Giáo xứ Vinh Thủy, thánh lễ tạ ơn 60 năm thành lập.

Lúc 6 giờ tối ngày 7.10.2015, Nhà thờ Vinh Thủy rực rỡ ánh đèn và rộn rã âm nhạc hân hoan đón mừng quan khách đến chung chia niềm vui trong thánh lễ Tạ ơn Ngọc khánh thành lập Giáo xứ.

Xem Hình

Linh mục quản xứ Tôma Nguyễn Hải Châu, Hội đồng mục vụ và bà con giáo dân Vinh Thủy đón mừng mọi người với nụ cười rạng rỡ. Niềm vui còn nhân lên với sự kiện giáo xứ mừng lễ quan thầy Đức Mẹ Mân Côi. Niềm vui lớn biểu lộ trên khuôn mặt, nơi sắc phục và cung cách tổ chức thánh lễ.

Cha FX Đinh Tiên Đường, Hạt trưởng Hạt Hàm Thuận Nam chủ tế, có 30 linh mục đồng tế, đông đảo quan khách và bà con giáo dân Vinh Thủy chung lời tạ ơn.

Mở đầu, ông Phó chủ tịch HĐGX đọc lược sử 60 năm hình thành và phát triển giáo xứ.

- Giáo xứ Vinh Thủy được hình thành từ tháng 8 năm 1955 với khoảng 3.000 giáo dân thuộc các giáo xứ Mành Sơn, Vĩnh Yên, Tân Lập, Tân Vinh, Tân Lộc,Thuận Nghĩa thuộc giáo phận Vinh (Nghệ An) và một số giáo dân tỉnh Quảng Bình di cư vào Nam sau Hiệp định Genève dưới sự dẫn dắt của Linh mục Phanxicô Xaviê Lê Trọng Khiêm đã chọn khu vực bờ hồ bãi biển Vinh Thủy làm nơi dừng chân định cư. Lúc bây giờ các giờ phụng vụ được cử hành trong căn lều bạt lớn, sau một thời gian ngắn một nhà thờ và một trường học bằng gỗ được hình thành trên đồi cát cao gần bờ biển, khung cảnh khá thơ mộng để đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh, văn hóa của bà con giáo dân.

- Sau 9 năm, năm 1964: tình hình xứ đạo có nhiều đổi thay: một số giáo dân dời đi nơi khác lập nghiệp, và đồng thời cũng có một số giáo dân tìm đến đây nhập cư sinh sống. Vị Mục tử tiên khởi giáo xứ tuổi cao sức yếu nên xin Bề trên nghỉ hưu. Trước khi được chính thức về hưu dưỡng, linh mục FX Lê Trọng Khiêm đã xây thêm ngôi nhà thờ thứ hai nằm sát đường tỉnh lộ 9 - nay là đường Thủ Khoa Huân nối trung tâm Phan Thiết với Mũi Né. Cả hai nhà thờ được nối liền bằng một con đường mòn rợp bóng dừa cách khoảng 800m, (nay là đường Phan Trung) trên khu đất rộng 6.700m2 do gia đình Ông bà Giuse Hồ-Hưu & Anna Lê-thị-Triều (song thân của Cha Giuse Hồ-văn-Thiện) dâng cúng khi gia đình ông bà quyết định chuyển về sinh sống tại giáo xứ Hiệp-Nghĩa. Riêng căn nhà ở thì bán lại cho ông bà GioanB. Đoàn-khắc-Quang (ông giáo Quang) & Maria Chu-thị Mân, trước khi xây nhà thờ, ngôi nhà này được ông giáo Quang cho bà con trong giáo họ Thuận Nghĩa mượn làm nhà nguyện Giáo họ để kinh hạt sáng tối. Đến tháng 11/1965 Cha Lê Trọng Khiêm về nghỉ hưu nơi căn nhà trong vùng đất công trình Ngài đang xây dựng Thánh đường dang dở.

- Năm 1965 Cha G.B. Lê Xuân Hoa được bổ nhiệm về coi sóc Giáo xứ. Trong vòng 2 năm Ngài đã hoàn tất 3 công trình: Thánh đường, nhà xứ, và trường học bằng vật liệu kiên cố thay thế cho công trình bằng gỗ và các vật liệu nhẹ trước đây trên đồi cát cao gần bờ biển Vinh Thủy.

