Nhìn lại 70 năm qua lịch sử Giáo Hội Việt Nam

Ngày nay giáo dân Việt Nam rất hãnh diện, tự hào, và tràn đầy hy vọng nhìn lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam trong vòng 70 năm qua (1933-2003). Thời gian trải qua của hai phần ba của thế kỷ XX, người Công Giáo Việt Nam đã trưởng thành và gặt hái những thành quả rất tốt đẹp. Trong giai đoạn lịch sử này, có bốn thời điểm quan trọng đáng ghi nhớ : - Năm 1933, Việt Nam có được vị giám mục đầu tiên là Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng. - Từ năm 1933, Giáo Hội VN bước vào giai đoạn mới, phát triển, trưởng thành. - Năm 1960, giữa lúc đất nước còn chia đôi, Tòa Thánh thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, chứng tỏ Giáo Hội Việt Nam vẫn vươn lên, dù gặp gian lao. - Năm 1980, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam được thành lập trong khi giáo dân Việt Nam tản mác khắp nơi trên thế giới, mà vẫn kiên trung giữ vững đức tin và sống trong tinh thần hiệp nhất. Từng thời kỳ trên này, song song với những biến cố lịch sử dân tộc, năm 1954 và 1975, với ơn Chúa Thánh Linh ban ơn khôn ngoan và sẵn sàng hy sinh, toàn thể Giáo Hội Việt Nam đã có những bước tiến, và thay đổi về chiều sâu. Thật ngoài sự tưởng tượng. Hướng về tương lai, chúng ta vững tin hơn nữa vào lời Chúa hứa : Hết những ai đang lao đao và vác nặng, hãy đến với Chúa. Ngài sẽ cho nghỉ ngơi (x. Mt 11, 28).

I. GIÁM MỤC VIỆT NAM TIÊN KHỞI

Từ khi đặt chân lên đất Việt Nam, các vị truyền giáo tây phương đã gặp nhiều trở ngại cho việc rao giảng Tin Mừng là ngôn ngữ và nhân sự giáo sỹ. Vì vậy, các ngài đã có nhiều cố gắng đào tạo linh mục bản xứ và đặc biệt có cuộc vận động cho sớm có Giám Mục Việt Nam. Trước tiên là cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes). Sau khi bị đuổi khỏi Việt Nam (1645), Cha Đắc Lộ trở về Macao rồi qua Roma để vận động đặt các giám mục cho Việt Nam. Cha đã đề nghị với Tòa Thánh (1650) và qua Paris (1652) vận động với hàng giáo sỹ Pháp tìm người qua truyền giáo tại Viễn Đông và nói nguyện vọng của Đức giáo hoàng là muốn đặt các giám mục tại Việt Nam. Một số linh mục Pháp tình nguyện đi truyền giáo và Hội Thừa Sai Paris được thành lập. Ngày 09-09-1659, Đức Giáo Hoàng Alexandre VII ban hành sắc lệnh thiết lập hai giáo phận đầu tiên tại VN : giáo phận Đàng Trong do Đức Cha Lambert de la Motte cai quản và giáo phận Đàng Ngoài do Đức Cha François Pallu điều hành. Đến lượt Đức Cha François Pallu. Sau một thời gian ở VN, đến năm 1672, thấy nhu cầu về nhân sự truyền giáo cấp bách, Đức Cha François Pallu đã gửi thư xin Tòa Thánh đề nghị đặt cho giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong, mỗi nơi hai giám mục VN. Rồi năm 1677, Đức Cha đích thân về Roma trực tiếp thảo luận với Bộ Truyền Giáo. Ngày 24-06-1678, căn cứ vào bản phúc trình của Đức Cha, Tòa Thánh chấp thuận đặt cử hai giám mục VN cho Đàng Trong và bốn cho Đàng Ngoài. Sau đó Đức Cha trở về VN và qua đời ngày 29-10-1684. Hồ sơ bị gián đoạn. Mãi tới 1691, Việt Nam đề nghị cha Giuse Phước làm giám mục Đàng Ngoài. Tiếc là, năm 1717, cha Phước bị bắt và chết rũ tù, ngày 10-02-1732. Chỉ thị của Bộ Truyền Giáo. Trước khi lên đường truyền giáo, các vị thừa sai đều nhận được chỉ thị mật của Bộ Truyền giáo, ghi ngày 10-11-1659, có ba điểm quan trọng : 1) Lập ngay hàng giáo sỹ bản xứ. 2) Hòa mình vào phong tục và tập quán của xứ sở, nhưng tránh can thiệp vào chính trị. 3) Không được đặt quyết định nào quan trọng khi chưa lãnh chỉ thị của Tòa Thánh. (Missions Étrangères de Paris, Jean Guennou, tr. 74). Vận động của cụ Nguyễn Hữu Bài. Năm 1922, trong phái đoàn đi theo vua Khải Định qua Pháp vận động Pháp trao trả Bắc Kỳ cho Triều đình Huế. Dịp này, ông đã qua Roma yết kiến Đức Giáo Hoàng Pio XI thỉnh cầu lập Tòa Khâm Sứ tại Việt Nam và đặt Giám Mục bản quốc (Tiểu sử ông Nguyễn Hữu Bài trong Phước Môn Thi Tập. 1959, tr. 19). Công của Đức Cha Alexandre Marcou Thành. Về Phát Diệm (1901), ngoài việc xây dựng cơ sở, Đức Cha Thành đã xin chia thêm địa phận Thanh Hóa (1932) và tìm người kế vị là Đức Cha Nguyễn Bá Tòng. Đức Cha đã tham khảo ý kiến với ĐC giáo phận Huế và Sàigòn và đệ trình qua Tòa Thánh danh sách hai ứng viên giám mục là cha Hồ Ngọc Cẩn và cha Nguyễn Bá Tòng. Tòa Thánh chấp thuận và bổ nhiệm Đức Cha Tòng làm Giám mục phó Phát Diệm (1933), Đức Cha Cẩn làm Giám mục phó Bùi Chu (1935). Nhờ các cuộc vận động trên, năm 1933, Toà Thánh ra sắc chỉ bổ nhiệm Giám Mục Việt Nam đầu tiên là cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng làm Giám Mục phó Phát Diệm với quyền kế vị. Từ ấy đến nay, Tòa Thánh đã liên tiếp bổ nhiệm tất cả 82 giám mục, kể cả ba vị mới được tấn phong trong tháng 08-2001.

