KI-TÔ HỮU VỚI NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT

Ngày 08.12.2015, Giáo Hội Công Giáo mừng trọng thể Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Trong Thánh Lễ, giáo đoàn đáp ca Thánh vịnh 97, 1. 2-3ab. 3cd-4 như sau: « Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu ». Thật vậy, ‘những điều huyền diệu’ đã được Người làm trong ngày 08.12.2008, khi giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Thái Hà đã tuần hành oai hùng để hiệp thông cầu nguyện với tám giáo dân vô tội phải ra tòa án nhân dân. Chính hôm đó cũng là ngày mừng Bổn mạng Dòng Chúa Cứu Thế.

Năm nay, nhân dịp Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Thánh Lễ và lễ nghi mở cửa Năm Thánh khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Vương cung Đại Thánh đường Phêrô, Vatican.

Đề cập về Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha thuyết giảng: « Đây sẽ là một Năm trong đó chúng ta lớn lên trong xác tín về Lòng Thương Xót. Đã có nhiều sai lạc được gắn cho Thiên Chúa và Ơn Thánh Người, khi người ta khẳng định rằng tội lỗi bị phạt bởi sự xét xử của Chúa, nhưng không suy nhớ trước là chúng ta được thứ tha bởi Lòng Thương Xót Người (x. Agostino, De praedestinatione sanctorum 12, 24). Vâng, đúng thế. Chúng ta phải đặt để lòng thương xót trưóc sự phán xử, và trong mọi trường hợp sự phán xử của Thiên Chúa sẽ luôn luôn trong ánh sáng Lòng Thương Xót Người. Do đó, bước qua Cửa Thánh khiến cho chúng ta cảm thấy được chia sẻ mầu nhiệm tình yêu ấy. Chúng ta hãy từ bỏ mọi hình thức sợ hãi và lo lắng, bởi vì người ta không chỉ tay tố cáo người được yêu. Trái lại, chúng ta hãy sống niềm vui của cuộc gặp gỡ với Ơn Thánh biến đổi mọi sự.

Nơi Cửa Thánh, Đức Phanxicô xướng: « Đây là cửa của Chúa ».
Cộng đoàn đáp: « Qua đó, người công chính bước vào ».
- « Hãy mở các cửa của sự công chính ».
- « Tôi sẽ vào để tạ ơn Chúa ».
– « Vì Lòng Thương Xót lớn lao của Chúa, con sẽ vào nhà Chúa, Lạy Chúa ».
– « Con sẽ phủ phục hướng về đền thánh Ngài ».
- « Xin Cha ban cho tất cả những ai đi qua Cửa của Lòng Thương Xót với tâm hồn thống hối, với dấn thân canh tân và lòng tín thác con thảo, được sống kinh nghiệm sống động sự dịu hiền phụ tử của Cha và nhận được ơn tha tội để làm chứng, bằng lời nói và việc làm, cho gương mặt Lòng Thương Xót Chúa, là Đức Giêsu Ki-tô Chúa chúng con, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa đến muôn thuở muôn đời. Amen ».

Nhân dịp khởi đầu Năm Thánh Lòng Thương Xót, chúng tôi xin được phép nêu đôi góp ý để biết thêm về những tranh tụng phần Đời hay nhờ phán quyết về Đạo để niềm thông cảm luôn được gia tăng trong cùng một Cộng đồng Dân Chúa.

I./ TRANH TỤNG PHẦN ĐỜI.

Khoảng gần 10 năm qua, trong một Cộng đoàn Dòng (xin miễn kể tên) có chuyện xích mích giữa hai tu sĩ. Vị phụ trách đã qui trách lỗi cho người xúc phạm và kêu gọi sự tha thứ của nạn nhân. Chúng ta biết Dòng có nghĩa là Dòng dõi, tức gia đình, nên việc phân xử có giá trị chấp hành. Câu chuyện không dừng tại đó vì nạn nhân nhờ cơ quan tư pháp can thiệp. Đó là quyền chính đáng của mọi công dân.

Trong khi chờ Tòa phân xử, nhiều Ki-tô hữu gặp Vị phụ trách Dòng để yêu cầu nói ‘Sự Thật’. Khi không được đáp ứng, những người này đâm ra giận và oán trách. Thật sự, khi nạn nhân đã thưa nội vụ ra Tòa, tức không tin và phục phán quyết của giáo quyền. Khi đó, vụ thưa kiện đã được chuyển quyền vào tay cơ quan tư pháp để điều tra và phân xử. Vị phụ trách Dòng chỉ phải trả lời các thẩm phán xử án và công tố hay luật sư mà thôi.

