NGHĨA VỤ ỨNG CỬ VÀ BẦU CỬ 3

(Tiếp theo)

V.- TỰ ỨNG CỬ: MỘT DẤN THÂN CAN CẢM.

Lang thang trên xa lộ thông tin, chúng tôi vô cùng phấn khởi nhận biết tâm tình chân thành của những công dân, chỉ vì lòng yêu nước, muốn đánh thức đồng bào trước sự tồn vong của quốc gia và sự suy đồi của xã hội, nên phải dấn thân đối đáp với những người cộng sản độc tài và dã man.

1./ Ngày 22.02.2016, Bà Đặng Bích Phượng đã gởi đến đồng bào bài ‘Thoát khỏi nỗi sợ hãi của bản thân đã là một sự thay đổi nhiều người như vậy, sẽ khiến xã hội này thay đổi’ để đề cập chuyện ‘ứng cử vào Quốc hội’.

a/ Tại sao ? Lâu nay, dân ta chỉ quen với chuyện ‘Đảng cử, dân bầu’. Nay, cần thay đổi: Cứ bảo dân làm chủ, vậy hãy để dân tự cử người mình tin tưởng, hoặc để họ tự ứng cử đi. Chứng kiến một lồng nuôi chim cảnh mở, chim không bay ra, khiến Bà liên tưởng đến những người quên mất mình có những quyền gì. Hiến pháp không buộc 90-95% đại biểu quốc hội là đảng viên cộng sản. Khi cần biểu quyết, thì cả 5-10% đại biểu ngoài đảng phản đối có thay đổi được cục diện? Quốc hội này phục vụ cho quyền lợi Đảng hay của nhân dân? Nếu số người tự ứng cử là 100, 200 người, hay nhiều hơn thế, và là những người có tài, có tâm huyết, thì Ủy ban bầu cử quốc hội có thể gạt ngần ấy người không? Lý do khác, đại biểu quốc hội hiện tại quá xa dân. Rất nhiều người chưa từng gặp một vị đại biểu bằng xương bằng thịt nào trong đời.

b/ Nếu trúng cử, Bà sẽ làm gì? Trích tin báo Vneconomic ngày 26.07.2012: ‘Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường: Khiếu kiện về đất đai chiếm trên 90%....’, với thâm niên 8 năm làm công tác giải phóng mặt bằng và 16 năm làm ở cơ quan quản lý về các dự án làm đường, cũng liên quan đến đất đai, nên các quy trình thu hồi và đền bù đất đai theo Luật Bà nắm khá rõ. Gần đây, rất nhiều đất nông nghiệp đã bị thu hồi từ tay những người nông dân, để giao cho chủ đầu tư các dự án xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp. Việc chuyển giao đất đai này không được thực hiện theo cơ chế thị trường, mà theo cách áp đặt thô bạo của chủ đầu tư, được chính quyền bảo trợ. Có một mối quan hệ kỳ lạ giữa chính quyền và chủ đầu tư, khi nhiều nông dân bị chính quyền bỏ tù vì không chịu giao đất cho chủ đầu tư với giá đền bù rẻ mạt, hoặc vẫn muốn có đất canh tác để nuôi sống gia đình. Lợi nhuận khổng lồ từ đất đai, chủ yếu rơi vào tay những chủ đầu tư (tức nhóm lợi ích). Một m2 đất nông nghiệp được đền bù với giá khoảng 300.000 đồng. Sau khi đổ đất san nền, chủ đầu tư bán lại với giá 30.000.000 đồng. Lợi nhuận gấp cả trăm lần như thế, làm sao không tạo ra bất công? Tham nhũng đất đai và tỷ lệ khiếu kiện đất đai chiếm tới 90% các vụ là hệ quả tất yếu của chính sách ‘đất đai thuộc sở hữu toàn dân’. Do đó, việc sửa đổi Luật đất đai từ sở hữu toàn dân sang sở hữu đa thành phần.

