TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ NĂM 1963

Cách nay 52 năm, ngày 02.11.1963, ông Ngô đình Diệm, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, và bào huynh Ngô đình Nhu đã bị các tướng lãnh được thuê bởi đám thực dân thuộc quyền ông John F. Kennedy, Tổng thống Hoa kỳ, giết sau ngày đảo chính 01.11.1963. Hậu quả đã mang hàng triệu cái chết đến cho người dân hai miền Việt Nam và chiến sĩ các quốc gia Đồng minh. Cuối cùng, ngày 30.04.1975, Sài gòn rơi vào tay cộng sản Bắc Việt, đồng bào Miền Nam mất Tự do và Dân chủ… Từ những dữ kiện tìm được qua ‘xa lộ thông tin’ bổ túc cho những điều mắt thấy tai nghe trong năm 1963, khi sống tại ‘Hòn ngọc Viễn đông’, nay xin viết những điều mình đã thu thập một cách hoàn toàn cá nhân với ý muốn duy nhất là tránh cho tên nước Việt Nam sẽ không bị xóa bỏ trên bản đồ thế giới.

Trước khi vào bài, ước mong chúng ta đồng ý: « Muôn đời, xâm lược Tàu vẫn nuôi tham vọng chiếm Quê hương Việt với ba lần Bắc thuộc :

- Lần đầu, năm 111 trước Tây lịch, chúng chiếm nước Giao chỉ và cai trị hà khắc dân ta khiến Hai Bà Trưng (Trưng Trắc và Trưng Nhị) kêu gọi toàn dân phất Cờ Vàng đánh đuổi quân Tàu về nước năm 39 sau Tây lịch. Ở ngôi vua tuy chỉ được 3 năm, Hai Bà đã làm cho vua tôi nhà Hán phải lo sợ, kính nể đủ để tiếng thơm lại cho muôn đời trong sử sách ;

- Lần hai bắt đầu năm 43. Năm 544, Tiêu Tư, thứ sử Giao châu, là kẻ tàn bạo, làm cho lòng dân oán hận, nên Lý Bôn hợp toàn dân nổi dậy, tạo lập nhà Tiền Lý ;

- Lần ba khởi đi từ năm 603. Năm 938, khi quân Hán do Hoằng Tháo đến gần sông Bạch đằng, Ngô Quyền hiệu triệu quốc dân đồng bào gia tăng đề phòng và truyền lịnh quân sĩ tìm gỗ cặp sắt nhọn, cắm ngầm ở dưới lòng sông, rồi chờ địch đến lúc nước thủy triều lên, xua quân ta ra khiêu chiến, Hán quân đuổi theo. Khi nước xuống, ông phản công, địch thua chạy, các thuyền mắc vào cộc gỗ thủng nát hết, người chết quá nửa. Hoàng Tháo bị bắt và xử tử. https://www.youtube.com/watch?v=1-RTLdW5QyU

Nhờ đó, nước Nam ta thoát ách Bắc thuộc. Từ đó, tuy dưới các chế độ quân chủ Đinh, Lê, Lý, Trần, khi Đất Nước nguy biến, các Vua đã biết hỏi ý người dân để chung sức đối phó mà điển hình là Hội nghị Diên Hồng năm 1284 do Vua Trần Thánh Tôn triệu tập các bô lão để hội ý nên Hòa hay Chiến với quân Nguyên xâm lược : https://www.youtube.com/watch?v=E836UhU12FY

Kinh ngiệm được rút ra từ các trường hợp trên cho thấy các chiến thắng Dân tộc Việt thu được là kết quả từ sự đoàn kết của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Vua và sự quyết tâm của mọi người, không cần ngoại bang trợ giúp. Dĩ nhiên, với thời tân tiến hiện nay, Việt Nam cần sự ủng hộ và viện trợ từ các cường quốc, nhưng phải thận trọng vì khi những quyền lợi trái với những quyền lợi chúng ta, chúng ta có thể bị hy sinh.

