Kính thưa quý vị và anh chị em,
Đức Thánh Cha và đoàn đồng tế đang tiến ra trước bàn thờ.

Đức Thánh Cha làm dấu bắt đầu thánh lễ.
Đức Thánh Cha gởi lời chào Phụng Vụ đến cộng đoàn.

Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Cộng đoàn đang cùng hát bài Veni, Creator Spiritus – Thánh Thần Hãy Xin Ngự Đến xin Ngài trợ giúp Hội Thánh trong quyết định quan trọng sắp diễn ra.

Sau khi cộng đoàn kết thúc kinh cầu xin Chúa Thánh Thần. Đức Hồng Y Angelo Amato là Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh và các cáo thỉnh viên trong các vụ án phong thánh tiến lên trước Đức Thánh Cha.

Đức Hồng Y nói:

Trọng Kính Đức Thánh Cha,
Giáo Hội Mẹ Thánh tha thiết khẩn xin Đức Thánh Cha ghi vào sổ bộ các Thánh các vị Chân Phước

Vincenzo Grossi,
Maria của Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội,
Louis Martin và Marie-Azélie Guérin
để các ngài có thể được kêu cầu như thế bởi tất cả các tín hữu Kitô.

Tiểu sử các vị Chân Phước sắp được tuyên thánh được tuyên đọc.

Tiểu sử Chân Phước Vincenzo Grossi

Chân Phước Vincenzo Grossi sinh tại Pizzighettone (Cremona), vào ngày 09 Tháng Ba, 1845, là con áp út của một gia đình giàu có về đức tin và các giá trị nhân bản. Sau khi được đón nhận Chúa Giêsu lần đầu tiên trong bí tích Thánh Thể, cậu thanh niên trẻ Vincenzo bày tỏ ý định muốn gia nhập chủng viện, vì bị thu hút bởi ơn gọi linh mục.

Vì những lý do gia cảnh, ngài đã bị buộc phải hoãn kế hoạch của mình để lao động trong nhà máy của cha mình, kết hợp việc này với lòng say mê học hỏi. Ngài đã làm tất cả điều này với lòng kiên quyết và hân hoan, chờ đợi “thời khắc của Chúa”. Cuối cùng, ngài được nhận vào chủng viện ngày 04 Tháng 11 năm 1864 và được thụ phong linh mục ngày 22 tháng 5 năm 1869.

Sau nhiều kinh nghiệm mục vụ ban đầu, ngài được bổ nhiệm làm chánh xứ Regona (một quận trong tỉnh nhà Pizzighettone) và sau đó là chính xứ Vicobellignano (Cremona), nơi ngài tiếp tục hoạt động trong ba mươi năm bốn năm sau đó. Chiến đấu với sự ngu dốt và nghèo nàn tiêu biểu của các thị trấn trong miền Lombard vào cuối thế kỷ XIX, ngài đã làm việc đặc biệt với những người trẻ, là những người mà ngài cung cấp chỗ ăn ở, giảng dạy và đào tạo để xác nhận phẩm giá là con cái Thiên Chúa của họ.

Ngài đã chọn một cuộc sống nghèo khổ và liên đới với những người túng quẫn nhất. Sự kết hiệp với Đức Kitô, Đấng là Thượng Tế và Chiên Con bị sát tế, là đặc trưng của sứ vụ và linh đạo của ngài, đã khiến ngài trở nên một con người chuyên chăm cầu nguyện sâu sắc và có lòng nhiệt thành tông đồ. Ngài nổi bật với đạo lý chính thống và lòng trung thành với Đức Giáo Hoàng. Ngài thường rao giảng trong các thành phố khác trong một nỗ lực nhằm xua tan sự thiếu hiểu biết về tôn giáo. Tại Vicobellignano, ngài thể hiện một tinh thần đại kết trong quan hệ với một cộng đồng Tin Lành, được đánh dấu bởi sự tôn trọng, sự thẳng thắn và tình yêu dành cho tất cả mọi người.

“Rúng động sâu sắc” trước “sự nghèo nàn về vật chất và luân lý của những phụ nữ trẻ”, ngài đã thiết lập Dòng Nữ Tử Thuyết Giảng.

Cha Vincenzo Grossi qua đời tại Vicobellignano vào ngày 07 tháng 11 năm 1917. Ngài đã được tuyên phong chân phước tại Rôma vào ngày 1 tháng 11 năm 1975.

