Chúa Nhật III MÙA CHAY, năm C
Lc 13, 1-9

PHẢI THAY ĐỔI CÁI NHÌN

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra nhiều sự việc xẩy ra từ thời Chúa Giêsu sống nhưng vẫn như đang xẩy ra trước mắt chúng ta, chung quanh chúng ta. Chúa Giêsu trong Chúa Nhật III Mùa chay, năm C, đưa ra hai biến cố có tính rất thời sự, nóng hổi : một là sự tàn ác của Philatô, hai là tai nạn lao động. Tất cả hai vụ việc này đều dẫn đến cái chết. Lúc đó, có rất nhiều luồng dư luận, người thì nói những người này là những người tội lỗi, nên bị Chúa phạt, kẻ khác nghĩ thế này thế nọ. Những người không hề hấn gì cứ tưởng rằng mình vô tội vì họ đang an toàn vv…Chúng ta nghĩ gì về những sự kiện ấy ?

Chúa Giêsu luôn kêu gọi mọi người sám hối. Tuy nhiên, có người tưởng rằng mình vô tội, nên chẳng cần gì phải ăn năn, phải quay trở về, phải sám hối…Sự an toàn và tưởng tượng giả tạo luôn là bóng mờ làm lỏe mắt chúng ta. Chúa Giêsu đưa chúng ta ra khỏi sự ảo tưởng, sự mù lòa về mình. Ngài nhắc nhở chúng ta sám hối vì biết làm sao được ai nặng tội hơn ai. Con người được Chúa cho an toàn, thảnh thơi, thư thái, chính lúc đó là lúc con người cần trở về, thay đổi, làm mới con người vì rằng chính lúc con người tưởng mình mạnh lại là lúc họ yếu như lời thánh Phaolô đã nói…Ơn trở về, ơn sám hối và ơn làm mới lại là ơn cần thiết Chúa ban cho con người, để con người mau mắn quay về với Chúa.

Cây vả trong Tin Mừng thực tế đang sống trong tình trạng an toàn. Tội của nó là tội làm choán đất, cây mọc nơi đất tốt mà không sinh hoa trái. Như thế, cây to làm hại, làm mất đất để các cây khác mọc lên. Con người sống ở trần gian nhiều khi cũng sống trong vỏ an toàn, họ không làm hại ai, không phá ai, nhưng họ đã không làm những điều tốt, họ đã không sinh lời theo ý Chúa. Họ đúng là người được ông chủ trao một nén, đáng lẽ họ phải làm lời ra, nhưng họ đã chôn giấu không làm lợi tiền cho ông chủ. Họ không làm hại ai nhưng sống ích kỷ, bo bo, không làm điều tốt, không làm những điều ông chủ muốn, như thế họ đã tiếp tay cho sự xấu, sự dữ hoành hành. Tin Mừng của Chúa cốt lõi của Tình Yêu. Do đó, theo đạo không có nghĩa là bo bo giữ luật lệ cho riêng mình để được lợi cho mình, nhưng còn phải sống đạo. Làm những việc lành tỏa sáng, làm những việc bác ái để danh Chúa được cả sáng là làm vinh danh Chúa. Dụ ngôn cây vả nói lên sự kiên nhẫn của Chúa đối với con người. Trước một vụ việc, trước một biến cố, mỗi người có cái nhìn và phản ứng khác nhau. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã gợi lại cho chúng ta thấy phản ứng rất thông thường của người Do Thái, đồng thời cũng là phản ứng của nhiều người tín hữu. Philatô ra lệnh xử tử một số người Galilê nổi loạn, thì người Do Thái cho rằng những người này đáng bị trừng phạt vì họ là những người tội lỗi. Khi tháp Silôe đè chết 18 người thì người Do Thái cũng bảo họ là những người tội lỗi bị Chúa phạt. Chúng ta gán cho Chúa phạt người khác vì cho là họ có tội, nhưng chúng ta lại quên thân phận yếu hèn, mỏng giòn của chúng ta. Chúa luôn mời gọi chúng ta nhìn vào các biến cố với lòng tin tưởng tuyệt đối vào tình thương của Thiên Chúa, nhìn vào tấm lòng nhân hậu, tình yêu vô biên của Chúa. Chúa là người Cha nhân từ “ chậm bất bình và hết mực khoan nhân “. Ngài luôn luôn yêu thương, thứ tha nếu chúng ta thật tâm sám hối, ăn năn, quay trở về với Thiên Chúa tình thương. Con người dù có tội lỗi đến đâu, nếu biết thật lòng hối cải, từ bỏ tội lỗi, Chúa vẫn luôn yêu thương tha thứ.

Năm thánh Lòng Thương Xót của Chúa giúp chúng ta nhận ra lòng thương, tình yêu vô biên của Chúa, khiến chúng ta nhận ra con người yếu đuối của mình cần được Chúa thứ tha. Con người càng nhận ra tình thương của Chúa, cần ý thức thân phận bọt bèo, mềm yếu của mình, cần được Chúa thứ tha nhờ đó chúng ta càng cần cảm thông với những yếu hèn của người khác. Tất cả chúng ta đều cần ơn tha thứ của Chúa. Do đó, sám hối là khởi đầu của việc nên thánh. Sám hối là sám hối trong cái nhìn về Thiên Chúa nhân từ, nên đồng thời cũng có cái nhìn thay đổi, đứng đắn, đầy cảm thông đối với người khác.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn nhận ra lòng nhân từ, yêu thương của Chúa, để chúng con luôn có cái nhìn cảm thông, tha thứ đối với anh chị em của chúng con.Amen.


GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Người Do Thái đã có cái nhìn thế nào về hai biến cố Philatô giết một số người Galilê nổi loạn và tháp Silôe đè chết 18 người ?
2.Thường chúng ta có cái nhìn về người khác thế nào khi họ gặp hoạn nạn ?
3.Chúa là ai và chúng ta là ai ?
4.Chúa dạy chúng ta điều gì qua những biến cố trên đây, đặc biệt cây vả không cho quả ?
5.Mùa Chay trong năm thánh Lòng Thương Xót của Chúa nói cho chúng ta những gì ?