- Năm 1967 hơn 1000 giáo dân GX Vinh Hưng dưới sự hướng dẫn của Cha Phê-rô Nguyễn Văn Học từ Quận Thiện Giáo ( nay là huyện Hàm Thuận Bắc) về lánh nạn chiến tranh, tạm cư trong địa bàn giáo xứ, rồi sau một thời gian được sát nhập vào Giáo xứ; có thêm giáo dân, bầu khí sinh hoạt trong giáo xứ trở nên sôi động, sầm uất hơn trước. Từ đây Giáo xứ vinh Thủy có 2 ngôi Thánh đường: một Nhà thờ Chính ở bờ hồ Vĩnh Thủy gần bờ biển khung cảnh thơ mộng, một Nhà thờ Họ Thuận Nghĩa tọa lạc ở đường tỉnh lộ 9 nơi Cha FX Lê Trọng Khiêm hưu dưỡng.

- Biến cố năm 1975 ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của giáo dân và đời sống tâm linh của xứ đạo: giáo dân tản mác đi khắp nơi với nhiều lý do chủ quan cũng như khách quan, phần lớn là đi lập nghiệp vùng “kinh tế mới”, lần lược các Cha xứ (Phê-rô Nguyễn Duy Hoàn, Giu-se Đinh Vĩ Đại) bị bắt đi cải tạo, đàn chiên không có người chăn dắt, Nhà thờ chính bị đóng cửa (năm 1978), mọi sinh hoạt tôn giáo phải dời về Nhà thờ Số 332, đường Thủ Khoa Huân.

- Nhưng nhờ ơn Chúa và Mẹ Mân Côi quan thầy trợ giúp, giáo xứ đã vượt qua được những khó khăn đó, khiến đức tin càng được vững mạnh, cũng trong thời gian này,(1978) Nhà thờ Thanh Hải cũng bị Chính quyền đóng cửa, Bề trên đã cử Cha phó giáo xứ Thanh Hải là Cha Anphongso Nguyễn Công Vinh quản nhiệm Giáo xứ. Thời điểm này, ngôi nhà thờ nhỏ bé của giáo xứ đón nhận một lượng lớn giáo dân của 2 giáo xứ cùng sinh hoạt: tham dự Thánh lễ và các nghi thức phụng vụ.

- Sau khi Nhà thờ Thanh Hải được mở cửa, tháng 2/1988 ĐGM Nicolas Huỳnh Văn Nghi (GM Giáo Phận) cử Cha Quản lý TGM là Cha F.X Đinh Tiến Đường đến GX Vinh Thủy với vai trò Quản nhiệm. Song song với việc khôi phục và củng cố lòng đạo đức cho giáo dân, Ngài đã vận động ân nhân trong và ngoài nước để sửa sang lại Cung thánh và mặt tiền Nhà thờ đã xuống cấp, xây nhà xứ và phòng họp. Ngoài ra để ổn định các sinh hoạt và dễ dàng điều hành Giáo xứ, Ngài đã cơ cấu cho bầu HĐMV giáo xứ. Từ sau năm 1975 Vinh Thủy là Giáo xứ đầu tiên trong Giáo phận tổ chức bầu HĐMV.

- Từ năm 1992 đến năm 2004 sau khi Cha quản lý TGM rời giáo xứ, GX Vinh Thủy có đến 5 lần thay đổi Chủ chăn. Giao Xứ dần đi vào nề nếp, sinh hoat phong phú và khởi sắc, các Hội đoàn được củng cố và phát triển. Đời sống tinh thần của giáo xứ tăng lên rõ rệt. Nhiều người xin tòng giáo và nhập xứ.

- Ngôi Thánh đường xây dựng tròn 40 năm đã xuống cấp, mà nhu cầu mục vụ ngày càng tăng. Ngày 02/12/2004 giáo xứ được đón tiếp Cha Quản xứ mới: Cha Antôn Hồ Tấn Khả và cũng là ngày GX được vinh hạnh đón ĐGM Giáo phận về chủ tế Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Ngôi Thánh đường mới. Vừa nhận chức vụ Quản xứ và công việc nặng nề trước mắt là xây dựng Thánh đường mới. Tuy nhiên, nhờ tài ngoại giao, Ngài đã vận động ân nhân trong và ngoài Giáo xứ, xin dự án. Sau hơn 3 năm lo toan tìm nguồn tài chính, dầm mưa dãi nắng dưới công trường, Ngài đã hoàn tất Ngôi Thánh đường mang đậm nét Đông Phương nhưng không kém khang trang thoáng mát. Ngày 21/6/2007, Ngôi Nhà thờ mới này được ĐGM về Thánh hiến cùng với Quý Cha trong và ngoài giáo phận. Đây là công trình xây dựng quy mô nhất từ ngày thành lập Giáo xứ. Ngoài ra Ngài còn xây mới ngôi nhà của Cố LM F.X. Lê Trọng Khiêm trước đây nghỉ dưỡng, hiện căn nhà này Giáo xứ đang giao cho Cộng đoàn Quý Sr thuộc Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ làm nơi sinh hoạt và giữ trẻ.

