Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Nhân dịp Năm Thánh Thương Xót dành cho các linh mục và chủng sinh, kéo dài 3 ngày từ ngày 1 tới ngày 3 tháng Sáu, với chủ đề “Người Chăn Chiên Nhân Lành: Linh Mục trong tư các Thừa Tác Viên của Thương Xót và Cảm Thương, Gần Gũi Dân Mình và Tôi Tớ Mọi Người”, Đức Thánh Cha đã đích thân lần lượt giảng cho các linh mục và chủng sinh ba bài giảng trong cùng ngày 2 tháng Sáu. Bài đầu tiên tại Vương Cung Thánh Đường Gioan Latêranô vào buổi sáng, bài thứ hai tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả vào buổi trưa, và bài thứ ba tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành vào lúc 4 giờ chiều.

Trong chương trình này, chúng tôi xin giới thiệu bài thứ hai tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả

Mở đầu bài chia sẻ, Đức Thánh Cha nói:

Bài suy niệm thứ hai: Bình chứa lòng thương xót

Sau khi suy niệm về “phẩm giá ngượng ngùng” và “sự ngượng ngùng có phẩm giá” vốn là hoa trái của thương xót, ta hãy tiếp tục bằng cách nói đến “bình chứa lòng thương xót”. Đây không phải là một điều phức tạp. Để tôi nói một cách đơn giản rằng bình chứa lòng thương xót là tội lỗi của chúng ta. Tội lỗi của chúng ta thường giống như một cái sàng, hoặc một cái thùng bị rò rỉ, từ đó ơn thánh mau chóng bị cạn khô. "Vì dân Ta đã phạm hai điều gian ác: họ đã lìa bỏ Ta, vốn là nguồn nước hằng sống, và đã đào bể chứa cho mình, bể nứt không thể giữ được nước" (Grm 2,13). Đó là lý do tại sao Chúa đã dạy Thánh Phêrô sự cần thiết phải "tha thứ bảy mươi lần bảy". Thiên Chúa tiếp tục tha thứ, mặc dù Người thấy ân sủng của Người khó bén rễ trong mảnh đất khô cằn và sỏi đá của tâm hồn chúng ta. Nói tóm lại, Thiên Chúa không phải là Pêlagiô: đây là lý do tại sao Người không mệt mỏi tha thứ. Người vẫn không bao giờ ngưng việc gieo trồng lòng thương xót và sự tha thứ của Người.

Những trái tim được tái tạo

Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn lòng thương xót này của Thiên Chúa, một lòng thương xót luôn "lớn" hơn ý thức của chúng ta về tội lỗi của mình. Chúa không bao giờ mỏi mệt tha thứ cho chúng ta; thực vậy, Người canh tân các chiếc bình da trong đó chúng ta tiếp nhận sự tha thứ đó. Người sử dụng bình da mới cho rượu nho mới của lòng thương xót của Người, không phải thứ bình vá víu hay cũ mèm. Bình da đó chính là lòng thương xót: lòng thương xót của riêng Người, mà chúng ta cảm nghiệm rồi sau đó biểu lộ ra ngoài qua việc giúp đỡ những người khác. Một trái tim đã biết thương xót thì không cũ mèm và vá víu, nhưng mới và được tái tạo. Đó là trái tim mà Đavít đã cầu xin cho có được: "Ôi lạy Chúa, xin Chúa tạo cho con một trái tim tinh khiết, hãy đặt trong con một tinh thần kiên định" (Tv 51:12).

