CHỈ TRỞ THÀNH TÔNG ĐỒ KHI ĐƯỢC THẦN KHÍ NGỰ XUỐNG

LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG (2016)

Chính trong Kinh Tiền Tụng của ngày lễ hôm nay, Hội Thánh đã gọi đích danh Lễ Chúa Thánh Thần là ngày khai sinh Hội Thánh : “Chính trong ngày khai sinh Hội Thánh, Chúa Thánh Thần đã làm cho hết thảy chư dân nhận biết Thiên Chúa và liên kết mọi ngôn ngữ khác biệt lại, để họ tuyên xưng cùng một đức tin” .

Quả thật, như sách Công Vụ tông đồ tường thuật, chính ngày nầy, những “ngọn lưởi lửa tình yêu và ân sủng tuôn đổ dạt dào trên “Nhóm mười hai” để từ đó một thế giới mới chính thức được khai sinh, thế giới của ân sủng và tình yêu, thế giới của yêu thương và hiệp nhất, thế giới hồng ân cứu độ.

Tất cả đó chính là công cuộc của Ngôi Ba Thiên Chúa, Vị Thiên Chúa mang nhiều tên gọi gần gũi với cuộc sống đời thường : Đấng Bảo Trợ, Thần Khí sự thật, Chim Câu dịu hiền, Dòng sông dạt dào sức sống, Hơi thở tác sinh, Ngọn lửa nồng nàn thanh tẩy và sưởi ấm.

Riêng trong Kinh ca Tiếp Liên được hát lên trước khi công bố Tin Mừng trong Thánh lễ hôm nay, Hội Thánh gọi tên Chúa Thánh Thần bằng 10 Danh Hiệu đặc biệt như :

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,

và tự trời toả ánh quang minh của Ngài ra!

Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến;

Ðấng ban ân huệ, Ðấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến!

Lạy Ðấng an ủi tuyệt vời,

là khách trọ hiền lương của tâm hồn,

là Ðấng uỷ lạo dịu dàng.

Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than,

là niềm an ủi trong lúc lệ rơi.

Ôi sự sáng chứa chan hồng phúc,…

Và cũng từ những tên gọi đó, chúng ta có thể dừng lại để chiêm ngưỡng dung mạo và sự hoạt động của Chúa Thánh Thần qua 3 chiều kích sau :

- Chúa Thánh Thánh Thần Đấng ban sự sống (qua biểu tượng Khí và Nước)

- Chúa Thánh Thần Thần Đấng thanh tẩy và đổi mới (qua biểu tượng Lửa).

- Chúa Thánh Thần Đấng quy tụ, hiệp nhất (qua biểu tượng muôn dân cùng đón nhận ngôn ngữ Tin Mừng).

1. Chúa Thánh Thần Đấng ban Sự sống (Khí, Nước)

Chúng ta biết và tin rằng : sự sống chính là kỳ công và tiêu đích của chương trình Sáng Tạo và cứu độ.

Trước hết, sự sống có liên quan đến chính Chúa Thánh Thần mà Kinh Thánh từng bước đã diễn tả qua sức tác động của một năng lực tự nhiên đó là Khí, Gió hay Hơi thở, mà khi tới đĩnh điểm mạc khải, Đức Ki-tô đã chính thức gọi tên là “Thần khí Sự Thật” (Ga 14.17 ; 16,13)

Thật vậy, ngay từ thở ban sơ khi mọi sự còn trong cảnh hổn mang, thì “Thần Khí Chúa đã bay là là trên mặt nước” và sự sống đã phát sinh từ độ ấy. Và còn hơn thế nữa, sự hiện hữu của con người đã khởi sự với bùn đất tầm thường, nhưng một khi nhận “Hơi thở thần linh” của Thiên Chúa đã trở nên “con người mang ảnh hình Thiên Chúa”, một Ađam bằng xương bằng thịt tuyệt vời (St 2,7). Sự tác động của Thần Khí để đem lại sự sống còn được ngôn sứ Ê-dê-ki-en mô tả cách sống động qua thị kiến “những bộ xương khô nhờ sức tác động của Thần Khí đã trở nên một đạo binh người sống đông đảo” (Ed 37,1-14). Nhưng có lẽ cụ thể nhất chính là việc Đức Kitô Phục sinh trao ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ vào Ngày Thứ Nhất trong tuần tại nhà tiệc lý qua hành vi thổi hơi : Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga 20,22)

Kinh Thánh còn diễn tả Chúa Thánh Thần chính là “Nguồn Nước ban sự sống”.