- Ngày 06/08/2011 Tân Lm Tôma Nguyễn Hải Châu được ĐGM cử đến Quản nhiệm giáo xứ thay Cha Antôn Hồ Tấn Khả, và sau 1 năm Ngài được bổ nhiệm làm Quản xứ cho đến nay. Song song với việc hoàn thiện các sinh hoạt phụng vụ, chỉnh đốn lại các Đoàn thể, nhất là tổ chức huấn luyện Huynh trưởng, các Giáo lý viên và củng cố lại Thiếu nhi Thánh Thể, Ngài đã mạnh dạn vận động giáo dân trong và ngoài giáo xứ thực hiện nhiều công trình vừa hữu dụng, vừa mang tính nghệ thuật cao như: Xây mới nhà Giáo lý, tượng đài Đức Mẹ, tượng đài Cha Thánh Giu-se, tu sửa lại Cung thánh, ghế trong nhà thờ, cải tạo lại cảnh quang khuôn viên nhà thờ và các công trình nhà xứ.

- 60 năm qua, hạt giống đức tin đã được ươm mầm để hình thành Giáo xứ Vinh Thủy hôm nay với 03 giáo họ: Gioan, Phêrô và Tôma; Các đoàn thể gồm: Gia trưởng, Các Bà mẹ Công Giáo, Thiếu nhi Thánh Thể, Phan Sinh, Lòng Chúa thương xót. GX Vinh Thủy nằm trong địa bàn phường Phú Thủy, một phường rộng trên 4.206m2 và đông dân nhất TP.Phan Thiết (trên 26.000 người), nhưng số giáo dân chính thức nhập xứ chỉ có 220 hộ với hơn 800 giáo dân. Vì thế toàn GX đặc biệt chú tâm vào việc sống đạo và sứ vụ truyền giáo.

Các vị chủ chăn đã phục vụ Giáo xứ

01. Phanxicô Xaviê Lê-trọng-Khiêm

02. Phaolô Hồ-ngọc-Cai

03. Nguyễn-Quyền

04. Trịnh-quang-Cảnh

05.Gioan Baotixita Lê-xuân-Hoa

06. Gioan Baotixita Vũ-đình-Hiên

07. Phêrô Nguyễn-duy-Hoàn

08. Gioan Baotixita Hoàng-văn-Khanh

09. Giuse Đinh-vĩ-Đại

10. Anphongso Nguyễn-công-Vinh

11. Phanxicô Xavie Đinh-tiên-Đường

12. Giuse Nguyễn-kim-Anh

13. Phêrô Nguyễn-văn-Học

14. Anrê Lương-vĩnh-Phú

15. Gioan Baotixita Nguyễn-xuân-Long

16. Antôn Hồ-tấn-Khả

17. Tôma Nguyễn-hải-Châu

Các Linh mục xuất thân từ Giáo xứ:

01. Cha Giuse Nguyễn-văn-Ty (Louisiana - USA).

02. Cha Fx. Phạm Quyền (Giáo xứ Chính-tòa)

03. Cha Giuse Nguyễn-việt-Huy (g.xứ Tinh-Hoa)

04. Cha Giuse Nguyễn-văn Thái (Dòng Donbos co)

05. Cha Giuse Hồ-văn-Thiện (nhà hưu dưỡng G.P)

06. Cha Giuse Nguyễn-văn-Hiên (G.xứ Gio Linh)

07. Cha Trần-hà-Nhuận (Dòng Đồng-Công USA)

08. Cha GB. Hoàng-đại-Hoàng (G.xứ Me-pu)

09. Cha Fx. Nguyễn-xuân-Hậu (Dòng Xitô)

10. Cha Nguyễn-văn-Sơn (Dòng Donbosco Bungari)

(Ngoài ra một số gia đình rời Giáo xứ đã lâu có con em tận hiến làm Linh mục, vì thiếu thông tin nên không có tên trong danh sách này).