II. GIÁO HỘI VIỆT NAM BƯỚC VÀO GIAI ÐOẠN TRƯỞNG THÀNH

Từ 1933, Giáo Hội VN trưởng thành dần dần và củng cố vững mạnh thêm qua các sự kiện sau : Công Đồng Đông Dương tại Hà Nội. Một biến cố quan trọng sau việc đề cử giám mục VN đầu tiên là việc triệu tập Công Đồng đầu tiên tại Hà Nội, từ 16-11 đến 06-12-1934. Sau đại hội, Công Đồng đã ấn hành cuốn Primum Concillium Indosinense, (anno 1934, Imprimerie Trung Hòa, Hà Nội, 1938) được coi là kim chỉ nam cho đời sống người Công Giáo VN lúc bấy giờ, gồm 5 mục với 426 điều khoản :

Mục 1 : Thành hình Hàng Giám mục và linh mục.

Mục 2 : Việc đào tạo linh mục bản quốc.

Mục 3 : Cử hành các Bí Tích.

Mục 4 : Bảo vệ đức tin bằng lời nói và việc làm.

Mục 5 : Phân chia khu vực truyền giáo tại Đông Dương. Các Đức Khâm Sứ Tòa Thánh luôn có mặt tại Việt Nam. Để có Tòa Khâm Sứ tại VN cho các vị Khâm Sứ thi hành chức vụ, một giáo dân là cụ Nguyễn Hữu Bài đã tích cực đóng góp vào công việc lợi ích chung này được hoàn thành. Năm 1922, sau khi yết kiến Đức Giáo Hoàng Pio XI về, Cụ Nguyễn Hữu Bài lúc bấy giờ là Bộ Trưởng của chính phủ Pháp đã vận động cho có địa điểm, dâng cúng nhà, quyên góp tiền để xây cất Tòa Sứ Thần tại Huế. Trong thư của Đức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Đông Dương Constantin Ayuti, gửi cho cụ Nguyễn Hữu Bài đã nói rõ (x. Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 947, 9-6-1927. ttr. 337-339). Ngày 20-05-1925, Đức Giáo Hoàng Pio XI, ban hành tông thư Ex Officio Supremo thiết lập Tòa Khâm Sứ tại Huế. Từ đấy về sau các vị sau đây đã lần lượt làm Khâm Sứ Tòa Thánh tại VN : đầu tiên ở Huế là Đức Cha Constantin Ayuti, Đức Cha Colomban Dreyer, Đức Cha Antonin Drapier. Năm 1950, Tòa Khâm Sứ chuyển ra Hà Nội : Đức Cha John Dooley. Từ 1956, Tòa Khâm Sứ đặt tại Sàigòn : Đức Cha Joseph Caprio, Đức Cha Mario Brini, Đức Cha Salvatore Astra, Đức Cha Angelo Palmas, Đức Cha Henri Le Maitre (Niên Giám VN Công Giáo, 1964. ttr.168-172).

