Tài Liệu Làm Việc Của Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015

Ơn Gọi và Sứ Mệnh Của Gia Đình trong Giáo Hội và trong Thế Giới Hiện Nay

Các chữ viết tắt

AA Công đồng Vatican II , sắc lệnh Apostolicam Actuositatem (18 Tháng 11 1965)
AG Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes (7 tháng 12 1965)
CCC Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, (15 tháng 8 1997)
CV Đức Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29 tháng 6 2009)
DC Hội Đồng Giáo Hoàng về Các Bản Văn Luật Pháp, Chỉ Thị Dignitas Connubii (25 tháng 1, 2005)
DCE Đức Bênêđíctô XVI, Thông điệp Deus Caritas Est (25 tháng 12, 2005)
DeV Thánh GH Gioan Phaolô II, Thông Điệp Dominum et Vivificantem (18 tháng 5, 1986)
GS Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes (7 tháng 12, 1965)
EdE Thánh GH Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (17 tháng 4, 2003)
EG Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (24 tháng 11, 2013)
EN Chân phúc Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi (8 tháng 12, 1975)
FC Thánh GH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio (22 tháng 11, 1981)
IL Khóa Họp Đặc Biệt Lần Thứ Ba Thượng Hội Đồng Giám Mục, Các Thách Đố Mục Vụ của Gia Đình treong Bối Cảnh Phúc Âm Hóa, Tài liệu làm việc Instrumentum Laboris, (24 tháng 6, 2014)
LF Đức Phanxicô, Thông điệp Lumen Fidei (29 Tháng 6, 2013)
LG Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium (21 tháng 11, 1964)
MV Đức Phanxicô, Sắc chỉ Misericordiae Vultus (11 tháng 4, 2015)
NA Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Nostra Aetate (28 tháng 10, 1965)
NMI Thánh GH Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Ineunte (6 tháng 1, 2001)
RM Thánh GH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio (7 tháng 12, 1990)

Trình bày

Thời kỳ giữa hai thượng hội đồng sắp sửa kết thúc. Trong khoảng thời gian này, Đức Thánh Cha, tức Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã ủy thác cho toàn thể Giáo Hội trách vụ “làm chín mùi hơn, bằng tinh thần biện phân thiêng liêng chân thực, các ý tưởng [đã được khóa họp đề xuất] và tìm ra các giải pháp cụ thể cho nhiều khó khăn và vô vàn thách đố mà các gia đình cần phải đối mặt” (Diễn Văn tại Lễ Bế Mạc Khóa Họp Đặc Biệt Lần Thứ Ba của Thượng Hội Đồng Các Giám Mục, 18 tháng 10, 2014).

Sau khi suy nghĩ về Các Thách Đố Mục Vụ của Gia Đình trong Bối Cảnh Phúc Âm Hóa trong Khóa Họp Đặc Biệt Lần Thứ Ba của Thượng Hội Đồng Giám Mục hồi tháng 10, 2014, Khóa Họp Thường Lệ Lần Thứ Mười Bốn, dự trù diễn ra từ ngày 4 tới ngày 25 tháng 10, 2015, sẽ bàn về chủ đề, Ơn Gọi và Sứ Mệnh của Gia Đình trong Giáo Hội và trong Thế Giời Hiện Nay. Cuộc hành trình lâu dài của thượng hội đồng này được đánh dấu bằng ba thời khắc có liên hệ với nhau một cách chặt chẽ, đó là: xem xét các thách đố của gia đình; biện phân ơn gọi của gia đình; và suy nghĩ về sứ mệnh của gia đình.

Một loạt các câu hỏi đã được tổng hợp vào Phúc Trình Của Thượng Hội Đồng (Relatio Synodi), vốn là kết quả của Khóa Họp trước, để ta biết Phúc Trình này đã được tiếp nhận ra sao và để khuyến khích việc xem xét các nội dung của nó cách thấu đáo. Văn kiện do Khóa Họp vừa kể soạn ra đã được dùng làm Tài Liệu Chuẩn Bị (Lineamenta), được gửi cho các Thượng Hội Đồng Các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Tự Quản, các hội đồng giám mục, các bộ sở của Giáo Triều Rôma và Liên Hiệp Các Bề Trên Cả.

Toàn bộ Dân Chúa đã can dự vào diễn trình suy nghĩ và học hỏi. Việc này cũng diễn ra như là kết quả các buổi giáo lý hàng tuần của Đức Thánh Cha về gia đình trong các buổi yết kiến chung, cũng như các dịp khác, khi ngài ban hướng dẫn trong cuộc hành trình chung có tính thượng hội đồng này. Quan tâm đổi mới đối với gia đình, do Thượng Hội Đồng đem lại, đã được minh họa qua việc gia đình được chú ý không phải chỉ trong các giới Giáo Hội mà cả trong xã hội dân sự nữa.

