TỪ BÀN TIỆC THÁNH TỚI MÂM CƠM NGƯỜI NGHÈO

Nếu đi ngược dòng thời gian, trở lại thánh lễ trong mấy thế kỷ đầu tiên của giáo hội, thì vào lúc bắt đàu cử hành nghi thức dâng của lễ, khi tín hữu mang lễ vật tới bàn thánh chúng ta thấy thày Phó Tế, nhân danh chủ tế và cộng đoàn, đón nhận lễ vật thường là bánh, rượu, nước cũng như hoa trái đầu mùa, thực phẩm... Một phần bánh rượu được chọn dùng trong thánh lễ, một phần lễ vật sẽ được dùng trong bữa ăn sau thánh lễ vì sau khi đã qui tụ chung quanh bàn thánh để chia sẻ Lời Chúa, Mình Máu Thánh Chúa, cầu nguyện, ngợi khen, tạ ơn Chúa, cộng đoàn lại cùng nhau sum họp quanh bàn tiệc trong tình huynh đệ. Phần còn lại của lễ vật được thày phó tế để riêng, sẽ mang đi phân phối cho anh chị em đang gặp khó khăn trong cộng đoàn.

Có thể nói hình ảnh trên đây diễn tả một cách ý nghĩa và trung thực thế nào là chức năng, nhiệm vụ, vai trò của một phó tế trong cộng đoàn. Tất cả được gói ghém trong hai tiếng ‘ Phục vụ’.

Có ba trục chính trong công tác phục vụ cộng đoàn của chức phó tế. Phụng sự Lời Chúa dưới nhiều hình thức khác nhau : công bố, rao giảng Lời Chúa, dạy giáo lý, gieo mầm Phúc âm trên những cánh đồng khô cạn, cằn cỗi. Phụ giúp trong thánh lễ trên bàn thánh, chuẩn bị tín hữu lãnh nhận các phép bí tích, phụ tá trong nhiều công việc phụng vụ khác nhất là nơi những ai đang ở trong đoạn đường khó khăn, trong những môi trường chưa nhận biết Chúa, xa ánh sáng Phúc âm. Phục vụ cộng đoàn trong công tác bác ái. Chính những công tác bác ái này nối dài vai trò của phó tế trong thánh lễ, đi sâu vào đời sống cộng đoàn và làm nổi bật mối dây liên kết mật thiết phải có giữa bàn tiệc thánh và mâm cơm manh áo của người nghèo. Trong mọi công tác phục vụ cộng đoàn, phó tế phải có mối lưu tâm đặc biệt tới những kẻ nghèo được hiểu theo nghĩa rộng của Phúc âm : những người bị bỏ quên, những người sống bên lề, những ai thân cô thế yếu, những người mà Chúa Giêsu đã tự đồng hoá với chính mình trong đoạn Tin mừng của ngày phán xét chung : ‘Những gì các con làm cho một trong những người hèn kém này trong anh em Ta, con đã làm cho chính Ta vậy’ (Mt 25, 40).

Có lẽ không nên định nghĩa phó tế bằng công việc làm nhưng định nghĩa bằng tính cách đặc thù của dấu chỉ mà phó tế phải tiến tới thưc hiện trong cuộc sống và bằng lối sống Phúc âm của mình.

Phó tế là dấu chỉ, là chứng tá của Chúa Kitô tôi tớ, của Đấng đã phán ‘Thày đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ ’ (Mt 20, 28).

