Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Hồng Y Peter Turkson nói Đức Thánh Cha không chống lại các doanh nghiệp

Trong một diễn từ tại Đại học Andes tại Chile, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô thách thức các nhà lãnh đạo kinh doanh tăng cường ý thức trách nhiệm đối với người nghèo và với sáng tạo.

“Khi ngài nói chuyện với cộng đồng doanh nghiệp, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích một cảm giác mở rộng của ơn gọi, đưa đến một việc thực thi trách nhiệm một cách sâu sắc,” Đức Hồng Y Peter Turkson cho biết như trên hôm 06 Tháng Giêng.

“Hai năm trước, ngài đã viết những lời này cho Diễn đàn Kinh tế Thế giới: 'Kinh doanh thực ra là một ơn gọi, và là một ơn gọi cao quý, với điều kiện là những người tham gia trong đó thấy mình bị thách thức bởi một ý nghĩa lớn hơn trong cuộc sống’. Nhiều người cho rằng những lời này chỉ có thể xuất phát từ một người hiểu sai về kinh doanh, hay một người đánh giá thấp công việc kinh doanh.”

“Đức Thánh Cha không phải là người chống kinh doanh; ngài phê phán nỗi ám ảnh với lợi nhuận và sự thần thánh hóa thị trường”, Đức Hồng Y Turkson nói thêm: “Khi đề cập đến những thách thức của sự phát triển bền vững, ngài kêu gọi các doanh nghiệp phải được tiến hành theo chiều hướng uốn nắn sự khai thác của mình để giải quyết các nhu cầu cấp bách của con người. Và điều này không có nghĩa là từ bỏ động cơ lợi nhuận.”

2. Đấu tranh cho quyền được lái xe của các phụ nữ Pakistan

Đấu tranh cho quyền bình đẳng nam nữ trong một xã hội minh nhiên công nhận sự thống trị của nam giới đối với nữ giới như tại Pakistan là một công việc trường kỳ. Các phong trào đấu tranh giờ đây chú trọng vào một chuyện nhiều người coi là chuyện nhỏ nhưng thực ra sẽ có một ảnh hưởng rất lớn, đó là quyền được lái xe của phụ nữ. Một khi phụ nữ được quyền lái xe, họ có khả năng kiếm được công ăn việc làm và trở nên độc lập hơn.

Chiếc xe tải này xem ra là một hình ảnh bình thường trên các tuyến đường cao tốc của Pakistan ... nhưng lần này có một cảnh tượng bất thường trong xe. Nó được lái bởi Shamim Akhtar, một người phụ nữ, một bác tài xe tải nữ duy nhất trên đất Pakistan. Bị chồng bỏ rơi sau khi sinh đứa con thứ năm, Shamim phải vật lộn kiếm tiền nuôi con trong nhiều năm. Shamim quyết định học lái xe, và cầm lái.

Shamim nói:

“Công việc này không đáp ứng được tất cả các chi phí của gia đình tôi, nhưng còn hơn là không có đồng nào ... Nếu bạn cần 10,000 rupee nhưng chỉ kiếm được 7,000 rupee, thì vẫn tốt hơn là chẳng có gì”.

Phụ nữ được quyền lái xe ô tô tại Pakistan. Nhưng những tài xế nữ như Shamim rất hiếm. Nhiều người phụ nữ khác đang đẩy ranh giới xã hội thậm chí xa hơn nữa. Tayyaba Tariq mỗi ngày phải lái xe 25 km về phía biên giới Ấn Độ để làm công việc của một viên chức hải quan.

Tayyaba Tariq lái xe gắn máy vì cô không đủ tiền sắm xe hơi. Cô nói: “Quyền được lái xe kể cả xe gắn máy, làm cho một người trở nên độc lập và có khả năng chịu trách nhiệm cho chính bản thân mình. Đặc biệt là các cô gái, họ không còn phụ thuộc vào người khác như họ không cần phải hỏi anh trai hoặc cha của họ để đưa họ một nơi nào đó.”

Tuy nhiên, cũng có những nguy hiểm. Phụ nữ ngày nay được cấp bằng lái xe gắn máy nhưng khi họ di chuyển trên đường, họ thường phải đối mặt với các lạm dụng hoặc quấy rối đặc biệt là ở các thành phố lớn, như tại Lahore. Một đám những người đàn ông lượn lờ theo sau buông lời cợt nhả.

3. Căng thẳng ngày càng sôi sục giữa Hồi Giáo Shitte và Sunni

Căng thẳng đang sôi sục tại Iraq với việc Ả Rập Saudi đã giết một giáo sĩ hàng đầu của hệ phái Hồi Giáo Shiite. Vào hôm thứ hai hàng ngàn người đã biểu tình phản đối tại thủ đô Baghdad và các thành phố miền nam Iraq Shiite sau khi Ả Rập Saudi đã xử tử giáo sĩ Nimral-Nimr, cùng với hơn 50 người khác với tội danh khủng bố.