Tiểu sử hai Chân Phước song thân Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu

Chân Phước Louis Martin sinh tại Bourdeaux ngày 22 Tháng Tám 1823. Là một thanh niên có một đức tin sâu sắc và chuyên chăm cầu nguyện, có thời ông đã mong mỏi được dâng hiến cho Thiên Chúa trong nhà tế bần của Thánh Cả Bernard, nhưng gặp khó khăn trong việc học tiếng Latin, ông đành trở thành một thợ đồng hồ và định cư tại Alençon.

Chân Phước Zélie Guerin sinh tại Gandelain, gần Saint-Denis-sur Sarthon, vào ngày 23 Tháng 12 năm 1831. Cô đã làm việc như một người thợ thêu thùa tại Alençon. Cô cũng đã từng bị cuốn hút bởi đời sống các nữ tu, nhưng sức khỏe không ổn định của mình và những nhận xét tiêu cực của sơ Bề Trên Dòng Nữ Tử Bác Ái tại Alençon làm cô nản lòng.

Ơn Chúa quan phòng, Zélie gặp được Louis trên cầu Thánh Leonard: cô gặp được một thanh niên mà những đức tính cao quý của anh, cung cách kính cẩn và vẻ trang nghiêm của anh đã để lại cho cô một ấn tượng sâu sắc. Một giọng nói trong lặng lẽ thì thầm: “Đây là người đàn ông đã dành sẵn cho con”. Họ đã kết hôn vài tháng sau đó tại nhà thờ Đức Bà thành Alençon, vào đêm 13 tháng 6, năm 1858.

Họ đã có niềm vui chào đón đến chín đứa con; bốn người đã chết trong thời thơ ấu, nhưng điều đó không dìm họ trong đau buồn cũng không làm suy yếu được đức tin sâu sắc của họ, họ vẫn kiên trì tham dự Thánh Lễ hàng ngày và có lòng sùng kính đặc biệt với Đức Trinh Nữ Maria. Người con gái cuối cùng của họ là Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Tiến Sĩ Hội Thánh. Án phong chân phước cho một người con gái khác của các ngài là chị Léonie (Sơ Francoise Therese, một nữ tu dòng Thăm Viếng) đã được bắt đầu vào ngày 02 tháng 7 năm nay.

Louis và Zélie Martin là những ví dụ tuyệt vời của tình yêu vợ chồng, của một gia đình Kitô giáo cần cù lo lắng cho người khác, hào phóng với người nghèo và được linh hứng từ một tinh thần truyền giáo mẫu mực, luôn sẵn sàng giúp đỡ các hoạt động của giáo xứ.

Zélie qua đời tại Alencon ngày 28 tháng 8 năm 1877 sau một thời gian dài bệnh tật. Louis chuyển đến Lisieux để bảo đảm một tương lai tốt hơn cho năm cô con gái của mình. Sau khi dâng lên Thiên Chúa tất cả những người con gái của mình, ông Cố, như người ta thường gọi ông, can đảm chịu đựng nhiều đau đớn vì một căn bệnh. Ông qua đời gần Evreux ngày 29 tháng 7 năm 1894. Louis và Zélie đã được phong chân phước vào ngày 19 tháng 10 năm 2008 tại Lisieux.

Tiểu sử Chân Phước Maria Salvat Romero

Chân Phước Maria Salvat Romero của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội sinh ngày 20 Tháng Hai năm 1926 tại Madrid, được rửa tội một ngày sau đó và được đặt tên là Maria Elizabeth. Thời thơ ấu, cô theo học trường các nữ tu Ái Nhĩ Lan tại Madrid.

Năm 1936, khi cuộc nội chiến Tây Ban Nha bùng nổ, gia đình cô lánh nạn tại Bồ Đào Nha, rồi sau mới trở về Madrid. Trong những năm thử thách này, Mary Elizabeth bắt đầu nhận ra ơn gọi sống đời tận hiến của mình. Năm 1944, cô gia nhập tu viện các nữ tu Đồng Hành Cùng Thánh Giá ở Seville. Năm sau đó, cô được nhận áo dòng, lấy tên là nữ tu Maria Vô Nhiễn của Thánh Giá, và bắt đầu đời sống một tập sinh.