- Cảm Tạ Hồng Ân Thiên Chúa và MẸ MÂN CÔI đã gìn giữ và đồng hành cùng Cộng đoàn Giáo xứ VINH THỦY chúng con trong suốt chặng đường 60 năm, giúp chúng con vượt qua bao gian nguy thử thách.

Kỷ niệm 60 năm hình thành và phát triển Giáo xứ, là một cơ hội để cộng đoàn giáo dân VINH THỦY khám phá sự kỳ diệu tình Chúa mà khơi dậy tình người, để cảm tạ Hồng Ân Chúa sâu sắc hơn, để tri ân các bậc tiền nhân, ân nhân chân thành hơn. Dù đang ở phương trời nào, hoàn cảnh nào, người giáo dân Vinh Thủy chúng con luôn biết yêu thương nhau, tự nhắc nhủ mình và giáo dục các thế hệ con cháu biết giữ gìn, noi gương các bậc tiền nhân, cha ông để lại: luôn giữ vững đức tin, hy sinh cho Giáo Hội, biết tin tưởng cậy trông vào tình thương bao la của Thiên Chúa và phó thác qua Mẹ Mân Côi.

Cha Phêrô Nguyễn Thiên Cung, Giám đốc Chủng viện Nicôla giảng lễ.

Kính thưa Cộng đoàn phụng vụ,

Việc Giáo xứ Vinh Thủy chọn ngay Ngày Lễ Mân Côi (07-10-2105) để kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo xứ (1955-2015), ngoài việc bởi vì đó là tước hiệu của Nhà thờ Vinh Thủy, nó còn mang rất nhiều ý nghĩa…

Trong bài suy niệm về việc lần chuỗi Mân côi ngày 03 tháng 5 năm 2008, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã suy niệm như thế nầy: “Khi lần chuỗi Mân côi, đó là lúc những thời khắc quan trọng và mang đầy ý nghĩa của lịch sử cứu độ một lần nữa tiếp tục được sống. Những bước thăng trầm trong sứ vụ của Chúa Kitô được vẽ lại. Cùng với Mẹ Maria, trái tim được qui hướng về Mầu nhiệm Chúa Giêsu. Chúa Kitô được đem đặt vào giữa trung tâm đời sống của chúng ta, giữa thời gian của chúng ta, giữa thành phố của chúng ta, qua việc chiêm ngắm và suy niệm những mầu nhiệm thánh “vui, sáng, thương, mừng” của Người. Xin Mẹ Maria giúp chúng ta đón nhận nơi mình ân sủng phát sinh ra từ những mầu nhiệm nầy, nhờ đó, qua chúng ta, chúng ta có thể “tưới mát” (“water”) cho xã hội, bắt đầu với những mối quan hệ hằng ngày của chúng ta, và rồi thanh tẩy những mối tương quan hằng ngày đó sạch khỏi biết bao sức mạnh tiêu cực, và như vậy là giúp mở những mối tương quan đó ra để có thể tiếp cận với những chiều kích mới mẻ của Thiên Chúa…”

Điều đó có nghĩa, những Mầu nhiệm “vui, sáng, thương, mừng” không phải chỉ là của Chúa Giêsu và của Mẹ Maria ngày xưa, mà là của toàn thể nhân loại mọi nơi và mọi thời, và cách cụ thể của Giáo Hội, của Giáo phận và đặc biệt của chính Giáo xứ VINH THỦY của chúng ta, từng gia đình và mỗi cá nhân, khi nhìn lại lịch sử 60 năm qua của Giáo xứ, vốn xen lẫn những mầu nhiệm “vui, sáng, thương, mừng… và những phản ứng của chúng ta (tập thể và cá nhân) đối với những mầu nhiệm thăng trầm nầy đã tạo nên căn tính của Giáo xứ Vinh Thủy thân yêu nầy…

Thật vậy, trong những ngày tháng của Giáo xứ chúng ta trong suốt 60 năm qua đã xen lẫn những Mầu nhiệm (vui, sáng, thương, mừng) không bao giờ nguôi.

