Chiều ngày 28 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ giới trẻ Uganda tại Bãi Máy Bay Kololo ở Thủ Đô Kampala. Như thông lệ, ngài lắng nghe chứng từ của một thanh niên và một thiếu nữ, rồi bỏ qua bản văn soạn sẵn, ngài ứng khẩu suy niệm về kinh nghiệm đau buồn của cả hai bạn trẻ nhưng bảo đảm với họ rằng kinh nghiệm đau buồn cũng có thể có ích cho một điều gì đó ở trên đời.

I. Với giới trẻ

Winnie Nansumba, người mất cả cha lẫn mẹ lúc mới 7 tuổi, nói với Đức Giáo Hoàng về việc cô sống với HIV và việc đấu tranh của cô chống AIDS, kỳ thị và trầm cảm.Trong chứng từ của mình, cô nói với các bạn đồng trang lứa rằng “Hãy lãnh trách nhiệm đối với cuộc đời các bạn và hiểu biết hoàn cảnh (HIV) của các bạn. HIV là điều có thực”. Cô nhắc nhở họ rằng thân xác các bạn là một đền thờ, hãy coi chừng STD (bênh lây lan do đường tình dục), và đừng sống trong tội lỗi. Người thanh niên tên Emmanuel Odokonyero thì chia sẻ câu truyện bi thảm bị bắt giam 3 tháng làm con tin của Đoàn Quân Kháng Chiến Của Chúa lúc họ tấn công vào Tiểu Chủng Viện Thánh Tâm, bắt 41 trẻ em, trong đó có anh. Anh kể lại anh đã tìm cách trốn thoát thế nào và nói tới nỗi đau buồn của anh đối với những người bị giết và ảnh hưởng của việc này.

Bất chấp điều xem ra như là thách đố không thể vượt qua, Đức Giáo Hoàng trả lời bằng cách nhắc giới trẻ nhớ rằng Chúa Giêsu vốn minh xác: Người có thể làm các phép lạ lớn lao, biến các bức tường thành các chân trời hướng ta về tương lai. Vì biết rất nhiều bạn trẻ có mặt trong cử tọa từng chịu nhiều kinh nghiệm tiêu cực, nên ngài nói rằng: trước một kinh nghiệm tiêu cực, vẫn có hy vọng.

Không phải ảo thuật, mà là Chúa Giêsu

Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng: khi cay đắng và buồn sầu trở thành hy vọng, “điều này không phải là ảo thuật, mà là việc làm của Chúa Giêsu. Vì Chúa Giêsu là Chúa! Chúa Giêsu có thể làm bất cứ điều gì! Chúa Giêsu chịu kinh nghiệm tiêu cực nhất trong lịch sử và từng bị xỉ nhục, bị xua đuổi và bị giết. Nhưng với quyền năng Thiên Chúa, Người đã sống lại; Người có thể giúp mỗi người chúng ta có được cùng một hiệu quả như thế từ mọi kinh nghiệm tiêu cực vì Chúa Giêsu là Chúa”.

Đức Giáo Hoàng nhận định rằng: qua “cái chết” của cảm nghiệm tiêu cực này, ta có sự sống, một sự sống dành cho mọi người. Ngài cho hay: “Nếu tôi biến đổi tiêu cực thành tích cực, tôi là người chiến thắng. Nhưng việc này chỉ có thể làm được với ơn thánh của Chúa Giêsu”.

"Các con có chắc chắn về điều đó không? Cha không thể nghe các con!”, Đức Phanxicô nói thế với cử tọa. “Các con có sẵn sàng biến mọi điều tiêu cực ở trên đời thành những điều tích cực không? Các con có sẵn sàng biến hận thù thành yêu thương không? Biến chiến tranh thành hòa bình không? Các con nên biết rằng các con là con cháu các vị tử đạo. Trong huyết quản của các con có dòng máu các tử đạo và vì thế, các con có đức tin và có sự sống”.

"Người ta nói rằng chiếc micrô không chạy đàng hoàng. Đôi lúc, ta cũng không vận hành tốt và khi không vận hành tốt, ta biết chạy tới ai để xin giúp đỡ? Há tôi không thấy… mạnh mẽ hơn… nơi Chúa Giêsu đó sao! Chúa Giêsu có thể thay đổi cuộc đời các con. Chúa Giêsu có thể phá đổ mọi bức tường cản đường các con. Chúa Giêsu có thể làm điều đó để đời các con có ích cho người khác”.