Cô nổi bật với sự dấn thân, tinh thần hy sinh, lòng yêu mến sự thanh bần và khiêm nhường của mình. Năm 1947, cô đã được khấn tạm. Nhìn nhận những chuẩn bị nhân bản và tinh thần của Maria, nhà dòng đã giao phó cho cô một số vị trí trách nhiệm trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, và trong việc cai quản nhà dòng. Năm 1977 cô được bầu là Mẹ bề trên của nhà dòng. Cô được bầu lại ba lần trong những năm khó khăn sau Công Đồng Vatican II.

Mẹ bề trên Maria đã lo lắng cách riêng cho việc đào tạo thường xuyên cho các chị em của mình, đặc biệt là những người đã trải qua những khoảnh khắc của khủng hoảng và hoang mang trong những năm đầy những xáo trộn. Tính cách thanh thản và vui tươi của Mẹ bề trên Maria đã giúp tạo ra một môi trường tin cậy và hiệp thông. Mẹ đã đưa ra một kinh nghiệm đời sống tu trì mãnh liệt đánh dấu bởi một ý thức sống động về sự hiện diện của Thiên Chúa và sự theo đuổi liên tục Thánh Ý của Ngài.

Năm 1994, bác sĩ chẩn đoán Mẹ bề trên Maria có một khối u và phải mổ. Mẹ can đảm đối diện với căn bệnh của mình với sức mạnh tinh thần và trong sự ngoan ngoãn vâng theo ý muốn của Thiên Chúa. Mẹ qua đời an bình vào ngày 31 Tháng Mười năm 1998 tại nhà mẹ của nhà dòng ở Seville. Mẹ đã được phong chân phước tại Seville vào ngày 18 tháng 9 năm 2010.

Sau phần đọc tiểu sử, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cầu nguyện.

Anh chị em thân mến,
Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha toàn năng nhờ Chúa Giêsu Kitô và nhờ sự chuyển cầu của Đức Mẹ và tất cả các Thánh xin Ngài đoái thương nâng đỡ quyết định long trọng chúng ta sắp thực hiện.

Giờ đây, cộng đoàn cùng quỳ gối hát kinh cầu các Thánh bằng tiếng La tinh, khiêm tốn cầu xin các thánh nam nữ trợ giúp Hội Thánh trong quyết định quan trọng sắp diễn ra.

Kết thúc kinh cầu các thánh Đức Thánh Cha dâng lời nguyện:
Lạy Chúa, chúng con xin Chúa đoái thương nhận lời cầu của dân Ngài để việc phụng thờ của chúng con làm đẹp lòng Chúa và cho Giáo Hội được thêm phát triển. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

Giờ đây, Đức Thánh Cha long trọng đọc công thức phong thánh.
Để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, để phát huy đức tin Công Giáo và củng cố đời sống Kitô hữu, với quyền lực của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, của hai Thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô và của riêng tôi, sau khi đã suy nghĩ chín chắn, cũng như đã nhiều lần cầu xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa, đã tham khảo ý kiến của nhiều Chư huynh Giám mục, tôi quyết định tuyên bố các Chân Phước:
Vincenzo Grossi,
Maria của Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội,
Louis Martin và Marie-Azélie Guérin
là Thánh và được ghi vào sổ bộ các Thánh và truyền rằng ngài được tôn kính như vậy bởi toàn thể Giáo Hội.
Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen

Đức Hồng Y Angelo Amato tiến lên trước Đức Thánh Cha và nói:
Trọng kính Đức Thánh Cha, nhân danh Hội Thánh con cảm ơn Đức Thánh Cha đã công bố điều này và khiêm tốn thỉnh cầu ngài truyền rằng một tông thư liên quan đến hành động phong Thánh này được thảo ra.

Đức Thánh Cha bày tỏ sự đồng thuận.

Thánh lễ được tiếp tục với kinh Vinh Danh.

Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời,
và bình an dưới thế cho người thiện tâm.
Chúng con ca ngợi Chúa, chúng con chúc tụng Chúa,
chúng con thờ lạy Chúa, chúng con tôn vinh Chúa,
chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa.
Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Vua trên trời,
Là Chúa Cha toàn năng.
Lạy Con Một Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô,
Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Chiên Thiên Chúa
là Con Ðức Chúa Cha.
Chúa xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con;
Chúa xóa tội trần gian, xin nhậm lời chúng con cầu khẩn.
Chúa ngự bên hữu Ðức Chúa Cha, xin thương xót chúng con.
Vì, lạy Chúa Giêsu Kitô, chỉ có Chúa là Ðấng Thánh,
chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Ðấng Tối Cao,
cùng Ðức Chúa Thánh Thần trong vinh quang Ðức Chúa Cha.
Amen.

