Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Thiên Chúa ban cho tất cả mỗi người chúng ta một Thiên Thần Hộ Thủ để đồng hành cùng chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế để khuyên nhủ và bảo vệ chúng ta. Chúng ta nên lắng nghe với sự nhu mì và kính trọng. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 02 tháng Mười, lễ Thiên Thần Hộ Thủ, tại nhà nguyện Santa Marta.
Bài giảng của Đức Thánh Cha trình bày những suy niệm về sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta, và mô tả các thiên thần là đại sứ của Thiên Chúa, là Đấng đồng hành với mỗi người chúng ta. Đức Thánh Cha đã chứng minh điều này khi nhắc lại những gì xảy ra khi Chúa đuổi ông A dong ra khỏi vườn địa đàng: Ngài không để ông A dong bơ vơ một mình cũng chẳng nói với ông: “Hãy tự lo cho bản thân ngươi đi”, nhưng Chúa ban cho tất cả mọi người một Thiên Thần Hộ Thủ của Thiên Chúa, là Đấng đang ở bên cạnh chúng ta.
Đại sứ của Thiên Chúa bên cạnh chúng ta
“Vị ấy luôn ở với chúng ta! Và đây là một thực tế. Giống như có đại sứ của Thiên Chúa ở với chúng ta. Và Chúa khuyên chúng ta: ‘Hãy tôn trọng sự hiện diện của ngài!’ Chẳng hạn, khi chúng ta phạm một tội lỗi, chúng ta tin rằng chúng ta chỉ có một mình, không ai biết, chẳng ai hay. Không, ngài đang ở đó. Hãy tôn trọng sự hiện diện của ngài. Hãy lắng nghe tiếng nói của ngài vì ngài cho chúng ta lời khuyên. Khi chúng ta nghe những lời dụ dỗ: ‘Nhưng hãy cứ làm điều này đi... điều này là tốt hơn.. .’ chúng ta đừng làm điều đó nhưng hãy lắng nghe tiếng nói của Thiên Thần Hộ Thủ! Đừng chống lại ngài.”
Đức Thánh Cha Phanxicô nói các Thiên Thần Hộ Thủ luôn luôn bảo vệ chúng ta, đặc biệt khỏi các tội lỗi. Ngài lưu ý rằng “Đôi khi, chúng ta tin rằng chúng ta có thể che dấu rất nhiều điều xấu xa nhưng cuối cùng những điều như thế vẫn bị đưa ra trước ánh sáng. Thiên Thần hiện diện mọi nơi để nhủ bảo chúng ta và che chở cho chúng ta như một người bạn thân thiết. Một người bạn chúng ta không nhìn thấy nhưng chúng ta có thể nghe được tiếng nói của ngài vang lên trong thẳm sâu tâm hồn chúng ta, một người bạn một ngày kia sẽ ở cùng chúng ta trong niềm vui vĩnh cửu của Thiên Đàng.”
Tôn trọng và lắng nghe ngài
“Tất cả điều ngài đòi hỏi nơi chúng ta là lắng nghe và tôn trọng ngài. Tất cả chỉ tóm gọn trong sự tôn trọng và lắng nghe ngài. Sự tôn trọng và lắng nghe người bạn đồng hành này trong cuộc hành trình của chúng ta được gọi là sự nhu mì. Các Kitô hữu phải nhu mì trước Chúa Thánh Thần. Nhu mì hướng về Chúa Thánh Thần bắt đầu với sự tuân phục những lời khuyên của ngài trong cuộc hành trình của chúng ta”
Đức Thánh Cha giải thích thêm rằng để nhu mì, chúng ta cần phải trở nên như trẻ thơ và Thiên Thần Hộ Thủ của chúng ta là một người bạn đồng hành dạy ta sự khiêm nhường này và cũng giống như các trẻ thơ chúng ta vâng nghe lời ngài.
“Xin cho chúng ta biết cầu xin cùng Chúa cho ân sủng của sự nhu mì này, để lắng nghe tiếng nói của người bạn đồng hành này, tiếng nói của vị đại sứ của Thiên Chúa, là Đấng đồng hành với chúng ta nhân danh Ngài và xin cho chúng ta có thể được nâng đỡ bởi sự trợ giúp của Thiên Thần Hộ Thủ. Chúng ta phải tiến tới trong cuộc hành trình. Và trong Thánh Lễ này, nơi chúng ta ca ngợi Chúa, chúng ta hãy nhớ Thiên Chúa tốt lành dường bao, ngay sau khi chúng ta đánh mất tình bạn với Ngài, Thiên Chúa không để chúng ta bơ vơ lạc lõng. Ngài không bỏ rơi chúng ta.”