I./ CÀNH ĐÀO HỒ CHÍ MINH GỞI TẶNG NGÔ ĐÌNH DIỆM.

Sáng mùng một Tết Quí Mão (1963), những Đại sứ thành viên Ngoại giao đoàn có nhiệm sở tại Sài gòn khi đến Dinh Tổng thống để chúc Năm Mới, đã lưu ý đến một cành đào thật lớn có đính danh thiếp ghi ‘Chủ tịch Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ chí Minh tặng Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô đình Diệm’. Cành đào này được gởi qua trung gian Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến và được nhận về bởi Đại úy Lê Châu Lộc, tùy viên quân sự Tổng thống. Tại sao Hồ chí Minh đã tỏ thiện chí như vậy ?

A. Chính tình thế giới đầu thập niên 1960.

1./ Liên xô. Sau khi củng cố quyền hành, N. Khrushchev hình thành chiến lược mới cho khối cộng sản, chủ trương chung sống hòa bình giữa những nước có chế độ chính trị và xã hội khác nhau. Liên xô tiến hành phát triển kinh tế cho khối cộng sản, áp dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật mới vào sản xuất, để tăng năng suất lao độngcùng sản lượng sản xuất. Nhờ tăng trưởng kinh tế, Liên xô kỳ vọng đủ khả năng để ủng hộ các nước đang phát triển và giúp đỡ các phong trào cộng sản trên toàn cầu, mở rộng ảnh hưởng Quốc tế Cộng sản.

2./ Trung cộng không đồng ý chiến lược này và cho rằng Liên xô sợ chiến tranh với Hoa kỳ và đầu hàng đế quốc Mỹ. Họ cho rằng chiến tranh cách mạng quốc tế càng mau thắng lợi, càng mau tiến đến thế giới đại đồng. Do đó, tranh chấp giữa hai cường quốc cộng sản này ngày càng thêm căng thẳng. Bắc Việt nghiêng dần về phía Trung cộng, chủ trương dùng vũ trang để chiếm miền Nam. Liên sô thì muốn một Việt Nam trung lập theo đề nghị của Pháp (xem chi tiết bên dưới) sẽ có lợi hơn một Việt Nam bị lệ thuộc Trung cộng.

3./ Tại Hoa kỳ, Tổng thống Kennedy đã phải đương đầu với khủng hoảng Tây Bá linh (Tây Đức), thất bại trong vụ đổ bộ Vịnh Con heo (Cuba), và tính sai trong việc trung lập hoá Lào. Các thất bại này đã dẫn đến một chiến lược chống cộng thiếu tích cực ‘vừa dọa vừa đàm’.

4./ Toà thánh Vatican cũng thay đổi chiến lược và chấp nhận chung sống hòa bình với những người cộng sản.

5./ Pháp quốc muốn tái lập ảnh hưởng tại các nước cựu thuộc địa, vận động giải pháp trung lập hóa Đông dương.

6./ Ấn độ đang có chiến tranh biên giới với Trung cộng. Theo Hiệp định đình chiến Geneva, Ấn độ và Ba lan là hai quốc gia trong Ủy ban Quốc tế Kiểm soát Đình chiến tại Việt Nam (International Commission for Supervision and Control in Vietnam, ICC, gồm 3 quốc gia, một thuộc thế giới tự do là Canada, một thuộc khối cộng Sản là Ba lan và một thuộc khối Không Liên lết là Ấn độ). Tháng 1/1963, Ngoại trưởng Ba lan Adam Rapacki sang thăm Ấn độ và hội thảo với Thủ tướng J. Nehru. Ông đề nghị trung lập hoá cả hai miền Nam Bắc và tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất Việt Nam. Sau đó, ông Rapacki đã gặp ông John K. Galbraith, Đại sứ Mỹ tại Ấn độ, để tìm giải pháp trung lập Việt Nam. Ông Galbraith đề nghị trước tiên hai phía phải ngừng bắn trong vòng 6 tháng. Sau đó, ông đã báo cho Tổng thống Mỹ Kennedy về đề nghị của mình, nhưng không thấy ý kiến được tiến hành.