Sau khi cộng đoàn vừa dứt Kinh Vinh Danh, Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện.
Chúng ta hãy cầu nguyện. Lạy Chúa Toàn Năng xin cho chúng con luôn luôn biết uốn nắn ý muốn của chúng con theo thánh ý Chúa và chân thành phụng sự vương quốc Chúa. Nhờ Ðức Giêsu Kitô, Con Chúa, Đấng hằng sống hằng trị cùng Chúa và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Các bài đọc và bài Phúc Âm được lấy từ Phụng Vụ Chúa Nhật 29 Thường Niên

BÀI ĐỌC 1: Is 53, 10-11

“Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn”.
Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa đã muốn hành hạ người trong đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn, và nhờ người, ý định Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi khổ tâm của người, người sẽ thấy và sẽ được thỏa mãn. Nhờ sự thông biết, tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hóa nhiều người, sẽ gánh lấy những tội ác của họ.

Đó là Lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 32, 4-5, 18, 19, 20 và 22

Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con,
theo như chúng con tin cậy ở nơi Người .

1. Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng của Chúa.
2. Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.
3. Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Người là Đấng phù trợ và che chở chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Người.

BÀI ĐỌC 2: Hebr 4, 14-16

“Chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước toà ân sủng”.
Bài trích thư gửi tín hữu Do Thái.

Anh chị em thân mến, chúng ta có một thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Đức Giêsu, con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có vị thượng tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, Vậy chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước tòa ân sủng, ngõ hầu lãnh nhận lòng từ bi và tìm kiếm ân sủng để gặp được ơn phù trợ kịp thời.

Đó là Lời Chúa.

ALLELUIA: 1 Sam 3.9

Alleluia, Alleluia: “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời”. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 10, 35-45

“Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”. Người đáp: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con”. Các ông thưa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”. Chúa Giêsu bảo: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được”. Chúa Giêsu bảo: “Chén Thầy uống các con cũng sẽ uống và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định”. Mười môn đệ khác nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đây tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Đó là Lời Chúa

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay trình bày chủ đề phục vụ, kêu gọi chúng ta bước theo Chúa Giêsu trên con đường khiêm nhường và thánh giá.

Tiên tri Isaia đã mô tả Người Tôi Tớ Thiên Chúa (53: 10-11) và sứ mệnh cứu độ của Ngài. Người Tôi Tớ không thuộc về một dòng họ lẫy lừng; Ngài bị khinh miệt, bị mọi người xa lánh, một người đầy những ưu phiền. Ngài không làm những sự trọng đại hay đưa ra những bài phát biểu đáng nhớ; thay vào đó, Ngài hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa qua sự khiêm tốn, trong sự hiện diện lặng lẽ và qua những đau khổ của mình. Sứ vụ của Ngài được thực hiện trong khổ đau, và điều này khiến Ngài thấu hiểu những ai đau khổ, để gánh lên vai tội lỗi của những người khác và hiến mình làm lễ đền tội cho họ. Việc từ bỏ mình, và chịu đau khổ của Người Tôi Tớ Chúa, thậm chí cho đến chết, tỏ ra rất hiệu quả vì mang lại ơn cứu chuộc và cứu rỗi cho nhiều người.