Giới hữu trách tại Iraq cho biết có ít nhất hai đền thờ của phái Hồi Giáo Sunni đã bị tấn công ở Hilla, một thành phố cách Baghdad khoảng một giờ lái xe, làm một người chết nhằm trả thù cho việc xử tử này.

Thủ tướng Iraq là Haider Al-Abadi đã ra lệnh cho chính quyền thành phố “hãy săn đuổi băng nhóm tội phạm này”.

Việc Ả Rập Saudi xử tử vị giáo sĩ này đã làm dấy lên những phản ứng giận dữ trong cộng đồng Shiite, bao gồm những cộng đồng ở Iraq và Iran. Chính quyền ở Riyadh đã cắt đứt liên hệ với Iran sau cuộc biểu tình vũ bão xông vào tòa Đại Sứ Saudi ở Tehran và di tản các nhà ngoại giao.

Vào ngày Chúa Nhật, nhân viên ngoại giao của Iran ở Riyadh đã buộc phải rời khỏi nước này trong vòng 48 giờ. Thêm vào đó, vào ngày Chúa Nhật, Saudi Arabia đã ngưng tất cả các chuyến bay đến Iran và các quốc gia vùng vịnh ủng hộ Arab Saudi đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran. Được biết hoàng gia cai quản vương quốc Arab Saudi thuộc giáo phái Hồi Giáo Sunni, trong khi đó Iran thuộc giáo phái Shiite. Tuy cùng là Hồi Giáo, nhưng hai giáo phái này chống đối lẫn nhau, ủng hộ các nhóm nổi dậy khác nhau trong cuộc chiến Syria.

4. Khối Hồi Giáo Sunni cảnh cáo Iran

Ngoại trưởng các nước Ả rập đã lên án cuộc tấn công vào cơ quan ngoại giao Ảrập Xêút tại Iran và cảnh báo hôm Chúa Nhật 10 tháng Giêng rằng Iran sẽ phải đối mặt với sự phản đối rộng lớn hơn nếu nó tiếp tục “can thiệp” vào công việc nội bộ của các quốc gia Ả Rập.

Căng thẳng giữa Ảrập Xêút, nơi phần lớn dân chúng theo Hồi giáo Sunni; và Iran nơi phần lớn dân theo Hồi Giáo Shi'ite đã leo thang kể từ khi chính quyền Ảrập Xêút hành quyết giáo sĩ Shiite Nimr al-Nimr vào ngày 02 tháng Giêng, gây phẫn nộ trong số những người Shiite trên khắp Trung Đông.

Người biểu tình Iran xông vào sứ quán Ảrập Xêút ở Tehran và lãnh sự quán của nước này tại Mashhad, khiến Ảrập Xêút cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran.

Đáp lại, Iran đã cắt mọi quan hệ thương mại với Ảrập Xêút, và cấm người hành hương bén mãng đến Mecca.

Các nước Ả Rập khác theo Hồi Giáo Sunni đã triệu hồi các vị đại sứ tại Iran về nước để thể hiện tình đoàn kết với Ảrập Xêút. Ngoại trưởng Ảrập Xêút là Adel al-Jubeir cho biết sau một cuộc họp khẩn cấp Liên đoàn Ả Rập tại Cairo rằng cắt đứt quan hệ thương mại và ngoại giao việc Iran là bước đầu tiên, và rằng nước ông sẽ thảo luận về các hành động mạnh hơn nữa nhằm chống lại Iran và các đồng minh của Iran trong khu vực và trên trường quốc tế. Ông không cho biết thêm chi tiết, nhưng cảnh cáo rằng nếu Iran tiếp tục hỗ trợ “chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa bè phái và bạo lực”, Iran sẽ phải đối mặt với sự phản đối của tất cả các nước Ả Rập.

Ngoại trưởng Jubeir xác nhận rằng một số quốc gia đã đề nghị làm trung gian trong cuộc tranh chấp nhưng cho rằng những nỗ lực đó không mang lại bất kỳ sự tiến bộ nào. Ông nói: “Liên quan đến vấn đề hòa giải, có một số quốc gia đã bày tỏ sẵn sàng để làm điều này, nhưng điều quan trọng là quan điểm của Iran. Nếu họ khăng khăng như hiện nay, hòa giải là vô ích”

Trong một tuyên bố sau cuộc họp, Liên đoàn Ả Rập cũng cáo buộc Vệ binh Cách mạng Iran đang đứng đằng sau những vụ bạo động tại Bahrain. Tất cả các thành viên của Liên đoàn Ả Rập đã bỏ phiếu ủng hộ các bản tuyên bố, trừ ra Li Băng, nơi Iran đang hậu thuẫn Hezbollah là một lực lượng chính trị rất mạnh tại đây.