II./ KI-TÔ HỮU SỐNG ĐẠO TRONG CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA.

Khi số tín hữu Công Giáo Hội đủ và có nhu cầu sinh hoạt sống đạo, Đức Giám Mục Giáo phận sở tại thành lập một Giáo xứ mới (Điều 515 Giáo luật) với những biên giới của nó. Sau đó, Người, bằng một Bài Sai, cử một Linh mục vào chức vụ Cha Sở (Chính xứ, …) cho Giáo xứ hay Tuyên úy cho Cộng đoàn để làm mục vụ cho Cộng đoàn Dân Chúa được giao phó.

Linh mục được chính Đức Ki-tô thành lập để thay thế Người hoàn tất hai nhiệm vụ của Giáo Hội Công Giáo : Giáo huấn và Thánh hóa. Do đó, các Cha xứng danh là ‘Đức Ki-tô Thứ Hai’. Ngày Thứ Năm trước khi tự để bị bán, bị xử tử trên thập giá, Chết và Sống Lại để Chuộc tội chúng ta, trên bàn Tiệc Ly với các Tông đồ, Đức Ki-tô đã lập Bí tích Thánh Thể, Mình và Máu Chúa nuôi dưỡng Ki-tô hữu chúng ta trên đường lữ thứ trần gian. Để thực hiện Mầu nhiệm này, Ngôi Hai Thiên Chúa đã lập Bí tích Truyền Chức Thánh.

Mỗi người trong chúng ta đã hoàn toàn tự do đáp lời Thiên Chúa để nhận Bí tích Rửa tội để trở thành Ki-tô hữu (con Chúa hay người Công Giáo) trong Giáo Hội Công Giáo. Cũng thế, một Ki-tô hữu hội đủ điều kiện và tự do đáp ứùng Ơn Gọi Đức Ki-tô được nhận Bí tích Truyền Chức Thánh để trở thành Linh mục Công Giáo. Dĩ nhiên, các Linh mục được Thiên Chúa ban tràn đầy Ơn Thánh Chúa để chu toàn hai nhiệm vụ của Giáo Hội Công Giáo nói trên. Vì nhiệm vụ Thánh hóa những đồng đạo, Đức Ki-tô Thứ Hai đọc lời truyền : « Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn: Vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con », kế tiếp : « Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: Vì này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy ».

Từ khi các Giáo xứ được thành lập tại Việt Nam đều mang tính cách tòng thổ. Trước ngày 30.04.1975, rất ít các Cộng đoàn Công Giáo người Việt tại Hải ngoại có tính cách tòng nhân (thuộc về người : Việt Nam, được phép cử hành phụng vụ bằng tiếng Việt, do Hội đồng Giám mục Quê hương phê chuẩn). Sau ngày đó, người Việt tị nạn đến sống đông đúc trong một Giáo phận, nên các Đức Giám Mục tại những quốc gia tạm dung cho phép người Công Giáo Việt tỵ nạn thành lập những Cộng đoàn (tạm thời) hay Giáo xứ (bền vững) Việt Nam. Do đó, các Cha xứ hay Linh mục Tuyên úy được các Giám mục bổ nhiệm để chăm lo việc sống đạo của đồng bào hay người tị nạn. Cộng đoàn hay Giáo xứ Việt Nam đều phải được điều hành theo Bộ Giáo luật do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 25.01.1983 bằng Tông hiến ‘Sacrae Disciplinae Leges’.

A. Dân chủ tính trong cộng đồng Quốc gia.

Dân chủ tính một quốc gia được xét qua hai trường hợp sau:

1/- Đêm tối ngày 13.11.2015, khủng bố Nhà nước Hồi giáo (Etat islamique, tiếng Pháp và Islamic State, tiếng Anh) tấn công nhiều nơi ở Paris và Saint Denis (nước Pháp), ngày 14.11.2015, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tuyên bố tình trạng khẩn trương (état d’urgence) trên toàn nước, nhưng chỉ có hiệu lực trong 12 ngày. Muốn kéo dài hơn, ngày 16.11.2015, ông phải yêu cầu lưỡng viện Lập pháp cho phép gia hạn tình trạng này. Ngày 19 và 20.11.2015, lần lượt Quốc hội và Thượng viện thảo luận và chấp thuận gia hạn tình trạng này cho đến ngày 25.02.25016. Tiến trình này được thực hiện để tôn trọng nguyên tắc ‘Tam quyền phân lập’ giữa các cơ quan công quyền dân cử.

