THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Anh chị em thân mến,

Hôm nay Thứ Năm Tuần Thánh, theo truyền thống của Giáo Hội, chiều hôm nay Chúa Giêsu đã làm ba công việc vừa vĩ đại vừa mầu nhiệm để lưu truyền lại cho Giáo Hội tiếp tục công trình cứu chuộc nhân loại của Ngài cho đến tận thế, đó là :

1- Ban giới răn mới là luật Yêu thương.

2- Lập bí tích Thánh Thể.

3- Lập bí tích Truyền chức thánh.

Trong khung cảnh của phụng vụ này, tôi chia sẻ với anh chị em mấy điều sau đây :

1- Ban giới răn mới là luật Yêu thương.

Chút nữa đây tôi sẽ rữa chân cho mười hai vị trong các anh chị em để tưởng nhớ và kĩ niệm Chúa Kitô đã rữa chân cho các Tông Đồ năm xưa trong nhà tiệc ly.

Rữa chân là công việc của đầy tớ làm để phục vụ cho chủ nhân, là một hành động bày tỏ sự phục tùng của người tôi tớ, Chúa Giêsu đã dùng phương thức này để dạy cho các tông đồ một bài học mới, bài học Yêu Thương và phục vụ, Ngài nói : “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rữa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rữa chân cho nhau...”(Ga 13, 12-20).

Yêu thương và phục vụ tuy là hai nhưng là một, bởi vì không ai yêu thương mà không phục vụ, nhưng nếu phục vụ mà không yêu thương thì chỉ là giả dối và đáng bị lên án. Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta khi Ngài cúi xuống rữa chân cho các Tông Đồ, thì chúng ta cũng nên cúi xuống mà rữa chân cho anh em cho tha nhân như Chúa Giêsu đã làm, rữa chân cho nhau chính là phục vụ nhau, yêu thương nhau và giúp nhau thăng tiến trong tình yêu của Chúa qua cuộc sống của mình.

Người thời nay lấy làm lạ khi chúng ta yêu thương và phục vụ họ, họ sẽ thắc mắc đâu là động cơ thúc giục chúng ta làm điều ấy khi mà cả nhân loại đang đắm chìm trong hưởng thụ và sống trong ích kỉ của mình.

2- Lập bí tích Thánh Thể.

Cao điểm của bữa tiệc ly chính là lúc Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể, là bí tích làm nên Hội Thánh và cũng là nguồn ân sủng hiện diện cách thực tại cho chúng ta được hưởng dùng, đây là một mầu nhiệm mà Giáo Hội qua mọi thời đại đều tuyên xưng : mầu nhiệm tình yêu.

Với khung cảnh đầm ấm trong căn phòng trên gác, với tình yêu chan hoà của tình thầy trò, Chúa Giêsu đã thố lộ tâm tình với các Tông Đồ : “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình” (Lc 22, 15). Sự mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với các Tông Đồ đã thành hiện thực và đây là bữa ăn cuối cùng của đời Ngài, vì thế, lễ Vượt Qua này sẽ không còn hiệu lực nữa khi Ngài cầm bánh không men đưa cho các Tông Đồ và nói : “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy”. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn. Trao cho môn đệ và nói : “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội...” (Mt 26, 26-29), bởi vì từ nay chính Ngài vừa là lễ Vượt Qua vừa là Bánh tinh tuyền không men nuôi sống nhân loại trên đường lữ thứ trần gian.

Bí tích Thánh Thể nguồn mạch của mọi ân sủng đang hàng ngày hàng giờ diễn ra trong các thánh lễ trên khắp mặt đất nơi các nhà thờ nhà nguyện, đó chính là nguồn ơn vô tận mà Chúa Giêsu đã vì yêu thương mà ban cho chúng ta. Đây là một sáng kiến độc đáo của Thiên Chúa, một chứng tích của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại mà các thánh -qua mọi thời đại- đã hưởng dùng, cảm nghiệm và hết lòng ca tụng tình yêu ấy của Thiên Chúa.

Có nhiều người trong chúng ta coi việc rước Mình Thánh Chúa như là đồ trang sức cho đẹp khi tham dự thánh lễ, cho nên họ không chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng, họ không tha thiết việc rước Chúa là bảo đảm cho phần rỗi đời đời của mình, nên đối với họ rước lễ hay không cũng chẳng nhằm nhò gì, đó chính là lí do khiến họ ngày càng xa rời ân sủng của Chúa hơn. Thánh Phaolô tông đồ đã nghiêm khắc cảnh cáo chúng ta về việc rước lễ khi còn trong tình trạng tội trọng như sau : “Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh và uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa..., Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình...” (1 Cr 11, 27-29).