Tuyên bố không đưa ra bất kỳ biện pháp chung cụ thể nào để chống Iran nhưng thiết lập một ủy ban nhỏ hơn để theo dõi các diễn biến. Các ngoại trưởng các nước Ả Rập dự kiến sẽ gặp lại nhau vào ngày 25 tháng Giêng tại Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống Nhất.

5. Account Twitter của Đức Giáo Hoàng vượt quá 26 triệu người theo dõi.

Ðài phát thanh Vatican cho biết, account Twitter của Đức Giáo Hoàng (bằng 9 ngôn ngữ khác nhau) đã vượt quá 26 triệu người theo dõi vào lúc 5g15 ngày thứ Năm 07 tháng Giêng vừa qua.

Chính Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã khai trương account Twitter @pontifex vào ngày 12 tháng 12 năm 2012, với tweet (tin nhắn) đầu tiên bằng tám thứ tiếng: Tây Ban Nha, Anh, Ý, Pháp, Bồ Ðào Nha, Ðức, Ba Lan và Ả Rập. Ðức Bênêđictô XVI viết: “Các bạn thân mến, tôi rất vui mừng được liên lạc với các bạn qua Twitter. Cảm ơn các bạn đã quảng đại hồi đáp. Tôi chân thành chúc lành cho tất cả các bạn”.

Sau hơn một tháng, đến 15 tháng 01 năm 2013, trang Twitter của Ðức giáo hoàng đã có hai triệu người theo dõi, và hai ngày sau, trang này có thêm tiếng Latin [@pontifex_ln].

Về phần Ðức Thánh Cha Phanxicô, tweet đầu tiên của ngài được gửi đi ngày Chúa Nhật 18 tháng 03 năm 2013, năm ngày sau khi ngài đắc cử giáo hoàng, như sau: “Các bạn thân mến, tôi chân thành cảm ơn các bạn và xin các bạn tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Giáo hoàng Phanxicô”.

Ngày 26 tháng 10 năm 2013, số người theo dõi lên tới hơn 10 triệu. Khoảng hai năm sau, ngày 12 tháng 04 năm 2015, số người theo dõi đã vượt quá 20 triệu và ngày 23 tháng 11 cùng năm, đã có hơn 25 triệu người theo dõi.

Trong tweet mới nhất được gửi ngày thứ Sáu 8 tháng Giêng năm 2016, và là tweet thứ hai trong Năm Mới 2016 cho đến nay, Đức Giáo Hoàng viết: “Khi thế giới đang say ngủ trong tiện nghi và ích kỷ, sứ mạng của Kitô giáo là giúp thế giới ấy thức dậy”.

6. Ukraina mừng lễ Giáng sinh hai lần

Năm nay, tại Ukraina, lễ Giáng sinh được mừng vào hai ngày: 25 tháng Mười Hai và 7 tháng Giêng.

Tại một đất nước chịu nhiều thương tích vì cuộc chiến tranh với Nga, đồng thời đang nỗ lực xích lại gần Tây Âu, lịch tôn giáo đang trở thành nơi bộc lộ bản sắc dân tộc.

Trong lúc nhiều người dân Ukraina mừng lễ Giáng sinh vào ngày 7 tháng Giêng theo lịch Giulianô (1) được Chính thống giáo sử dụng, lại xuất hiện nhiều ý kiến muốn chuyển sang ngày 25 tháng Mười Hai để thống nhất với Công Giáo (theo lịch Grêgôrianô).

Ngày 25 tháng Mười Hai vừa qua, nhiều linh mục thuộc Giáo Hội Chính thống giáo đã cử hành Thánh lễ Giáng sinh tại Kiev. Điều này đã khiến một số vị trong hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa bất mãn. Tại một đất nước đã chịu nhiều thương tích do việc sáp nhập vùng Crimêa vào Nga và cuộc chiến chống lực lượng ly khai thân Nga ở phía Ðông, thì cuộc bất hòa về lịch đã chạm đến phần cốt tủy của bản sắc dân tộc Ukraina, vốn trong lịch sử đã từng bị giằng xé giữa ảnh hưởng của Mạc Tư Khoa và mong muốn xích lại gần Tây Âu.

