Tặng những người đi câu cùng chuyến nhân dịp thăm bà con bên USA-2015.

Không thể nào giận mà không tức bởi giận đến sau tức và giận là kết quả của tức. Có khi tức giận sống độc thân, đi riêng rẽ một mình. Như thế tức và giận không bắt buộc phải đi chung với nhau. Tức mà không giận là tức tịt, tức đui bởi không có hậu quả giận kèm theo. Có những lúc tức mà không giận. Có những lúc vừa tức vừa giận. Tức mà không giận là trường hợp tôi chứng kiến trong dịp đi chơi vừa qua.

Sau chuyến đi Mỹ người thân quen hỏi sang Mỹ đi những đâu. Tôi đáp đi câu. Thực ra đây chỉ là một nửa sự thật. Sự thật tôi đi theo xem người khác câu, còn chính mình thì không câu mà chung thuyền nhìn người khác câu. Lí do đơn giản là tôi không có kinh nghiệm và cũng không có phép câu cá ở xứ tư bản. Nói thế để quí vị biết cá xứ tư bản cũng có nhiều đặc quyền, đặc lợi. Luật lệ câu chính phủ đưa ra bảo vệ cá, chẳng hạn như người câu cần có giấy phép câu trong ngày. Thứ đến phải học biết mùa nào câu cá loại gì. Câu trái mùa nếu câu được cũng phải thả xuống sông trở lại vì bắt cá trái mùa là một trọng tội. Cá nào được phép câu và được câu mỗi ngày mấy con. Như thế mới biết con cá ở xứ tư bản cũng có nhiều luật lệ bảo vệ nó. Nó được luật pháp bảo vệ, tôn trọng còn hơn cả con người sống trong một xã hội mà chỉ lừa dối cho dân chúng ăn bánh vẽ, tô mầu son phấn, đánh nước sơn bóng loè bịp dư luận, quần chúng. Khi lọt vào vòng rồi mới thấu rõ đằng sau cái nước sơn kia có một lớp độc tố.

Phải học biết kích thước phân lượng con cá được phép câu. Nếu nhỏ dưới kích thước sẽ bị phạt và nếu tham câu nhiều hơn số lượng cho phép câu một ngày cũng bị phạt. Dân chuyên nghiệp rành về luật lệ và kĩ thuật câu cá. Tôi là tay mơ nên coi đó như là đặc quyền của cá xứ tư bản. Ngoài việc đón con nước, con gió còn phải đến đúng chỗ câu, cá mới chịu ăn. Cùng con sông nhưng không phải chỗ nào cá cũng ăn mồi mà phải đến đúng chỗ chúng họp chợ chúng mới chịu ăn mồi. Đúng chỗ câu đã vậy còn phải đúng mồi và mồi phải vừa khuôn khổ, không to quá, cũng chẳng nhỏ quá. Mắc mồi không đúng kiểu, câu không được cá. Mồi câu không đúng, cá làm ngơ bơi qua. Giây câu không đúng kích thước, lớn quá cá cho qua, nhỏ quá nếu giật sẽ bị đứt giây toi con mồi. Cục chì không đúng khổ cũng làm cho mồi câu nằm chờ hàng giờ. Tất cả những nguyên nhân trên dẫn đến việc anh bạn chở chúng tôi đi câu than luôn miệng:

Tức quá, câu hoài chẳng được gì.

Dường như để chữa thẹn cho việc câu cá mà tay sạch, mồi dư anh than tiếp:

Mọi khi đi đâu có xui vậy.



Tôi nghĩ bụng nhưng không nói ra bởi số tôi kị cá, nơi đâu có bóng dáng tôi cá lảng ra xa. Nơi đâu có mồ hôi tôi cá ngửi thấy đều muốn ói, lấy chi dám ăn con mồi. Có lẽ bạn chưa thấy cá ói. Tôi thấy rồi, nó vãy đuôi thật mạnh, ở tại chỗ, miệng há lớn thế là nó ói thức ăn ra. Nước nơi đó hơi vẩn đục. Trông cá ói cũng lịch sự lắm. Không khạc nhổ tùm lum như con người.