2. Tín hiệu tích cực. Việc phong trào tự ứng cử của công dân sẽ tác động ra sao tới bầu cử Quốc hội, bà Nguyễn Thúy Hạnh, nguyên chuyên viên phụ trách đối ngoại tại một công ty lớn ở Việt Nam, ứng viên tự do trong kỳ bầu cử năm nay, nói với đài BBC: ề Từ khi tôi tuyên bố ứng cử đến giờ, tôi thấy có tín hiệu rất đáng mừng từ phía nhân dân, cụ thể là những người bạn tôi, những người sống quanh tôi, những người hàng xóm, hoặc là gia đình, chị em, họ hàng của tôi, thì trước kia họ thấy vấn đề này rất lạ và thậm chí còn sợ sệt nữa. Nhưng mà từ khi tôi cho biết mình sẽ tham gia ứng cử, tôi rất ngạc nhiên, trước đó, tôi không hỏi ý kiến ai cả, bởi vì nghĩ là nếu có hỏi thì mọi người cũng sẽ phản đối thôi. Nhưng rất lạ là tất cả những người bạn của tôi mà ngày xưa không bao giờ quan tâm đến những vấn đề này, và gia đình, họ hàng, những người bạn thân đến những người bạn ở xa đều ủng hộ tôi và rất vui mừng, thậm chí lại còn khích lệ tôi nữa. Điều này cho thấy là đã có những tín hiệu thay đổi rất tích cực ở trong nhận thức của mọi người về vấn đề này, Ừ Bà Hạnh là người tham gia Chương trình Hành động có hai mục tiêu chính là bảo vệ chủ quyền đất nước và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ.

Ngày 25.02.2016, công dân Nguyễn Quang A, qua Facebook của mình, đã trả lời các câu hỏi liên quan tới việc ứng cử, bầu cử đại biểu Quốc hội:

- Nếu trúng cử, ông có dám bảo trợ một dự luật, như luật tự do báo chí?

Đáp: ‘xây dựng thể chế tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân thực thi các quyền con người và các quyền hiến định của mình, cụ thể là hủy bỏ mọi điều khoản trong Hiến pháp và luật hiện hành vi phạm các quyền con người, vi phạm các luật quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và có nghĩa vụ thi hành… đảm bảo sự độc lập và kiểm soát lẫn nhau của tam quyền (lập pháp, hành pháp, tư pháp),…’ Nên nếu trúng cử, tôi sẽ sử dụng quyền mình để bảo trợ không chỉ cho 1 luật mà hàng loạt luật (có thành công hay không thì chưa rõ, nhưng đại biểu có thể làm việc đó).

- Cảm nhận của ông về vị trí, vai trò trong tương lai Quốc hội ?

Tôi chủ trương ‘biến quyền hão thành quyền thật’ một cách từ từ và quyền ứng cử vào Quốc hội là một quyền như vậy. Nhiều người đã sử dụng quyền này và đa số đã bị loại, nên có thể nói đó là quyền hão. Nếu rất nhiều người cứ thế thực thi quyền mình (dù không thành) vẫn sẽ góp phần nâng cao dân trí, quan trí và áp lực để thay đổi, hầu góp phần biến ‘quyền hão’ thành quyền thực. Quốc hội Việt Nam chưa có thực quyền, tuy đã có những thay đổi nhất định và hy vọng nó sẽ phải là một Quốc hội đích thực nếu được ứng cử, góp ý, một cách xây dựng. Hãy đừng chịu thua, hãy làm bất cứ việc gì nhỏ để thúc đẩy sự phát triển. Việc đấu tranh cho dân chủ là rất khó khăn, gian khổ và dài cho nên càng phải kiên trì và luôn lạc quan. Hãy đặt xà thấp, vừa sức mình để nhảy và cứ thế nâng xà cao dần, đạt kết quả nhỏ cải thiện được chút xíu, hãy vui với kết quả đó và làm cho người khác vui lây và làm như bạn. Dân nào chính quyền ấy, nếu rất đông người nhận ra quyền của mình và cứ thế thực thi, đó là sức mạnh vô biên mà những người không quyền lực như chúng ta đang có, đừng bỏ phí quyền lực ấy và đừng bao giờ chịu thua bạn ạ.

- Với chế độ này, liệu chúng ta có bị lừa không ạ. Chúng ta mắc bẫy và cuối cùng không đem lại lợi ích gì cho nhân dân cả.

Tôi đồng cảm với bạn, nhưng xin trả lời ngay Không, Không mắc bẩy. Chúng ta tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy một quá trình học tập dân chủ, đó là mục tiêu chính của tôi và tôi tin nếu rất nhiều người làm theo cách này, sự thay đổi sẽ đến nhanh. Còn không làm gì hay chỉ than vãn thôi thì ngàn năm nữa vẫn thế!

Các Vị sẽ và phải xử lý thế nào khi bị Tổ chức hiệp thương buộc các Vị phải rút tên khỏi danh sách ứng viên?

