Bài Giảng của Đức Tổng Giám Mục Têphanô NGUYỄN NHƯ THỂ, trong Thánh Lễ MINH NIÊN GIÁP THÂN

Cộng đoàn hành hương thân mến,

Xin chúc Cộng đoàn, anh chị em năm mới Giáp Thân đầy tràn bình an và đức hạnh trong vòng tay yêu thương của Mẹ La-Vang để cho Danh Chúa được cả sáng hơn.

1. Ngày mồng 3 Tết hằng năm, chúng ta hành hương minh niên về La-Vang như một ngày hẹn đoàn tụ gia đình: cha mẹ, con cái, cháu chắt dắt dìu nhau về bên Mẹ, để được cảm nếm tình thương ngọt ngào của Mẹ trong những ngày đầu năm.

Ngày mồng 3 Tết hằng năm cũng là ngày thánh hóa công việc làm ăn của mỗi người, của mỗi gia đình suốt cả năm mới. Thời kinh tế thị trường, mọi người đua chen làm ăn, làm giàu, làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm giờ nghỉ. Người công giáo cũng chăm lo làm ăn đầu tắt mặt tối, thức khuya dậy sớm, cũng một nắng hai sương, vất vả nhọc nhằn… nhưng người công giáo có thể thăng hoa tất cả, có thể thánh hóa kiếp sống nầy, có thể biến bể khổ thành hạnh phúc, cùng với ân sủng của Chúa Giêsu Con Thiên Chúa làm người đảm nhận trọn vẹn kiếp người để giải thoát trọn vẹn kiếp người. Chúa Giêsu căn dặn chúng ta đừng để cho công việc đè bẹp mình, đừng để cho sương nắng và những lo âu thái quá che khuất tầm nhìn lên cao của chúng ta. Ngài nói: “Hãy xem chim trời… Hãy ngắm hoa huệ ngoài đồng… Anh em đừng lo lắng tự hỏi: Ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây?... Cha của anh em Đấng ngự trên trời thừa biết anh em cũng cần tất cả những thứ đó. Trước tiên hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và ăn ở công chính như Người đòi hỏi; còn tất cả các thứ khác, Chúa sẽ ban thêm cho” (Mt. 6,33).

2. Anh chị em thân mến,

Năm nay cũng là Năm Thánh Truyền Giáo của toàn thể Hội Thánh Công Giáo Việt Nam cùng với Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam về “sứ mạng loan báo Tin mừng trong xã hội hôm nay” và với sắc lệnh của Tòa Ân Giải Tối Cao, thừa lệnh Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, ban phép mở Năm Thánh kèm theo muôn vàn ơn thiêng, để kỷ niệm 470 năm, ngày Đạo Chúa vào Việt Nam.

Chúa Giêsu Kitô là nhà truyền giáo tiên khởi và vĩ đại nhất của Chúa Cha. Toàn cuộc sống trần gian của Ngài là một cuộc sống truyền giáo, tức là tỏ bày tình thương của Thiên Chúa đối với con người.

Khi ấy người Do thái chống đối Đức Giêsu vì Ngài hay chữa bệnh ngày nghỉ Sabbat, nhưng Đức Giêsu đáp lại: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc và tôi cũng làm việc” (Ga. 5,16-17). Sống là làm việc, làm việc là truyền giáo, sống là truyền giáo. Không có hai cuộc sống nơi Chúa Giêsu làm người. Người công giáo cũng chỉ có một cuộc sống, và sống tử tế, làm việc đàng hoàng là đã truyền giáo rồi.

Trong sứ điệp truyền giáo năm 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết: “Vào thời điểm nầy, một thời điểm gia ân và thương xót, tôi đặc biệt cảm thấy phải dốc toàn lực của Giáo Hội vào việc phúc âm hóa mới và việc truyền giáo cho muôn dân. Không một tín hữu nào, không một định chế nào trong Giáo Hội có thể trốn tránh trách nhiệm tối cao là loan báo Chúa Kitô cho mọi người. Không ai có thể cảm thấy mình được miễn cộng tác vào việc truyền giáo của Đức Kitô vốn đang tiếp tục trong Giáo Hội. Trái lại, lời mời gọi của Chúa Giêsu mang tính thời sự hơn bao giờ hết: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho của tôi” (Mt. 20,7).

3. Anh chị em thân mến,

Đã đến lúc người tín hữu phải lớn lên, trưởng thành trong phẩm chất đức tin, biết đảm nhận trách nhiệm tín hữu của mình. Không chỉ cứ đòi hỏi Hội Thánh phải lo cho mình từ đầu đến chân, từ phần hồn đến phần xác, mà không bao giờ cùng cả. Người tín hữu trưởng thành phải có trái tim rộng mở, biết lo cho người khác. Đến lúc nầy đây, người tín hữu phải nói được với Hội Thánh rằng: “Hội Thánh hãy lo cho người khác đi, còn chúng con các tín hữu, chúng con đã lớn rồi, đã biết tự sống đức tin rồi, chúng con muốn cùng với Hội Thánh lo cho các anh em khác”. Chỉ lúc ấy mới dấy lên một hào khí truyền giáo tưng bừng, mới cùng lướt theo hứng khởi của Chúa Thánh Thần được, như lời tiên tri Isaia nói: “Những ai tin cậy vào Thiên Chúa thì sẽ được biến đổi, mang sinh lực mới. Họ sẽ mọc cánh như phượng hoàng bay cao. Họ chạy mà không mỏi, đi mà không mệt” (Is. 40,31).

