Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Úc về tổng tuyển cử: Một lá phiếu cho người không có tiếng nói

Cuộc tổng tuyển cử tại Úc để bầu một quốc hội mới và do đó, một chính phủ mới, đã khởi đầu gần ba tuần qua. Nhiều người tỏ ra thờ ơ với cuộc bầu cử mà họ cho là nhạt nhẽo này, dù Úc đang trải qua nhiều biến động chính trị. Phải chăng một phần do hình ảnh thiếu lôi cuốn của cả hai lãnh tụ Tự Do và Lao Động. Tự Do có vẻ đang thắng thế nhờ vấn đề an toàn biên giới, một vấn đề đang phân hóa Lao Động. Nhưng kết quả thăm dò cho thấy sự thắng thế này khá mỏng manh. Tuy nhiên, dù Đảng nào thắng lần này, thì chiều hướng văn hóa vứt bỏ vẫn hằng ngày lấn đất giành dân, khiến hàng giám mục Úc lo âu qua thư chung “Một Lá Phiếu Cho Người Không Có Tiếng Nói” gửi dân Chúa toàn quốc gần đây.

Trong thư chung, các Giám Mục Úc nhận xét rằng:

“Trong chiến dịch tranh cử lâu dài, người ta sẽ nói nhiều tới kinh tế và nhu cầu phải quản trị tốt nền kinh tế ở thời buổi khá bất trắc này. Cả hai phía của chính trị đều sẽ nói lên thành tích kinh tế của mình để chiếm được quyền lực.

Dĩ nhiên, kinh tế là điều quan trọng và quả nó cần một nền quản trị có cơ sở. Nhưng, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nhấn mạnh, kinh tế cũng có nguy cơ trở thành một thứ ngẫu thần mà ngay cả những con người nhân bản cũng phải bị dâng lên làm hy lễ.

Viễn ảnh trên dẫn tới điều Đức Giáo Hoàng gọi là nền văn hóa vứt bỏ, một nền văn hóa tiêu thụ quá trớn, trong đó, mọi sự đều bị vứt bỏ, phí phạm, ngay cả những con người nhân bản. Tiếng nói của những con người bị vứt bỏ sẽ không được nghe thấy trong chiến dịch lâu dài và ầm ĩ này. Gương mặt của họ sẽ không ai nhìn thấy trong các tờ quảng cáo. Ấy thế nhưng, nếu tiếng nói của họ không được nghe thấy và nếu gương mặt của họ không ai nhìn thấy, ta sẽ không có một xã hội thực sự nhân bản trong đó, việc quản trị kinh tế phục vụ các con người nhân bản chứ không ngược lại.

Đó là lý do các giám mục chúng tôi muốn nói đôi lời như là một phần trong chiến dịch này, không phải để thúc đẩy một đường lối ý thức hệ hay đơn giản chỉ để bênh vực quyền lợi của Giáo Hội mà là để đem lại tiếng nói cho người không có tiếng nói và làm cho gương mặt của họ được người ta nhìn thấy, dù chỉ vắn vỏi trong một lời tuyên bố như lời tuyên bố này.”

Trong số những người bị vứt bỏ trong nền văn hóa vứt bỏ này, các Đức Giám Mục liệt kê:

Người tỵ nạn và tầm trú, người thổ dân, các nạn nhân bị lạm dụng tình dục, các nạn nhân của bạo hành gia đình, những thai nhi, những người cao niên, những người bị bệnh tâm thần, những người nghiện ngập, những người sa vào mạng lưới nô dịch mới, tức các nạn nhân của nô lệ tình dục hay sở làm, những người bần cùng ở nước ngoài, tức những người đang hướng về nước Úc giầu có mong nhận được sự giúp đỡ họ rất cần, thường chỉ để sống sót, nhưng thấy đất nước ta càng ngày càng kém quảng đại.

Các Giám Mục Úc hy vọng rằng “ít nhất đối với các Kitô hữu chúng ta, và nhất là các chính trị gia Kitô Giáo, chiến dịch bầu cử lần này sẽ không là thời gian để nói loanh quanh và khoa trương mà là thời gian để nói khôn ngoan và chân thực xuất phát từ một lắng nghe sâu sắc và khiêm nhường. Chỉ lúc đó, lá phiếu của chúng ta mới là một lá phiếu có lợi cho một cộng đồng, trong đó, không ai bị vứt bỏ, mọi tiếng nói đều được nghe thấy và mọi khuôn mặt đều được nhìn thấy.”