Tôi có nghe đến tên con sông đang câu nhưng không nhớ vì không rành địa dư nhưng nghe chủ tầu nói con sông này chảy ra cây cầu nổi tiếng ở San Francisco. Vài năm trước đó tôi đứng trên cầu nhìn xuống chân cầu tít mù xa tưởng tượng đến giòng sông bên dưới với sức nước cuốn trôi. Hôm đó không may mắn, giòng sông thở khói nhiều nên không nhìn thấy chân cầu. Hôm nay man mắn hơn, hãnh diện không những đã được đi trên cây cầu mà còn ở dưới sông nhìn thiên hạ câu cá của con sông và cũng được thưởng thức món cá nướng bắt tại con sông có cây cầu lừng danh lịch sử. Từ chỗ chúng tôi câu ra đến cầu cũng không xa mấy nên cá nơi khúc sông đang câu là cá biển, cá nước mặn. Gió chiều không lạnh lắm nhưng khi mặt trời sắp ẩn mình sau những bụi cây khí hậu trở nên lạnh hơn, cộng thêm gió sông lùa vào làm mọi người nhanh tay trùm kín toàn thân.

Đi câu dẫn người ta đi từ thất vọng này đến hy vọng khác. Thoạt nhìn chiếc tầu tôi cảm thấy thất vọng vì chiếc tầu mới cáo cạnh. Tầu câu mà mới quá có nghĩa là chủ tầu rất ít đi mà ít đi câu thì lấy đâu ra kinh nghiệm biết chỗ câu để hy vọng có cá. Khi nhìn thấy đám đồ nghề đi câu tôi lại có hy vọng vì thấy đầy đủ dụng cụ cần thiết cho bất cứ loại cá nào khi cần. Dọc đường đi tôi lại thất vọng vì giờ này anh mới đi mua lưỡi câu cho loại cá cần câu như thế anh chưa câu loại cá này bao giờ hoặc ít nhất là trong năm nay. Tôi lại mang hy vọng bởi anh nói trước khi đi đã hỏi mấy người bạn họ cho biết lúc này loại cá đó đang ăn, đúng mùa cá nên cần phải thay đổi chương trình câu chút xíu.

Bao nhiêu hy vọng dồn cả vào sợi cước dập dềnh, bập bềnh theo con thuyền trên sóng. Mỗi lần giây câu căng ra là tinh thần căng theo tưởng đâu cá cắn kéo giây nhưng rồi nó lại chùn trở lại. Nửa tiếng đồng hồ trôi qua, hy vọng cũng chìm theo giòng sông, chìm sâu đáy nước. Chủ tầu bắt đầu than tức vì thấy thiên hạ trước sau, phải trái bên nào cũng bận rộn gỡ cá, kẻ kéo, người vợt thấy thích mắt trong khi năm sáu người trên ghe mình nhàn hạ. Đúng là số nhàn đến độ đi câu cũng nhàn, không phải vất vả như thiên hạ. Chủ tầu quyết định dời bến cũ chuyển sang bến mới với hy vọng sẽ có cá cho bữa cơm chiều. Đến chỗ mới cũng không hơn gì vẫn nhàn hạ như xưa. Đàn cá không chỉ kì thị, không hiếu khách đến từ nơi khác mà còn coi thường dân bản xứ, vẫn không chịu cắn câu. Chủ tầu lại quyết định di chuyển chỗ mang hy vọng cho con tầu trống không. Mọi người không ai có í kiến, đều im lặng vâng lời ông chủ hy vọng gặp may hơn chăng. Thế là lại cuốn giây câu, lại bỏ mồi ra đi trong hy vọng. Neo tầu xong ông chủ lúc đó thảnh thơi hơn bắt đầu ngó quanh quất bạn câu. Hy vọng vươn cao, có người quen kia rồi. Câu chuyện không ngoài việc câu mồi gì, lưỡi số mấy, cước loại nào, thả nông sâu ra sao. Khi đã học biết kĩ thuật, thực hành đúng bài bản được hướng dẫn, người ít kinh nghiệm câu nhất trong tầu lại là người mang niềm vui lớn nhất cho mọi người. Lạ lùng thay anh kéo con cá đầu tiên mà lại là con cá lớn. Mọi người hồi hộp vì nhiều khi con cá chỉ cho xem đuôi của nó rồi vẫy đuôi đi thẳng xuống lòng sông. May mắn, con cá chui tọt vào vợt và giẫy mạnh khi bị đưa ra khỏi nước. Con cá tức ứa máu, nơi miệng nó có chút máu pha lẫn rãi, chảy giài thành giọt lấp lánh như sợi kim cương do ánh nắng chiều chiếu qua. Con cá nằm yên trong giỏ, lúc đó người câu mới yên tâm, con cá thuộc về mình, từ giã giòng sông muôn thuở. Ai nấy thở phào nhẹ nhõm. Ít nhất trong tầu giờ đây cũng có mùi cá tanh, dễ chịu hơn mùi tanh của con mồi. Rồi người thứ hai cũng giật con cá, con này nhỏ hơn, giãy nhiều hơn, cố thoát thân nhưng số phận nó đã bị cái lưỡi câu quái ác ghim chặt cổ họng. Miệng nó trào máu, thân mình vật vã, vảy rơi ra và rồi cuối cùng nó nằm im vì còn sức đâu mà vật vã mãi. Tinh thần mọi người lên cao rồi lại im lìm với cái im lặng của sợi cước. Một số ghe bắt đầu cuốn gói về. Thưa người câu hơn tha hồ quăng ném, không sợ đụng giây câu người khác, không sợ bị mắng vốn, mắng lời, mắng thua lỗ vì cước cuốn giây, chằng chịt. Vừa tháo gỡ, vừa chán ngấy cảnh đã không được câu còn sợ làm hàng xóm mất lòng. Rồi giây câu giật mạnh thế là lại một con cá nữa dính câu, rồi người kia lại la lớn, mừng vui có cá. Cả hai con cá kéo lên đều không đủ kích thước thế là phải nhẹ nhàng tháo lưỡi câu, hai tay cầm con cá nhẹ nhàng thả xuống mặt nước sông, con cá vẫy đuôi cám ơn người thả nó trước khi biến mất vào lòng sông. Tôi suy nghĩ nhiều về chuyện đó mới nghiệm ra. Bảo vệ cá chính là bảo vệ chính mình bởi nếu không có luật lệ, nếu không bảo vệ cá để tự do, bắt bừa bãi, câu thả giàn thì chỉ một thời gian ngắn, dăm ba năm, không còn cá để câu. Cá bị tuyệt chủng là lúc con người đói, thiếu lương thực. Hơn nữa không có cá ăn rong rêu, cỏ dại nơi lòng sông mọc tràn lan dẫn đến tình trạng nước dơ, sông cạn và bệnh tật phát sinh, ảnh hưởng nhiều đến môi trường sống của con người. Thế mới biết luật lệ câu ảnh hưởng mạnh đến cuộc sống tương lai như thế nào.