Chúa Giêsu là Người Tôi Tớ Chúa. Cuộc sống và sự chết của Ngài, được đánh dấu bằng một thái độ phục vụ hoàn toàn (x. Phil 2: 7), là căn nguyên mang lại ơn cứu rỗi cho chúng ta và hoà giải nhân loại với Thiên Chúa. Việc loan báo, là trọng tâm của Tin Mừng, làm chứng rằng cái chết và sự sống lại của Người làm viên mãn những lời tiên tri về Người Tôi Tớ Chúa. Thánh Marco kể với chúng ta cảnh tượng Chúa Giêsu đương đầu với hai môn đệ Giacôbê và Gioan. Bị thúc bách bởi bà mẹ, hai ông muốn được ngồi bên hữu và bên tả của Người trong nước Thiên Chúa (X Mc 10: 37), đòi những chỗ danh dự, theo tầm nhìn phẩm trật của họ về Nước Trời. Viễn tượng của họ vẫn còn bị che mờ bởi ảo ảnh của những thành đạt trần thế. Chúa Giêsu liền “phang” cú đầu tiên vào những khái niệm ấy của các môn đệ bằng cách đề cập đến con đường của Người trên trần thế này: “Chén mà Thầy uống, cả các con cũng sẽ uống, nhưng còn việc ngồi bên tả hay bên hữu Thầy, không phải Thầy ban điều ấy; điều ấy dành cho những người đã được chỉ định (câu 39-40). Với hình ảnh của cái chén, Chúa bảo đảm với hai môn đệ là họ có thể dự phần đầy đủ vào số phận đau khổ của Người, nhưng không bảo đảm những chỗ danh dự mà họ mưu tìm. Câu trả lời của Người là một lời mời gọi hãy theo Người trên con đường yêu thương và phục vụ, từ khước mọi cám dỗ trần thế muốn ngồi chỗ nhất và ra lệnh cho người khác.

Đứng trước những người tìm kiếm quyền bính và thành công, các môn đệ được kêu gọi hãy làm ngược lại. Cho nên, Chúa cảnh giác họ: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (câu 42-44). Với những lời ấy Chúa chỉ cho chúng ta thấy việc phục vụ là cách thức thực thi quyền bính trong cộng đoàn Kitô. Ai phục vụ người khác và không màng danh lợi, là thực thi quyền bính thực sự trong Giáo Hội. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy thay đổi cách nhìn và vượt qua sự ham hố quyền hành để đạt đến niềm vui phục vụ trong lặng lẽ; loại trừ ước muốn bản năng là được thống trị người khác và thực thi nhân đức khiêm nhường.

Sau khi trình bày một kiểu cách đừng nên bắt chước, Chúa Giêsu đưa ra chính mình như lý tưởng cần noi theo. Khi noi theo Thầy, cộng đoàn tìm được viễn tượng mới cho cuộc sống của mình: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (câu 45). Trong truyền thống Kinh Thánh, Con Người là Đấng lãnh nhận từ Thiên Chúa “quyền bính, vinh quang và vương quyền” (Dn 7,14). Chúa Giêsu làm cho hình ảnh ấy được tràn đầy ý nghĩa mới. Chúa chỉ ra rằng Ngài được hưởng quyền bính vì Ngài là người tôi tớ; được hưởng vinh quang vì có thể hạ mình xuống; và được hưởng vương quyền vì sẵn sàng thí mạng sống mình. Qua cuộc thương khó và cái chết, Người chiếm chỗ rốt nhất, đạt tới mức độ phục vụ cao cả nhất, và truyền lại điều đó cho Giáo Hội của Người.

Có thể có một sự bất dung hợp giữa quan niệm của thế gian về quyền bính và sự phục vụ khiêm nhường là đặc trưng của quyền bính theo giáo huấn và gương của Chúa Giêsu. Tham vọng và lòng khát khao sự nghiệp không tương hợp với tư cách là môn sinh Chúa Kitô. Vinh dự, thành công, danh tiếng, những vẻ vang trần thế đối chọi với luận lý của Chúa Kitô chịu đóng đinh. Trái lại có sự tương hợp giữa Chúa Giêsu, “con người đầy những ưu phiền”, và sự đau khổ của chúng ta. Thư gửi tín hữu Do Thái làm rõ điều này khi trình bày Chúa Kitô như vị Thượng Tế chia sẻ hoàn toàn thân phận làm người của chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (4:15). Chúa Giêsu thi hành một chức linh mục đích thực của lòng thương xót và cảm thông. Người đã trải qua kinh nghiệm trực tiếp về những khó khăn của chúng ta, Người biết từ bên trong thân phận phàm nhân của chúng ta; sự kiện Người không mắc tội lỗi không ngăn cản Người thấu hiểu các tội nhân. Vinh quang của Người không phát sinh từ tham vọng hay khao khát thống trị, nhưng là vinh quang của Đấng yêu mến con người, đón nhận và chia sẻ yếu đuối của họ và ban cho họ ơn thánh chữa lành, tháp tùng họ với lòng dịu dàng vô biên giữa trăm chiều gian truân của họ.

