VÌ NƯỚC MÀ YÊU MẠNG SỐNG
N2T

Nhung Di phản bội nước Tề bỏ chạy qua nước Sở, đúng lục gặp thời tiết khô hanh, cửa thành nước Sở lại đóng kín, nên đành phải ngủ ngoài trời cùng với đệ tử. Nửa đêm hàn khí lạnh thấu xương, Nhung Di nói với đệ tử:
- “Con cởi áo đưa cho thầy mặc thì ta mới không bị chết cóng; ta cởi áo cho con mặc, con cũng có thể duy trì sự sống. Ta là trí thức của nước nhà ( nhân tài của quốc gia), vì bá tánh mà ta phải quý trọng sinh mệnh của mình; con là người thấp kém không giống như ta, nên không cần phải qúy trọng thân thể mình, con nên đưa áo của con cho ta mặc.”
Đệ tử trả lời:
- “Con là người thấp kém không giống ai, làm sao có thể có phẩm chất cao thượng mà dám cởi áo cho người trí thức quốc gia được chứ?”
Nhung Di thở dài nói:
“Ái dà! Lý tưởng xã hội của ta, xem ra không dễ thực hiện được.”
Nói xong, liền cởi áo cho tên đệ tử, nửa đêm thì bị chết cóng, mà tên đệ tử thì lại sống.
( Lữ thị xuân thu)

Suy tư:
Người có học thì thời buổi nào cũng được nể nang, nể nang chứ không phải kính trọng hoặc kính nể. Nhưng được mọi người kính trọng và kính nể chưa chắc là người học rộng, mà là do đạo đức và cuộc sống của họ khiến cho mọi người đem lòng yêu mến kính trọng.
Người ta phân biệt: người có học là người có...đi học, thường là bậc trung học; nhưng để được coi là người trí thức thì phải bậc đại học trở lên, và muốn được người khác kính trọng thì phải có đạo đức đi kèm.
Xã hội thì luôn tìm người trí thức để trọng dụng, giữa người với người thì nể nang nhau không những bằng trí thức mà còn vì tình cảm đạo đức, mất đi đạo đức thì chỉ là nét giả tạo bên ngoài mà thôi.
Trước mặt Thiên Chúa người có học hay không có học, người trí thức hay không trí thức thì đều giống nhau, chỉ khác nhau ở một điểm: “Ai là người kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và yêu thương người thân cận như chính mình” mà thôi.
Điều đó là điều quan trọng số một.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info