Không như phần đông các bình luận gia cho rằng cuộc thăm viếng lịch sử cuả Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ là một cuộc nghinh đón vĩ đại, một vài nhà bình luận thì đặt vấn đề cho rằng vì những vận động mới đây cuả Ngài về những vấn đề như di dân, công bình kinh tế, bảo vệ môi sinh, đã gây 'dị ứng' cho nhiều cấp lãnh đạo chính trị HK, cho nên cuộc đón tiếp sẽ chỉ là 'lịch sự' nếu không nói là lạnh lùng.

Kinh nghiệm về những cuộc đón tiếp như thế cho thấy rằng người Hoa Hỳ, tuy rất 'phe phái', nhưng thường sẽ sàng lọc ('choose and pick'), chì lưu ý đến những lời tuyên bố có lợi và 'lờ đi' những gì khác. Cho nên việc tiếp đón ĐGH, dù không hồ hởi, thì cũng không băng giá được đâu.

Với sự dè dặt như thế, chúng tôi xin giới thiệu một ý kiến để làm đề tài suy nghĩ. Ý kiến cuả GS Stephen Schneck, Giám đốc của Viện Nghiên cứu các Chính sách cuả trường đại học Công Giáo ở Washington DC, một giáo hoàng học viện, The Catholic University of America.

Giáo sư Schneck 'giả dụ một cách khôi hài' là ĐGH sẽ đọc một 'thông điệp' như sau trước Quốc Hội, vừa khen ngợi nhưng cũng vừa thánh thức:



Vào ngày 24 tháng 9 này, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham dự một cuộc họp lưỡng viện tại Quốc hội; Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên được vinh dự này. Ngài sẽ đứng ở cái bục danh dự trước mặt ông Chủ Tịch Boehner (với tư cách là chủ tịch Hạ Viện) và Phó Tổng Thống Biden (với tư cách là chủ tịch Thượng Viện), trong một căn phòng đầy ắp các dân biểu nghị sĩ và chức sắc cuả chính quyền. Sau đây là những gì tôi tưởng tượng Ngài có thể phát biểu:

Kính thưa Tổng Thống, quí vị Chủ Tịch, quý quan khách, quí liệt vị trong ngành Lập Pháp.. .

"Vả lại Thiên Chuá có quyền đổ tràn ân lộc mọi thứ xuống cho anh em, để anh em vừa được luôn luôn sung túc mọi bề, vừa còn dư giả mà làm mọi việc phúc đức" (2 Cor 9: 8)

Anh chị em thân mến, đoạn thánh thư vừa trên là một trong những đoạn yêu thích nhất của tôi. Tôi mang nó đến đây như là một phước lành đổ xuống cho đất nước này và cho tất cả mọi người đang tụ tập ở đây ngày hôm nay.

Tôi khiêm tốn đứng trước căn phòng hội này, trước những nhà lập pháp của Hoa Kỳ. Đối với tôi, cả một cuộc đời, thì đất nước của quí vị đã là một ngọn hải đăng cho những người vô gia cư và cho những người tất bật, là một cánh cửa vàng cho tất cả những ai đang khao khát được thở làn không khí tự do.

Đấng Tạo Hóa đã ban cho quốc gia của quí vị một vẻ đẹp thật tuyệt vời, với nhiều tài nguyên khổng lồ và nhiều tiềm lực to lớn. Cùng với những những ân sủng đó, người dân Hoa Kỳ đã đổ thêm vào lòng can đảm và sự hy sinh, để đã nhiều lần trong quá khứ, nhận lấy những trách nhiệm to lớn đặt lên trên vai họ. Để cưỡng chống lại bóng tối và sự u mê, khi thế giới phải đối mặt với những hiểm nguy trong những cơn khủng hoảng; người dân Hoa Kỳ đã nhận lấy trách nhiệm tranh đấu cho hòa bình, cho lòng nhân từ, bác ái, và công lý. Hết lần này qua đến lần nọ, đất nước tuyệt vời của quí vị đã lắng nghe tiếng kêu gọi và đã trả lời.