Ngay từ trong cựu ước, hình ảnh lụt Đại hồng thủy hé lộ sức mạnh thanh tẩy tội lỗi nhân loại và mang lại sự sống cho dòng tộc Noe là dấu chỉ tiên trưng về dòng nước thanh tẩy mà Đức Kitô sẽ thực hiện qua Bí Tích Rửa Tội để trao ban Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống mới.

Cũng chính ngôn sứ Ê-dê-ki-en, người đã nhận được thị kiến về “những bộ xương khô mặc lấy Thần Khí”, cũng đã thấy “Nước từ bên phải đền thờ chảy ra…nước ấy chảy tới đâu thì nó chữa lành ; sông nầy chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống…” (Ed 47,1-12)

Và rồi, đến thời viên mãn, kể từ phép rửa khai mạc sứ vụ cứu thế của Đức Ki-tô nơi dòng sông Giođan, kẻ nào “đến với Ngài và tin vào Ngài thì từ nơi họ sẽ tuôn chảy một nguồn nước sống”( Ga 7,37-38).

Thế nhưng, tất cả đó cũng mới chỉ là “dấu chỉ”. Nguồn sống đích thực chỉ được chính thức trao ban cho nhân loại kể từ khi có những dòng “máu và nước tuôn ra từ trái tim của Đấng Bị Đóng Đinh” (Ga 19,34). Nhờ dòng nước vượt qua nầy mà một dòng tộc mới, một dân mới được khai sinh cùng với dòng nước tái sinh của nhiệm tích thánh tẩy.

Phụng vụ lễ Chúa Thánh Thần hôm nay cũng đang trình bày với chúng ta gương mặt của một nhân loại mới đang hình thành qua cộng đoàn Giáo Hội hiệp nhất và sống động của nhóm Mười Hai và các ki-tô hữu đầu tiên, trong đó Chúa Thánh Thần - Thần Khí của Thiên Chúa chính là nguồn cội và là Đấng ban Sự sống. Thảo nào, Chúa Thánh Thần đã chọn chính dịp lễ Ngũ Tuần để ngự xuống trên Hội Thánh buổi ban đầu, dịp lễ của Mùa gặt mới, dịp lễ của tạ ơn vì những hoa trái đầu mùa hái về để dâng tặng Thượng Đế.

Mừng lễ Chúa Thánh Thần chính là dịp thuận tiện nhất để chúng ta sống và phát triển hồng ân của bí tích Thanh tẩy, để không ngừng chết đi cho tội lỗi và được tái sinh mỗi ngày trong ân sủng của Thánh Thần.

Mừng lễ Chúa Thánh Thần còn là dịp để chúng tiếp tục sinh những hoa quả phúc đức của bác ái đối với anh chị em xung quanh, hoa quả của cuộc sống công bình chính trực, của lương tâm ngay thẳng thật thà, của trái tim từ bi nhân hậu, của cõi lòng vị tha, quảng đại và hiệp nhất…

Trong một thế giới mà nền văn minh sự chết đang lên ngôi, nổi đau thương và thất vọng của con người tràn lan khắp chốn, tội lỗi và những hệ quả của nó đang nhấn chìm nhiều tâm hồn và cơ cấu xã hội…thì cần thiết biết bao lời chứng của đức tin Kitô vào Chúa Thánh Thần, vào sự hiện diện của Thần Khí ban sự sống, vào sự nâng đỡ chở che của Đấng Bảo Trợ, của “nguồn nước sống đang trào vọt” ; lời chứng của những kitô hữu đang “hướng theo Thánh Thần để tiến bước” , để kết trái đơm hoa công chính thánh thiện.

Phải chăng hình ảnh của ban hợp xướng giới trẻ Công Giáo Hà Nội trong chương trình Vietnam’s Got talent 2016 (Tìm kiếm tài năng Việt Nam), hay chính cậu bé thiếu nhi Công Giáo Trọng Nhân, người đoạt ngôi vị Quán Quân trong chương trình nầy chính là chứng nhân của “Đấng ban Sự Sống”.

Vâng, cùng với những con người bằng xương bằng thịt như thế, suốt 2000 năm nay, nối gót theo Nhóm 12 trong ngày lễ Ngũ Tuần, nối gót các kitô hữu đầu tiên mắt sáng niềm vui môi vang khúc hát tiến vào hý trường Coloseum để bị hành hình, thú dữ xé xác, nối gót những con người âm thầm nhưng vĩ đại sống vì và cho tình yêu như linh mục thánh Maximilien Kolbe, như Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu, như người giáo lý viên tân tòng 19 tuổi Anrê Phú Yên, như người nữ tu với giải Nobel hòa bình 1978 Mẹ Têrêsa Calcutta…Hội Thánh luôn mang cho thế giới “Ngọn gió mát của Thánh Thần, Hơi thở của Thần Linh hy vọng và tình yêu, Nguồn nước mát của chân lý tin yêu và phục vụ…”