2. Tân Tổng Giám mục La Havana kêu gọi đối thoại hiệu quả hơn giữa Giáo Hội và nhà nước.

Trong Thánh lễ ngày Chúa Nhật 22/5, trước sự hiện diện của Phó Tổng Thống Salvador Valdes Mesa và ông Caridad Diego, Bộ trưởng Bộ Tôn giáo vụ của Đảng Cộng sản Cuba, Đức Cha Juan de la Caridad Garcia Rodriguez, Tân Tổng Giám mục của Havana, đã đưa ra lời kêu gọi để tiếp tục cuộc đối thoại giữa Giáo Hội Công Giáo và chính quyền Cu ba. Ngài nói: “Sự hiện diện của quí vị ở đây mời gọi và khuyến khích chúng tôi tiếp tục cuộc đối thoại, một cuộc đối thoại có thể hiệu quả hơn, thực tế hơn, để Giáo Hội có thể tìm ra những không gian khác cho sứ vụ loan báo Tin mừng, phụng vụ, sứ vụ giáo dục và bác ái cho người nghèo”.

Giây phút Đức Hồng Y, Jaime Ortega, Cựu Tổng Giám mục Havana đón Đức Tân Tổng Giám mục tại cửa vào nhà thờ và trao cho Đức Tổng Giám mục kế vị ngài cây gậy mục tử làm cho nhiều người hiện diện xúc động. Nhà thờ chánh tòa đầy kín người, nhiều giáo dân phải tham dự lễ bên ngoài và theo dõi trên các màn hình khổng lồ.

Đức Cha Garcia Rodriguez sinh tại Camagüey ngày 11/7/1948, được thụ phong Linh mục ngày 25/1/1972 và phục vụ trong vài giáo xứ. Cha đã thành lập và là giám đốc của trường truyền giáo của Giáo phận Camagüey. Ngày 15/3/1997, Cha được bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá Giáo phận Camagüey và ngày 10/6/2002, được chọn làm Tổng Giám mục Giáo phận Camagüey.

3. Đức Thánh Cha tiếp Đại Iman của Đại Học Hồi giáo Al-Azhar

Hôm 23 tháng 5, lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến Đại Imam Viện trưởng đại học Hồi giáo Al-Azhar của Ai cập, Giáo Sư Ahmed el-Tayeb.

Giáo Sư năm nay 70 tuổi, đã từng học về tư tưởng Hồi giáo ở Đại học Sorbonne, Paris. Đại học Al-Azhar ở thủ đô Cairo được coi là thẩm quyền cao nhất của Hồi giáo Sunnit.

Hồi năm 2011, Đại học Al-Azhar đã đoạn giao với Tòa Thánh, vì Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 kêu gọi chính phủ Ai Cập bảo vệ các tín hữu Kitô thiểu số tại nước này sau vụ một nhà thờ của Giáo Hội Chính Thống Copte ở thành phố Alesssandria. Các thủ lãnh Hồi giáo coi lời kêu gọi ấy là xen mình vào nội bộ của Ai cập.

Từ khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô lên cai quản Giáo Hội, Tòa Thánh tìm cách mở lại quan hệ với Đại học Al-Azhar, qua việc gửi sứ giả, hoặc sứ điệp, hay qua những cuộc tiếp xúc giữa các nhân vật của hai bên.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết cùng đi với Đại Imam của đại học Al-Azhar có một phái đoàn gồm 7 người, trong đó có Đại sứ Ai Cập cạnh Tòa Thánh, Ông Hatem Seif Elnasr.

Đại Iman đã được Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn và Đức Cha Tổng thư ký của Hội đồng này tiếp đón và tháp tùng đến gặp Đức Thánh Cha.

