Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong bài giảng nhân “Thánh Lễ Cầu Cho Việc Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc”, Đức Thánh Cha đã nói về chủ đề hợp nhất và độc lập, ngài muốn kết hợp hai chủ đề này với nhau “dưới thách thức phúc âm hóa tươi đẹp”. Ngài nói thêm: “chúng ta phúc âm hóa không bằng những lời nói lớn lao hay các quan niệm phức tạp, nhưng bằng ‘niềm vui Tin Mừng’”.
Buổi tối ngày 7 tháng 7 tại Nhà Thờ San Francisco ở thủ đô Quito, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ đại diện các tổ chức công dân, các nhà doanh nghiệp, các cộng đồng bản địa và các nhóm giáo dân Công Giáo. Đức Thánh Cha đã đọc một diễn từ được nhiều người chú ý vì liên quan trực tiếp đến nhiều khía cạnh trong đời sống chính trị và xã hội tại Ecuador.
Mở đầu bài nói chuyện, Đức Phanxicô nói:
Các bạn thân mến
Tôi rất vui được hiện diện với các bạn, những người nam nữ đại diện và thăng tiến đời sống xã hội, chính trị và kinh tế của đất nước này.
Khi tôi bước vào nhà thờ này, Thị Trưởng Quito đã trao cho tôi các chìa khóa của thành phố. Việc ông biểu lộ sự gần gũi thân tình, mở các cánh cửa của các bạn cho tôi, giúp tôi, đến lượt mình, nói tới một số chìa khóa khác: các chìa khóa dẫn vào đời sống của chúng ta trong xã hội, bắt đầu với đời sống gia đình.
Đức Thánh Cha ngay sau đó đã đề cập đến não trạng chính trị phe phái tại Ecuador. Cũng như nhiều quốc gia Nam Mỹ khác, chính trị tại Ecuador là thứ chính trị phe phái, bất hợp tác. Các đảng phái lãng phí tài nguyên quốc gia trong việc lôi kéo quần chúng về phía mình, đôi khi đề ra những chính sách phi thực tế chỉ với mục đích thu phục nhân tâm trong ngắn hạn, đôi khi lại xúi giục các cuộc biểu tình triền miên ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc gia, đôi khi làm tay sai cho ngoại bang hay cho các thế lực tư bản để có kinh phí. Đức Thánh Cha khuyên các thành phần trong xã hội phải đối xử với nhau như người thân trong gia đình. Ngài nói Xã hội chúng ta được hưởng nhờ khi mỗi người và mỗi nhóm xã hội cảm nhận mình đang thực sự ở trong nhà. Trong gia đình, cha mẹ, ông bà và con cái luôn cảm thấy mình ở trong nhà; không ai bị loại trừ. Nếu ai đó có vấn đề, dù là nghiêm trọng, ngay cả nếu họ là nguyên nhân, thì cả gia đình sẽ tới giúp đỡ họ; cả gia đình nâng đỡ họ. Các vấn đề của họ cũng là các vấn đề của gia đình. Chả lẽ không nên như thế trong xã hội hay sao? Dù các liên hệ của ta trong xã hội và đời sống chính trị thường dựa trên đối chất và mưu toan loại bỏ các địch thủ của ta. Chủ trương của tôi, các ý tưởng của tôi và các kế hoạch của tôi chỉ có thế tấn tới nếu tôi thắng vượt được người khác và áp đặt được ý muốn của mình. Gia đình có nên như thế không? Trong các gia đình, mọi người đều góp phần vào mục đích chung, mọi người đều làm việc cho ích chung, không bác bỏ quyền lợi cá nhân của mỗi người nhưng khuyến khích và hỗ trợ nó. Các vui buồn của mỗi người đều được mọi người cảm nhận. Là gia đình có nghĩa như thế đấy! Nếu ta có thể nhìn các địch thủ hay láng giềng chính trị của ta cùng một cách như ta nhìn con cái hay người phối ngẫu, người mẹ hay người cha, thì hay biết bao! Ta có yêu xã hội của ta không? Ta có yêu đất nước ta không, cái cộng đồng mà ta đang cố gắng xây dựng? Ta có yêu nó cách trừu tượng, trong lý thuyết không? Ta hãy yêu nó bằng hành động hơn là bằng lời nói! Trong mọi người, trong các hoàn cảnh cụ thể, trong đời sống chung của ta, tình yêu luôn dẫn ta tới thông đạt, không bao giờ dẫn tới cô lập cả.
Đức Thánh Cha cũng tái khẳng định gia đình là trường dạy ta các đức tính quy giá cho đời sống xã hội.
“Tôi thừơng nói tới sự quan trọng của gia đình như là tế bào đệ nhất đẳng của xã hội. Trong gia đình, ta tìm được các giá trị nền tảng của tình yêu, của tình huynh đệ và lòng kính trọng lẫn nhau, mà ta có thể diễn dịch thành các giá trị chủ yếu cho xã hội như lòng biết ơn, tình liên đới và tính phụ đới. Tình yêu của cha mẹ giúp con cái thắng vượt được tính ích kỷ của chúng, học cách sống với người khác, biết nhượng bộ và kiên nhẫn. Trong cuộc sống rộng lớn hơn của xã hội, ta sẽ tiến tới chỗ thấy rằng “tính nhưng không” (“gratuitousness”) không phải là một cái gì phụ trội, ở bên ngoài, mà đúng hơn là một điều kiện cần thiết của công lý.
Bên cạnh những vấn nạn trong đời sống chính trị, Đức Thánh Cha cũng đề cập đến những vấn đề về môi sinh. Ngài nói
Không được quan tâm tới các lợi ích ngắn hạn khi khai thác các tài nguyên thiên nhiên, là thứ rất phong phú tại Ecuador. Là những người quản lý các tài nguyên này, những tài nguyên mà ta nhận được, ta có nghĩa vụ đối với xã hội như một toàn thể và đối với các thế hệ tương lai. Ta không thể để lại di sản này cho họ nếu không chăm sóc thích đáng cho môi sinh, nếu không ý thức được tính nhưng không phát sinh từ việc chiêm ngưỡng thế giới tạo dựng. Sống giữa chúng ta hiện nay là một số anh chị em của chúng ta đại biểu cho các sắc dân bản địa của Amazon Xích Đạo. Vùng này là một trong “những khu vực phong phú nhất cả về con số các chủng loại lẫn các chủng loại đặc hữu, hiếm hoi hoặc ít được bảo vệ… nó đòi được bảo vệ nhiều hơn vì tầm quan trọng lớn lao của nó đối với hệ sinh thái hoàn cầu…
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói:
Về phần mình, Giáo Hội mong ước được hợp tác trong việc theo đuổi ích chung, qua các công trình xã hội và giáo dục của mình, cổ vũ các giá trị đạo đức và tâm linh, và phục vụ trong tư cách dấu chỉ tiên tri đem lại một tia ánh sáng và hy vọng cho mọi người, nhất là những người túng thiếu nhất. Xin cám ơn các bạn đã có mặt ở đây, đã lắng nghe tôi. Tôi xin các bạn vui lòng đem những lời khuyến khích của tôi tới các cộng đồng và các nhóm khác nhau mà các bạn làm đại diện. Xin Chúa ban ơn để xã hội dân sự mà các bạn đại diện sẽ luôn là một khung cảnh thích hợp để trải nghiệm và thực hành các giá trị mà tôi vừa nói.