Sáng thứ Hai 21 tháng 9, lúc 8h sáng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đáp máy bay từ La Habana đến phi trường quốc tế Holguín. Sau một giờ 20’ ngài đã đến nơi.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Một hàng dài người chờ đón Đức Thánh Cha dọc theo hai bên con đường từ phi trường quốc tế Holguín đến quảng trường cách mạng Holguín /on – gin/ nơi Đức Thánh Cha dâng thánh lễ vào lúc 10h30.

Holguín là thành phố đông dân thứ ba của Cuba sau La Habana và Santiago de Cuba nơi Đức Thánh Cha sẽ đến thăm vào ngày thứ Ba 22 tháng 9. Với diện tích 9,300 km2, thành phố này có hơn một triệu dân.

Ngày 27 tháng 10 năm 1942, Kha Luân Bố đã đặt chân đến miền đất này. Ông ghi lại trong hồi ký của mình cảm giác đầu tiên như sau: “Đó là miền đất đẹp mắt tôi chưa từng được nhìn thấy bao giờ”.

Năm 1978, Cuba tách Holguín khỏi miền Oriente. Năm sau đó, ngày 8 tháng Giêng năm 1979, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã quyết định thành lập giáo phận Holguín, tách ra từ tổng giáo phận Santiago de Cuba và giao cho Đức Cha Héctor Luis Lucas Peña Gómez cai quản.

Theo thống kê mới nhất, giáo phận Holguín có 442,600 giáo dân sinh hoạt trong 28 giáo xứ dưới sự coi sóc của 23 linh mục triều. Ngoài ra, giáo phận cón có 8 linh mục dòng và 45 nữ tu.

Dưới đây là bài giảng trong thánh lễ tại quảng trường thành phố với sự tham dự của hàng trăm ngàn người.

Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta mừng lễ Thánh Matthêu tông đồ, thánh sử. Chúng ta đang cử hành một câu chuyện hoán cải. Chính Thánh Matthêu, trong Phúc Âm của ngài, cho chúng ta biết cuộc gặp gỡ biến đổi cuộc đời ngài đã xảy ra như thế nào. Ngài cho chúng ta thấy một “ánh mắt trao đổi” có khả năng thay đổi lịch sử ra sao.

Vào một ngày như mọi ngày, khi Matthêu, người thu thuế, đã ngồi vào bàn làm việc của mình, thì Chúa Giêsu đi ngang qua. Nhìn thấy ông, Ngài tiến lại và nói: “Hãy theo Ta”. Matthêu đứng dậy và đi theo Ngài.

Chúa Giêsu nhìn vào ông. Sức mạnh của tình yêu trong cái nhìn đó của Chúa Giêsu mạnh mẽ biết bao đến nỗi đã khiến Matthêu làm như thế! Uy lực nào trong mắt Ngài đã làm cho Matthêu đứng dậy khỏi bàn của ông! Chúng ta biết Matthêu là một người thu thuế: Ông lấy tiền thuế của những người Do Thái để nộp cho người La Mã. Những người thu thuế bị xem thường và bị xem là những kẻ tội lỗi; vì thế, họ phải sống tách biệt và bị người khác khinh thường. Hiếm khi người ta ngồi đồng bàn ăn uống, nói chuyện hay cầu nguyện chung với những người như thế. Đối với dân chúng, họ là những kẻ phản bội: họ lấy tiền của dân để nộp cho ngoại bang. Những người thu thuế thuộc tầng lớp xã hội này.

Ngưọc lại, Chúa Giêsu, đã dừng lại; Người đã không nhanh chóng giữ khoảng cách với ông. Ngài nhìn Matthêu bình thản, yên bình. Ngài nhìn ông với đôi mắt của lòng thương xót; Ngài nhìn ông với cái nhìn ông chưa từng thấy ai nhìn mình như thế. Và cái nhìn này mở khóa trái tim Matthêu; nó giải thoát ông, nó chữa lành ông, và nó ban cho ông một niềm hy vọng, một cuộc sống mới, như cái nhìn ấy đã thực hiện trên ông Giakêu, trên người mù Bartimaeus, trên Maria Magdalena, trên Phêrô, và trên mỗi người trong chúng ta. Ngay cả khi chúng ta không dám ngước mắt nhìn lên Chúa, là Đấng đã nhìn chúng ta trước. Đây là câu chuyện của chúng ta, và cũng là câu chuyện của cơ man biết bao những người khác. Mỗi người trong chúng ta có thể nói: “Cả tôi nữa, tôi cũng là một kẻ có tội, nhưng Chúa Giêsu đã nhìn đến tôi”. Tôi xin anh chị em, khi đang ở nhà hoặc trong nhà thờ, hãy dành ra một lúc yên tĩnh để nhớ lại với lòng biết ơn và niềm hạnh phúc những tình huống như thế, những thời khắc khi ánh mắt thương xót của Thiên Chúa được cảm nhận trong cuộc sống của chúng ta.