Trái tim đó, được tái tạo, là một chiếc bình tốt; nó không còn méo mó và rò rỉ nữa. Phụng vụ vang dội niềm xác tín chân thành của Giáo Hội trong lời cầu nguyện đẹp đẽ tiếp sau bài đọc thứ nhất của Đêm Vọng Phục Sinh: "Lạy Thiên Chúa, Đấng tạo dựng vũ trụ cách kỳ diệu, sau đó còn tái tạo nó cách kỳ diệu hơn nữa trong ơn cứu chuộc". Trong lời cầu nguyện này, chúng ta khẳng định rằng việc sáng tạo thứ hai thậm chí còn kỳ diệu hơn việc sáng tạo thứ nhất. Trái tim chúng ta là một trái tim biết ý thức mình được tái tạo nhờ việc liên kết giữa sự nghèo nàn của nó và sự tha thứ của Thiên Chúa; nó là một "trái tim được ban phát lòng xót thương và biểu lộ lòng thương xót ấy ra". Nó cảm nhận dầu ân sủng đổ xuống trên các vết thương và tội lỗi của nó; nó cảm thấy lòng thương xót xoa dịu mặc cảm tội lỗi của nó, tưới gội sự khô cằn của nó bằng tình yêu và thắp sáng hy vọng. Khi, với cùng một ân sủng này, nó biết tha thứ cho các người có tội khác và đối xử với họ một cách cảm thương, thì lòng thương xót này sẽ bén rễ trong đất tốt, nơi nước không thoát đi nhưng chẩy vào và đem lại sự sống.

Những người thực hành tốt nhất của lòng thương xót biết sửa sai các lầm lẫn này chính là những người biết rằng bản thân họ đã được tha thứ cùng một sai lầm như thế. Hãy nhìn chính bạn; hãy nhớ tới chính tiểu sử của bạn; và bạn sẽ tìm được ở đấy thật nhiều thương xót. Chúng ta thấy điều này nơi các huấn đạo viên về nghiện ngập: những người đã vượt qua được cơn nghiện của họ thường là những người có khả năng hiểu, giúp đỡ và đòi hỏi người khác hơn hết. Cũng vậy, các cha giải tội tốt nhất thường cũng là các hối nhân tốt nhất. Ta có thể nghĩ tới việc chính chúng ta, chúng ta là loại hối nhân nào. Hầu như tất cả các vị thánh lớn đều là những người có tội lớn hay như Thánh Therese nói, các ngài biết rằng chỉ nhờ ân sủng nên các ngài mới không phạm tội.

Như thế, bình chứa lòng thương xót thực sự chính là lòng thương xót mà mỗi người chúng ta đã nhận được và đã tạo nên trong chúng ta một trái tim mới. Đây là "bình đựng rượu mới" mà Chúa Giêsu đã nhắc đến (x Lk5: 37), "vết thương đã được chữa lành".

Ở đây, chúng ta đi sâu hơn vào mầu nhiệm của Chúa Con, tức Chúa Giêsu, Đấng vốn là lòng thương xót nhập thể của Chúa Cha. Ở đây chúng ta cũng có thể tìm được hình tượng dứt khoát của bình chứa thương xót trong các vết thương của Chúa Phục Sinh. Những vết thương này nhắc nhở chúng ta rằng các dấu vết tội lỗi của chúng ta, tuy Thiên Chúa tha thứ, nhưng không bao giờ hoàn toàn chữa lành hoặc biến mất; chúng vẫn còn đó như những vết sẹo. Thánh Bernard có hai bài giảng rất tinh tế về các vết thương của Chúa. Ở đó, trong các vết thương đó, ta thấy lòng thương xót. Thánh Bernard hỏi một cách sâu sắc: “Bạn cảm thấy lạc đường phải không? Bạn bối rối phải không? Bạn hãy bước vào các vết thương của Chúa và ở đấy, bạn sẽ tìm thấy lòng thương xót”.

Các vết sẹo, như chúng ta biết, rất nhậy cảm; chúng không làm ta đau, nhưng chúng nhắc chúng ta nhớ các vết thương cũ của mình. Lòng thương xót của Thiên Chúa ở trong các vết sẹo này, các vết sẹo của chúng ta. Chúa vẫn mang các vết thương của Người; Người muốn mang các vết sẹo này, và cả các vết thương của ta nữa. Khi ta đi gặp bác sĩ và bác sĩ thấy vết sẹo, ông sẽ hỏi ta làm sao có vết sẹo này, lý do tại sao ta có cuộc giải phẫu này hay cuộc giải phẫu nọ. Ta hãy nhìn các vết sẹo trong linh hồn ta và thưa với Chúa: “Chúa thực hiện cuộc giải phẫu này với lòng thương xót của Chúa, đây là vết thương Chúa đã chữa lành…”.

