Nạn nhân gia đình thường chính là thành viên lớn trong gia đình gây ra cho các thành viên nhỏ. Kẻ đau khổ nhất chính là con cái, dù ngây thơ vô tội nhưng là nạn nhân chính của các gia đình đổ vỡ. Dấu hiệu báo trước tai hoạ sắp xảy đến nếu không thay đổi cách sống, cách cư xử với nhau sẽ không tránh khỏi đại hoạ. Dấu hiệu rõ ràng nhất là thiếu đối thoại cởi mở và nhạt nhẽo tình cảm dành cho nhau. Lơ là, biếng nhác, bỏ bê chăm sóc cho gia đình và dửng dưng khi gặp mặt. Trước đây mong về nhà, nhà là tổ ấm, là tình thương, nay nhà biến thành nhà trọ, chỗ ngủ qua đêm, nơi nghỉ mệt. Cùng chung sống dưới mái nhà nhưng tâm tình, ước mơ riêng biệt. Những dấu hiệu đó cho biết đại hoạ đang chờ trước ngõ nếu không tạo nên rào cản kịp thời, tai hoạ sẽ ập vào thân, vào gia đình. Có nhiều nguyên nhân gây nên đổ vỡ gia đình nhưng nguyên nhân chính là coi thường hy sinh dâng hiến.

Khi hy sinh dâng hiến cho gia đình bị coi thường, coi như là trách nhiệm phải làm, là cửa ngõ mở rộng cho khổ đau và bất bình tiến vào. Vào là chúng quậy phá. Bắt đầu bằng con đường tạo quan hệ tình cảm xấu bằng cách gây nên ngờ vực, tư tưởng vụng trộm tình yêu xuất hiện, so sánh, đè nén tình cảm từ đó phát sinh tư tưởng thiếu coi trọng, thiếu yêu thương và thiếu công bằng khi đối xử hàng ngày.

Thiếu tôn trọng, đối xử bất công dẫn đến cảm tưởng là đầy tớ cho nhau, không còn phải là phục vụ vì yêu thương mà là bắt buộc phải làm, phải chu toàn bổn phận một cách cưỡng bách. Trước đây làm vì yêu, vì thích và làm trong tinh thần tự nguyện. Nay những tình cảm đó biến mất thay vào là bực dọc, mệt mỏi, cưỡng bách, bó buộc, nô lệ cho gia đình. Một khi tình yêu dâng hiến yếu nhược rất khó làm cho nó sống lại. Khi tình yêu chân thành dâng hiến không còn nữa, tình yêu ích kỉ lên ngôi, nghĩ đến chính mình, tủi thân coi như bị phí cuộc đời hy sinh một cách sai lầm, lãng phí tuổi xuân. Suy nghĩ này làm thay đổi cách sống, cách đối xử với nhau và tìm cách thoát thân bằng cửa li dị. Li dị là con đường tránh được đau khổ này nhưng lại mở ra đại lộ đau thương khác, tác hại của nó lâu dài và kẻ thiệt thòi nhất là con cái phải hứng chịu hậu quả do cha mẹ tạo ra. Trước đây hai người yêu hương nhau giờ trở thành thù địch, tìm cách thoái li.

Đức Kitô tái xác định điều Thiên Chúa tạo dựng từ nguyên thủy. Hôn nhân là trường cửu, bất biến không thể tháo gỡ. Cả vợ lẫn chồng đều có trách nhiệm bảo vệ hôn nhân gia đình và làm cho tình yêu triển nở ngày tốt đẹp hơn. Mối giây đó nhằm mục đích giúp cho đôi hôn nhân sống hạnh phúc và huởng niềm vui hôn nhân mang lại. Mối giây đó bảo vệ gia đình và giúp cho con cái được sống trong yêu thương, trong bầu khí gia đình đầm ấm.

Gia đình từ chối Thiên Chúa là đón rước cuộc sống không có Chúa. Từ chối Đức Kitô vì ‘lòng họ ra chai đá, không dậy được’ Mc10,5. Bởi thiếu tình yêu Chúa trong tâm hồn, trong gia đình nên gia đình thiếu tình yêu bền vững. Thiếu sức mạnh có khả năng giữ cho tình yêu bền vững. Khi tình yêu dâng hiến bị yếu đi thì tình yêu ích kỉ chỗi dậy làm chủ. Một khi bị tình yêu ích kỉ làm chủ thì chỉ nghĩ đến mình, coi trọng mình và coi thường người bạn đường và như thế là đang cắt đứt nguồn hạnh phúc gia đình. Thứ hai là tinh thần thoát li, người ta từ chối tinh thần trẻ thơ trong Chúa ban cho ta nhưng tự nhận mình có đủ khôn ngoan, tự quyết định lấy cuộc sống riêng do mình, tự chọn và đặt Chúa ra ngoài cuộc sống. Chính tư tưởng này dẫn đến việc tự làm chủ đời mình, để muốn làm gì thì làm. Lối sống trên không tin vào sức mạnh cầu nguyện, từ chối các bí tích và lơ là cuộc sống tâm linh. Thay vì đặt trọn niềm tin vào Chúa, tìm nguồn an ủi và sức mạnh nội tâm nơi Chúa, người ta tự tin vào khả năng riêng mình và dựa vào tình yêu ích kỉ làm căn bản cho cuộc sống. Ai chỉ muốn sống cho riêng mình thì không thể sống chung với người khác.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org