2. Đừng để lòng khao khát Thiên Chúa tàn lụi trong lòng chúng ta
Niềm vui nơi Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta, và trong Ngài, chúng ta khám phá ra chúng ta thực sự là ai. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 1 tháng Mười, lễ Thánh Têrêxa thành Lisieux, tại nhà nguyện Santa Marta. Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải nuôi dưỡng nỗi nhớ, hay lòng khao khát Thiên Chúa trong đời sống Kitô hữu.
Dựa trên bài đọc thứ nhất, trích từ Sách Tiên Tri Nơ-khe-mi-a, Đức Thánh Cha Phanxicô phân tích tâm trạng người Do Thái, người, sau nhiều năm dài sống lưu vong, cuối cùng đã trở về được Giêrusalem. Ngài nhắc lại rằng, trong những năm lưu đày tại Babylon, người Do Thái luôn nhớ đến quê hương của họ. Sau nhiều năm, ngày trở về cuối cùng đã đến, và cùng với ngày trở về này là quyết tâm xây dựng lại Giêrusalem, như được thuật lại trong bài đọc thứ nhất. Tiên Tri Nơ-khe-mi-a yêu cầu thày ký lục Ezra đọc cho mọi người nghe sách Lề Luật, và mọi người đều hạnh phúc, “Họ đang khóc trong niềm vui của họ, và cảm nhận được Lời Chúa như một niềm vui, và tất cả cùng nhau khóc vì vui mừng”
Niềm vui trong Chúa là sức mạnh của chúng ta
Làm sao chúng ta có thể hiểu được sự hợp lưu dữ dội này của cảm xúc, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích: “Đơn giản thôi. Những người này không chỉ đã tìm thấy thành phố của mình, thành phố nơi họ đã được sinh ra, thành phố của Thiên Chúa, nhưng khi nghe các Lề Luật, họ cũng khám phá ra bản sắc của mình, và vì thế họ đã khóc vì vui sướng”
“Họ khóc trong niềm vui, khóc vì họ đã gặp đúng căn tính, bản sắc đã bị suy yếu phần nào trong những năm sống lưu vong. Đó là một hành trình dài. Tiên Tri Nơ-khe-mi-a nói: ‘Đừng buồn nữa vì niềm vui nơi Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta’. Đó là niềm vui mà Chúa ban cho ta khi ta khám phá ra mình thực sự là ai – và tìm lại được bản sắc riêng của mình đã bị đánh mất trên đường đời, trong những năm lưu lạc - hoặc tự lưu đày chính mình khỏi tình yêu Thiên Chúa, khi chúng làm tổ ở chỗ này chỗ nọ, chứ không cư ngụ trong nhà của Chúa”.
Chỉ trong Chúa, chúng ta mới tìm được bản sắc thực sự của mình
Đức Giáo Hoàng đặt câu hỏi làm thế nào chúng ta có thể tìm thấy bản sắc của mình. Ngài trả lời như sau: “Khi anh chị em đánh mất đi những gì là của mình, ngôi nhà của mình, những gì là của riêng mình, anh chị em có nỗi nhớ, và chính nỗi nhớ này mang anh chị em trở về nhà. Với nỗi nhớ khôn nguôi ấy, những người này cảm thấy mình hạnh phúc, họ khóc vì vui mừng, vì nỗi nhớ thiết tha này mà họ nhận ra được căn tính thực sự của mình, và đã dẫn họ tìm lại được quê hương của mình một lần nữa. Đó là một ân sủng của Thiên Chúa”
“Lấy thí dụ khi chúng ta có đầy đủ thực phẩm, chúng ta không chết đói. Khi chúng ta cảm thấy an nhiên tự tại nơi chúng ta đang sống, chúng ta không cần phải đi đâu hết - thì tôi tự hỏi mình, và tất cả chúng ta cũng nên tự hỏi chính mình ngày hôm nay: ‘Tôi rất an nhiên tự tại, hạnh phúc như thế này, có phải là về mặt tâm linh tôi không cần bất cứ điều gì khác nữa trong tim tôi không? Có phải nỗi nhớ về Thiên Chúa đã tắt trong lòng tôi rồi chăng? Chúng ta hãy nhìn vào những con người hạnh phúc này, những người đã khóc và vui mừng. Một trái tim không có nỗi nhớ, thì cũng không biết đến niềm vui, là niềm vui thực sự, là sức mạnh của chúng ta, đó là niềm vui nơi Thiên Chúa. Một trái tim không biết nỗi nhớ là gì, không có khả năng cử mừng thật sự - và khi đó, cuộc hành trình dai dẳng trong nhiều năm này, chỉ kết thúc bằng một bữa tiệc”.