Trong những vết sẹo của Chúa Kitô phục sinh, những dấu tích của những vết thương ở tay và chân của Người và cả trong trái tim bị đâm thâu của Người, chúng ta tìm thấy ý nghĩa thực sự của tội lỗi và ân sủng. Khi chiêm ngắm trái tim bị thương của Chúa, chúng ta thấy mình phản ảnh trong Người. Trái tim Người, và trái tim chúng ta, tương tự nhau: cả hai đều bị thương và đã trỗi dậy. Nhưng chúng ta biết rằng trái tim Người là tình yêu tinh khiết và bị thương vì nó muốn bị như thế; trái tim của chúng ta, mặt khác, là vết thương không hơn không kém, được chữa lành vì nó để mình được yêu thương.

Các thánh của chúng ta tiếp nhận lòng thương xót

Chúng ta có thể có lợi nhờ việc chiêm ngắm những người khác biết để trái tim họ được tái tạo bởi lòng thương xót và nhờ nhìn thấy "bình chứa" trong đó họ nhận được lòng thương xót ấy. Thánh Phaolô nhận được lòng thương xót trong chiếc bình phán đoán khắc nghiệt và cứng ngắc của ngài, vốn do Lề Luật tạo khuôn. Lối phán đoán khắc nghiệt của ngài khiến ngài trở thành kẻ bách hại. Lòng thương xót đã thay đổi ngài đến nỗi ngài đã lên đường tìm kiếm những người ở xa xôi nhất, thuộc thế giới ngoại giáo, và, đồng thời, biểu lộ một sự hiểu biết và một lòng thương xót lớn lao đối với những người giống như ngài trước đây. Thánh Phaolô đã sẵn sàng trở thành một kẻ bị ruồng bỏ, miễn là ngài có thể cứu được dân của ngài. Cách tiếp cận của ngài có thể được tóm tắt như sau: ngài không phán đoán cả chính mình, nhưng thay vào đó, đã để mình được biện minh bởi một Vị Thiên Chúa lớn hơn lương tâm của mình, kêu gọi Chúa Giêsu như Đấng biện hộ trung thành mà không điều gì và không một ai có thể tách ngài ra khỏi tình yêu của Đấng này. Cái hiểu của Thánh Phaolô về lòng thương xót vô điều kiện của Thiên Chúa có tính triệt để. Việc ngài nhận ra rằng lòng thương xót của Thiên Chúa thắng vượt vết thương bên trong từng bắt ta lệ thuộc hai lề luật, lề luật của xác thịt và lề luật của Thánh Linh, là kết quả của một tâm trí biết cởi mở đối với chân lý tuyệt đối, một tâm trí từng bị thương tại chính nơi cả Lề Luật lẫn Ánh Sáng trở thành một cái bẫy. "Cái gai" nổi tiếng mà Chúa không lấy đi khỏi ngài là chiếc bình chứa mà Thánh Phaolô dùng tiếp nhận lòng thương xót của Chúa (x 2 Cor 12: 7).