"Một số người trong các con có thể hỏi: “vậy liệu có chiếc đũa ảo thuật nào hay không? Nếu các con muốn Chúa Giêsu thay đổi đời sống các con, các con phải xin Người giúp đỡ. Các con phải cầu nguyện. Các con hiểu chứ? Cầu nguyện! Cha xin hỏi: Các con có cầu nguyện không? Chắc không? Các con hãy cầu nguyện cùng Chúa Giêsu vì Người là Đấng Cứu Thế. Các con đừng bao giờ ngưng cầu nguyện. Cầu nguyện là khí giới mạnh nhất của một người trẻ. Chúa GIêsu yêu chúng ta. Cha hỏi các con: Chúa Giêsu yêu một số người, đúng, và (không) yêu một số người, không? Chúa Giêsu yêu mọi người, không phải sao? Chúa Giêsu có muốn giúp mọi người không?”.

Những tâm hồn cởi mở

Đức Giáo Hoàng Phanxicô thúc giục: “Nếu tin điều trên là thực, thì các con hãy mở rộng cửa tâm hồn các con cho Chúa Giêsu và hãy để Người bước vào đời các con để chiến đấu”.

Đức Giáo Hoàng hỏi: “Các con có sẵn sàng chiến đấu không? Các con có sẵn sàng muốn điều tốt nhất cho chính các con không? Các con có sẵn lòng xin Chúa Giêsu giúp các con trong trận chiến đấu này hay không?”

Đức Giáo Hoàng còn nhấn mạnh yếu tố thứ ba này nữa: tất cả chúng ta đều thuộc về Giáo Hội, và Giáo Hội có một bà mẹ, đó là Đức Maria. “Khi một đứa bé ngã, nó đau và khóc thét lên, rồi đi tìm mẹ. Khi chúng ta có vấn đề, điều tốt nhất ta có thể làm là đi tới nơi có Mẹ ta và cầu nguyện với Đức Maria, Mẹ ta. Các con có đồng ý không? Các con cầu cùng Đức Nữ Trinh, với Mẹ chúng ta, chứ? Và cha xin hỏi các con: Các con có cầu cùng Chúa Giêsu và Đức Nữ Đồng Trinh Maria, Mẹ chúng ta không? (Có ó ó…”

Ngài bảo đó là ba điều, thắng vượt các khó khăn, biến tiêu cực thành tích cực, và cầu nguyện. “Cầu cùng Chúa Giêsu, Đấng có thể làm bất cứ điều gì, Đấng bước vào trái tim chúng ta và thay đổi đời sống chúng ta. Chúa Giêsu đến để cứu tôi và ban sự sống của Người cho tôi” và cũng cầu cùng Mẹ Maria của chúng ta.

Đức Giáo Hoàng kết luận bằng cách cám ơn các bạn trẻ đã lắng nghe ngài và sự lưu ý của họ đối với việc biến những điều tiêu cực trong đời họ thành những điều tích cực,với sự trợ giúp của Chúa Giêsu và của Đức Mẹ. Ngài mời gọi họ cùng cầu nguyện với nhau vì Mẹ chúng ta luôn bảo vệ chúng ta.

II. Nhà bác ái Nalukolongo

Lúc 5 giờ chiều cùng ngày, Đức Phanxicô đã tới thăm nhà bác ái ở Nalukolongo dành cho người bệnh, người khuyết tật và người thất cơ lỡ vận do các Nữ Tu Dòng Samaritanô Nhân Hậu điều hành.

Trước khi tới đó, ngài dừng chân ít phút để cầu nguyện tại Nhà Nguyện Đức Mẹ Phi Châu, sau đó được các Nữ Tu Samaritanô Nhân Hậu tháp tùng đi thăm mộ của Đức Cố Hồng Y Emmanuel Nsubuga, sáng lập viên của Nhà Bác Ái và nổi tiếng là người thẳng thắn kết án các vi phạm nhân quyền thời nhà độc tài Idi Amin. Đức Hồng Y cũng là người quan trọng trong việc tổ chức chuyến viếng thăm đầu tiên của một vị giáo hoàng tại Uganda: đó là chuyến viếng thăm của Đức Phaolô VI trong ba ngày vào mùa hè năm 1969 lúc đất nước mới giành được độc lập.

Ngày nay, Nhà Bác Ái chăm sóc khoảng 100 người đủ bậc tuổi và thuộc nhiều tín ngưỡng khác nhau đến từ Uganda cũng như Kenya, Tanzania, Rwanda và Burundi. Bệnh nhân trẻ nhất mới có 11 tuổi trong khi bệnh nhân già nhất đã 102 tuổi.

Trong bài diễn văn ngắn của ngài, Đức Phanxicô cám ơn các nữ tu Dòng Samaritanô Nhân Hậu vì sự phục vụ âm thầm nhưng đầy hân hoan của họ. Ngài kêu gọi mọi giáo xứ và cộng đồng ở Phi Châu đừng quên người nghèo nhưng “hãy đi tới những khu ngoại vi của xã hội” để tìm Chúa Kitô giữa những người đau khổ và thiếu thốn. Ngài nói: “Buồn xiết bao khi các xã hội chúng ta để người cao niên bị vứt bỏ hay lãng quên” hay khi người trẻ bị bóc lột bởi nạn nô lệ buôn bán người thời hiện đại.