Chắc hẳn quí vị còn nhớ câu chuyện cổ xưa của tiên tri Samuel. Có một tiếng đã gọi Ngài nhiều lần trong đêm. Mỗi lần, khi Ngài đặt mình xuống để giỗ giấc ngủ, thì giọng ấy lại đánh thức Ngài dậy. Cuối cùng, vị thầy cuả Ngài, là tiên tri Eli, đã khuyên bảo rằng, "Cứ nằm yên và lắng nghe. Và nếu nghe tiếng gọi nữa thì hãy nói, 'Xin Chúa cứ nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe đây. '"

Những người có đức tin thì luôn tin rằng chúng ta được kêu gọi để phục vụ. Phục vụ mọi người là anh chị em của chúng ta. Phục vụ công ích. Phục vụ cho kế hoạch của Tạo Hóa. Sách Tin Mừng đã kêu gọi mọi Kitô hữu tìm kiếm gương mặt của Chúa Kitô nơi những người nghèo, nơi kẻ tù đầy, nơi người bệnh, kẻ đói khát.

Trong hội trường này là những người phụ nữ và đàn ông, mà trong tiếng Anh, được gọi là "những tôi tớ chung" (“public servants,”) chắc chắn quí vị phải có nhiều hiểu biết về những gì là được kêu gọi để phục vụ.

Các Quốc Gia trên Thế Giới cũng được kêu gọi để phục vụ. Và Quốc Gia vĩ đại của quí vị đã trả lời tiếng gọi ấy nhiều lần.

Thưa quí vị lập pháp, thưa các anh chị em, tôi xin hỏi từng người một với tất cả chân thành và tình thương mến: Rằng có phải là đất nước tuyệt vời của quí vị hiện nay không còn được gọi nữa không? Có phải là Hoa Kỳ, trong giờ phút này, không được gọi để gánh lên một trách nhiệm nào, một lần nữa sao?

Vậy thì quí vị có tạm dừng, như tiên tri Samuel, để lắng nghe điều mà quí vị đang được gọi là gì chưa? Và quí vị sẽ trả lời ra sao?

(Một im lặng kéo dài)

Quí vị có nghe thấy tiếng kêu cứu cuả những gia đình trong số hai tỷ người nghèo khổ trên Thế Giới đang bị bầm vập vì sự bất công kinh tế không? Quí vị có nghe thấy tiếng kêu khắc khoải của những tạo vật bị tổn thương vì bị lạm dụng bởi nhiều thế hệ không?

Quí vị có nghe thấy tiếng kêu của những người tị nạn, bị ghê tởm và bị xua đuổi trên toàn cầu không? những tiếng kêu của những người bệnh, đang đau đớn vì thiếu thuốc và sự chăm sóc y tế không?

Quí vị có nghe thấy tiếng kêu của những người bị đè nén,bị phân biệt đối xử, và bị xúc phạm vì đức tin, vì giới tính hay chủng tộc không?

Quí vị có nghe thấy tiếng kêu cầu một nền hòa bình không?

Quí vị có nghe không, thưa các nhà lập pháp, tiếng kêu của những đứa trẻ còn trong bụng mẹ, đang van xin để được sống và sống một cuộc đời có nhân cách?

(Một im lặng dài nữa)

Anh chị em thân mến, xin hãy suy nghĩ về những ân sủng đặc biệt mà Thiên Chúa đã ban tặng cho đất nước của anh chị em.

Hãy tự hỏi tại sao? Tại sao mà anh chị em đã được tràn đầy ân sủng với vẻ những đẹp, sự phong phú, và quyền lực như vậy? Để có mục đích gì? Thiên Chúa đang kêu gọi Nước Mỹ một thách thức nào nữa đây?

Anh chị em yêu mến của tôi, anh chị em có nghe thấy một tiếng gọi nào chưa? và định trả lời ra sao?