Thánh Phêrô nhận được lòng thương xót trong việc cầm bằng rằng mình là một con người có lương tri. Ngài có lý với một sự khôn ngoan lành mạnh, thực tiễn của một ngư phủ, nhờ kinh nghiệm, biết rõ khi nào nên và khi nào không nên đánh cá. Nhưng ngài còn có lý khi, vì quá phấn khích được đi trên mặt nước và kéo được mẻ cá thần kỳ, nên đã quá say sưa với chính mình, nhưng vẫn còn nhận ra rằng mình cần xin sự giúp đỡ của Đấng duy nhất có thể cứu mình. Thánh Phêrô đã được chữa lành khỏi vết thương nặng hơn hết, đó là vết thương phủ nhận người bạn của mình. Có lẽ lời trách móc của Thánh Phaolô, người đã đối chất với ngài về sự tráo trở, có liên quan tới điều vừa nói; có thể Thánh Phaolô cảm thấy mình tồi tệ hơn "trước khi" biết Chúa Kitô, còn Thánh Phêrô thì lại chối Chúa Kitô, sau khi đã biết Người ... Tuy nhiên, một khi Thánh Phêrô đã được chữa khỏi các vết thương đó, Ngài trở thành một mục tử có lòng thương xót, một tảng đá vững chắc trên đó người ta có thể luôn luôn xây dựng, vì nó là một tảng đá yếu nhưng đã được chữa lành, chứ không phải là một tảng đá để vấp ngã. Trong Tin Mừng, Thánh Phêrô là môn đệ thường được Chúa sửa sai hơn cả. Ngài vốn bị “sàng” nhiều hơn những người khác! Chúa Giêsu không ngừng sửa sai ngài, thậm chí cho đến tận cùng: "việc gì đến anh? Hãy theo Thầy! "(Ga 21:22). Truyền thống cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu còn hiện ra lần nữa với Thánh Phêrô khi ngài chạy trốn khỏi Rôma. Hình ảnh Thánh Phêrô bị đóng đinh ngược đầu xuống có lẽ diễn tả hay hơn hết chiếc bình chứa này của một con người cứng đầu, một người, để được thương xót, đã hạ mình xuống cả trong lúc làm chứng tối hậu cho tình yêu của mình đối với Chúa. Thánh Phêrô không muốn kết thúc cuộc sống của mình bằng cách nói rằng: "Tôi đã học được bài học", nhưng đúng hơn, "Vì đầu tôi sẽ không bao giờ làm cho nó đúng, tôi sẽ đặt nó xuống phía cuối". Phần ngài đặt lên đầu là đôi chân, đôi chân đã được Chúa rửa sạch. Đối với Thánh Phêrô, đôi chân này chính là bình chứa để ngài nhận lòng thương xót của Người Bạn và là Chúa của ngài.

Thánh Gioan đã được chữa lành trong niềm kiêu hãnh của ngài muốn dùng lửa báo ác. Vốn là "con của sấm sét" (Mc 3:17), nhưng kết cục, ngài lại viết cho các "con nhỏ" của ngài và có vẻ như một người ông nhân từ chỉ biết nói về tình yêu.

Thánh Augustinô đã được chữa lành trong niềm hối tiếc làm người tới trễ của ngài. Việc này làm ngài bối rối và trong ước nguyện muốn bù đắp thời gian bị mất, ngài đã được chữa lành: "Con đã yêu Ngài quá trễ". Ngài sẽ tìm một cách sáng tạo và đầy yêu thương để bù đắp cho thời gian đã mất bằng cách viết cuốn Tự Thú của ngài.

Thánh Phanxicô trải nghiệm lòng thương xót ở nhiều thời điểm trong cuộc sống của ngài. Có lẽ chiếc bình dứt khoát, chiếc bình đã trở thành các vết thương thực sự, không hẳn là việc hôn người phong cùi, kết hôn với Thục Nữ Nghèo hoặc cảm thấy mình là anh em của mọi tạo vật, cho bằng là trải nghiệm phải trông chừng trong im lặng thương xót Hội Dòng mà ngài sáng lập. Chính đây là chỗ tôi thấy sự anh hùng vĩ đại của Thánh Phanxicô: trong việc ngài phải trông chừng trong im lặng thương xót Hội Dòng ngài đã sáng lập. Đó chính là chiếc bình lớn chứa lòng thương xót của ngài. Thánh Phanxicô thấy anh em mình chia rẽ dưới chính ngọn cờ nghèo của mình. Ma quỷ làm chúng ta cãi cọ nhau, bảo vệ những điều thiêng liêng nhất "bằng một tinh thần ác".

Thánh Inhaxiô đã được chữa lành trong tính hư danh của ngài, và nếu đó là chiếc bình chứa, chúng ta có thể thoáng nhìn thấy lòng khao khát hư vinh của ngài lớn đến cỡ nào, một lòng hư vinh sau này được tái tạo trong nỗ lực hết sức tích cực của ngài để tìm vinh quang lớn hơn cho Thiên Chúa.