Trong cuộc nói chuyện thân mật dài 30 phút, Đức Thánh Cha và Đại Iman đã đề cao ý nghĩa lớn lao của cuộc gặp gỡ này trong khuôn khổ cuộc đối thoại giữa Công Giáo và Hồi giáo. Rồi hai vị cũng đề cập đến đề tài sự dấn thân chung của các vị hữu trách và tín hữu thuộc các tôn giáo lớn cho hòa bình thế giới, từ khước bạo lực và khủng bố, tình trạng các tín hữu Kitô tron gbối cảnh các cuộc xung đột và căng thẳng tại Trung Đông, cũng như việc bảo vệ các tín hữu ấy.

Đức Thánh Cha đã tặng Đại Iman mề đai cành Ôliu hòa bình và một bản Thông điệp Laudato sí của ngài.

Sau cuộc hội kiến với Đức Thánh Cha, trước khi rời dinh tông tòa, trong một phòng khách thuộc căn hộ tiếp kiến, Đại Iman cùng với phái đoàn, đã hội kiến với Đức Hồng Y Tauran, có Đức Cha Tổng thư ký Ayuso Guixot tháp tùng.

4. Các Giám Mục địa phương phải hỏi ý kiến Tòa Thánh trước khi lập dòng

Đức Thánh Cha Phanxicô qui định từ nay, Giám Mục giáo phận buộc phải xin ý kiến của Tòa Thánh trước khi lập dòng giáo phận, nếu không sắc lệnh thành lập sẽ vô hiệu.

Theo khoản giáo luật số 579 hiện hành, Giám Mục giáo phận có thể lập dòng trong lãnh thổ của mình, miễn là tham khảo ý kiến Tòa Thánh trước đó. Trong thực tế có nhiều Giám Mục không hỏi ý kiến Tòa Thánh và vẫn lập dòng thành sự. Nay Đức Thánh Cha xác định rõ hơn tính chất bó buộc của khoản luật này.

Phúc chiếu công bố hôm 20-5-2016, với chữ ký của Đức Hồng Y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, khẳng định rằng:

“Bộ các Hội dòng đời sống thánh hiến và các tu đoàn tông đồ, ý thức rằng mỗi dòng tu mới, dù được khai sinh và phát triển trong một Giáo Hội địa phương, đều là một hồng ân cho toàn thể Giáo Hội, nhưng Bộ thấy cần phải tránh thành lập các dòng mới ở cấp giáo phận mà không có sự phân định đầy đủ, xác định tính chất đặc sắc của đoàn sủng, ấn định những nét đặc thù có đặc tính thánh hiến trong các dòng tu ấy qua việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm và ấn định các khả thể phát triển thực sự, Bộ thấy nên xác định rõ hơn sự cần thiết phải xin ý kiến của Bộ, theo giáo luật số 579, trước khi tiến hành việc thiết lập một hội dòng giáo phận mới. Vì thế, theo ý kiến của Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật, Đức Thánh Cha Phanxicô, trong buổi tiếp kiến ngày 4-4-2016 dành cho Quốc vụ khanh Tòa Thánh ký tên dưới đây, qui định rằng việc hỏi ý kiến Tòa Thánh phải hiểu là cần thiết để thành lập hữu hiệu (ad validitatem) một dòng tu giáo phận, nếu không thì sắc lệnh thành lập dòng ấy sẽ vô hiệu lực.

Phúc chiếu này sẽ được công bố qua việc đăng trên báo Osservatore Romano, Quan sát viên Roma, và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-6-2016, rồi được đăng trên Công báo của Tòa Thánh (Acta Apostolicae Sedis).

Vatican ngày 11 tháng 5 năm 2016.

Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh.

5. Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein: Đức Bênêđíctô thứ 16 coi việc thoái vị như là sự mở rộng sứ vụ Thánh Phêrô

Phát biểu tại buổi giới thiệu một cuốn sách mới về Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tại Đại học Giáo hoàng Grêgôriô tại Rôma hôm thứ Sáu 20 tháng 5, Đức Tổng Giám mục Gänswein nhận xét rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 không phải là hai giáo hoàng “trong một cuộc cạnh tranh” với nhau, nhưng đại diện cho một sự “mở rộng” của sứ vụ Thánh Phêrô với “một một vị đương nhiệm” và “một vị chiêm niệm.”

