Đức Giáo Hoàng nói trong Phúc Âm chúng ta thấy đầy rẫy các trường hợp những người Pharisêu và các thầy thông luật cố gắng để gài bẫy Chúa Giêsu bằng cách tìm kiếm những sơ hở của Ngài, hòng làm suy yếu huấn quyền của Ngài cũng như và sự mến chuộng của dân chúng dành cho Ngài. Một trong những nỗ lực đó được nêu trong bài Phúc Âm hôm nay, trong đó những người Pharisêu thử thách Ngài bằng cách hỏi xem liệu một người đàn ông có được rẩy bỏ vợ mình hay không.
Yêu mến sự thật, chứ đừng mưu tìm những quỉ kế
Đức Thánh Cha Phanxicô nói về “cái bẫy” của những “người nhiều quỉ kế”, được bày ra bởi “một nhóm nhỏ các nhà thần học uyên bác,” tự tin rằng rằng họ “có tất cả các kiến thức và trí tuệ của dân Chúa.” Đó là một cái bẫy mà Chúa Giêsu thoát ra dễ dàng bằng cách “vượt lên trên”, “hướng đến sự viên mãn của hôn nhân.” Đức Thánh Cha nhắc cho cộng đoàn nhớ rằng Chúa đã làm như vậy với những người thuộc bè Sađốc, khi họ hỏi Ngài về trường hợp người phụ nữ đã có bảy người chồng. Chúa Giêsu khẳng định rằng khi được sống lại, người đàn bà ấy sẽ không phải là vợ của bất kỳ người nào, bởi vì “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.” (Lc 20:34)
Trong trường hợp đó, Đức Giáo Hoàng nói, Chúa Kitô hướng tới sự “viên mãn cánh chung” của hôn nhân. Mặt khác, với những người Pharisêu, Ngài nhắc đến “sự viên mãn của sự hài hòa trong sáng tạo.” “Chúa tạo ra con người có nam có nữ”, và “hai người trở thành một xương một thịt.”
“Họ không còn là hai, nhưng một thịt”, và vì thế, “con người không được phân ly những gì Thiên Chúa đã kết hợp. Cả trong trường hợp của cuộc hôn nhân theo luật Lêvi và trong trường hợp này, Chúa Giêsu trả lời với một sự thật áp đảo, với một sự thật thẳng thừng: Đây là sự thật! Luôn luôn từ sự viên mãn. Và Chúa Giêsu không bao giờ thương lượng sự thật. Trong khi những người này, nhóm nhỏ này của các nhà thần học uyên bác, luôn luôn đàm phán với sự thật, giản lược sự thật thành những quỉ kế. Chúa Giêsu không bao giờ giản lược sự thật. Và điều này là sự thật về hôn nhân, không thể khác được.
Chân lý và sự cảm thông
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng “Nhưng Chúa Giêsu, do thương xót, Ngài thật cao cả nên không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ đóng sầm cánh cửa lại trước những người tội lỗi.” Và vì thế Ngài không tự giới hạn chính mình trong việc rao giảng chân lý của Thiên Chúa, nhưng Ngài đi xa hơn khi hỏi những người Pharisêu xem ông Môisê đã thiết định những gì trong Luật. Và khi những người Pharisêu trả lời rằng ông Môisê cho phép một người chồng viết đơn ly dị, Chúa Giêsu trả lời rằng điều này đã được cho phép “vì sự cứng lòng của các ngươi.” Như thế, Đức Thánh Cha giải thích, Chúa Giêsu luôn luôn phân biệt giữa sự thật và “sự yếu đuối của con người” mà không “bẻ cong chữ nghĩa”
Trong thế giới chúng ta đang sống, với nền văn hóa tạm bợ, thực tế của tội lỗi là quá mạnh. Nhưng Chúa Giêsu, khi nhắc nhớ đến ông Môisê, đã nói với chúng ta rằng: “Có sự chai cứng con tim, có tội lỗi, nhưng cũng có một điều gì đó có thể được thực hiện, đó là sự tha thứ, sự hiểu biết, tháp tùng, hội nhập, phân định các trường hợp. .. Nhưng luôn luôn. .. sự thật không thể bị bán rẻ. Và Chúa Giêsu khả năng khẳng định sự thật rất tuyệt vời này, đồng thời cảm thông với người tội lỗi, với kẻ yếu đuối.
Tha thứ không phải là một phương trình
Và như vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh, đây là “hai điều mà Chúa Giêsu dạy chúng ta: sự thật và sự cảm thông.” Đây là những gì các “nhà thần học uyên bác” thất bại, bởi vì họ bị đóng kín trong cái bẫy của “một phương trình toán học” khi tìm kiếm xem “điều này có được phép làm hay không? Hay nó không được phép? “và như vậy họ “không có chân trời rộng lớn, cũng chẳng có tình yêu” trước sự yếu đuối của con người.
Đức Thánh Cha kết luận rằng chỉ cần nhìn “sự tinh tế” trong cách thức Chúa Giêsu đối xử với người phụ nữ ngoại tình, là người sắp bị ném đá là đủ: “Không, tôi không lên án chị. Hãy đi, và đừng phạm tội nữa”
Xin Chúa Giêsu dạy chúng ta phải có một tâm hồn gắn bó với sự thật, nhưng đồng thời là một tâm hồn hiểu biết và cảm thông với tất cả những anh chị em chúng ta đang gặp khó khăn. Và đây là một ân sủng, đây là những gì Chúa Thánh Thần dạy chúng ta, chứ không phải những thầy thông luật uyên bác này, là những kẻ dạy chúng ta cần phải giản lược sự viên mãn của Thiên Chúa thành một phương trình nan giải.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng này.