7. / Việt Nam, từ ngày 20.07.1954, khi Đất Nước phân đôi :
- tại Miền Bắc cộng sản, bắt chước cộng đảng Tàu, chính quyền Hồ chí Minh áp dụng những chính sách mang tính cộng sản như nông nghiệp tập thể, doanh nghiệp quốc doanh… Đảng cộng sản Việt thực hiện sách lược diệt chủng tiêu diệt giai cấp tiểu tư sản và điền chủ : 200 ngàn người bị giết, hằng triệu nạn nhân do các cuộc Chỉnh quân, Luyện huấn, Cải cách ruộng đất. Cuộc Cải cách ruộng đất của chúng không chỉ vì mức độ giết người không gớm tay, nó còn tàn phá văn hóa và tiêu diệt lòng nhân bản nơi người dân ‘ai không theo là chống, ai chống là bị tiêu diệt’. Giới trí thức tranh nhau để được Đảng ban danh ‘hồng hơn chuyên’ để vào biên chế nhà nước, bóc lột dân lành.
- Miền Nam dân chủ, chỉ vỏn vẹn có 9 năm trời, chính phủ Đệ nhất Cộng hòa, do Tổng thống Ngô đình Diệm lãnh đạo, đã trở thành một đất nước văn minh, trù phú, pháp luật nghiêm minh, đạo lý được thượng tôn, người dân được tự do, ấm no hạnh phúc, …

8./ Trước cảnh người dân Miền Bắc còn không đủ ăn thì làm sao đảng cộng sản có thể nuôi đám du kích và đảng viên chúng tại Miền Nam, nơi có một nền kinh tế khả quan. Do đó, ngày 17.03.1963, Tổng thống Ngô đình Diệm công bố chính sách Chiêu Hồi để mời gọi những người lầm đường trở về với chính nghĩa quốc gia cùng ấn định những quyền lợi họ được hưởng. Ngày 18.02.1973, Bưu chính Việt Nam Cộng hòa cho phát hành con tem ‘Chiêu hồi’ có giá 10 đồng, kỷ niệm người hồi chánh thứ 200.000. Nhờ chính sách này, Việt Nam tiết kiệm được hàng trăm ngàn đời sống cho người dân mình.

II./ TIẾN TRÌNH HÒA BÌNH CHO VIỆT NAM.

A.- Nghĩa cử cao thượng của vị Tổng thống thành lập nền Cộng hòa Việt Nam :

Ông Cao xuân Vỹ, Thủ lãnh Thanh niên Cộng hòa (một Tổ chức dân sự ủng hộ chế độ) có tường thuật :
« Khi đảo chính 01.11.1963 khởi diễn, Thiếu tá Nguyễn hữu Duệ (Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Tổng thống phủ) xin phép Tổng thống đem thiết giáp lên bộ Tổng Tham mưu để bắt các tướng và dẹp đảo chính. Nhưng Tổng thống không cho. Lúc đó, tôi đang ở bên Tổng thống Diệm và ông Nhu tại dinh Gia Long. Tôi nghe điện thoại và trình lên Tổng thống. Oâng la ‘Các anh muốn gì? Ở với tôi bấy lâu mà không hiểu ý tôi sao? Dân Nghệ an các anh chỉ thích làm loạn. Đem quân đội chống quân đội là cách bảo vệ tổ quốc hả?’. Tôi thưa ‘Nhưng người ta đánh mình thì mình phải đánh lại chứ Tổng thống. Chẳng lẽ để phải chết sao?’. Ông quát lên ‘Chết thì đã sao’».