Chớ để lòng khao khát Thiên Chúa tàn lụi trong trái tim chúng ta
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng những người dân hân hoan với niềm vui vì họ đã “hiểu những lời đã được công bố cho họ. Họ đã phát hiện ra rằng, chính là nỗi nhớ - một nỗi khao khát khôn nguôi trong lòng - làm cho họ cảm thấy bị thúc bách tiến về phía trước”.
“Chúng ta hãy tự hỏi mình nỗi nhớ về Thiên Chúa của chính chúng ta như thế nào đây: liệu chúng ta có hài lòng, liệu chúng ta có hạnh phúc an nhiên tự tại với tình trạng hiện nay, liệu chúng ta có hàng ngày mong mỏi tiến về phía trước? Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng này, đó là không bao giờ, đừng bao giờ dập tắt nơi con tim chúng ta lòng khao khát Thiên Chúa”
3. Câu chuyện Một người đàn bà “rất đàn bà”
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Ngày 15 tháng 10, Giáo Hội kính nhớ thánh nữ Têrêxa Avila. Vị nữ tiến sĩ hội thánh này đã sống trong một giai đoạn có nhiều xáo trộn nhất đối với Giáo Hội. Thánh nữ chào đời khi cuộc cải cách của người Tin Lành bắt đầu và qua đời khi Công Ðông Trento vừa chấm dứt. Ngài đã được Thiên Chúa ban cho Giáo Hội như một đóa hoa đẹp đẽ nhất giữa những gái góc đang chụp phủ trên Giáo Hội. Nhưng Têrêxa Avila cũng chỉ là một người đàn bà giống như rất nhiều người đàn bà khác. Ðẹp, có nhiều năng khiếu, đảm đang... Têrêxa lại là một người đàn bà “rất đàn bà”. Thế nhưng nơi người đàn bà này, người ta thấy có nhiều tương phản: thông minh nhưng lại thực tế; biết nhiều nhưng không xa rời với kinh nghiệm sống; thần bí nhưng lại đầy nghị lực để trở thành một nhà cải cách.
Têrêxa là một người đàn bà hoàn toàn sống cho Chúa, nghĩa là một người đàn bà cầu nguyện, kỷ luật và biết cảm thông. Trái tim của Têrêxa hoàn toàn thuộc về Chúa. Ðã thách thức tất cả mọi chống đối của người cha để gia nhập dòng kín, Têrêxa cũng tiếp tục đương đầu với không biết bao nhiêu chống đối khác khi muốn cải tổ dòng kín. Người đàn bà yếu đuối này chỉ còn một nơi nương tựa duy nhất: đó là Thiên Chúa.
Là một người sống cho Chúa hoàn toàn, Têrêxa cũng hoàn toàn sống cho người khác. Canh tân cuộc sống của mình, Têrêxa cũng không ngừng đi khắp đó đây để giúp người khác canh tân cuộc sống.
Suốt cuộc đời trải qua trong gian lao và thử thách, về cuối đời, Thánh nữ đã thốt lên: “Ôi lạy Chúa, tất cả những ai làm việc cho Chúa đều được đáp trả bằng gian lao, khốn khó. Nhưng cao quý thay phần thưởng dành cho những ai yêu mến Chúa, nếu họ hiểu được giá trị của nó”.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Hiện nay, người ta nói đến rất nhiều thứ giải phóng, trong đó có giải phóng người phụ nữ.
Có lẽ tất cả những ai đang tranh đấu cho nữ quyền nên nhìn vào mẫu gương của thánh nữ Têrêxa Avila. Một người đàn bà đã có thể thực hiện được nhiều việc vĩ đại, nhưng bản chất đàn bà vẫn không hề thay đổi trong con người ấy. Phải chăng người đàn bà có thể đóng trọn vai trò của họ trong Giáo Hội và trong xã hội khi họ biết trung thành với ơn gọi cao cả mà Thiên Chúa đã trao ban qua nữ tính của họ!
Trước mặt Chúa, mỗi người chúng ta đều có một chỗ đứng. Không có chỗ đứng nào cao trọng hơn chỗ đứng khác. Hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc ở sự đáp trả của chúng ta đối với tiếng gọi của Chúa.