Theo Đức Tổng Giám Mục Gänswein, người vừa là thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng Danh dự, vừa là chủ tịch Phủ Giáo Hoàng của Đức Phanxicô, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã không từ bỏ sứ vụ Giáo Hoàng như Đức Giáo Hoàng Celestine V vào thế kỷ 13 nhưng tìm cách tiếp tục sứ vụ Thánh Phêrô của mình một cách thích hợp hơn với thể trạng yếu đuối của ngài.

“Vì vậy, từ ngày 11 tháng 2 năm 2013, sứ vụ Giáo Hoàng không giống như trước đây. Đó là và vẫn là nền tảng của Giáo Hội Công Giáo; nhưng đó là một nền tảng mà Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã biến đổi sâu sắc và lâu dài bởi triều đại giáo hoàng ngoại thường của ngài.”

Phản ánh về thời gian Đức Bênêđíctô thứ 16 cai quản Giáo Hội, Đức Tổng Giám mục Gänswein nói rằng ngài là một “homo historicus” – nhà sử học - cổ điển, một người Tây phương tiêu biểu xuất sắc cho sự phong phú của truyền thống Công Giáo, nhưng đồng thời “ngài rất táo bạo để mở ra cánh cửa cho một giai đoạn mới, cho một bước ngoặt lịch sử mà năm năm trước không ai có thể tưởng tượng nổi.”

Bình luận về cuốn sách được viết bởi Roberto Regoli có tựa đề: “Oltre la crisi della Chiesa. Il pontificato di Benedetto XVI” nghĩa là “Vượt lên những khủng hoảng của Giáo Hội, Triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI”, Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã ca ngợi cuốn sách là “xuất sắc và khai sáng” cũng như “có tài liệu phong phú và đầy đủ”

Đức Tổng Giám mục Gänswein cũng khẳng định lại một lần nữa là vụ “Vatileaks” hoặc các vấn đề khác “có rất ít hoặc không có liên hệ gì” với quyết định thoái vị của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 vào ngày 11 tháng Hai năm 2013.

Trong phần mô tả về Mật Nghị Bầu Giáo Hoàng năm 2005, Roberto Regoli cho biết lúc Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được Chúa gọi về, Giáo Hội có 183 Hồng Y, trong đó có 117 Hồng Y cử tri. Tuy nhiên, do Đức Hồng Y Jaime Sin của Phi Luật Tân và Đức Hồng Y Adolfo Suárez Rivera của Monterrey đau ốm không đến được chỉ có 115 vị Hồng Y tham gia bầu Giáo Hoàng.

Theo Roberto Regoli, cuộc bầu cử Giáo Hoàng đã diễn ra “gay go” vì có một nhóm các Hồng Y ủng hộ Đức Hồng Y Joseph Ratzinger gọi là nhóm “Muối Đất” (đặt theo tựa cuốn sách phỏng vấn Đức Hồng Y Joseph Ratzinger) bao gồm Đức Hồng Y Lopez Trujillo, Ruini, Herranz, Ruoco Varela và Medina; trong khi có một nhóm khác không ủng hộ ngài là nhóm “Thánh Gallen” bao gồm Đức Hồng Y Danneels, Martini, Silvestrini, Murphy O'Connor, Walter Kasper và Lehmann.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein xác nhận những nhận xét của Roberto Regoli và nói thêm là bài thuyết trình của Đức Hồng Y Ratzinger, trong tư cách niên trưởng Hồng Y Đoàn, với tựa đề “Chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối” đã có yếu tố quyết định.

Trong ngày đầu tiên là ngày 18 tháng Tư, 2005, có một vòng bỏ phiếu và Đức Hồng Y Joseph Ratzinger được 47 phiếu (40.87%); vị thứ hai là Đức Hồng Y Jorge Bergoglio (là Đức Đương Kim Giáo Hoàng) được 10 phiếu (8.7%).

Cuộc bầu cử kết thúc vào ngày thứ hai là ngày 19 tháng Tư, 2005 sau 4 vòng bỏ phiếu. Đức Hồng Y Joseph Ratzinger được 84 phiếu (73.04%); vị thứ hai là Đức Hồng Y Jorge Bergoglio được 26 phiếu (22.61%).