Chất liệu trong Các Câu Trả Lời nhận được từ các thực thể nêu trên đã được tăng gia thêm nhờ các điều gọi là Nhận Xét của rất nhiều Tín Hữu (các cá nhân, các gia đình và các nhóm). Nhiều thành viên của các Giáo Hội đặc thù, các tổ chức, các nhóm giáo dân và các thực thể khác trong Giáo Hội đã đưa ra nhiều khuyến cáo quan trọng. Các đại học, các viện học thuật, các trung tâm nghiên cứu và các học giả cá nhân đã, và hiện còn tiếp tục, làm giầu việc xem xét thấu đáo các chủ đề của Thượng Hội Đồng bằng Các Đóng Góp của họ, qua các hội nghị chuyên đề, các hội nghị và các ấn phẩm, nhờ thế, rõi nhiều ánh sáng lên các khía cạnh mới mẻ, như “đã được yêu cầu trước” trong Tài Liệu Chuẩn Bị.

Tài Liệu Làm Việc bao gồm bản nhất định của Phúc Trình Thượng Hội Đồng (RS), thêm vào đó, một bản tóm tắt Các Câu Trả Lời, Các Nhận Xét và các Đóng Góp đã được tổng hợp. Để dễ cho việc đọc, cách đánh số phản ảnh cả bản Phúc Trình lẫn khuôn khổ của tài liệu này. Các đoạn và đầu đề nguyên thủy trong bản Phúc Trình được in ngả và được đánh dấu bằng con số tương tứng trong ngoặc đơn.

Tài liệu được chia thành ba phần, nhằm minh họa tính liên tục giữa hai Khóa Họp, đó là, Xem Xét các Thách Đố của Gia Đình (phần 1), phần này trực tiếp rút tỉa từ giai đoạn đầu của Thượng Hội Đồng; Biện Phân Ơn Gọi của Gia Đình (phần 2) và Sứ Mệnh của Gia Đình Ngày Nay (phần 3), phần này dẫn khởi chủ đề của giai đoạn hai với ý định giới thiệu với Giáo Hội và thế giới hiện nay các sáng kiến mục vụ nhằm đẩy mạnh các cố gắng đổi mới trong việc phúc âm hóa.

Hồng Y Lorenzo Baldisseri
Tổng Thư Ký

Vatican City
, 23 Tháng 6, 2015

Dẫn Nhập

1 (1). Thượng Hội Đồng Giám Mục, tụ họp quanh Đức Thánh Cha, đã hướng các suy nghĩ của mình về mọi gia đình trên thế giới, mỗi gia đình với các niềm vui, nỗi khó khăn và niềm hy vọng của họ. Một cách đặc biệt, Khóa Họp cảm thấy bổn phận phải tạ ơn Chúa về lòng quảng đại và sự trung thành của rất nhiều gia đình Kitô hữu trong việc đáp ứng ơn gọi và sứ mệnh của họ, ơn gọi và sứ mệnh được họ chu toàn một cách hân hoan và đầy đức tin, ngay cả khi phải đương đầu với trở ngại, hiểu lầm và đau khổ. Toàn thể Giáo Hội và THĐ này biểu lộ với các gia đình lòng trân trọng, biết ơn và khích lệ của chúng tôi. Trong buổi canh thức cầu nguyện tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô ngày 4 tháng Mười năm 2014 để chuẩn bị cho THĐ về gia đình, Đức GH Phanxicô gợi nhớ một cách đơn giản nhưng cụ thể tính trung tâm của [trải nghiệm] gia đình trong đời sống mọi người: “Chiều đang buông xuống cuộc tụ họp của chúng ta. Đây là giờ khắc trong đó ta vui vẻ trở về nhà để gặp nhau tại cùng một bàn ăn, trong cái thâm sâu của tình âu yếm, của những điều tốt đã làm và đã nhận được, của những gặp gỡ làm ấm lòng và giúp nó lớn thêm, của rượu ngon báo trước lễ hội không cùng của đời người. Đây cũng là giờ khắc nặng nề nhất đối với những ai thấy mình diện đối diện với chính niềm cô đơn của mình, trong cõi tranh sáng tranh tối đắng cay của những giấc mộng tan tác và những kế hoạch không thành; biết bao người lê bước suốt ngày trong những ngõ cụt của nhẫn nhục, bỏ rơi, thậm chí ghét bỏ: trong không biết bao căn nhà, bình rượu hân hoan mỗi ngày một vơi đi, và cùng với nó, là niềm vui sống, chính sự khôn ngoan, để sống […]. Ta hãy làm cho lời cầu nguyện của ta được khứng nhậm cho nhau vào buổi tối hôm nay, một lời cầu nguyện cho mọi người”.

