Bài giảng thánh lễ Truyền Dầu tại nhà thờ Đài Đức Mẹ Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, ngày 6 tháng 4 năm 2004

Thánh lễ Truyền Dầu là một lễ trọng của Tuần Thánh. Lễ này mang một tính cách riêng. Đó là biểu dương sự hiệp nhất. Vì thế, các linh mục trong giáo phận hôm nay đều đến đồng tế xung quanh Đức Giám Mục giáo phận.

Tất cả các ngài cùng với đông đảo tu sĩ, giáo dân đều nói lên sự hiệp nhất của mình với Chúa Giêsu. Chúng ta xin cho sự hiệp nhất với nhau và với Chúa càng ngày càng phát triển.

Tôi được Đức Cha giáo phận nhờ giảng. Tôi xin vui lòng cộng tác. Cộng tác của tôi sẽ là chia sẻ một chút kinh nghiệm, tuy bé nhỏ.

Kinh nghiệm thứ nhất là: Hiệp nhất nói ở đây chính là một ơn Chúa ban, chứ không phải là một công trình, ta tự nhiên một mình làm nên được.

Chính Chúa Giêsu đã cầu xin ơn đó với Chúa Cha: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha, mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta” (Ga 17,11).

Sự hiệp nhất này được xây dựng trên một nền tảng siêu nhiên. Nền tảng đó là: Chúa ở trong ta và ở trong các người mà ta muốn hiệp nhất. Về điềm này, Chúa Giêsu nói rõ: “Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một” (Ga 17,23).

Nếu đây là một điều kiện căn bản của sự hiệp nhất, thì ít là chính ta phải sống mật thiết với Chúa Giêsu. Phải gắn bó chặt chẽ với Người. Như lời Người phán: “Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, các con chẳng làm gì được” (Ga 15,6).

Cầu nguyện cho ơn hiệp nhất không có nghĩa là chỉ một việc cầu nguyện là đủ, khỏi phải làm gì khác. Không đâu. Còn phải làm nhiều. Một việc làm rất quan trọng không thể bỏ qua, việc đó là thực hành bác ái. Vì thế, tôi xin nói về kinh nghiệm thứ hai.

Kinh nghiệm thứ hai là hiệp nhất bằng đời sống bác ái.

Sống bác ái là sống dấn thân. Đây là một dấn thân thúc bách. Như lời thánh Phaolô nói: “Đức ái của Đức Kitô thúc bách tôi” (2 Cr 5,14). Lời trên đây của thánh tông đồ ví như tiếng còi gọi ta lên đường cấp cứu.

Mọi việc cấp cứu bác ái của ta sẽ được Chúa đánh giá thế nào, thì tôi chỉ xin nhắc qua hai đoạn Phúc Âm. Một là dụ ngôn người Samaritanô tốt lành đã cảm thương cứu giúp một nạn nhân bị kẻ cướp đánh bị thương nằm ở vệ đường (Lc 10,29-37). Hai là cảnh phán xét chung, trong đó, Chúa đánh giá từng người theo việc họ có cảm thương cứu giúp người khác hay không (Mt 25,31-46).

Theo cảm nhận của tôi, hiệp nhất thường được xây dựng bằng những việc yêu thương bé nhỏ, tế nhị, âm thầm, kín đáo, nhưng bền bỉ, đôi khi đau đớn. Do đó,

Kinh nghiệm thứ ba là hiệp nhất nhiều khi lại nở sinh từ những hy sinh và thất bại lâu dài.

Tìm hiệp nhất như một thành công phải thấy được ngay, đó là một ảo tưởng. Khi cộng tác với Chúa xây dựng hiệp nhất, tôi nhớ lời Chúa dạy: “Thật, Thầy bảo thật các con. Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,29).

Hiểu như thế, tôi thấy hiệp nhất cũng giống như những dầu thánh. Những dầu này, sở dĩ có được, là do bao công phu lâu dài. Phải gieo trồng, phải chăm tưới, phải hái trái, phải ép ra dầu.

Vất vả và lâu ngày mới có được những dầu thánh này. Tương tự cũng vậy, phải vất vả và lâu ngày với những cố gắng, cả với những thất bại, mới có được sự hiệp nhất. Hiệp nhất không phải là một thứ hàng rẻ.

Tôi xin phép kết thúc tâm sự của tôi bằng nhắc lại lời nguyện hiệp nhất của Chúa Giêsu:

Lạy Cha chí thánh,

xin gìn giữ các môn đệ

trong danh Cha mà Cha đã ban cho con,

để họ nên một như chúng ta
” (Ga 17,11).