TÌNH HÌNH CÔNG GIÁO VIỆT NAM BIẾN ÐỔI SAU HIỆP ÐỊNH GENÈVE. Hiệp định Genève ngày 20-07-1954 phân chia hai phần đất nước. Phân nửa miền Bắc sống trong thầm lặng dưới chế độ Cộng sản. Nửa phần miền Nam thuộc tự do. Hai miền cách biệt, không liên lạc. - Giáo Hội thầm lặng tại miền Bắc (1954-1975) Sau khi chiếm lãnh miền Bắc, việc đầu tiên là CS tìm cách ngăn chận làn sóng di cư của dân chúng vào Nam. Tuy nhiên đã có tới 1 triệu người đã di cư vào miền Nam, trong đó 650. 000 là Công giáo. Miền Bắc còn lại hai giám mục là Đức Cha Trịnh Như Khuê (Hà Nội) và Đức Cha Trần Hữu Đức (Vinh). Sau này mới được bổ nhiệm : ĐC Khuất VănTạo, ĐC Bùi Chu Tạo, ĐC Phạm Năng Tĩnh, ĐC Phạm Văn Dụ, ĐC Đinh Đức Trụ, ĐC Nguyễn Huy Quang, ĐC. Phạm Tần, ĐC Trịnh Văn Căn, ĐC Phạm Đình Tụng, ĐC Trần Đình Nhiên, ĐC Lê Qúi Thanh, ĐC. Nguyễn Văn Năng, và ĐC Lê Hữu Cung (1975). Bắt đầu, ngày 14-6-1955, CS ra sắc lệnh tôn giáo áp dụng triệt để chính sách khủng bố, đe dọa, bắt bỏ tù, chiếm đoạt tài sản, làm ly gián chia rẽ ngan cản giám mục linh mục và giáo dân trong hoạt động mục vụ. Tới năm 1960, không còn vị thừa sai ngoại quốc nào còn ở lại miền Bắc, kể cả Đức Khâm Sứ Tòa Thành John Dooley. Nhưng với ơn Chúa Thánh Linh và lòng quả cảm hy sinh, trung thành của mọi thành phần Dân Chúa. Số giáo dân 750.000, tính trung bình một linh mục coi sóc hơn 1.500 giáo dân. Chính sách của CS là làm giảm thiểu, hiếm hoi chủ chăn, thì dĩ nhiên đoàn chiên sẽ kiệt quệ và tan rã. Nhân dịp nhận mũ hồng y tại Roma, ĐHY Phạm Đình Tụng đã trả lời ký giả Renzo Giacomelli của báo Famiglia Cristiana về những khó khăn, thiếu người và phương tiện tại GHVN, rằng : "GHVN không phải là Giáo Hội thầm lặng nhưng dường như là Giáo Hội ít tiếng nói" (Roma, 16-11-94). - Giáo Hội tự do tại Miền Nam (1954-1975) Năm 1954, GH Miền Nam gồm giáo phận Huế, Qui nhơn, Kontum, Sàigòn và Vĩnh Long. Theo thống kê 1957, Miền nam có 1.100.000 giáo dân, được cai quản bởi các ĐC : ĐC. Jean Cassaigne Sanh (Sàigòn), ĐC. Ngô Đình Thục (Vĩnh Long), ĐC. JB. Urritia Thi (Huế), ÐC. Paul Léo Seitz (Kontum), ĐC. Paul Raymond Piquet Lợi (Qui Nhơn). Cộng thêm với các ĐC di cư : ĐC Lê Hữu Từ, ĐC. Phạm Ngọc Chi, ĐC. Hoàng Văn Đoàn và ĐC. Trương Cao Đại. Người công giáo di cư đã lập nghiệp sống rải rác trong các giáo phận miền Nam. Vì nhu cầu phát triển, nên Tòa Thánh đã cho mở các giáo phận mới : Cần Thơ (1955), Mỹ Tho, Đà Lạt và Long Xuyên (1960), Đà Nẵng (1963), Xuân Lộc và Phú Cường (1965), Buôn Mê Thuật (1967) và Phan Thiết (1975). Ðồng thời Tòa Thánh bổ nhiệm một số giám mục mới : ĐC. Nguyễn Văn Hiền, ĐC. Nguyễn Văn Bình, ĐC. Nguyễn Văn Thiện, ĐC. Nguyễn Khắc Ngữ, ĐC Trần Văn Thiện, ĐC. Nguyễn Kim Điền, ĐC. Nguyễn Ngọc Quang, ĐC. Phạm Văn Thiên, ĐC. Lê Văn Ấn, ĐC. Trần Thanh Khâm, ĐC. Nguyễn Văn Thuận, ĐC. Nguyễn Huy Mai, ĐC. Nguyễn Văn Mầu, ĐC. Huỳnh Đông Các, ĐC. Nguyễn Sơn Lâm, ĐC. Phạm Văn Lộc, ĐC. Bùi Tuần, ĐC. Nguyễn Văn Hòa, ĐC. Nguyễn Quang Sách, ĐC. Lê Phong Thuận, ĐC. Nguyễn Văn Nam, ĐC Nguyễn Minh Nhật, ĐC. Nguyễn Văn Diệp và ĐC. Nguyễn Như Thể. Tình hình Công Giáo Miền Nam được ĐGH Gioan XXIII đánh giá trong thông điệp gửi cho hàng Giáo Phẩm VN, ngày 14-01-1961. Về giáo dân ĐGH biểu dương : Trong hoàn cảnh này Tôi hân hoan cũng như nghĩa vụ của Tôi, là tuyên dương công trạng cho "đoàn công nhân Phúc Âm" này, trải qua 3 thế kỷ, đã nối tiếp nhau xây dựng mảnh vườn nho thiêng liêng của Chúa tại đây, bằng bao nhiêu công lao vất vả, bằng bao nhiêu hy sinh nặng nhọc, có lần bằng cả xương máu, để mở đường và tạo nên cơ hội thuận tiện cho việc thành lập phẩm trật Giáo Hội ngày nay. Với hàng giáo sỹ ĐGH xác nhận : Hiện nhờ ơn Chúa, đã thu lượm được nhiều kết quả mỹ mãn, và chính là đề tài để hôm nay Tôi tha thiết thỉnh cầu Chư Huynh cùng Tôi hãy tạ ơn Thiên Chúa vì đã tạo nên trong địa hạt truyền giáo được một số giám mục và linh mục tài ba lỗi lạc.