Khả năng đó rất cao! Chúng tôi đang hỏi họ ‘hiệp thương là họp thương lượng về những vấn đề chính trị, kinh tế có liên quan chung’, cho nên quý vị (Mặt trận Tổ quốc) không thể họp riêng, chúng tôi không rút tên, họ tự ý rút thì cái ‘dân chủ đến thế là cùng’ của họ bị lột mặt nạ, tính chính đáng của họ bị xói mòn. Và chúng tôi sẽ dùng mọi biện pháp pháp lý để chất vấn họ về việc ‘hiệp thương’ ấy, đó cũng lại là cơ hội để cho chúng ta học. Còn nhiều cách khác nhưng chưa tiện tiết lộ vội, bạn cứ chú ý theo dõi.

– Ông quan tâm đến vấn đề gì nhất trong thực trạng xã hội Việt Nam hiện nay?

Tôi quan tâm nhất đến nạn tham nhũng và sự ô nhiễm môi trường (kể cả an toàn thực phẩm).

B. Tự ứng cử: đoạn đường chiến binh đầy cạm bẩy vi hiến và trái luật.

Điều 7.1 Hiến pháp ngày 28.11.2013 ghi: ề Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Ừ. Thêm vào đó, Điều 1 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân viết: ề Nguyên tắc bầu cử. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Những quy định đó cho phép chúng ta hiểu rằng ‘quyền lực nhà nước’ được người dân (cử tri) thực hiện trực tiếp tín nhiệm người dân (ứng cử trực tiếp) để đại diện tại Quốc hội hay Hội đồng nhân dân, không cần phải qua sự hiệp thương với một ai hay một tổ chức nào.

Trên giấy tờ, ‘Quyền ứng cử của công dân là một quyên căn bản được pháp luật Việt Nam tôn trọng và bảo vệ’. Nhưng, trong thực tê thì lại không hề như vậy! Để trở thành một ứng cử viên không được ‘đảng cử’ thì phải là một công dân can đảm vượt bực để vượt qua rất nhiều rào cản được tạo ra bằng những quy định vi hiến hoặc nhiều thủ đoạn được các cơ quan Nhà nước sử dụng để loại những người tự ra ứng cử ngay từ khi làm hồ sơ thủ tục. Không là người Việt Nam sống thời cộng sản không thế nào tưởng tưởng nổi những rào cản này. Thêm một lần nữa, người cộng sản chứng minh lời ông Thiệu nói thật đúng ‘Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì họ làm’.

1./ Vấn đề ‘cơ cấu’ của Quốc hội.

Ngày 16.01.2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ra nghị quyết về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa 14. Theo đó, khóa 14 sẽ có 500 đại biểu, được bầu từ tổng số dự kiến 896 ứng cử viên. Trong số đại biểu đó, số người không phải là đảng viên cộng sản, theo dự kiến của UBTVQH, chỉ khoảng 25-50. Dù là ‘dự kiến’, nhưng thực chất, cần hiểu đúng bản chất của nó là ‘xác định cơ cấu’, và đây là bước đầu tiên trong quy trình bầu cử Quốc hội ở Việt Nam.

Sau đó, UBTVQH còn ‘dự kiến’ về cơ cấu, số lượng đại biểu Quốc hội được bầu, ví dụ như kỳ này, Quốc hội phải có ít nhất 35% đại biểu là nữ. Số lượng đại biểu của Bộ Quốc phòng là 15 người, Bộ Công an 3 người. Số đại biểu đến từ khối doanh nghiệp, hiệp hội, nghiệp đoàn sản xuất kinh doanh: 7 người… Việc ấn định cơ cấu được đề cao là để đảm bảo cân bằng lợi ích và sự đại diện của mọi thành phần xã hội (phụ nữ, thanh niên, nông dân, trí thức, người dân tộc thiểu số v.v.). Tuy nhiên, ai cũng có thể nhận thấy, nó hợp lý hóa sự sắp xếp nhân sự từ trước và can thiệp vào trong quá trình ứng cử để bảo đảm cơ cấu. Một cựu đại biểu kể, thời ông, chưa đến ngày bầu cử ông đã biết trước mình chắc chắn sẽ đắc cử, vì cơ cấu đó đang cần một trí thức khoa học xã hội ở Hà Nội, mà xung quanh ông thì toàn trí thức thuộc khối khoa học tự nhiên. Vì cơ cấu Quốc hội đã được ấn định trước, tiếp đến sẽ là quá trình thực hiện, với một loạt bước, gồm: hiệp thương, hội nghị tiếp xúc cử tri. Trong đó, hiệp thương là giai đoạn quan trọng nhất để thực hiện cơ cấu đã vạch sẵn.