4. Gia đình là câu trả lời cho các thách đố lớn của thế giới
Gia đình, nghĩa là giao ước giữa một ngưòi nam và một người nữ, là câu trả lời cho hai thách đố lớn của thế giới chúng ta: đó là sự tan vỡ từng mảnh và đám đông hóa, là hai thái cực chung sống với nhau, tương trợ nhau và chúng cùng yểm trợ mô thức kinh tế duy tiêu thụ.
Đức Thánh Cha đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến hơn 40,000 tín hữu và du khánh hành hương năm châu sáng thứ Tư hôm 30 tháng 9. Sau khi chào tín hữu Đức Thánh Cha cho biết cùng tham dự buổi tiếp kiến trên màn truyền hình có nhiều anh chị em tàn tật và già yếu trong đại thính đường Phaolô VI. Vì thế ngài mời mọi người chào nhau bằng một tràng pháo tay.
Đức Thánh Cha vừa tông du Cuba và Hoa Kỳ về, vì thế trong bài huấn dụ ngài đã chia sẻ với tín hữu một số cảm tưởng và kinh nghiệm của chuyến viếng thăm này. Đề cập đến cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình tại Philadelphia, ngài nói:
“Tột đỉnh chuyến công du đã là cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình tại Philadelphia, nơi chân trời đã rộng mở cho toàn thế giới, qua ‘lăng kính’ của gia đình.”
Đức Thánh Cha tái định nghĩa gia đình như sau:
“Gia đình, nghĩa là giao ước giữa một người nam và một người nữ, là câu trả lời cho thách đố lớn của thế giới chúng ta: đó là sự tan vỡ từng mảnh và đám đông hóa, là hai thái cực chung sống với nhau, tương trợ nhau và chúng cùng yểm trợ mô thức kinh tế duy tiêu thụ. Gia đình là câu trả lời, vì nó là tế bào của một xã hội quân bình chiều kích cá nhân và chiều kích cộng đoàn, và đồng thời nó có thể là mô thức cho việc điều hành các của cải và tài nguyên của thụ tạo một cách có thể chịu đựng nổi. Gia đình là chủ thể tác nhân của một môi sinh toàn vẹn, bởi vì nó là chủ thể xã hội đầu tiên, chứa đựng bên trong hai nguyên lý nền tảng của nền văn minh nhân loại trên trái đất: nguyên lý của sự hiệp thông và nguyên lý của sự phong phú. Nền nhân bản kinh thánh giới thiệu với chúng ta hình ảnh này: cặp vợ chồng con người hiệp nhất và phong phú, được Thiên Chúa đặt trong ngôi vườn của thế giới, để vun trồng và giữ gìn nó.”
5. Cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng về Gia Đình
Gia đình là nơi sự thánh thiện của Tin Mừng được thể hiện trong điều kiện bình thường nhất. Ở đó chúng ta được hình thành từ ký ức về các thế hệ đi trước chúng ta và chúng ta đâm rễ để cho phép chúng ta tiến xa hơn. Gia đình là một nơi của sự phân định, nơi chúng ta học cách nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa đối với cuộc sống của chúng ta và chấp nhận kế hoạch ấy với niềm tín thác.
Đức Thánh Cha đã nói như trên trong buổi canh thức hôm 3 tháng 10 để cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng về Gia Đình.
Mở đầu bài chia sẻ, Đức Thánh Cha nói:
Các gia đình thân mến,
Chào buổi tối!
Nhóm lên một ngọn nến nhỏ trong bóng tối thì có ích chi? Còn cách nào hay hơn để xua tan bóng tối không? Có thể vượt qua bóng tối hay chăng?
Có những lúc trong cuộc đời - một cuộc đời quá dư dật những tài nguyên tuyệt vời - những câu hỏi như thế lại vang lên. Khi cuộc sống trở nên khó khăn và bức bách, chúng ta có thể bị cám dỗ để lùi bước, quay lưng lại, và tháo lui; có lẽ là nhân danh sự thận trọng và chủ nghĩa hiện thực, và như thế chạy trốn trách nhiệm phải làm phần việc của mình cách tốt nhất có thể.