III. THIẾT LẬP HÀNG GIÁO PHẨM VIỆT NAM

Trước kia các vị truyền giáo quá chú trọng đến việc "đem nhiều linh hồn về cho Chúa", nên gặp khó khăn và hiểu lầm. Từ thế kỷ XX, Toà Thánh chú trọng hơn đến vấn đề nhân sự địa phương. Tức là muốn thiết lập hệ thống hàng giáo sỹ bản xứ. Các Đức giáo hoàng đã bày tỏ ý định cần có hàng giám mục địa phương : Thông điệp Maximum Illud của ĐGH Bênêdictô XV (30-11-1919), thông điệp Rerum Eclesiae của ĐGH Pio XI (28-02-1926), thông điệp Evangelii Praecones (02-06-1951) và thông điệp Fidei Donum của ĐGH Pio XII, và thông điệp Princepts Pastorem (1959) của ĐGH Gioan XXIII. Ở Việt Nam, việc đề cử Đức cha Nguyễn Bá Tòng mới là bước đầu. Từ thế kỳ XVII, VN đã có giám mục coi sóc địa phận, như Đức Cha Lambert de La Motte và Đức Cha François Pallu và liên tiếp có 112 giám mục ngoại quốc do Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm (x. Trần Anh Dũng. Hàng Giáo Phẩm Công Giáo VN. 1960-1995, ttr. 53-67). Các vị này chỉ Đại Diện Tòa Thánh coi sóc các địa phận ở nơi được chỉ định. Các ngài được gọi là Đại Diện Tông Tòa (vicaires apostoliques). Vì VN là vùng xa, còn mới và phôi thai, nên Tòa Thánh đặt các vị này có tính cách tạm thời. Đại Hội Thánh Mẫu, tại Sàigòn, từ ngày 16 đến 18-02-1959, được tổ chức để mừng 300 năm (1659-1959) Tòa Thánh bổ nhiệm hai giám mục đầu tiên tại VN, nói lên đã đến lúc cần để cho VN trưởng thành về nhân sự với quyền hạn riêng biệt, tức là có hàng Giáo Phẩm VN. Đức Hồng Y đặc sứ Gregorio Agagianian, quyền tổng trưởng Bộ Truyền Giáo đã đọc thông điệp của ĐGH Gioan XXIII. Thông điệp được tóm lược hai điểm : 1) Người Công giáo VN là dòng giống của những anh hùng tử đạo, xưa đã lấy máu đào để bảo vệ đức tin, nay biết đề cao tín ngưỡng là một đặc ân vô song của Chúa ban cho. 2) ĐGH viết : "Lòng tôi vẫn hướng về anh em và theo đuổi bằng lời khuyên của thánh Phaolô : Biết rằng anh em vững lòng tin vào Chúa Kitô và thương yêu nhau. Bởi thế, Tôi cám ơn Chúa thay cho anh em và sẽ nhớ cầu nguyện cho anh em". Ngày hồng ân đã đến, 24-11-1960, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII ban hành Tông Sắc Venerabilium Nostrorum thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Toàn quốc có ba giáo tỉnh với ba Tòa Tổng Giám Mục là Hà Nội, Huế và Sàigòn. Giáo tỉnh Hà Nội : Hà Nội (tách từ giáo phận Đàng Ngoài, năm 1679), Hải Phòng (thành lập năm 1679), Bùi Chu (1848), Bắc Ninh (1883), Vinh (1846) Hưng Hóa (1895), Phát Diệm (1901), Lạng Sơn (1913), Thanh Hóa (1932), và Thái Bình (1936). Giáo tỉnh Huế : Huế (1850), Qui Nhơn (1844), Kontum (1932), Nha Trang (1957), Đà Nẵng (1963), Buôn Mê Thuật (1967). Giáo tỉnh Sàigòn : Sàigòn (tách từ Ðàng Trong nãm 1844), Vĩnh Long (1938), Cần Thơ (1955), Ðà Lạt (1960), Mỹ Tho (1960), Long Xuyên (1960). Một nãm sau khi thiết lập Hàng Giáo Phẩm VN, ÐGH Gioan XXIII, đã xác nhận mức trưởng thành của GH.VN và đặt tin tưởng của Tòa Thánh nơi Hàng Giáo Phẩm VN, trong thư ngày 14-01-1961, rằng : Tôi tin tưởng rằng hàng Giám Mục và giáo sỹ VN trong khi tỏ lòng tri ân Tòa Thánh vì cử chỉ tín nhiệm cao đẹp này, sẽ biết nhận ở đây lý do chính đáng vui mầng an ủi, đồng thời thúc đẩy mình càng thêm chịu khó, nhiệt thành và đồng tâm nhất trí trong việc chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mình (Trần Anh Dũng. Hàng Giáo Phẩm CG.VN, 1960-1995. tr.146).