Mỗi người chúng ta, nhờ phép rửa, thông phần vào chức linh mục của Chúa Kitô: các tín hữu giáo dân tham gia chức linh mục chung, các linh mục tham gia chức linh mục thừa tác. Vì thế, tất cả chúng ta đều có thể lãnh nhận tình thương xuất phát từ con tim rộng mở của Người, cho bản thân chúng ta cũng như cho tha nhân: chúng ta trở thành những máng chuyển tình thương, sự cảm thông của Người, đặc biệt đối với những ai đang đau khổ, thất vọng và cô đơn.

Những người nam nữ được tuyên thánh hôm nay đã không ngừng phục vụ anh chị em mình với lòng khiêm tốn và bác ái nổi bật khi noi gương Thầy Chí Thánh. Thánh Vincenzo Grossi là cha sở nhiệt thành, luôn quan tâm đến các nhu cầu của dân ngài, nhất là những nhu cầu của giới trẻ. Thánh nhân chuyên chăm bẻ bánh Lời Chúa cho mọi người và trở thành người Samaritano nhân lành cho những người túng thiếu nhất.

Thánh nữ Maria Đức Mẹ Vô Nhiễm đã tận hiến đời mình, phục vụ với lòng khiêm tốn sâu xa những người bé mọn nhất, đặc biệt là những trẻ em con cái những người nghèo và những đau yếu.

Đôi vợ chồng thánh thiện Louis Martin và Marie Azélie Guérin đã thực hành việc phục vụ Kitô trong gia đình, ngày qua ngày kiến tạo một môi trường đức tin và tình yêu, là nơi đã nảy mầm những ơn gọi của các cô con gái, trong đó có thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

Ước gì chứng tá rạng ngời của các vị thánh mới này linh hứng chúng ta bền đỗ trên con đường phục vụ vui tươi dành cho anh chị em mình, tín thác nơi ơn phù trợ của Thiên Chúa và sự bảo vệ hiền mẫu của Mẹ Maria. Từ trời cao, giờ đây xin các ngài phù trì và nâng đỡ chúng ta qua lời chuyển cầu đầy quyền năng của các ngài.

Sau bài giảng của Đức Thánh Cha, các lời nguyện đã được dâng lên theo những ý chỉ sau

Cầu cho Hội Thánh của Chúa
Xin cho Giáo Hội luôn tuyên xưng đức tin, công bố cho mỗi người Tin Mừng cứu độ, và dẫn dắt tất cả nhân loại đến với một niềm hy vọng không bao giờ làm chúng ta thất vọng.
Xin Chúa nhận lời chúng con

Cầu cho Thượng Hội Đồng Giám Mục
Được hướng dẫn bởi một đức tin đích thực, xin cho các nghị phụ có thể nhìn vào trái tim của Chúa Giêsu và chỉ cho anh chị em mình con đường chân lý và tình yêu.
Xin Chúa nhận lời chúng con

Cầu cho Quốc Hội các nước
Được mời gọi để hướng dẫn tương lai các dân tộc và công dân, xin cho họ có thể khước từ bất công và áp bức và thúc đẩy những phúc lợi chân chính của mỗi gia đình.
Xin Chúa nhận lời chúng con

Cầu cho các Kitô hữu bị bách hại
Khi kết hiệp với chén đau khổ của Chúa, xin cho họ có thể mạnh mẽ và kiên trì trong các thử nghiệm và xin cho những hy sinh của họ góp phần vào ơn cứu độ của nhân loại.
Xin Chúa nhận lời chúng con

Cầu cho người trẻ nhận ra ơn gọi
Được linh hứng bởi Chúa Giêsu, Đấng đã trở thành một người tôi tớ, xin cho họ có thể nhận ra ý muốn của Chúa Cha với lòng ngoan ngoãn và vui mừng và xin cho họ được giải thoát khỏi mọi cám dỗ và sợ hãi.
Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện

Lạy Chúa, xin nhìn đến những người kính sợ Chúa đây. Nhờ sự chuyển cầu của các thánh, là những người đã sống trong sự vâng phục hoàn toàn Tin Mừng, xin cho tình yêu Chúa tuôn đổ trên chúng con vì chúng con đặt niềm tín thác.