2./ Ba lần hiệp thương:

Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam là chủ thể duy nhất có quyền lập danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Họ phải qua 3 lần hiệp thương trước khi được ghi tên vào danh sách ứng cử viên chính thức. MTTQ giới thiệu ứng cử viên về các nơi công tác để họ được cử tri góp ý trước khi được MTTQ hiệp thương. Cách thức 'hiệp thương' này của MTTQ ‘Đảng cơ cấu, dân bầu', được cho là đem lại lợi thế độc tôn cho Đảng cộng sản.

a./ Hiệp thương lần 1 diễn ra sau khi UBTVQH đã ấn định cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội sẽ được bầu, và đệ trình cho MTTQ. Dựa vào đó, MTTQ cấp trung ương, và cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, sẽ tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở cấp tương ứng, để thoả thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu mà các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương hay địa phương giới thiệu, tiến cử. Các ứng viên tự do, không được cơ quan, tổ chức, đơn vị nào tiến cử, thì đương nhiên không có tên trong danh sách cơ cấu. Tuy nhiên, họ vẫn có thể nộp hồ sơ cá nhân cho ủy ban bầu cử; vòng hồ sơ này không quá khó khăn. Thử thách lớn nhất với ứng viên tự do là ở lần hiệp thương sau đó.

b./ Hiệp thương lần 2 nhằm thương lượng, thống nhất danh sách ứng cử viên, kể cả các ứng viên tự do, và được đưa ra lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú và nơi công tác. Các hội nghị cử tri lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú chính là nơi diễn ra cuộc thử thách nặng nề nhất với bản lĩnh và sức chịu đựng của ứng cử viên, thường được tiến hành cuộc một cuộc ‘đấu tố’ ứng cử viên tự do, không được cơ quan, tổ chức giới thiệu. Đã có những vị được sự ủng hộ lớn của cử tri nơi công tác, nhưng ra hội nghị ở nơi cư trú, vẫn bị ‘đấu’tơi bời và nhận tỷ lệ tín nhiệm rất thấp.

Chúng ta đề cập đến trường hợp Luật sư Lê Quốc Quân, Công Giáo. Năm 1997 khi còn là sinh viên Đại học Luật, ông đã tự ứng cử nhưng đã bị dọa đuổi học và phải rút đơn. Tháng 3/2007, khi đang cầm trên tay Hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 12 thì bị bắt. Hiệp thương là Họp lấy tín nhiệm tại nơi làm việc và nơi cư ngụ:

Nơi làm việc. Sáng 29.03.2011, đại diện Công ty Giải pháp Việt, nơi ông Quân làm việc, đã đến Văn phòng Mặt trận Tổ quốc Hà nội nộp Biên bản lấy tín nhiệm của ông tại cơ quan. Tổng số 14 nhân viên trong công ty đã bày tỏ sự tin tưởng vào đạo đức, khả năng và tâm huyết của ông đối với đất nước và với nghề luật. 100% nhân viên tin tưởng rằng ông có thể làm tốt nhiệm vụ là người đại diện nhân dân.

Nơi cư ngụ. Tối ngày 30.03.2011, để hoàn tất thủ tục tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 13, Luật sư Lê Quốc Quân đã phải tham dự cái thủ tục gọi là ‘lấy tín nhiệm cử tri’ do Uũy ban Nhân dân phường tổ chức. Lúc hơn 20 giờ, một đoàn người đi ra từ khu nhà ông Quân, trong đó có ông và rất đông thân hữu của ông, sau một đoạn đường, đến nơi gọi là hội trường diễn ra cuộc hội đêm ấy. Nó tối tăm, nhỏ bé cạnh một trường trung học, tưởng như nhà bảo vệ của trường, hóa ra là nhà văn hóa của một tổ dân cư khác nơi ông Quân cư trú. Rất đông những kẻ đeo băng ‘bảo vệ’ không quân hàm, áo phục, toàn các gương mặt già nua, ốm yếu, tay lăm lăm cầm dùi cui đứng chặn trước cửa ra vào. Câu chuyện bắt đầu hồi gay cấn từ đây, nó diễn ra khá lâu, khoảng gần một tiếng đồng hồ. Khi tới nơi, mọi người mới té ngửa ra biết mình không được vào tham dự, bốn bảo vệ đứng chặn trước cổng cùng nhiều người không đeo băng bảo vệ khác. Chúng tuyên bố ‘tao là bảo vệ, tao có quyền cho ai vào thì người đó được vào’, nên không một cử tri nào vào được.