Anh chị em có nhớ những gì đã xảy ra với tiên tri Ê-li-a không? Trên quan điểm người ta thường tình, vị tiên tri đã sợ hãi và cố gắng chạy trốn. “Ông Ê-li-a sợ nên trỗi dậy, ra đi để giữ mạng mình… Ông đi suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm tới Khô-rếp, là núi của Thiên Chúa. Ông vào một cái hang và nghỉ đêm tại đó. Có lời Chúa phán với ông: ‘Ê-li-a ngươi làm gì ở đây?’” (1 Vua 19: 3,8-9). Ở núi Khô-rếp, ông nhận được câu trả lời không phải trong những trận cuồng phong làm tiêu tan những tảng đá, cũng không phải trong những trận động đất, thậm chí cũng chẳng phải trong những đám lửa. Ân sủng của Thiên Chúa không thét gào; ân sủng của Ngài là một lời thì thầm lọt vào tai những ai sẵn sàng để nghe tiếng nói thầm thì, nhỏ bé của nó. Nó thúc giục họ ra đi, để trở về với thế giới, để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, để thế giới tin.
Trong bối cảnh này, chỉ một năm trước đây, cũng tại quảng trường này, chúng ta cầu khẩn cùng Chúa Thánh Thần và cầu xin rằng – trong khi thảo luận về các chủ đề của gia đình - các nghị phụ có thể chăm chú lắng nghe nhau, với cái nhìn dán vào Chúa Giêsu, vào Lời chung cuộc của Chúa Cha và các tiêu chí mà tất cả mọi thứ được đánh giá.
Tối nay, lời cầu nguyện của chúng ta cũng không thể khác. Như Đức Thượng Phụ Athenagoras đã nhắc nhở chúng ta, nếu không có Chúa Thánh Thần thì Thiên Chúa là xa vời vợi, Chúa Kitô chỉ còn là quá khứ, Giáo Hội đơn thuần chỉ là một tổ chức, quyền bính trở thành sự thống trị, truyền giáo trở thành tuyên truyền, thờ phượng trở thành trò mê tín, đời sống Kitô hữu chỉ là đạo đức của những người nô lệ.
Vì vậy, chúng ta hãy cầu nguyện để Thượng Hội Đồng khai mở vào ngày mai sẽ chỉ ra kinh nghiệm về hôn nhân và gia đình là phong phú và viên mãn một cách nhân bản như thế nào. Xin cho Thượng Hội Đồng nhìn nhận, xiển dương, và công bố tất cả những gì là đẹp, là tốt và thánh thiện trong kinh nghiệm đó. Xin cho Thượng Hội Đồng có thể nắm bắt những tình huống dễ bị tổn thương và khó khăn: chiến tranh, bệnh tật, đau buồn, những mối quan hệ bị tổn thương và tan vỡ, gây ra những đau khổ, oán giận và chia ly. Xin cho Thượng Hội Đồng có thể nhắc nhở những gia đình này, và mỗi gia đình, rằng Tin Mừng luôn luôn là “tin tốt” cho phép chúng ta bắt đầu lại. Từ kho tàng truyền thống sống động của Giáo Hội xin cho các nghị phụ có thể rút ra những lời an ủi và hy vọng cho các gia đình đang được kêu gọi trong thời đại chúng ta để xây dựng tương lai của cộng đồng Giáo Hội và các thành phố của nhân loại.
Mỗi gia đình luôn luôn là một ánh sáng, dù là mờ nhạt, giữa bóng tối của thế giới này.
Kinh nghiệm trần thế của chính Chúa Giêsu đã được hình thành ở trung tâm của một gia đình, nơi Ngài đã sống ba mươi năm trời. Gia đình Ngài cũng giống như cơ man những gia đình khác, sống trong một ngôi làng ít người biết trong vùng ngoại ô của Đế quốc.
Charles de Foucauld, có lẽ giống như một vài người khác, nắm bắt được linh đạo tỏa ra từ Nazareth. Nhà thám hiểm vĩ đại này vội vã bỏ binh nghiệp của mình khi bị thu hút bởi mầu nhiệm của Thánh Gia, mầu nhiệm của mối quan hệ hàng ngày giữa Chúa Giêsu cùng với cha mẹ và hàng xóm, việc lao động lặng lẽ, và lời cầu nguyện khiêm nhường của Ngài. Chiêm niệm về gia đình Nazareth, anh Charles nhận ra ao ước giàu sang và quyền thế của mình thực sự là trống rỗng như thế nào. Thông qua việc tông đồ bác ái, anh trở thành tất cả mọi thứ cho mọi người. Khi bị thu hút bởi cuộc sống của một ẩn sĩ, anh hiểu rằng chúng ta không tăng trưởng trong tình yêu của Thiên Chúa bằng cách tránh xa sự vướng víu trong quan hệ với con người. Vì khi yêu thương tha nhân, chúng ta học cách yêu mến Thiên Chúa, khi khom lưng xuống để giúp đỡ hàng xóm của chúng ta, chúng ta được nâng lên cùng Thiên Chúa. Thông qua sự gần gũi huynh đệ và sự đoàn kết với những người nghèo và bị bỏ rơi, anh nhận ra chính họ là người đang rao giảng Tin Mừng cho chúng ta, chính họ giúp chúng ta lớn lên về mặt nhân bản.