Vài ba con cá cắn câu sau cũng là cá nhỏ, dưới kích thước và chủ tầu cho biết đến lúc ra về vì giờ cá lớn ăn đã qua, bây giờ mấy chú cá tiểu học mới ra quân, gặp mồi đâu ăn đó. Có ở lì thêm cũng mất công. Điều anh suy đoán có lẽ đúng vì những tầu câu chung quanh rút gần hết chỉ còn lại vài ba tầu đói cá, hay là tay mơ năm thì mười hoạ mới đi câu một lần nên hy vọng đấu lì may ra có ăn. Mọi người cảm thấy thoải mái trong chuyến đi câu vừa qua, chỉ có chủ tầu vẫn còn ấm ức, nhắc đi nhắc lại hai chữ ‘tức quá’. Miệng nói tức nhưng khuôn mặt anh vẫn vui tươi, vẫn thoải mái, tử tế với mọi người cho nên tôi tin là anh ta chỉ tức nơi cửa miệng, ngoài môi, còn trong tâm thì vô cùng thoải mái vì gặp gỡ anh em, bạn bè lâu ngày không có dịp hội ngộ. Nếu anh có tức thì tức đám cá không chịu ăn mồi như í anh muốn và tức với con cá thì cũng bằng hoà cả làng vì đó chỉ là nói để mà nói hơn là biểu tỏ thái độ mất thân thiện. Trên đường về chủ tầu hứa hẹn sáng sớm mai đi chuyến nữa. Tôi quen thuộc với tình trạng thức khuya dậy muộn nên hứa hẹn dậy sớm đi câu tôi chọn thái độ trở về với châm ngôn.

Im lặng là vàng.

Con người mà học biết cách diễn tả tâm tư tình cảm như anh bạn chủ tầu thì cuộc đời sẽ nhẹ nhàng biết mấy bởi cách đối xử đó diễn tả được tâm tư nhưng không gây oán thù, hờn giận. Điều này khó nhưng không phải không thể làm được. Nếu quyết tâm học cách diễn tả tình cảm các nhẹ nhàng chắc chắn bạn sẽ thực hành được í nguyện. Nếu có tức cũng chỉ nên tức ngoài đầu môi, chóp lưỡi còn tâm tư vẫn an bình, thanh thản như thế vừa xả được bực dọc vừa có được tâm tư an bình.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org