2. Chúa Thánh Thần Đấng thanh tẩy và đổi mới (Lửa):

Nếu ngày nào Đức kitô đã tuyên bố rằng : “Thầy mang lửa xuống trần gian và thầy muốn lửa ấy cháy lên…”. Điều ấy phải chăng đã ứng nghiệm vào dịp lễ Ngũ Tuần cách đây 2000 năm, sau khi ngọn lửa Thánh Thần được ban xuống trên các Tông Đồ, thì tiếp đó mấy ngàn người hành hương bất ngờ được lãnh nhận Phép Rửa sau khi đón nghe bài tuyên chứng của Tông Đồ Phêrô. Một cuộc “đại Thanh Tẩy” nhiệm mầu để từ đó có bao nhiêu cuộc thanh tẩy khác đã được Thánh Thần tác động không ngừng nghỉ trong lịch sử loài người.

Cần thiết biết bao sự thanh tẩy của “lửa Thánh Thần” cho môi trường sống của xã hội hôm nay, một môi trường đang bị ô nhiễm nặng nề vì bao nhiêu thói hư tật xấu của con người. (Sự kiện cá chết tại bờ biển miền Trung VN là một bằng chứng rõ nét).

Và chính Giáo Hội lại là chứng nhân cho sự thanh tẩy nhiệm mầu đó, khi chính bản thân Giáo Hội cần phải được Ngọn Lửa Thánh Thần đốt cháy mọi bất hòa chia rẽ, mọi tiêu cực biếng lười, mọi giả hình thối nát.

Chúng ta đừng quên lời cảnh báo của chính Chúa Giêsu : “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng nếu muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại ? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (Mt 5,13).

3. Chúa Thánh Thần Đấng qui tụ, hiệp nhất

Ai cũng biết, nhân loại đã có một thời thất bại khi cùng nhau xây tháp Babel. Lý do đơn giản vì “ngôn ngữ bất đồng”.

Thảm cảnh của một nhân loại bị phân tách và chia rẽ của tháp Babel ngày xưa giờ đây được Chúa Thánh Thần qui tụ về một mối, nói và hiểu cùng một thứ ngôn ngữ, ngôn ngữ tình yêu của con cái Thiên Chúa. Nói cách khác, Chúa Thánh Thần là nguyên lý sự hợp nhất trong Giáo Hội, bởi vì mọi đặc sủng và ơn thánh đều bắt đầu từ một Thần Khí, một Chúa là Thiên Chúa duy nhất như lời khẳng định của Thánh Phaolô trong thư Cô-rin-tô :

“Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Thiên Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người...

“Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất”(1Cr 12,4-13)

Khẳng định trên đây của thánh Phaolô đặc biệt thời sự trong bối cảnh của cộng đoàn Kitô hữu Côrintô ngày xưa đang gặp sự chia rẽ và cũng rất thời sự đối với mọi cộng đoàn tín hữu chúng ta hôm nay.

Như vậy, mừng lễ Chúa Thánh Thần hôm nay, một lần nữa chúng ta van nài Đấng Ban Sự sống không ngừng “xuống” trên nhân loại đang có quá nhiều cảnh lầm than đang cần “chỗ nghỉ ngơi”, đang có quá nhiều nước mắt đang cần niềm an ủi, đang có quá nhiều địa chỉ lạnh lùng cần sưởi nóng và đang có quá nhiều tâm hồn tăm tối cần “sự sáng chứa chan hồng phúc” .

Và ước gì ngọn lửa của Thần Khí sẽ thiêu rụi những yếu hèn, sợ hải, hồ nghi, chia rẽ và thất vọng để mọi người chúng ta mở tung mọi cánh cửa, can đảm dấn thân đến mọi vùng ngoại biên để loan báo Tin Mừng.

Chút nữa đây, chúng ta tin rằng, sau lời nguyện cùng Chúa Thánh Thần của chủ tế khi đặt tay trên bánh và rượu cùng với những lời hiến thánh tiếp sau đó, Bánh và Rượu đã trở nên Mình Máu Chúa Kitô. Vâng, chính Thánh Thần sẽ làm cho Chúa Kitô hiện diện mãi mãi giữa chúng ta để nuôi sống chúng ta trên đường trần gian.

Một điều chắc chắn đó là : nếu chúng ta trung thành cầu nguyện với Ngài, để Ngài tác động trên chính cuộc đời mình, Ngài sẽ làm cho chúng ta được sống và sống phong phú hầu trở nên những tông đồ đích thực. Bởi vì, không có một ai có khả năng rao giảng và làm chứng nếu không được “Thần Khí Chúa ngự xuống” (Lc 4,18-19)

LM. Trương Đình Hiền