Trong cuốn Nhật Ký của Một Linh Mục Miền Quê, Bernanos kể lại cuộc đời của một linh mục bình thường, được cuộc đời của Cha Sở họ Ars linh hứng. Có hai đoạn văn rất đẹp mô tả các suy tư của vị linh mục này trong những giây phút cuối cùng của căn bệnh bất ngờ: "Xin Chúa ban cho con ân sủng trong những tuần cuối cùng này để con tiếp tục chăm sóc giáo xứ ... Nhưng con sẽ dành ít suy nghĩ hơn cho tương lai, con nên làm việc trong hiện tại. Con cảm thấy công việc đó hợp với khả năng của con. Vì con chỉ thành công trong những việc nhỏ mọn, và khi con bị xao xuyến thử thách, con buộc phải nói rằng chính những điều nhỏ đã làm con nhẹ nhõm". Ở đây chúng ta thấy một chiếc bình nhỏ chứa lòng thương xót, một chiếc bình buộc phải liên hệ tới những niềm vui nho nhỏ của cuộc sống mục vụ, nơi chúng ta tiếp nhận và phân bổ lòng thương xót vô biên của Chúa Cha trong những cử chỉ nhỏ mọn. Những cử chỉ nhỏ mọn của linh mục.

Các đoạn khác viết: "Bây giờ, mọi sự đã qua đi. Sự thiếu tin tưởng lạ kỳ đối với chính bản thân tôi, đối với hữu thể tôi, đã cao chạy xa bay, mà tôi tin là mãi mãi. Cuộc xung đột đó đã qua đi. Tôi không thể hiểu được nó nữa. Tôi đã hòa giải với bản thân mình, với cái vỏ bọc đáng thương của tôi. Ghét chính mình là điều dễ dàng xiết bao. Quên được là một ơn thánh thực sự. Ấy thế nhưng, nếu kiêu căng có thể chết trong chúng ta, thì ơn thánh tối cao sẽ là yêu mình một cách đơn sơ - như người ta yêu bất kỳ người nào trong số những người chịu đau khổ và yêu mến trong Chúa Kitô ". Bình chứa là đây: "yêu bản thân mình một cách đơn sơ, người ta yêu bất kỳ người nào trong số những người chịu đau khổ và yêu mến trong Chúa Kitô". Đó là chiếc bình chứa bình thường, giống chiếc bình cũ mà thậm chí, chúng ta có thể mượn của người nghèo.

Chân Phúc José Gabriel del Rosario Brochero, vị linh mục người Á Căn Đình, người đồng hương của tôi! người sắp được phong thánh, "đã để trái tim ngài được lên khuôn bởi lòng thương xót của Thiên Chúa". Cuối cùng, chiếc bình chứa của ngài là cơ thể phung cùi của ngài. Ngài muốn được chết trên lưng ngựa, băng qua một dòng suối ở miền núi trên đường đến xức dầu cho một người bệnh. Trong số những điều cuối cùng ngài nói, có điều này: "Không có vinh quang tối hậu ở đời này". Đối với tôi, những lời này rất đỗi gây ngạc nhiên: “không có vinh quang tối hậu ở đời này”. Gần cuối đời, khi bệnh phung cùi làm ngài bị mù, ngài nói: "Tôi khá hài lòng với những gì Thiên Chúa đã làm cho tôi liên quan tới thị giác của tôi, và tôi cảm ơn Người vì điều đó. Trong khi tôi còn phục vụ được người khác, Người gìn giữ các giác quan tôi được toàn vẹn và mạnh mẽ. Hôm nay, khi tôi không còn làm được như vậy nữa, Người đã lấy đi khỏi tôi, một trong những giác quan thể lý. Ở đời này, không hề có vinh quang tối hậu, và chúng ta có quá dư khốn cùng". Thường thì công việc của chúng ta vẫn luôn dở dang, nên bình thản với việc này luôn là một ân sủng. Chúng ta được phép "để sự việc vượt khỏi tầm tay", ngõ hầu Chúa có thể chúc phúc và hoàn thiện chúng. Chúng ta không nên quá lo lắng. Nhờ cách này, chúng ta có thể cởi mở đón nhận các nỗi đau và niềm vui của anh chị em chúng ta. Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận từng nói rằng, ở trong tù, Chúa đã dạy ngài phân biệt giữa "việc làm của Thiên Chúa", một việc ngài tận lực làm lúc còn sống tự do làm linh mục và giám mục, và chính Thiên Chúa, Đấng mà ngài đã tận lực phụng sự lúc bị giam cầm (Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá, nhà xuất bản Pauline Books and Media, năm 2003).