Đức Phanxicô nói rằng nhìn kỹ vào thế giới chung quanh, dường như, tại nhiều nơi, lòng vị kỷ và dửng dưng đang lan rộng. Ngài nói thêm: biết bao anh chị em ta đang là nạn nhân của nền văn hóa vứt bỏ ngày nay, một nền văn hóa nuôi dưỡng sự khinh bỉ đối với trẻ chưa sinh, giới trẻ và giới cao niên!

Theo ngài, là Kitô hữu, chúng ta không thể đơn giản đứng bàng quan, đóng cửa và bịt tai trước tiếng kêu của người nghèo. Ngài bảo, thay vào đó, các gia đình của chúng ta phải càng ngày càng trở nên dấu chỉ hiển nhiên hơn của tình yêu Thiên Chúa, làm chứng cho sự kiện này: người ta đáng kể hơn đồ vật, chúng ta là ai quan trọng hơn chúng ta sở hữu gì.

III. Gặp gỡ các linh mục tu sĩ Uganda

Khoảng 7 giờ tối, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ các linh mục, tu sĩ và chủng sinh Uganda. Trong câu chuyện ứng khẩu, ngài nói với họ đừng nên trông vào các vinh quang thời trước mà tương lai nằm trong tay họ.

Đức Giáo Hoàng tập trung bài suy niệm của ngài vào ba ý niệm: ký ức, lòng trung thành và việc cầu nguyện. Trong nhiều dịp trước đây, ngài đã thúc giục các tín hữu luôn ghi nhớ hành động của Thiên Chúa trong đời họ, hôm nay, với các linh mục và tu sĩ, ngài lại nhấn mạnh điểm này một lần nữa.

Ngài nói: “Giáo Hội tại Uganda không bao giờ được coi thường ký ức xa xôi của các vị tử đạo. Tử đạo có nghĩa là chứng tá. Nếu Giáo Hội tại Uganda muốn trung thành với ký ức này, nó phải tiếp tục là chứng tá. Nó không thể sống kiểu ‘con heo bỏ ống’. Các huy hoàng của quá khứ chỉ là các khởi điểm nhưng anh chị em phải biến thành huy hoàng cho tương lai. Và đây là trách vụ mà Giáo Hội trao cho anh chị em. Hãy là các chứng tá, như các tử đạo đã là các chứng tá bằng cách hy sinh mạng sống mình vì Tin Mừng”.

Trung thành

Ngài nói đến điều thứ hai là lòng trung thành: “Trung thành với ký ức. Trung thành với ơn gọi của mình. Trung thành với nhiệt tình tông đồ. Trung thành nghĩa là bước theo con đường thánh thiện. Trung thành nghĩa là làm những gì các chứng tá trong quá khứ từng làm: là làm người truyền giáo”.

Đức Thánh Cha nói thêm: “Uganda đã được tắm gội bằng máu các tử đạo, máu các chứng tá. Ngày nay, điều cần là tiếp tục tắm gội nó và tắm gội bằng các thách đố mới, các chứng từ mới, các sứ mệnh mới”

Đức Giáo Hoàng nói rằng nếu các tín hữu Uganda không bước theo tinh thần trên, họ “sẽ đánh mất sự phong phú lớn lao nhất hiện anh chị em đang có”.

“Và ‘hòn ngọc Phi Châu’ sẽ kết cục chỉ còn là thứ trưng bày trong viện bảo tàng. Vì ma qủy luôn tấn công kiểu đó, từng tí một”.

Cầu nguyện

Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cầu nguyện, và về phương diện này, cần có sự trong sáng.

Ngài cho biết: các tu sĩ không thể sống hai mặt; ngài khuyến khích họ năng xưng tội. “Đừng dấu diếm những gì Thiên Chúa không muốn. Đừng giữ kín việc thiếu trung thành. Đừng khóa ký ức trong tủ kín”.

Các linh mục truyền giáo

Đức Giáo Hoàng cũng có lời kêu gọi đặc biệt ngỏ cùng các linh mục. Nhận định rằng một số giáo phận Uganda có nhiều linh mục, trong khi các giáo phận khác không có đủ linh mục, Đức Giáo Hoàng khuyên các linh mục ở các giáo phận có nhiều linh mục tình nguyện xin các giám mục của mình sai tới các giáo phận đang cần linh mục.

Ngài biết điều trên không dễ, nhưng với tinh thần trên, “Ugnada sẽ tiếp tục là một xứ đi truyền giáo”.