Tình yêu của Chúa Giêsu đi trước chúng ta, cái nhìn của Ngài thấy trước nhu cầu của chúng ta. Ngài có thể nhìn thấy xa hơn vẻ bề ngoài của chúng ta, xa hơn những tội lỗi, thất bại và bất xứng của chúng ta. Ngài nhìn xa hơn giai tầng trong xã hội của chúng ta. Ngài nhìn xa hơn những điều này để hướng đến phẩm giá của chúng ta như những con trai, con gái của Ngài, hướng đến một phẩm giá đôi khi bị hoen ố vì tội lỗi, nhưng vẫn tồn tại trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta. Ngài đến chính là để kiếm tìm tất cả những ai cảm thấy mình không xứng đáng với Thiên Chúa, không xứng đáng với những người khác. Chúng ta hãy để Chúa Giêsu nhìn đến chúng ta. Chúng ta hãy để ánh mắt của Ngài nhìn đến phố phường của chúng ta. Chúng ta hãy để ánh mắt đó trở thành niềm vui của chúng ta, hy vọng của chúng ta.

Sau khi Chúa nhìn ông với ánh mắt xót thương, Ngài nói với Matthêu: “Hãy theo Ta.” Matthêu đứng dậy và đi theo Ngài. Sau cái nhìn, là một lời nói. Sau tình yêu, là sứ vụ. Matthêu không còn là Matthêu của quá khứ; ông đang thay đổi từ bên trong. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu và lòng thương xót yêu thương của Ngài đã biến đổi ông. Ông để lại phía sau bàn thu thuế của mình, tiền bạc, và não trạng sống cho riêng mình. Trước đây, ông ngồi chờ đợi để thu thuế, để lấy từ những người khác. Ngày nay, với Chúa Giêsu, ông đứng dậy và cho đi, trao ban chính mình cho người khác. Chúa Giêsu nhìn ông và Matthêu gặp được niềm vui của sự phục vụ. Đối với Matthêu, và tất cả những ai đã cảm thấy cái nhìn của Chúa Giêsu, tha nhân không còn là những người để “sống bám”, để sử dụng và lạm dụng. Cái nhìn của Chúa Giêsu mang lại hoạt động truyền giáo, sự phục vụ, và sự cho đi chính mình. Tình yêu của Chúa Giêsu chữa lành cái nhìn thiển cận của chúng ta và thúc đẩy chúng ta phải nhìn xa hơn, không được hài lòng với vẻ bề ngoài hay với những gì là đúng về mặt chính trị.

Chúa Giêsu đi trước chúng ta, Ngài tiến bước trước chúng ta; Ngài mở đường cho chúng ta và mời gọi chúng ta bước theo Ngài. Ngài mời gọi chúng ta từ từ vượt qua những định kiến của mình và sự miễn cưỡng chấp nhận rằng những người khác thua kém chúng ta có thể thay đổi. Ngài thách thức chúng ta hàng ngày với câu hỏi: “Bạn có tin không? Bạn có tin rằng một người thu thuế có thể có thể trở thành một người tôi tớ không? Bạn có tin rằng một kẻ phản bội có thể trở thành một người bạn không? Bạn có tin là con trai của một người thợ mộc có thể là Con Thiên Chúa không? Ánh mắt Ngài biến đổi cách chúng ta nhìn sự vật, trái tim của Ngài biến đổi tâm hồn chúng ta. Thiên Chúa là Cha, là Đấng tìm kiếm ơn cứu rỗi cho mỗi người con trai, con gái của Ngài.

Chúng ta hãy chiêm ngắm Chúa trong lời cầu nguyện, trong Bí Tích Thánh Thể, trong Bí Tích Hòa Giải, trong anh chị em của chúng ta, đặc biệt nơi những ai cảm thấy bị loại trừ hoặc bị bỏ rơi. Xin cho chúng ta có thể biết cách nhìn họ như Chúa Giêsu nhìn chúng ta. Hãy để chúng ta chia sẻ sự dịu dàng và thương xót của Ngài với các bệnh nhân, tù nhân, người già và những gia đình gặp khó khăn. Chúng ta được kêu gọi luôn mãi để học hỏi từ Chúa Giêsu, Đấng luôn nhìn thấy những gì là xác thực nhất trong mỗi con người, được tác thành theo hình ảnh của Cha Ngài.

Tôi biết những nỗ lực và những hy sinh của Giáo Hội tại Cuba để mang lời Chúa Kitô và sự hiện diện của Ngài đến cho mọi người, ngay cả nơi những miền heo hút nhất. Ở đây, tôi muốn nhắc đặc biệt đến là “những ngôi nhà truyền giáo”, mà vì sự thiếu hụt các nhà thờ và linh mục, đang mang lại cho nhiều người một nơi chốn cho việc cầu nguyện, cho việc lắng nghe Lời Chúa, cho việc dạy giáo lý và cho đời sống cộng đoàn. Những ngôi nhà truyền giáo này là những dấu chỉ nho nhỏ về sự hiện diện của Thiên Chúa nơi những người lân cận với chúng ta và là sự trợ giúp hàng ngày trong nỗ lực đáp lại những lời cầu xin của thánh tông đồ Phaolô: “Tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau” (Eph 4: 1-3).

Giờ đây, tôi hướng đến Đức Trinh Nữ Maria, Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng, là Đấng Cuba đã đón nhận và sẽ mãi mãi mở rộng cửa đón tiếp. Tôi xin Đức Mẹ nhìn với ánh mắt tình yêu từ mẫu trên tất cả những người con của Mẹ trong đất nước cao thượng này. Xin “đôi mắt của lòng thương xót” luôn gìn giữ mỗi người trong anh chị em, ngôi nhà, cũng như gia đình của anh chị em, và tất cả những ai cảm thấy rằng họ không có một chỗ đứng. Trong tình yêu của Mẹ, xin Mẹ bảo vệ chúng ta tất cả như Mẹ đã từng chăm sóc cho Chúa Giêsu.