Chúng ta dễ dàng nói tiếp thêm về việc các thánh là những chiếc bình chứa lòng thương xót ra sao, nhưng thôi, ta hãy hướng về Đức Mẹ. Dù gì, ta cũng đang ở trong nhà ngài!

Đức Maria như bình và nguồn của lòng thương xót

Lên cao hơn trên bậc thang các thánh trong cuộc tìm kiếm các bình chứa lòng thương xót của chúng ta, cuối cùng, chúng ta đến với Đức Mẹ. Đức Mẹ là bình chứa đơn giản nhưng hoàn hảo, vừa nhận vừa ban phát lòng thương xót. Lời "xin vâng" đầy tự do của ngài đối với ân sủng trái ngược hẳn với thứ tội đã dẫn đến sự xuống dốc của người con trai hoang đàng. Lòng thương xót của ngài rất là của riêng ngài, rất là của riêng chúng ta và rất là lòng thương xót của Giáo Hội. Như ngài đã nói trong kinh Magnificat, ngài biết rằng Thiên Chúa đã đoái nhìn sự khiêm cung của ngài và ngài nhận ra rằng lòng thương xót của Chúa kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mẹ Maria có thể nhìn thấy việc hành động của lòng thương xót này và ngài cảm thấy được nó "ôm ấp", cùng với toàn thể dân Israel. Ngài trân trọng duy trì trong trái tim ngài ký ức và lời hứa thương xót vô hạn của Thiên Chúa dành cho dân Người. Kinh Magnificat của ngài là lời ngợi khen của một trái tim trong sáng và tràn đầy, nhìn tất cả lịch sử và mỗi con người cá nhân bằng một lòng thương xót của một người mẹ.

Trong chuyến viếng thăm Mễ Tây Cơ của tôi, trong những lúc có thể dành ra để ở một mình bên cạnh Đức Mẹ, khi tôi nhìn ngắm Đức Mẹ, Trinh Nữ Guadalupe, và khi tôi để ngài nhìn tôi, tôi đã cầu xin cho các anh em, các linh mục thân mến, trở thành các mục tử tốt lành của các linh hồn. Trong bài diễn văn của tôi với các giám mục, tôi có nói rằng tôi thường nghĩ tới mầu nhiệm trong ánh mắt của Đức Maria, vẻ dịu dàng và ngọt ngào của nó, từng mang lại cho chúng ta sự can đảm để mở lòng mình ra đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa. Giờ đây, tôi muốn cùng anh em suy niệm về một vài cách thức Đức Mẹ đặc biệt "nhìn " các linh mục, vì qua chúng ta, ngài muốn nhìn vào dân của ngài.