Để hiểu được gia đình ngày hôm nay, chúng ta cũng cần phải bước - như Charles de Foucauld - vào mầu nhiệm của gia đình Nazareth, vào cuộc sống hàng ngày yên tĩnh của thánh gia, như hầu hết các gia đình, với những vấn đề của họ và những niềm vui đơn giản của họ, một cuộc sống được đánh dấu bằng sự kiên nhẫn thanh thản giữa bao nghịch cảnh, sự tôn trọng người khác và sự khiêm nhường được giải phóng và thăng hoa trong sự phục vụ, một cuộc sống huynh đệ bắt nguồn từ ý thức là chúng ta tất cả là các thành viên của cùng một nhiệm thể.
Gia đình là nơi sự thánh thiện của Tin Mừng được thể hiện trong điều kiện bình thường nhất. Ở đó chúng ta được hình thành từ ký ức về các thế hệ đi trước chúng ta và chúng ta đâm rễ để cho phép chúng ta tiến xa hơn. Gia đình là một nơi của sự phân định, nơi chúng ta học cách nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa đối với cuộc sống của chúng ta và chấp nhận kế hoạch ấy với niềm tín thác. Đó là một nơi của sự nhưng không, của sự hiện diện kín đáo tình liên đới huynh đệ, một nơi mà chúng ta học cách bước ra khỏi chính mình và chấp nhận những người khác, sau đó tha thứ và được thứ tha.
Chúng ta hãy khởi hành một lần nữa từ Nazareth cho một Công Đồng trong đó thay vì chỉ nói về gia đình, chúng ta còn có thể học hỏi từ các gia đình, sẵn sàng thừa nhận phẩm giá của nó, sức mạnh và giá trị của nó, bất chấp tất cả các nan đề và khó khăn của nó.
Tại “Galilê của các quốc gia” trong thời đại chúng ta này, chúng ta sẽ tái khám phá sự phong phú và sức mạnh của một Giáo Hội là mẹ, luôn có khả năng đem lại và nuôi dưỡng cuộc sống, đồng hành cùng cuộc sống với sự tận tâm, dịu dàng, và sức mạnh đạo đức. Vì trừ phi chúng ta có thể liên kết lòng từ bi với công lý, chúng ta sẽ chỉ kết thúc nơi những bất công sâu nặng không cần thiết.
Một Giáo Hội là gia đình cũng có thể cho thấy sự gần gũi và tình yêu của một người cha, một người giám hộ có trách nhiệm là người bảo vệ nhưng không giam cầm, sửa chữa nhưng không hạ thấp phẩm giá, là người huấn luyện bằng gương sáng và lòng kiên nhẫn, đôi khi chỉ đơn giản là bằng một sự im lặng nói lên thái độ phó thác, nguyện cầu.
Trên tất cả, một Giáo Hội trong đó con cái xem mình là anh chị em, sẽ không bao giờ ra đến nông nỗi là xem người này người kia chỉ đơn giản là một gánh nặng và một vấn đề, một khoản chi phí, một mối quan tâm hoặc thậm chí là một nguy cơ. Tha nhân về cơ bản là một ân sủng, và luôn luôn là như vậy, ngay cả khi họ đi theo những con đường khác.
Giáo Hội là một ngôi nhà rộng mở không hào nhoáng bên ngoài nhưng hiếu khách với sự đơn giản của các thành viên của mình. Như thế, Giáo Hội mới có thể thu hút lòng khao khát hòa bình hiện diện nơi mỗi người nam nữ, bao gồm cả những ai - trong bối cảnh thử thách của đường đời - đã tan nát tâm can.
Giáo Hội thực sự có thể thắp sáng lên trong cái bóng tối rất nhiều người nam nữ đang cảm nhận. Giáo Hội có uy tín để chỉ cho họ con đường hướng về mục tiêu và bước đi bên cạnh họ chính vì bản thân Giáo Hội đã cảm nhận trước hết những gì là được tái sinh vô tận trong trái tim nhân hậu của Chúa Cha.