Bí tích Thánh Thể làm cho chúng ta trở nên một trong Chúa Kitô, trở nên một chính là không của tôi không của anh nhưng là thuộc về Chúa Kitô và Hội Thánh của Ngài, do đó mà mỗi người trong chúng ta khi ăn Mình và uống Máu Chúa là chúng ta cũng phải trở nên bánh và nước cho anh chị em và tha nhân hưởng dùng, đó chính là yêu thương và phục vụ vậy.

3- Lập bí tích Truyền chức thánh.

Bí tích truyền chức thánh tức là bí tích Thừa tác Linh Mục, đây chính là một hồng ân to lớn của Thiên Chúa ban tặng cho loài người.

Chúa Giêsu khi thiết lập bí tích Thánh Thể thì đồng thời Ngài cũng thiết lập bí tích truyền chức linh mục cho các Tông Đồ khi nói : “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”(Lc 22, 19b) để các tông đồ và những người kế tục các ngài trong chức giám mục, linh mục thực hiện mọi ngày cho đến tận thế.

Linh mục là người được thông phần vào sự sáng tạo của Thiên Chúa, chính các ngài đã được Thánh Thần thánh hoá để trở nên công cụ thánh để làm cho có Chúa Giêsu trên bàn thờ trong thánh lễ, đây cũng chính là mầu nhiệm tình yêu mà Chúa Giêsu đã thực hiện giữa nhân loại : Ngài chọn những con người bất toàn để làm cho họ trở nên hoàn hảo trong bí tích truyền chức thánh -thửa tác linh mục- để chính các ngài hàng ngày nhạn danh Thiên Chúa, nhân danh Hội Thánh, nhân danh cộng đoàn và cá nhân mình để dâng lời chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô hiện diện trên bàn thờ.

Linh mục chính là người phục vụ và mang tình yêu đến cho mọi người, nhất là những nơi mà các ngài được sai đến với tư cách là mục tử, chính nhờ bí tích Thánh Thể và chức thánh mà các ngài quy tụ chung quanh mình những kẻ tin vào Chúa Kitô và làm cho họ trở nên một đàn chiên duy nhất trong Hội Thánh của Chúa, do đó, linh mục luôn ý thức rằng mình vừa là thầy vừa là anh em của mọi người cho nên các ngài không những sống sao cho tốt đẹp để đàn chiên mà mình đang coi sóc được hưởng nhờ những ơn thánh qua sự thánh thiên của mình, và giáo dân sẽ an tâm vui vẽ sống trong tình yêu Thiên Chúa dưới sự chăm sóc của các ngài.

Hôm nay là ngày của linh mục, chúng ta nhớ luôn cầu nguyện cho các ngài được dồi dào ơn Chúa để các ngài trước hết là thánh hoá bản thân sau nữa là thánh hoá các linh hồn trong tác vụ linh mục mà các ngài đã lãnh nhận. Chúng ta vẫn thấy có nhiều linh mục chưa làm tròn trách nhiệm mà Thiên Chúa đã trao cho các ngài, chúng ta cũng thấy nhiều linh mục trở nên gương xấu cho giáo hữu, nhưng đồng thời chúng ta cũng nhìn thấy rất nhiều linh mục tận tuỵ yêu mến và chăm sóc đàn chiên của Chúa qua cuộc sống của các ngài.

Anh chị em thân mến,

Thứ Năm Tuần Thánh này sẽ qua đi và chúng ta sẽ không còn nhớ đến những nghi thức đầy ý nghĩa trong thánh lễ này nữa, nhưng bí tích Thánh Thể, bí tích Truyền chức thánh và giới luật Yêu Thương của Chúa Giêsu vẫn tồn tại mãi mãi cho đến tận thế, không phải tồn tại trong viện bảo tàng nhưng tồn tại và sống động trong cuộc sống của Giáo Hội và của mỗi người trong chúng ta, bởi vì các bí tích và giới luật này không phải do con người lập ra nhưng là do chính Chúa Giêsu -Thiên Chúa làm người- lập ra và được bảo chứng bởi cái chết và sự phục sinh của Ngài.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Bài giảng Thứ Năm Tuần Thánh tại nhà thờ Phục Sinh-Taiwan.