Những nhà hoạt động đã cho lưu hành hai kiến nghị được đăng trên trang điện tử chính thức của phủ tổng thống Ukraine: “Chúng tôi, những Kitô hữu thuộc các Giáo Hội khác nhau, dù không bỏ truyền thống của mình nhưng muốn được mừng lễ Giáng sinh cùng toàn thể thế giới Kitô giáo, nên đề nghị rằng ngày 25 tháng Mười Hai là ngày lễ mừng Chúa Giáng sinh”. Nếu sáng kiến này giành được đủ sự ủng hộ, Tổng thống Petro Poroshenko sẽ phải xem xét vấn đề, và có thể đưa ra biểu quyết tại Quốc hội Ukraine.

7. Đức Hồng Y Donald Wuerl của Washington nhận định về cuộc bách hại các Kitô hữu trên thế giới

Tờ Quan Sát Viên Rôma đã công bố một trích đoạn trong cuốn sách mới của Đức Hồng Y Donald Wuerl, Tổng Giám Mục Washington DC về cuộc bách hại các Kitô hữu.

“Theo ước tính đáng tin cậy, có hơn 200 triệu Kitô hữu thuộc 60 quốc gia trên thế giới phải đối diện với một số hình thức bách hại vì đức tin của họ”, Đức Hồng Y đã viết như trên trong cuốn “To the Martyrs: A Reflection on the Supreme Christian Witness” nghĩa là “Một suy tư về chứng tá tột đỉnh của các vị tử đạo”.

Ngài nhận xét rằng:

“Tuy nhiên, điều đó hầu như không được ghi nhận trên các phương tiện truyền thông lớn. Hầu như chẳng bao giờ thấy các nhà ngoại giao và các nguyên thủ quốc gia lưu ý tới. Trong thực tế, người ta coi đó như một chuyện chính trị. Tử đạo Kitô giáo được xem là một chuyện quá nặng phần tôn giáo nên không thể kích thích sự quan tâm của phe tả ở Mỹ và quá xa lạ để có thể khơi dậy một sự chú ý của cánh hữu. Và như vậy các vị tử đạo bị bỏ rơi trong cuộc chiến sống còn của họ, và cô đơn chịu đựng tất cả khổ đau.”

8. Viện trợ cho những người sắp chết đói tại Madaya, Syria

Madaya là một thị trấn nằm cách thủ đô Damascus khoảng 25 km về phía tây và và cách biên giới Li Băng 11km. Thị trấn này đã lọt vào tay quân nổi dậy và từ tháng 7 năm ngoái bị bao vây bởi các lực lượng chính phủ và đồng minh của họ trong phong trào Hồi giáo Shiite Hezbollah ở Li Băng.

40,000 cư dân đã bị mắc kẹt ở đây trong sáu tháng qua và đã không nhận được viện trợ nào. Một số người chết vì đói.

Theo một thỏa thuận của Liên Hiệp Quốc được sự bảo trợ và trung gian bởi các cường quốc khu vực, các loại thuốc và các mặt hàng thực phẩm khác đã được vận chuyển vào trung tuần tháng Giêng.

Viện trợ cũng sẽ được gửi đến hai làng bị bao vây bởi các lực lượng phiến quân ở phía Bắc tỉnh Idlib. Tình hình tại Kefraya cũng được báo cáo là vô cùng thảm khốc, với ước tính khoảng 30,000 người bị mắc kẹt giữa 2 lằn đạn.

9. Mexicô đã bắt lại được tên trùm ma túy khét tiếng El Chapo

Nhà chức trách Mexico đã đưa tên trùm ma tùy Joaquin Guzman hay còn gọi là “El Chapo”, khét tiếng thế giới ra trước các phương tiện truyền thông, sau khi họ đã bắt lại được tên này.

Các nhà chức trách Mexicô đã bắt lại trùm ma túy hàng đầu của thế giới này sau sáu tháng y trốn thoát khỏi một nhà tù có an ninh tối đa. Trùm của băng đảng Sinaloa đầy quyền lực này đã trốn tù qua một đường hầm dài hàng dặm nối vào ngay phòng tắm của y trong nhà giam. Hắn đã bị bắt lại trong một cuộc bố ráp gây ra cái chết cho năm người. Giờ đây, hắn bị nhốt lại cùng nhà tù cũ.

Guzman đã dẫn đầu một băng đảng nhập lậu hàng tỷ đô la ma túy vào Hoa Kỳ, và đã đụng độ ác liệt với các băng đảng Mexico khác. Hoa Kỳ đã giúp đỡ trong cuộc bố ráp đó để bắt lại y. Việc bắt lại được Guzman là một sự thúc đẩy lớn cho quan hệ Mexicô và Hoa Kỳ vì mối quan hệ đã từng bị căng thẳng do việc tù nhân này đã bỏ trốn sau khi Mỹ có yêu cầu dẫn độ về Hoa Kỳ. Bây giờ trùm ma túy sẽ bị xét xử ở Mỹ, nhưng thủ tục này có thể mất vài tháng.