Anh em ông Quân thấy xuất hiện rất nhiều gương mặt lạ và tỏ vẻ vô cùng hung hăng. Khi trưởng ban tổ chức đến, ông Quân và các bạn chất vấn ông này việc tại sao lại thay đổi địa điểm tổ chức từ tổ 64 là tổ ông Quân ở sang tổ 50, hoàn toàn xa lạ. Hơn nữa, nơi này là một nhà 2 tầng, hội trường trên làu và chỉ có một cầu thang nhỏ hẹp, chính quyền có thể kiểm soát mọi việc lên xuống của những tham dự viên. Hắn lúng túng trả lời ‘chúng tôi chỉ thuê được ở đây’. Lý do là nếu tổ chức tại tổ 64 thì nhiều người trong tổ ông Quân sẽ đến dự (vì gần) và bỏ phiếu tín nhiệm ông. Vì thế, chính quyền ‘gian lận’ đã chuyển ra tổ 50 thì nhiều người trong tòa nhà ông Quân ở đều là trí thức và ngại chuyện chính trị nên sẽ không đi tham dự. Ngoài ra, các cử tri hôm nay được Chính quyền phường Yên hòa đã cử người đi vận động từng gia đình trong khắp phường để đi dự và chống lại ông Quân.

Người chủ tọa và 4-5 cử tri nêu ra chuyện ông Quân bị an ninh bắt giam 100 ngày từ 19.03.2007. Theo viên chủ tọa, trích các tài liệu của công an, ông bị bắt vì tội hình sự ‘hành vi tham gia tổ chức phản động, chống chính quyền nhân dân’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự. Ông Quân phản bác lại, cho rằng đó là một vụ ‘bắt oan’ và không hề có bản án của Tòa sau đó, nên ông hoàn toàn vô tội. Khi bỏ phiếu bằng giơ tay, do dốt luật hay cố tình làm vậy, trong khoảng 40 người, chỉ có 3 người ủng hộ ông Quân.

c./ Hiệp thương lần 3. Phiên họp sẽ không có mặt người tự ứng cử.

Luật sư Võ An Đôn, cư ngụ tại Phú yên, ngày 11.02.2016, tâm sự về kinh nghiệm phũ phàng trong cuộc ‘ứng cử’ của bản thân năm 2011 như sau: « Năm 2011, khi lấy phiếu tín nhiệm tại nơi cư trú, tôi được 100% người dân địa phương ủng hộ, sau đó lấy phiếu tín nhiệm tại nơi làm việc là Đoàn luật sư, tôi cũng được 100% tín nhiệm. Đến khi hiệp thương tại MTTQ tỉnh thì tôi bị loại, không được lọt vào Danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội ».

Đau đớn nhất cho tâm huyết và thân phận trí thức trẻ Võ An Đôn là ở chỗ này: « Khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại nơi cư trú và tại Đoàn luật sư thì tôi được mời tham dự, nhưng khi tổ chức hiệp thương tại MTTQ tỉnh thì tôi không được mời tham dự, nghe những người tham dự kể lại là họ đấu tố và nói xấu tôi dữ lắm ». Đau lắm, nhưng ông đâu chừa! Năm nay, ông lại quyết tự ứng cử, tranh cử. ‘Ứng thì được. Nhưng tranh thì tranh với ai? Ai cho ông tranh trong guồng máy đảng trị?’ Ông vẫn bất chấp và tâm sự: « Mục đích tôi tự ứng cử đại biểu Quốc hội lần trước và lần này không phải là tôi muốn làm đại biểu Quốc hội để được hưởng nhiều bổng lộc ban phát, mà tôi muốn thực hiện quyền ứng cử của một công dân theo hiến định và muốn mọi người dân nhận thức được rằng bầu cử Quốc hội chỉ là trò diễn kịch với vở kịch vụng vờ, lộ liễu, lâu năm đã lỗi thời. Dù biết trước rằng 99,99% người tự ứng cử đại biểu Quốc hội sẽ bị loại, nhưng tôi vẫn tiếp tục nộp đơn tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 sắp tới ». Nhiều người hoan hô Luật sư Võ An Đôn biểu lộ ý chí và khí phách của kẻ sĩ thời đại!

Hà Minh Thảo