Ánh mắt của Đức Maria làm chúng ta cảm nhận được vòng tay mẫu thân của ngài. Ngài cho chúng ta thấy rằng "sức mạnh duy nhất có thể chiếm được trái tim con người là sự dịu dàng của Thiên Chúa. Điều làm ta vui thích và thu hút ta, làm ta khiêm nhường và chiến thắng, cởi mở và giải thoát không phải là sức mạnh của các công cụ hoặc các sức mạnh của pháp luật, mà đúng ra, là sự yếu đuối vạn năng của tình yêu Thiên Chúa, vốn là sức mạnh không thể cưỡng lại được của sự dịu dàng và lời cam đoan bất phản hồi của lòng thương xót" (Diễn Văn với các giám mục Mễ Tây Cơ, ngày 13 tháng 2 năm 2016). Điều mà mọi người tìm kiếm trong đôi mắt của Đức Maria là "một nơi an nghỉ, trong đó những người, dù vẫn đang mồ côi và không được hưởng bất cứ di sản nào, có thể tìm được một nơi ẩn náu, một mái ấm." Và điều đó có liên quan với cách ngài "nhìn" - đôi mắt ngài mở ra cả một không gian mời đón, không hề giống như một tòa án hoặc một văn phòng. Nếu đôi khi anh em nhận ra rằng cái nhìn riêng của anh em đã trở nên chai đá vì công việc khó khăn hay kiệt lực – đây là điều vẫn thường xẩy ra cho tất cả chúng ta- hoặc anh em có xu hướng nhìn người khác một cách khó chịu hoặc lạnh lùng, anh em hãy dừng lại và một lần nữa nhìn lên ngài với một sự khiêm tốn tận đáy lòng. Vì Đức Mẹ có thể lấy đi mọi thứ "đục nhãn mắt" vốn ngăn cản họ nhìn thấy Chúa Kitô trong tâm hồn con người. Ngài có thể lấy đi bệnh cận thị vốn không nhìn thấy các nhu cầu của người khác, vốn cũng là các nhu cầu của Chúa nhập thể, và cả bệnh viễn thị vốn không thể nhìn thấy các chi tiết, những “chữ in nhỏ", nơi những điều thật sự quan trọng đang diễn ra trong đời sống Giáo Hội và đời sống gia đình. Cái nhìn của Đức Mẹ đem lại sự lành lặn.

Một khía cạnh khác trong cái nhìn của Đức Maria liên quan tới việc dệt. Đức Maria nhìn "bằng cách dệt", bằng việc tìm cách rút ra điều tốt từ tất cả những điều người ta đặt dưới chân ngài. Tôi đã nói với các giám mục Mễ Tây Cơ rằng, "trong chiếc áo choàng của linh hồn Mễ Tây Cơ, với các sợi chỉ của đặc điểm mestizo, Thiên Chúa đã dệt nơi Đức Mẹ Nâu một khuôn mặt mà qua đó, Người muốn được biết đến". Một bậc thầy tâm linh đã dạy chúng ta rằng "bất cứ điều gì được nói về Đức Maria đều đặc biệt được nói về Giáo Hội cách chung và về mỗi linh hồn cách riêng" (xem Isaac thành Stella, Serm 51: PL 194, 1863). Khi xem xét cách thức Thiên Chúa dệt nên khuôn mặt và khuôn dung của Đức Mẹ Guadalupe vào chiếc áo choàng của Juan Diego, chúng ta cũng có thể suy niệm cách Người dệt linh hồn chúng ta và sự sống của toàn thể Giáo Hội.

Người ta nói rằng không thể coi bức ảnh Đức Mẹ Guadalupe như đã được "vẽ"; dường như nó đã được "in" vậy đó. Tôi thích nghĩ rằng phép lạ không phải chỉ là ảnh này được in hay được vẽ, nhưng toàn bộ chiếc áo choàng đã được tái tạo, biến đổi từ trên xuống dưới. Mỗi sợi chỉ - những sợi chỉ của lá cây lôi hộ mà các phụ nữ đã học từ thời thơ ấu để dệt vào những hàng may mặc tốt nhất của họ - đã được hiển dung tại chỗ của nó, và, dệt xen với tất cả những chi tiết khác, làm nổi bật khuôn mặt của Đức Mẹ, sắc diện của ngài và môi trường xung quanh ngài. Lòng thương xót của Thiên Chúa cũng thực hiện được điều tương tự. Nó không "vẽ" cho chúng ta một khuôn mặt xinh đẹp, hoặc sơn xì thực tại của chúng ta. Đúng hơn, với các sợi chỉ của cảnh khốn cùng và tội lệ của chúng ta, dệt xen với tình yêu của Chúa Cha, nó dệt chúng ta đến nỗi linh hồn chúng ta được đổi mới và phục hồi được hình ảnh chân thực của nó, tức hình ảnh Chúa Giêsu. Vì vậy, anh em hãy là những linh mục "có khả năng bắt chước sự tự do này của Thiên Chúa, Đấng đã chọn người khiêm tốn để mặc khải vẻ uy nghi của nhan thánh Người, những linh mục có khả năng bắt chước sự kiên nhẫn của Thiên Chúa bằng cách dệt nên một nhân loại mới mà đất nước anh em đang mong đợi bằng các sợi chỉ mịn màng của tất cả những người anh em gặp gỡ. Đừng đầu hàng cơn cám dỗ muốn bỏ đi nơi khác – đây là một trong các cơn cám dỗ của chúng ta, là xin Đức Giám Mục thuyên chuyển! như thể tình yêu của Thiên Chúa không mạnh mẽ đủ để mang lại sự thay đổi "(Diễn văn gửi các giám mục Mễ Tây Cơ, ngày 13 tháng 2 năm 2016).