2 (2). Bên trong gia đình, các hân hoan và thử thách, yêu thương và liên hệ sâu sắc, có lúc, có thể bị thương tổn. Gia đình quả là “trường dạy nhân tính” (Gaudium et Spes, 52) rất cần thiết ngày nay. Bất chấp các dấu hiệu khủng hoảng trong định chế gia đình tại một số vùng của “làng hòan cầu”, ý muốn kết hôn và thành lập gia đình vẫn còn rất sinh động, nhất là nơi giới trẻ, và được dùng làm căn bản cho nhu cầu của Giáo Hội, một chuyên viên về nhân tính và luôn trung thành với sứ mệnh công bố một cách không mệt mỏi và hoàn toàn xác tín “Tin Mừng Gia Đình”, đã được ủy thác cho Giáo Hội cùng với việc mạc khải tình yêu Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô và không ngừng được các giáo phụ, các bậc thầy linh đạo và Huấn Quyền Giáo Hội giảng dạy. Gia đình quan trọng đối với Giáo Hội một cách độc đáo và trong lúc này, khi mọi tín hữu đều được mời gọi nghĩ tới người khác hơn là nghĩ tới mình, gia đình càng cần được tái khám phá làm tác nhân chủ yếu cho công việc phúc âm hóa. Hãy nghĩ tới chứng tá của biết bao gia đình đã chu toàn được sứ mệnh Kitô Giáo của mình.

3 (3). Tại Khóa Họp Toàn Thể Bất Thường hồi tháng Mười năm 2014, Giám Mục Rôma đã mời gọi THĐ Giám Mục suy tư về thực tại khẩn trương và vô giá của gia đình, một suy tư sẽ được theo đuổi cách sâu sắc hơn nữa tại Khóa Họp Toàn Thể Thường Lệ dự tính sẽ khai diễn vào tháng Mười năm 2015, cũng như trong trọn cả năm giữa hai biến cố của THĐ. “Cuộc tụ họp nên một (convenire in unum) quanh Giám Mục Rôma vốn đã là một biến cố đầy ơn thánh, trong đó, tình hợp đoàn giám mục đã được tỏ hiện trên con đường biện phân tâm linh và mục vụ”. Đó là những lời đã được Đức GH Phanxicô sử dụng để mô tả trải nghiệm THĐ và ấn định ra nhiệm vụ trước mắt: đọc cả các dấu chỉ của Thiên Chúa lẫn lịch sử con người, trong lòng trung thành hai mặt nhưng rất độc đáo vốn nằm trong việc đọc này.

4 (4). Với những lời lẽ ấy trong tâm khảm, chúng tôi đã thu góp lại với nhau kết quả các suy tư và các thảo luận của chúng tôi trong ba phần sau đây: lắng nghe, để nhìn vào thực tại gia đình ngày nay trong mọi nét phức tạp của nó, cả ánh sáng lẫn bóng tối; nhìn, chúng tôi rõi nhìn vào Chúa Kitô để cân nhắc, một cách tươi mát và hứng khởi đổi mới điều mà mạc khải, được thông truyền trong đức tin của Giáo Hội, muốn nói với chúng tôi về vẻ đẹp, vai trò và phẩm giá của gia đình; và đương đầu với hoàn cảnh, với đôi mắt rõi nhìn Chúa Giêsu, để biện phân các cách thế qua đó Giáo Hội và xã hội có thể canh tân cam kết của mình đối với gia đình được thành lập trên cuộc hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà.


5. Trong khi duy trì thành quả qúy giá của Khóa Họp trước, bước kế tiếp là lấy các thách đố của gia đình và xem xét chúng dưới ánh sáng ơn gọi và sứ mệnh của gia đình trong Giáo Hội và trng thế giới hiện nay. Gia đình, ngoài việc được kêu gọi đáp ứng các thách đố ngày nay, trước nhất được Thiên Chúa kêu gọi mỗi ngày mỗi ý thức hơn về căn tính truyền giáo của mình trong tư cách Giáo Hội tiểu gia, đến độ phải “đi ra ngoài chính mình”. Trong một thế giới thường hằn vết cô đơn và buồn bã, “Tin Mừng Gia Đình” quả là một tin vui.

Còn tiếp