nhân.

Có thể nói văn hóa Thánh Thể là con đường Hiền lành và Khiêm nhường, điều mà các môn đệ cần học và được chính Chúa Giêsu công bố cách minh nhiên: “hãy học với Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, và chỉ khi Kitô hữu ‘tiêu hóa’ được lời dạy này mới khám phá Linh đạo Thánh Thể đúng là chốn “nghỉ ngơi cho tâm hồn”, mới tìm được “ách êm ái và gánh nhẹ nhành” (Mt 11,29).

Sự hiện diện Chúa Giêsu nơi Thánh Thể mang tính Bí tích, bởi thế rất cần Giáo Hội, mỗi Kitô hữu, cách riêng với Giáo dân thể hiện tính năng động, sức mãnh liệt của Bí tích Tình yêu ấy trong chính đời sống mình, ngay trong thực tại trần thế.

* Chút suy tư thêm:

LINH MỤC GIÁO PHẬN SỐNG VĂN HÓA THÁNH THỂ QUA LỜI TRUYỀN PHÉP

Sống Văn hoá Thánh Thể- con đường thuộc linh giúp nên thánh . Nơi Đức Kitô ta không ngừng khám phá nguồn linh đạo đa dạng- phong phú, phù hợp cho nhiều bậc sống, hướng mục vụ…, bởi đó việc tìm một hướng đi đặc thù để nên thánh, noi gương Chúa Giêsu là điều tối cần thiết cho mọi ơn gọi. Văn hoá Thánh hay Linh đạo Thánh Thể mặc dù bao trùm toàn bộ cuộc sống người Linh mục- cách riêng với Linh mục Giáo phận, nhưng vẫn được coi là mới mẻ, cần tiếp tục tục suy tư khai triển . Căn bản sống Văn hoá Thánh Thể này không chỉ dừng ở hiểu biết đức tin mà quan trọng hơn là sống được điều mình tin yêu trong hiệp thông yêu thương với Giáo Hội, người khác.

Hơn lúc nào hết, trong Thánh lễ hàng ngày khi đọc lời Truyền phép, Linh mục cho thấy rõ hiệu quả của Bí tích Truyền chức: con người tầm thường thành hiện thân của Chúa Giêsu trong tư cách Là Đầu- Mục tử. Chính vì thế, và hơn ai hết Linh mục càng cần phải- buộc phải sống gắn bó Bí tích Thánh Thể.

Sống Văn hoá Thánh Thể qua lời Truyền phép cách thiết thân để người Linh mục ngày càng nên Hiện Thân của Chúa Giêsu hơn.

Nói cách khác sống Văn hoá Thánh Thể mở ra nhiều con đường năng động mới mẻ giúp Linh mục Giáo phận nên thánh trong mục vụ. Sống Thánh Thể là sống năng động Đức ái Mục tử trong tương quan ba chiều: Với Chúa- với mình và với Tha nhân. Đây là đường Hiến tế Thập giá- thể hiện Tình yêu đến cùng, và luôn là thách đố cho mọi người.

Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã để lại cho Giáo Hội, cho nhân loại ba Tặng ân tuyệt vời: Bí tích Thánh Thể – Chức Linh mục và Điều răn mới: Tình Yêu. Linh mục Giáo phận sống Linh đạo Thánh Thể là sống và làm triển nở ba đặc ân cao quý này, trong đó nòng cốt là Tình yêu. Sự hiện diện Chúa Giêsu nơi Thánh Thể mang tính Bí tích, bởi thế rất cần Giáo Hội, Linh mục Giáo phận thể hiện tính năng động, sức mãnh liệt của Bí tích Tình yêu trong đời sống mình, đặc biệt trong cử hành Thánh Lễ. Đức Kitô có sức hút kỳ lạ, Linh mục để Người hiện diện trong mình, thực sự trở nên Tông đồ của Thánh Thể, chắc chắn cuộc đời Linh mục, Thánh Lễ Linh mục dâng sẽ lôi kéo nhiều người đến với Chúa Giêsu Thánh Thể hơn, yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể hơn.

Lm. Đaminh Hương Quất

(GP. Xuân Lộc)

Tài liệu Tham Khảo:

1. Hiến chế Tín lý về Giáo Hội “Ánh sáng muôn dân” (Lumen Gentium. viết tắt: GH.

2. Sắc lệnh về họat động Truyền giáo của Giáo Hội “Đến với muôn dân” (Ad Gentes, vt. TG).

3. Sách Giáo lý của Hội thánh Công Giáo 1992, bản dịch do UB Giáo lý Đức Tin thuộc HĐGM.VN, nxb Tôn Giáo, 2010.

4. Điển Ngữ Thần Học Kinh Thánh, GHHV PIO X- Đà Lạt, 1974.

5. ĐTC Bênêđictô XVI, Tông huấn Bí tích Tình Thương, 22.01.2007

6.x. Joseph Ratzinger (ĐTC Bênêddictô XVI), Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, Lm. Athanasio Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lãm chuyển ngữ, nxb Tôn Giáo (2009).

* Và một số bài viết trên Web.