Xem hình ảnh đường quê Phát Diệm

Khi chúng tôi trở lại khu tiếp tân, thì bắt đầu thấy thấp thoáng các Sơ dòng Mến Thánh Giá đang bắt đầu dọn dẹp và một số người khác sửa sọan trang hoàng máng cỏ Noel.



Một cuộc viếng thăm cấp tốc

Vì lân la giữa phong cảnh hữu tình cuả ngôi nhà thờ cổ đang in bóng dưới mặt hồ lặng gío, chúng tôi đã đốt mất 30 phút cuả một chương trình eo hẹp, tôi tự cho mình có thêm 30 phút nữa mà thôi để đảo quanh quần thể khu nhà thờ cổ.

Các Sơ dòng Mến Thánh Giá đón chào khách hành hương đầu ngày là chúng tôi với những nụ cười niềm nở. Ngoài căn phòng bán hàng lưu niệm ở giữa nhà còn có một văn phòng hướng dẫn ở đầu nhà để cho khách ghi tên đi tham quan với một hướng dẫn viên (thuyết minh).

Là một 'con mọt sách' trong các trang Web, tôi do dự về việc có người thuyết minh, "vả lại nếu có gì cần tra cứu thêm thì truy tầm trên các trang Web là mau lẹ và đầy đủ hơn," tôi tự nghĩ như thế.

Nhưng hình như giọng nói ngọt ngào và nụ cười xinh xắn cuả các Sơ đã quyến rũ 'bà xã' cuả tôi, cho nên tôi đành phải miễn cưỡng ra điều kiện "chúng tôi chỉ có 15 phút mà thôi."

-"15 phút cũng được ạ", một Sơ trẻ kiên nhẫn trả lời.

Kết cục là chúng tôi đã bỏ thêm 30 phút cho cuộc tham quan, nhưng là 30 phút đáng giá... lần sau chắc chắn tôi sẽ xin thêm vài giờ.

Bởi vì các Sơ không chỉ cung cấp những dữ kiện như một người 'thuyết minh chuyên nghiệp' mà còn lồng vào những nhận định và suy tư cuả những người đang sống gắn bó với một công trình thánh thiện và sống động.



Chỉ lên trên cái nóc cuả Phương Đình, Sơ hướng dẫn viên cho biết 4 pho tượng là 4 vị thánh sử. Tôi đã từng đọc và biết rằng trang phục cuả các pho tượng này trông giống như những chiếc áo cà sa cuả các vị sư Phật Giáo, đó là một nét hội nhập độc đáo với nền văn hoá Việt Nam. Nhưng điều tôi không thấy ai đề cập tới là, theo Sơ hướng dẫn viên, tất cả 4 vị đã được đúc với tư thế ngồi, giống như tư thế cuả các vị thầy đồ đang dậy học.

Giữa Phương Đình là một cái phản bằng đá rất lớn, Sơ cho biết nó được mô phỏng theo chiếc bàn tiệc ly cuả danh hoạ Leonardo da Vinci.

"Chiếc bàn tiệc ly ư? thế thì caí bàn ở đâu?" tôi đặt câu hỏi.

"Xin thưa, ngày xưa người Việt Nam ta ngồi trên phản để dự tiệc với nhau. Cái phản chính là cái bàn tiệc ly đấy."

Lại một nét hội nhập sâu sắc mà chỉ có một thiên tài như "Cụ Sáu" Trần Lục mới nghĩ ra được.

Cứ như thế Sơ hướng dẫn viên đưa chúng tôi đi qua con đường rước kiệu, từng bị bom Mỹ tàn phá, nay đã được làm lại y như xưa, vết tích chiến tranh hầu như đã được chữa lành ngoại trừ một vài vết nám trên những cây kèo cuả ngôi nhà thờ chính.

Và ngôi nhà thờ Đá, trông xấu nhất trong 5 ngôi nhà thờ theo thiển ý cuả riêng tôi, nhưng lại là một kỹ thuật tuyệt tác vì hoàn toàn xây bằng đá, các cột kèo chấn song nền nhà toàn là đá, sự đan kết vào nhau cũng dùng những mộng bằng đá dựa theo kỹ thuật cuả nghề thợ mộc.

Các bức phù diêu, những bảng đá được cưa mỏng, trạm trổ tinh vi dựa vào 4 đề tài dân gian là mai trúc cúc tùng, đại diện cho 4 muà.

Sơ hướng dẫn viên cho biết người nghệ nhân Việt Nam, không có máy móc tinh vi, đã dùng dây (trộn cát?) để xẻ đá, một công việc rất tốn thời gian và nhiều may rủi.



Tại những khu cổ tích ở bên Âu Mỹ, người ta thường có thư viện và thuê sinh viên khảo cổ biểu diễn kỹ thuật thời xưa. Nhờ những thực hành như vậy, họ đã 'tái khám phá' ra nhiều kỹ thuật và nhiều công thức đã bị thất truyền. Không biết tại đây đã có viện bảo tàng để lưu truyền những kỹ thuật cổ vừa nói trên không?