2/- Việt Nam, ngược lại, đảng cộng sản đã tước đoạt quyền của người dân, tất cả các chức vụ chánh trị và tôn giáo đều do đảng độc tài quyết định trực tiếp hay gián tiếp. Những người ‘Công Giáo tốt cũng là Công dân tốt’ như Luật sư Lê quốc Quân, Anh G.B. Nguyễn hữu Vinh, Chị Huỳnh thục Vi… đã hiểu biết ‘kẻ thù của hòa bình là sự dửng dưng của người Việt đối với đồng bào, nhứt là người nghèo khổ và bị đàn áp… (trích ý từ Sứ điệp Hòa bình Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 01.01.2016).

A. Dân chủ tính trong cộng đồng Dân Chúa.

Điều 536 Bộ Giáo luật quy định :
(1) Nếu Giám mục Giáo phận xét là thuận lợi, sau khi đã tham khảo ý kiến Hội đồng Linh mục, thì trong mỗi Giáo xứ (hay Cộng đoàn, người viết xin thêm) nên thành lập Hội đồng Mục vụ, do Cha sở (hay Tuyên úy) chủ tọa, và trong đó các tín hữu cùng với những người chiếu theo chức vụ tham gia vào việc săn sóc mục vụ trong Giáo xứ (hay Cộng đoàn) cùng đóng góp sự cộng tác của mình vào việc cổ võ sinh hoạt mục vụ.
(2) Hội đồng Mục vụ chỉ có quyền tư vấn, và được điều hành theo các quy tắc do Giám mục giáo phận đã ấn định.

Đọc điều này của Giáo luật, nhiều Anh Chị Em cảm thấy lo cho ‘dân chủ tính’ trong Công đoàn Dân Chúa. Nếu mọi thành viên Hội đồng Mục vụ có ý kiến khác với Chủ tọa (Linh mục) thì ý kiến Vị này có giá trị.

Chúng tôi xin được giải thích. Trước nhất, khi được sinh ra, chúng ta không có tự do chọn một nước để chào đời và, theo nguyên tắc, đại đa số người được sinh ra trong nước nào mang quốc tịch nước đó. Đồng thời, cá nhân này thủ dắc dân quyền và là công dân ở đây. Trái lại, khi muốn được là Ki-tô hữu, chúng ta gia nhập Giáo Hội Đức Ki-tô, chúng ta có quyền tự do xin chịu phép Rửa tội, điều kiện gia nhập Giáo Hội Đức Ki-tô. Xin nhấn mạnh Giáo Hội của Đức Ki-tô, tức thuộc quyền Thiên Chúa, Đấng Trọn Lành. Do đó, các Giáo xứ hay Cộng đoàn đều thuộc quyền Đức Ki-tô, Ngôi Hai Thiên Chúa, và, qua các thời đại, vẫn thuộc quyền ‘Đức Ki-tô Thứ Hai’.

B. Thẩm quyền hòa giải trong Giáo phận.

Trong Giáo phận, Đức Giám Mục, vẫn là ‘Đức Ki-tô Thứ Hai’, điều hành Giáo Hội địa phương với tam quyền Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp. Đức Giám Mục bổ nhiệm Cha sở và Tuyên úy và bãi nhiệm các Giáo sĩ này.

Khi Giáo dân có sự bất đồng ý với Cha sở hay Tuyên úy muốn nhờ đến sự hòa giải hay phân xử bởi Đức Giám Mục hay các Linh mục hữu quyền tại Tòa Giám mục cần biết rõ về Giáo luật và các Luật quốc gia liên hệ. Chúng ta không thể chắc chắn là phán xét của mình là đúng để hy vọng Giáo quyền sẽ ‘phải ’ thuâản theo phán xét đó. Khi Giáo quyền có giải thích và hòa giải theo cách khác thì thất vọng. Chỉ chọn Người phán xét khi mình đặt trọn tin tưởng sự công minh của Vị này.

Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, Thiên Chúa Thương Xót chúng ta, ước mong chúng ta cũng biết Thương Xót lẫn nhau để hiệp thông xây dựng Cộng đồng Dân Chúa.

Hà Minh Thảo