Khi mới di cư vào Nam từ tháng 8 năm 1955, chúng ta đã sống mầu nhiệm ”Vui” của những đứa con sinh ra trên tàu há mồm, trên ghe, trên thuyền, trong những trại di cư tạm bợ, cũng không khá gì hơn Hang đá Bêlem ! Chúng ta cũng đã sống mầu nhiệm trốn chạy những tên bạo chúa để di cư vào Nam tìm tự do, an bình, không khác gì việc Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse đã trốn chạy qua Ai cập thưở xưa ! Chúng ta cũng đã sống mầu nhiệm “Thương” khi ngôi nhà thờ giáo xứ bị phá hủy, khi các linh mục quản xứ bị bắt đi, và khi khu đất xinh đẹp và thơ mộng của Giáo xứ hoàn toàn bị chiếm đoạt ! Nhưng chúng ta cũng đã sống mầu nhiệm “Mừng” khi Giáo xứ bắt đẩu hồi sinh, ngồi nhà thờ mới và các công trình phụ khang trang được xây cất, bởi các cha quản xứ liên tục hiệc diện cùng với cộng đoàn Giáo xứ, khi các cơ cấu tổ chức. Các đoàn thể được gầy dựng lại và sinh hoạt khá mạnh mẽ !

Giáo xứ Vinh Thủy chúng ta sở dĩ đã trải qua được những mầu nhiệm (vui, sáng, thương, mừng) đó, nói theo ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, là bởi vì cùng với Mẹ Mân Côi “chúng ta đã đặt Chúa Kitô vào ngay giữa trung tâm đời sống của chúng ta, giữa thời gian sống của chúng ta, giữa cộng đoàn giáo xứ, giữa từng gia đình và nơi mỗi người trong chúng ta” !

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Cá nhân tôi có được cái may mắn là đã có mặt tại Giáo xứ Vinh Thủy nhỏ bé và thân yêu nầy từ những năm 1958, nghĩa là chỉ 3 năm sau khi Giáo xứ được thành lập. Vị quản xứ tiên khởi của Giáo xứ Vinh Thủy là linh mục P.X LÊ TRỌNG KHIÊM là nghĩa phụ của tôi. Tôi đã sống một phần đời tuổi thơ tại vùng đất xinh đẹp và thơ mộng nầy. Vì thế tôi có thể nói tôi đã từng vui với những niềm vui của Giáo xứ, và tôi cũng đã từng buồn và đau khổ với những nổi buồn và niềm đau của Giáo xứ !

Hôm nay đây, nhân Kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo xứ VINH THỦY, xin chia vui với cộng đoàn Giáo xứ, dù phải trãi qua biết bao thăng trầm của lịch sử, nếm đủ mùi “vui, sáng, thương, mừng”, vẫn kiên trung với niềm tin sắt son mà các tiền nhân của anh chị em đã truyền đạt lại, vẫn đoàn kết với nhau chung sức xây dựng cộng đoàn nầy thành mái nhà chung, nơi anh chị em cùng chung nhau gia sản tiền nhân để lại, cùng chung truyền thống yêu mến Giáo Hội, cùng chung lòng yêu mến kính trọng những con người của Chúa… Đó chính là những nét đẹp đã đang và sẽ đan dệt nên căn tính của giáo dân Giáo xứ Vinh Thủy hiền hòa nầy… Amen.

Cuối lễ, ông Chủ tịch HĐGX dâng lời tri ân.Với tất cả tâm tình tri ân, những bó hoa tươi thắm dâng lên quý Cha bày tỏ tấm lòng yêu mến và biết ơn.

Trước tiền sảnh thánh đường, bữa tiệc liên hoan và chương trình văn nghệ ôn lại lịch sử giáo xứ cùng với những tiết mục tạ ơn Đức Mẹ qua chuỗi hạt Mân Côi.

Hiện nay, Giáo xứ Vinh Thủy trải rộng trên địa bàn Phường Phú Thủy, Thành phố Phan Thiết. Ngôi Thánh đường tọa lạc tại số 332 đường Thủ khoa Huân, Thành phố Phan Thiết.

- Phía Đông giáp giáo xứ Thanh Hải (Phường Thanh Hải)

- Tây giáp Đường Trần hưng Đạo, giáo xứ Thánh Mẫu (Phường Phú Thủy & Phú Trinh)

- Nam giáp bờ biển Đông và giáo xứ Vinh Phú (Phường Hưng Long)

- Bắc giáp sông Bình Lợi, cầu Sở muối.

Chúc mừng Ngọc Khánh Giáo xứ Vinh Thủy. 60 năm là thời gian đẹp trong lịch sử đời người, là thời gian quý trong lịch sử một tổ chức. Đến tuổi 60, người ta mừng thọ. 60 năm hình thành và phát triển của một tổ chức, người ta mừng lễ ngọc. Cầu chúc Giáo xứ luôn thăng tiến mọi mặt, góp phần vào sứ vụ truyền giáo của Giáo phận Phan thiết thân yêu.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An