Đúng, đối với ông Diệm chết thì đã sao. Nhưng đối với chúng ta thì cái chết của ông là cái chết dần dần của Miền Nam. Ông còn nói ‘Quân đội là để bảo vệ Tổ Quốc chứ không phải để bảo vệ cá nhân Tổng thống’. Tiếp đó, ông Diệm bảo ông Vỹ liên lạc với ông Trương vĩnh Lễ, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu triệu tập Quốc hội để ông ra từ chức trước Quốc Hội, hòng tránh cảnh đổ máu. Ông Vỹ gọi ông Lễ 4 lần nhưng không gặp (Ngày 01.11.1963, Lễ các Thánh là ngày nghỉ). Ngoài ra, thật vậy, khi quân đội bị chia rẽ, khi chính nghĩa bị hy sinh, khi đất nước mất người lãnh đạo anh minh, tài đức, để giao tiền đồ Tổ Quốc vào tay những con người kém tài đức, phản loạn, thì trước sau gì cũng mất về tay cộng sản miền Bắc tháng 4/1975.

{Lúc đó, ngoài Lữ đoàn xin lên tấn công hành dinh phe đảo chính, còn có một đại đội biệt kích Lực lượng Đặc biệt vừa hành quân ở Tây ninh về đến Sài gòn báo cáo lực lượng phòng vệ các tướng đảo chính yếu, nên xin phối hợp với 2 tiểu đoàn Lữ đoàn Phòng vệ Tổng thống phủ đột kích vào bắt hết các tướng đảo chính. Tổng Thống không chấp thuận.}

B.- Tổng thống Ngô đình Diệm chủ trương để hiệp thương với Miền Bắc phải có 6 giai đoạn:
– Bắt đầu bằng việc cho dân hai Miền trao đổi thư tín tự do ;
– Rồi cho dân đi lại tự do giữa hai Miền ;
– Cho dân hai Miền được tự do chọn định cư sang bên kia, nếu muốn ;
– Thứ 4 mới đến giai đoạn trao đổi kinh tế. Ví dụ miền Nam đổi gạo lấy than đá của miền Bắc chẳng hạn ;
– Qua được các giai đoạn đó rồi mới tiến tới hiệp thương ;
– Và sau cùng là tổng tuyển cử.

Ông Ngô đình Nhu dự tính : Nếu cho người dân tự do chọn nơi định cư, thì căn cứ theo tình trạng về tự do dân chủ tồi tệ và kinh tế kiệt quệ của Miền Bắc lúc ấy, sẽ có khoảng 3 triệu người dân sẽ dần dần vào định cư ở Miền Nam. Vì vậy ‘mình’ phải chuẩn bị đất cho dân. Ông cũng tính rằng hiện dân số Miền Bắc có tới 23 triệu, trong khi dân số Miền Nam chỉ có 17 triệu. Nếu có được 3 triệu dân Bắc vào định cư ở Miền Nam thì dân số 2 bên sẽ cân bằng. Bầu cử tự do, với sự giám sát Quốc tế thì chắc mình sẽ thắng.
C.- Dự kiến hiệp thương nẩy mầm.

Năm 1962, sau khi dự lễ đăng quang của quốc vương Maroc, ông Ngô đình Nhu đã đến Paris gặp ông A. Pinay, đại diện Tổng thống C. De Gaulle, bàn chuyện hiệp thương với Hồ chí Minh, với sự hiện diện của Giáo sư Bửu Hội, Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Rabat (Maroc), từng là cố vấn cho ông Hồ. Nên trong việc này, có thể nói ông Bửu Hội có vai trò cũng quan trọng không kém ông Nhu. Nhiều phiên họp đã diễn ra cả tháng vì Hồ chí Minh đã nhờ ông Jean Sainteny xin Tổng thống De Gaulle giúp. Ông biết ông De Gaulle đang có chủ trương trung lập hóa Đông dương vì hận Mỹ đã ‘hất cẳng’ Pháp và xin Tổng thống Pháp can thiệp để tiếp xúc với Sài gòn. Tổng thống Pháp rất sốt sắng trong việc này.

(Còn tiếp)
Hà Minh Thảo