IV. THÀNH LẬP HỘI ÐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM.

Các Hội Ðồng Giám Mục địa phương trong Giáo Hội chính thức được thành lập sau công đồng Vatican II qui định theo sắc lệnh Christus Dominus, và theo giáo luật từ điều khoản 447-459. Tại Á Châu, từ 1970, có một số nước đã có HÐGM. Các Giám Mục VN toàn quốc đã họp lần đầu, tại Hà Nội từ ngày 24-04 đến 01-05-1980. Trong phiên họp này các Giám Mục đã có quyết định quan trọng là thành lập HÐGM. Một qui chế HÐGM VN cũng được soạn thảo và đệ trình Tòa Thánh và được chấp thuận. Trong thư chung kết thúc khóa họp, đã viết : Chúng tôi cũng phải cùng nhaugánh vác trách nhiệm của chức vụ Giám mục trong tinh thần tập thể và đồng trách nhiệm. Bởi thế việc thành lập HÐGM VN là để phục vụ anh em đắc lực hơn, vì như ý công đồng Vatican II, HÐGM là nơi qui tụ các vị lãnh đạo Giáo Hội trong một quốc gia hay một lãnh thổ để hợp nhất với nhau thi hành mục vụ theo thể cách và phong thức thích hợp với hoàn cảnh.

A. SINH HOẠT CỦA HỘI ÐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM Theo qui chế (01-05-1980), HÐGM VN đã bầu ra Ban Thường Vụ, nhiệm kỳ 3 nãm, một nãm họp một lần. Trong Ban Thường Vụ có ba ủy ban : Ủy ban Phụng tự, Ủy ban linh mục, tu sĩ và chủng sinh, Ủy ban giáo dân. Ban Thường Vụ hiện nay thuộc nhiệm kỳ thứ 8 (2001-2004). Chủ tịch HÐGM VN là ÐC Nguyễn Vãn Hòa, Giám Mục Nha Trang. Kể từ nhiệm kỳ 8, HÐGM VN có thêm 6 Ủy ban : Giáo lý, Phúc Âm hóa, Thánh nhạc, Tu sỹ, Vãn hóa, Bác Ái và Xã hội. Sau mỗi phiên họp, HÐGM có gửi thư chung mục vụ cho toàn Dân Chúa. Lá thư đầu tiên 01-05-1980, HĐGM VN kêu gọi toàn Dân Chúa "Sống đức tin trong lòng dân tộc". Việc nổi bật làm vinh danh Giáo Hội VN là HĐGMVN đã xin Phong Thánh cho 117 Anh Hùng Tử Đạo VN (19-06-1988) và phong Chân phước cho thày giảng Anrê Phú Yên (03-05-2000). Về phụng vụ, HĐGMVN đã thi hành đúng sắc chỉ của Tòa Thánh Venerabilium nostrorum (24-11-1960) về điều hành nhân sự và tổ chức các địa phận. Đồng thời HĐGM còn thi hành đứng đắn Hiến Chế Phụng Vụ Sacrosanctum Concilium (04-12-1963) về cử hành và sống phụng vụ tại VN. HĐGM đã đệ trình bản dịch tiếng Việt và được Tòa Thánh chấp thuận : Sách lễ Roma, Nghi thức cử hành thánh lễ, Sách bài đọc trong thánh lễ, các sách cử hành Bí tích và Phụ tích... Đây là bước mới, vì trước kia VN xử dụng sách và nghi thức phung vụ bằng tiếng Latinh (x. bài Sinh hoạt Phụng Vụ tại VN trong 40 năm qua 1960-2000, của ĐÔ. Trần Văn Khả. Hội Đồng Giám Mục VN 1980-2000. ttr.143-169). Trong đại hội kỳ VIII (17-22/09/2001), các Giám Mục đã chấp thuận cách ban phép lành giữa các vị trên cung thánh : từ nay không bắt tay, không áp má nữa, nhưng theo cung cách Á Đông hơn : hai người đứng gần nhau, quay mặt vào nhau, chắp tay lại, cúi đầu chào nhau và cùng nói : Chúa ở cùng cha (hoặc Chúa ở cùng anh, nếu là giáo dân). Vì nhu cầu mục vụ bị hạn chế quá nhiều, nên HĐGMVN đã thẳng thắn gửi kiến nghị lên chính quyền để được tự do hoạt động, qua các văn kiện : - Bản góp ý của HĐGMVN gửi Tổng Bí Thư đảng CS.VN, ngày 14-05-1991. Giáo tỉnh Huế : - Bản kiến nghị của HĐGMVN gửi Thủ Tướng Chính Phủ, ngày 26-10-1993. - Thư của HĐGMVN gửi Thủ Tướng Chính Phủ, ngày 29-03-1995. - Thư của HĐGMVN gửi Thủ Tướng Chính Phủ, ngày 29-09-1995. - Thư của HĐGMVN gửi cho ông Quyền Trưởng Ban Tôn giáo Chính Phủ, ngày 13-4-1996. - Thư của HĐGMVN gửi Thủ Tướng Chính Phủ, ngày 11-10-1997.