6. Đức Hồng Y Kurt Koch nói: Kitô hữu phải tìm cách cải đạo người Hồi Giáo

Kitô hữu được mời gọi để tìm cách cải đạo tất cả những người Hồi giáo, Đức Hồng Y chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đại Kết Kitô Giáo đã nói như trên với một cử tọa tại Đại học Cambridge.

Theo Đức Hồng Y Kurt Koch lệnh truyền của Chúa Kitô phải được áp dụng cả cho các thành phần vũ trang Hồi Giáo.

Phát biểu tại một cuộc họp liên tôn, Đức Hồng Y Koch nói nhiệm vụ truyền giáo được áp dụng cho tất cả các Kitô hữu, trong mối quan hệ của họ với tất cả các tôn giáo khác, ngoại trừ Do Thái giáo.

Đức Hồng Y thừa nhận rằng các Kitô hữu chia sẻ với người Do Thái và người Hồi giáo cùng một sự tôn kính đối với các truyền thống đức tin được truyền lại từ tổ phụ Abraham. Nhưng ngài nói rằng “chúng ta không thể phủ nhận rằng quan điểm về tổ phụ Abraham trong truyền thống Do Thái và Kitô giáo là khác biệt so với truyền thống Hồi giáo.”

Trong khi các Kitô hữu nhìn nhận giao ước của Thiên Chúa được thực hiện với người Do Thái, chúng ta không thể nói như thế với đức tin Hồi giáo, vị Hồng Y nhấn mạnh. Như vậy “chúng ta có với các tín hữu Do Thái một mối quan hệ đặc biệt mà chúng ta không có với người Hồi giáo.”

7. Ðức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 22 tháng 05, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi các tín hữu hãy cầu nguyện cho Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc trong ngày lễ kính Ðức Trinh nữ Maria với tước hiệu “Ðức Bà phù hộ các giáo hữu”, vào ngày thứ Ba 24-05-2016 sắp tới. Ngày 24 tháng 5 hàng năm đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cjọn là ngày thế giới cầu nguyện cho Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, Ðền thánh Xà Sơn ở Thượng Hải là nơi đặc biệt tôn kính “Ðức Bà phù hộ các giáo hữu”. Vào dịp này, Ðức Thánh Cha cầu xin Ðức Mẹ ban cho “các con cái của Mẹ tại Trung Quốc luôn biết nhận ra dấu chỉ sự hiện diện yêu thương của Chúa, Ðấng hằng đón nhận và thứ tha”.

Ðức Thánh Cha cũng bày tỏ ước mong rằng trong Năm thánh Lòng thương xót này, người Công Giáo Trung Quốc và cả những ai “theo các truyền thống tôn giáo cao quý khác” sẽ “trở nên những dấu chỉ cụ thể của tình bác ái và hòa giải”. Như thế, họ mới có thể cổ vũ “cho một nền văn hóa đích thực của sự gặp gỡ và hài hòa trong mọi xã hội”.

Ðức Thánh Cha cũng nhắc đến Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về lòng nhân đạo bắt đầu nhóm họp vào ngày thứ Hai 23-05 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Hội nghị nhằm tìm ra các biện pháp giải quyết “các tình trạng bi đát của con người gây nên bởi các cuộc xung đột, các vấn đề về môi trường và sự cùng khổ”. Ðức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho các tham dự viên Hội nghị dấn thân hết mình trong việc “thể hiện mục tiêu nhân đạo chính yếu: cứu vớt cuộc sống của mỗi con người không loại trừ một ai nhất là những kẻ vô tội và những kẻ không có khả năng tự vệ”.

Sau kinh Truyền Tin, Ðức Thánh Cha đã nói về lễ tôn phong Chân phước cho cha Francesco Maria Greco, một linh mục người Italia, sáng lập Dòng “Những người thợ nhỏ bé của Thánh tâm Chúa Giêsu”, đã được cử hành hôm thứ Bảy 21-05 tại Tổng giáo phận Cosenza, Italia. Ðức Thánh Cha nhấn mạnh: Vào buổi giao thời giữa hai thế kỷ XIX và XX, “Ngài đã là người cổ vũ cho đời sống tôn giáo và xã hội nơi ngài sinh sống”.