Trong cổ ngữ Hy lạp, từ diakonos tôi tớ / kẻ hầu hạ mang một sắc thái tiêu cực, chỉ một kẻ hèn kém, phải làm theo lệnh của một đấng bề trên. Trong Tân ước từ này chỉ người phụ việc nơi bàn ăn ‘Xin Thày bảo em con phụ giúp con một tay ’ (Martha, Maria Lc 10, 40). Ta thường thấy Chúa Giêsu dùng song song, đối chiếu hai từ người ra lệnh / kẻ hầu hạ, người ngồi bàn ăn / kẻ đứng giúp bàn, người trọng nhất / kẻ giúp việc. Chính Chúa Giêsu đã chuyển cho từ này một ý nghĩa cao đẹp khi dạy rằng những người cầm quyền phải có tinh thần và thái độ một kẻ tôi tớ, một người giúp việc trong khi thi hành chức vụ : ‘Kẻ trọng nhất trong các con phải như kẻ rốt hết và kẻ cai trị phải ở như kẻ hầu hạ ’ (Lc 22, 26). Chính Ngài tự đồng hoá với người hầu hạ, người phục vụ ‘Ai là kẻ trọng hơn ? Người ngồi bàn hay là kẻ giúp bàn ? Há chẳng phải là người ngồi bàn chăng ? Thế mà Thày ở giữa chúng con như kẻ hầu hạ ’ (Lc 22, 27). Sau khi rửa chân cho các môn đệ Ngài nói : ‘Thày đã làm cho chúng con để chúng con làm như Thày đã làm. Tôi tớ không trọng hơn chủ và kẻ bị sai chẳng trọng hơn người sai’ (Jn 13,16).

Phó tế là người đại diện cho Chúa Kitô tôi tớ nghĩa là Chúa Kitô tôi tớ hiện diện lại trong không gian và trong thời gian, trong thế giới và trong thời điểm của ngày hôm nay, trong bối cảnh hiện tại của xã hội, của Giáo Hội lữ thứ trần gian, của cộng đoàn (in personna Christi ) nhất là bên cạnh những người nghèo. Phó tế phải là lời nói, là phát ngôn viên của những kẻ không tiếng nói. Cũng như linh mục, phó tế là cộng tác viên tùy thuộc giám mục địa phận, thi hành chức vụ hiệp thông với giám mục và hàng linh mục (in personna ecclesiae). Giáo hội được thành lập để phụng sự Thiên Chúa và nhân loại. Đó là ơn gọi chung của mỗi Kitô hữu và cộng đoàn dân Chúa. Làm chứng tá cho Chúa Kitô tôi tớ là ơn gọi riêng, dấu chỉ đặc thù của chức phó tế. Văn kiện Hội thánh nhấn mạnh người phó tế phải là trung gian giữa dân Chúa và giám mục, hàng linh mục, phải là người thông dịch với giám mục, hàng linh mục nhu cầu của cộng đoàn địa phương, ưu tiên quan tâm đến nhu cầu trên thềm, bên lề, vòng ngoài của cộng đoàn, của giáo hội. Sự hiện diện của phó tế thi hành tác vụ sẽ giúp nhắc nhở giám mục, hàng linh mục nhớ lại rằng chức năng, nhiệm vụ của mình là thừa tác viên phục vụ Thiên Chúa và giáo hội của Ngài.

Trong ba thế kỷ đầu tiên của giáo hội, chức phó tế vĩnh viễn đã được phổ biến trong hội thánh, bên cạnh hàng linh mục, giám mục nhưng sau đó đã lu mờ và phai nhạt dần, rồi chỉ còn tồn tại như một giai đoạn tạm thời, chuyển tiếp qua chức linh mục. Từ đó cho đến Công đồng Vatican II, công tác và chức năng của một phó tế vĩnh viễn đã do các linh mục, tu sĩ và giáo dân đảm trách trong suốt một thời gian dài của lịch sử giáo hội, cho nên thời kỳ trước công đồng Vatican II và ở một vài nơi ngày nay người ta có thể nghĩ rằng không cần tới Phó Tế vĩnh viễn. Công đồng Vatican II đã phục lại chức Phó Tế vĩnh viễn vào năm 1962 (Lumen Gentium 29). Vào năm 1967 và 1972 Ðức Giáo hoàng Phaolô VI đã ban hành các điều luật qui định chức phó tế vĩnh viễn (Sacrum Diaconum Ordinem 1967, Ad Pacendum 1972).

Khắp năm châu bốn biển, trong giáo hội hoàn vũ, trong khuôn khổ của một giáo phận có rất nhiều phương thức để thực hiện ơn gọi Phó tế. Người Kitô hữu, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh và sự chấp thuận của giáo quyền, đã thể hiện dấu chỉ của Chúa Kitô tôi tớ với muôn vẻ, muôn màu sắc : ‘Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ (Mc 10, 43-45).

(Thụy Sỹ)