B. PHÁI ÐOÀN TÒA THÁNH VATICAN VIẾNG THĂM VIỆT NAM Trong những năm qua, từ 1989-2001, Tòa Thánh đã cử phái đoàn đi thăm VN được 13 lần. Đây là một an ủi và khích lệ cho hàng giáo sỹ và giáo dân VN, để cho họ biết là mình không bị bỏ rơi. Sau mỗi lần viếng thăm, phái đoàn đã đem lại một số kết quả cụ thể, như : gặp và thương thảo với đại diện chính phủ về những khó khăn hiện nay của GHVN, gặp gỡ viếng thăm nhiều Giám mục, một số giáo phận VN và đại chủng viện, bổ nhiệm thêm được 19 giám mục, thuyên chuyển vài vị Giám Mục theo nhu cầu mục vụ, các GMVN được qua viếng Mộ Thánh Phêrô... Qua các lần viếng thăm, Tòa Thánh xác nhận : Hàng Giáo sỹ và Giáo dân VN luôn sống trong tinh thần hiệp nhất và trung thành với Đấng Kế vị Thánh Phêrô.

C. TÌNH HÌNH GIÁO HỘI MẸ VIỆT NAM (1975-2002) Kể từ năm 1975, cả nước có 25 giáo phận thuộc 3 tổng giáo phận. Theo báo cáo của các GMVN với Tòa Thánh, dịp ad limina tháng 01-2002, VN có 5.380.567 giáo dân, 2133 linh mục, 1861 linh mục và tu sỹ Dòng và 9654 nữ tu và 676 chủng sinh. - TGP Hà Nội có 10 giáo phận : Hà Nội, Vinh, Hưng Hóa, Phát Diệm, Thanh Hóa, Hải Phòng, Bắc Ninh, Lạng Sơn,Bùi Chu, Thái Bình. - TGP Huế có 6 giáo phận : Huế,Qui Nhơn, Kontum, Buôn Mê Thuật, Nha Trang, Đà Nẵng. - TGP Thành Phố Hồ Chí Minh có 9 giáo phận: Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Đà Lạt, Mỹ Tho, Phú Cường, Cần Thơ, Long Xuyên, Phan Thiết. Từ 1975, Tòa Thánh đã vinh thăng 4 Hồng Y VN : ĐHY. Trịnh Như Khuê, ĐHY. Trịnh Văn Căn, ĐHY. Phạm Đình Tụng và ĐHY. Nguyễn Văn Thuận (21-02-2001). Cũng sau năm 1975, nhờ sự can thiệp kiên trì và đường lối ngoại giao khôn khéo của Tòa Thánh, đã có 45 giám mục mới được bổ nhiệm : ĐC. Huỳnh Văn Của, ĐC Phan Văn Hoa, ĐC Phan Thế Hinh, ĐC. Nguyễn Thiện Khuyến, ĐC. Phạm văn Nẫm, ĐC. Nguyễn Tùng Cương, ĐC. Trần Xuân Hạp, ĐC. Vũ Duy Nhất, ĐC. Đinh Bình, ĐC Nguyễn Văn Sang, ĐC. Trịnh Chính Trực, ĐC. Trần Thanh Chung, ĐC. Hà Kim Danh, ĐC Nguyễn Văn Yến, ĐC. Nguyễn Quang Tuyến, ĐC. Nguyễn Phụng Hiểu, ĐC. Nguyễn Văn Nhơn, ĐC Nguyễn Văn Trâm, ĐC. Cao Đình Thuyên, ĐC. Phạm Minh Mẫn, ĐC. Lê Đắc Trọng, ĐC Nguyễn Tích Đức, ĐC Nguyễn Văn Nho, ĐC Trần Đình Tứ, ĐC Bùi Văn Đọc, ĐC Trần Xuân Tiếu, ĐC Ngô Quang Kiệt, ĐC Nguyễn Soạn, ĐC Nguyễn Bình Tĩnh, ĐC Nguyễn Văn Tân, ĐC Hoàng Văn Tiệm, ĐC Nguyễn Thanh Hoan, và ĐC Vũ Duy Thống. Tới nay (2002), còn Hải Phòng và Hưng Hóa, chưa có chủ chăn. Và các giám mục vẫn bị hạn chế đi lại. Vấn đề thuyên chuyển linh mục, dạy giáo lý ngày càng gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa vấn đề kinh tế, sinh sống quan trọng hơn. Vì thế đời sống đạo bị ảnh hưởng. Nhà thờ đông người tham dự thánh lễ và các bí tích. Nhưng giáo dân thiếu đào sâu giáo lý và học hỏi Lời Chúa. Vẫn một chính sách khi chiếm trọn quyền đất nước, Cộng sản gây ghi ngờ hoang mang, tìm cách khơi mầm chia rẽ để mất hòa