Không thể cứ quanh quẩn với những bắt bẻ, lý sự nhỏ nhen, với những lề thói cứng nhắc không hồn. Không thể cứ hao mòn nội lực và sinh lực với những chuyện hơn thua vụn vặt, vô bổ và vô ích. Hãy để cho cơn lốc thần linh thổi bay tới miền vô tận, hãy thấm nhuần đức tin sinh động, hãy sống trong sự tự do của con cái Chúa. Hãy sống đức tin một cách nhuần nhuyễn, một cách tự nhiên và một cách hồn nhiên như nước chảy mây trôi, một đức tin đã thấm đẫm toàn vẹn cuộc sống.

470 năm Đạo Chúa vào Quê Hương Việt Nam thân yêu. Bao nhiêu thế hệ, đời người đã qua đi. Mẹ Hội Thánh những ngóng trông con cái lớn lên từng ngày, từng giờ. Con người chỉ lớn lên khi ngày càng biết ý thức trách nhiệm, biết thôi vun quén cho cá nhân mình để lo cho đại cuộc. Không lớn lên, không trưởng thành thì cũng không thể biết yêu thương, quảng đại, tha thứ. Chớ gì lời ước của tờ thiệp chúc Tết kia được thực hiện nơi mỗi người chúng ta:

“Bạn không phải là mặt trời, nhưng bạn đã soi sáng cuộc đời tôi.

Bạn không phải là mưa, nhưng bạn đã giúp tôi lớn lên.

Bạn không phải là gió, nhưng bạn đã cho tôi nguồn tươi mát trong lành.

Bạn không phải là thế giới nầy, mà bạn là những gì đặc biệt nhất của thế giới”.


4. Anh chị em thân mến,

Một chiều mùa đông gió mưa ảm đạm, những hành khách trên chuyến xe đò lặng lẽ nhìn con đường độc điệu. Cái giá lạnh và cuộc sống buồn tẻ như giam hãm mọi người trong một thứ thinh lặng nặng nề.

Nhưng ở một trạm đường kia, mọi người bỗng ra khỏi sự thinh lặng của mình để đưa mắt nhìn về một phụ nữ trẻ bước lên xe. Chiếc xe từ từ lăn bánh. Người phụ nữ bắt đầu nói, cười và đùa giỡn với đứa con thơ chị đang bồng trên tay. Cử chỉ của người phụ nữ, tiếng cười hồn nhiên của đứa bé đã thu hút sự chú ý của mọi hành khách. Trong phút chốc, một ngọn gió mát của hiếu kỳ, của liên đới, của tham dự, và của sức sống đã đem lại một bầu khí tươi mát cho mọi người. Mọi người như bừng tỉnh từ cơn thinh lặng ngái ngủ. Rồi nơi nầy có người bắt đầu nói chuyện. Nơi kia có tiếng cười rôm rả. Hành khách chuyện trò cười nói càng lúc càng vui vẻ hơn. Giờ thì chuyến đi không còn là một cuộc độc hành lầm lì nữa.

Trên chuyến xe cọc cạch và buồn tẻ của thế giới, một người nữ đã bước lên. Tình yêu và sự sống đã bừng dậy. Người nữ ấy chính là Mẹ Maria. Cùng với Chúa Giêsu, Mẹ đã bước lên chiếc xe ì ạch của thế giới rã rời, để biến nó thành một cuộc hành trình vui tươi và đầy ý nghĩa. Mang Chúa Giêsu đến cho trần thế, Mẹ đã biến đổi cuộc hành trình buồn tẻ của thế giới trở thành một đại lễ của gặp gỡ, của chia sẻ, của hân hoan và tin tưởng. Từ nay, tuyến đường mà nhân loại đang đi sẽ kết thúc bằng một điểm đến rõ rệt: đó là Chúa Giêsu là đường đi, là sự thật, là sự sống.

Anh chị em thân mến,

Ngày đầu năm, chúng ta cùng ghé bến La-Vang cho Mẹ bồng Chúa Giêsu bước lên đồng hành với chúng ta nhé!

Xin chúc mỗi người đón nhận tình yêu của Chúa Giêsu và Mẹ La-Vang mang đến ý nghĩa cho cuộc sống, từng ngày một và từng bước một.

Cầu chúc mỗi người biết đón nhận sức mạnh thiêng liêng giúp mình đứng vững giữa những thử thách gian lao.

Cầu chúc mỗi người không phải luôn có những ngày êm ả, nhưng luôn có khả năng để cho người khác quấy rầy và biết đón nhận người khác biệt với mình như là sứ giả của Chúa.

Cầu cho mỗi người không phải là có câu trả lời cho hết mọi vấn nạn, nhưng là biết đón nhận những câu hỏi của người khác, biết mang trong lòng những khổ đau, những lo âu, những xung đột bế tắc của họ, để được gần gủi với họ như một người chị, người anh, người em biết liên đới, cảm thông, chia sẻ và gieo rắc bình an. Amen.