Dựa vào nhận xét trên những công việc trùng tu bảo quản, tôi có cảm tưởng rằng, dù Giáo Hội địa phương không có một ngân quĩ dồi dào như một quốc gia, nhưng đã có rất nhiều cố gắng nghiêm chỉnh để bảo tồn nguyên trạng những công trình cuả người xưa, thậm chí cho đến những vật liệu như gỗ và ngói cũng được tìm mua cho được đúng nguồn đúng gốc.

Chả bù lại với những di tích 'lừng danh' mà tôi đã có dịp tham quan, như ngôi 'Chuà Một Cột' ngay giữa lòng thủ đô 'ngàn năm văn hiến'. Ai đã thay cây cột bằng một cái trụ xi măng rồi!

Cuộc tham quan kết thúc trong ngôi nhà thờ Lớn nguy nga lộng lẫy. Trong năm Thánh những ai thăm viếng ngôi nhà thờ này thì được hưởng một ơn Toàn Xá. Sơ hướng dẫn viên đã không quên giúp chúng tôi đọc những kinh cần thiết để hưởng ơn Toàn Xá này.

Đã quá 9g sáng, chúng tôi từ giã các Sơ và lên đường đi Buì Chu theo một con đường tắt qua ngã Đò Mười.

Đò Mười là tên cuả bến phà sẽ đưa chúng tôi vượt qua con sông Đáy nước cuộn sóng dồn. Nhưng trước khi giã từ, tôi không thể không kể lại một câu chuyện ly kỳ về một con người cuả vùng Kim Sơn Tiền Hải này.

Người phụ nữ bán phở chợ Qui Hậu.



Trước khi bỏ quốc lộ số 10 để đi theo con đường nhỏ ven đê dẫn tới bến phà, chúng tôi dừng lại một quán phở ăn sáng. Chỉ là một quán phở giữa nhiều quán phở khác mà thôi, sự lựa chọn có lẽ là do anh tài xế thấy có chỗ trống để đậu xe.

Một người phụ nữ nhỏ nhắn đón chào chúng tôi với một nụ cười tươi tắn và một giọng nói đon đả, giống như những nụ cười và giọng nói cuả những giáo dân 'tò mò thích giúp đỡ' chung quanh khu vực nhà thờ.

Chúng tôi ăn phở, nói dăm ba câu chuyện, cho biết sẽ đi Đò Mười, rồi vội vã lên đường.

Khoảng 5 phút trên con đường nhỏ chạy ven đê, Thu Lan, bà xã tôi, bỗng kêu lên:"chết rồi, em bỏ quên cái phone rồi !"

Tuổi đã về chiều, đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi quên những việc lẩm cẩm như vậy. Thế là chiếc xe vội vã quay trở lại, lòng phập phồng lo lắng vì tất cả mọi địa chỉ và thông tin liên lạc cho những ngày ở Việt Nam đều nằm trong chiếc 'điện thoại cầm tay' đó.

Tới quán ăn, người phụ nữ đã biến mất...nhiều người hàng xóm đổ ra ngoài đường nhìn chúng tôi chăm chú...chỉ trỏ và cười toe toét.

Người chồng từ trong nhà chạy lên, tay chỉ ra đường "Nó lấy xe đuổi theo ông bà rồi mà, không gặp nhau hả?" Rồi anh ta dùng DT cầm tay gọi cho cô vợ.

"Khoảng 5 phút nữa thì nó về tới" anh ta nói, rồi chạy ra sau tiếp tục công việc bỏ dở.

Những người hàng xóm hai bên cũng ồn ào dăm ba câu chuyện nữa, rồi tản mát đi làm công việc cuả họ. Làm như thể đó là một câu chuyện bình thường, không đáng quan tâm.

Mà hoá ra thì là một câu chuyện thường xuyên xảy ra ở đây. Người phụ nữ bán phở cho chúng tôi biết rằng đã nhiều lần chị phải phóng xe honda đuổi theo khách hàng như vậy. "Cũng may là quán vắng nên em biết là cuả ông bà, chứ khi đông khách thì chịu." Chị nói.

Chị cho biết đã tới tận Đò Mười, tức là khoảng 8 cây số, và hỏi thăm mọi người nhưng không có ai nhớ lại chúng tôi cả, chị đang thất vọng thì nhận được DT của anh chồng. Chị có vẻ mừng giống như chúng tôi vậy.

Thật là một kỷ niệm khó quên, có được là nhờ ở một việc hay quên !

Người phụ nữ Phát Diệm chất phát và mau mắn ấy, đối với tôi, đại diện cho những gì tinh túy vẫn còn giữ được trong một xã hội đang thay đổi một cách chóng mặt này.

Xem lại hình ảnh khu nhà thờ