khí. Cố nhét vào tâm lý quần chúng : CS coi trọng vật chất mà không cần linh thiêng. Người dân lo trước mắt là công ăn việc làm, còn "tôn giáo là bùa mê, thuốc ru ngủ". Có nhiều trường hợp chứng tỏ chính quyền CS đưa ra nhiều biện pháp chận đứng sinh hoạt mục vụ Công Giáo. Sau 1975, có 200 linh mục bị bắt đi học tập cải tạo. Vụ phong tỏa nhà thờ Vinh Sơn (13-02-1976), lục soát khu Dòng Đồng Công (1987), đóng cửa Trung tâm Đắc Lộ (15-03-1981), bắt giữ các nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng (23-06-1984), liên tục gọi Đức Cha Phạm Ngọc Chi (từ ngày 07-03-1984) và Đức TGM Nguyễn Kim Điền (từ ngày 05-04-1984) đi "làm việc". Mạnh hơn, chính quyền không chấp nhận cho ĐC Nguyễn Văn Thuận về nhận chức Tổng Giám Mục phó Sàigòn (1975) và bắt giam tù ngài trong 13 năm (1975-1988), rồi bị trục xuất ra khỏi VN (1991). Thậm chí ngay cả thư của ĐTC Gioan Phaolô II gửi chúc tết (ngày 14-01-1985), các giám mục VN không được phép nhận. Mở chiến dịch phản đối Tòa Thánh phong thánh cho 117 Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam. Rồi từ ngày Đức TGM Nguyễn Văn Bình yếu mệt cho tới khi qua đời, chính quyền ngăn cấm ĐC Huỳnh Văn Nghi không được thi hành chức vụ Giám Quản Tông Tòa giáo phận thành phố Hồ Chí Minh (11-08-1993)... Trước 1975, miền Nam có 16 tiểu chủng viện, và các giáo phận đều có đại chủng viện. Sau 1975, số phận như miền Bắc, các chủng viện đều bị đóng cửa. Mãi tới năm 1980, cả nước chỉ còn 6 đại chủng viện (Hà Nội, Vinh Thanh, Huế, Nha Trang, Sàigòn, Cần Thơ) để đào tạo linh mục, với số tuyển sinh rất hạn chế, hai năm mới được tuyển sinh. Các Dòng tu không được phép tuyển tu sinh. Mặc dầu bị hạn chế đủ mặt, số tu sinh vào dòng tu ngày càng đông và số người xin theo đạo gia tăng nhiều so với trước 1975. Thực trạng Giáo Hội VN đã được phái đoàn giám mục VN trình bày trong bản trả lời cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu, tại Manille, họp từ ngày 19-04 đến 14-05-1998, như sau : Nhìn chung, GHVN đã thu gặt một số hoa trái ngon ngọt. Nhưng cũng phát hiện những trái sâu. Trái ngọt là người VN có đời sống tâm linh phong phú. Người VN nghèo đói khốn khổ triền miên, mà đầy lòng hiếu khách và bao dung. Trái sâu bị đục khoét từ bên trong, vì một số người có đời sống sung túc thì không cần đến với đạo nữa. Phong trào sôi nổi xã hội hiện thời hấp dẫn hơn, đẩy giáo dân xa rời nhà thờ. Quan điểm của GHVN về việc rao giảng Tin Mừng hôm nay cho Á châu cần áp dụng kiểu của chính Đức Giêsu là nói cho người ta biết Thiên Chúa đang ở giữa họ, ngay trong lòng họ, bây giờ và tại đây, chứ không phải tại Giêrusalem, hay ở nơi nào khác, một thời nào khác. Do đó, các Giám Mục VN ước mong : Dựa vào lời Chúa, chúng tôi thả lưới, (Lc 5, 5) chúng tôi gieo và dù ban ngày hay ban đêm, dù chúng tôi thức hay ngủ, lúa vẫn mọc lên và chúng tôi có quyền hy vọng (x. Mc 4, 26-27). (Trần Anh Dũng. Hội Đồng Giám Mục VN, 1980-2000. ttr. 453-464). Điểm son cần ghi nhận là nhờ sự hiểu biết, cương quyết của hàng giáo sỹ, sự cảnh tỉnh và đoàn kết của giáo dân mà CS đã không đặt được tổ chức "Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước" tại miền Bắc (1955) và "Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước VN" tại miền Nam (1980). Gần đây, các Giám mục đã áp dụng đứng đắn tinh thần thư đề ngày 20-05-1992, của Bộ Ngoại giao Tòa Thánh, nói về việc các linh mục tu sỹ không được tham gia các tổ chức chính trị. Phải chăng đây là hồng ân mà Thiên Chúa đã ban riêng cho Giáo Hội VN qua lời cầu bầu của Đức Mẹ La Vang và các Thánh Tử Đạo VN. Người công giáo VN hơn lúc nào hết, càng gian lao đau khổ càng cậy tin và núp dưới áo Đức Mẹ từ bi, như cha ông năm xưa tại La Vang (1798), tại Trà Kiệu (1885) và tại La Mã, Bến Tre (1950). ĐGH đương kim đã đánh giá CGVN ở cả trong nước và hải ngoại khi tiếp xúc với người CGVN hải ngoại, dịp Đại Hội Quốc Tế Giới Trẻ tại Denver, Hoa Kỳ, ngày 15-08-1993 : Với toàn thể anh chị em, Tôi gửi lời kêu gọi : Xin đừng quên GHVN. Những người anh em trong đức tin đã nêu cao tấm gương trung thành với Đức Kitô vì họ sống Phúc Âm trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước, và sẵn sàng chịu đau khổ vì lòng mến Chúa Kitô (Phil. 1, 29). Đến lượt anh chị em hãy giúp đỡ họ tái thiết, cả tinh thần lẫn vật chất, những sự nghiệp tông đồ và các cơ sở phục vụ của Giáo Hội bên nhà. Họ cần anh chị em yểm trợ để trùng tu và xây dựng lại các thánh đường, chủng viện, tu viện, học đường, bệnh viện... Tôi biết anh chị em hăng say bảo tồn truyền thống quốc gia và cố gắng dạy cho con em và các thanh thiếu niên học tiếng VN. Đây là bằng chứng anh chị em yêu mến quê hương, tha thiết với nền văn hóa và lịch sử dân tộc... Từ việc Việt Nam chúng ta có được vị Giám Mục đầu tiên, rồi Giáo Hội Việt Nam bước vào thời kỳ trưởng thành đến việc thiết lập phẩm trật và việc thành lập Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, bốn đặc ân Thiên Chúa dành cho Giáo Hội Việt Nam với sự quan tâm của Tòa Thánh, song song với biến cố đau thương của lịch sử dân tộc. Niềm vui chưa trọn vẹn khi có được Giám Mục đầu tiên, thì chiến tranh khủng bố tràn về miền Bắc. Đặt được Hàng Giáo Phẩm trong khi đất nước chia đôi, Nam Bắc hai nơi sống cách biệt. Có được Hội Đồng Giám Mục thì giáo dân tản mát người trong nước, kẻ bôn ba hải ngoại. Hôm nay tất cả chúng ta liên kết lại, trong hay ngoài nước. Qúi hơn hết là mọi người đã biết sống hiệp nhất trong tình bác ái Chúa Kitô, luôn trên môi miệng bằng lời cảm tạ :

Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về Ta tưởng mình như giữa giấc mơ.

Vang vang ngoài miệng khúc nhạc mừng.. .

Việc Chúa làm vĩ đại thay !

Ta thấy mình chan chứa một niềm vui. ..(TV 126. 1-3
). (Giaoxuvn.org)