Khía cạnh thứ ba là khía cạnh chăm sóc chu đáo. Ánh mắt của Đức Maria là ánh mắt quan tâm trọn vẹn. Ngài để tất cả mọi thứ khác lại đằng sau, và chỉ quan tâm tới những người ở phía trước ngài. Giống như một người mẹ, ngài hoàn toàn lắng nghe đứa con có điều muốn nói với ngài. Anh em có thấy các bà mẹ còn bắt chước cả giọng nói của con thơ để khuyến khích con nói không? Chính họ trở nên nhỏ bé. Tại Mễ Tây Cơ, tôi có nói rằng: "Như truyền thống Guadalupe tuyệt vời đã dạy chúng ta, Đức Mẹ Nâu trân quí cái nhìn của tất cả những ai ngắm nhìn ngài; ngài phản ánh khuôn mặt của tất cả những ai đến với ngài. Có một điều gì đó độc đáo trong khuôn mặt của mọi người đến với chúng ta để tìm kiếm Thiên Chúa. Không phải ai cũng nhìn chúng ta cùng một cách. Chúng ta cần phải nhận ra điều này, để mở rộng lòng mình và tỏ ra quan tâm tới họ. Chỉ có một Giáo Hội có khả năng quan tâm chu đáo đối với tất cả những ai gõ cửa nhà mình mới có thể nói chuyện với họ về Thiên Chúa. Trừ khi nào, nhìn vào sự đau khổ của người ta mà biết nhận ra nhu cầu của họ, chúng ta sẽ không có gì để cung cấp cho họ. Sự giầu có mà chúng ta đang sở hữu sẽ chỉ lưu chảy khi chúng ta thật sự gặp gỡ nhu cầu của người khác, và cuộc gặp gỡ này chỉ diễn ra trong chính trái tim mục tử của chúng ta"(ibid.). Tôi yêu cầu các giám mục của anh em phải lưu tâm đến anh em, các linh mục của họ, chứ không để anh em "chơ vơ với sự cô đơn và bỏ rơi, dễ làm mồi cho tính thế gian vốn nuốt chửng trái tim ta" (ibid.). Thế giới đang theo dõi chúng ta cách chặt chẽ, ngõ hầu "nuốt chửng" chúng ta, biến chúng ta thành người tiêu dùng ... Tất cả chúng ta cần chú ý, một ánh mắt quan tâm chính đáng. Như tôi đã nói với các giám mục: "Hãy chú ý và học cách đọc nét mặt các linh mục của mình, để vui mừng với họ khi họ cảm nhận được niềm vui được thuật lại tất cả những gì họ đã "thực hiện và giảng dạy"(Mc 6:30). Cũng đừng bước khỏi khi họ bị ô nhục và chỉ còn biết khóc vì ‘đã từ chối Chúa’(Lc 22: 61-62). Hãy cung ứng sự hỗ trợ của các hiền huynh, trong tình hiệp thông với Chúa Kitô, bất cứ khi nào một trong số họ, nản lòng, đi ra ngoài với Judas để bước vào 'đêm đen' (xem Ga13: 30). Trong những tình huống này, sự chăm sóc phụ thân của các hiền huynh đối với các linh mục của các hiền huynh không bao giờ được thiếu cả. Hãy khuyến khích sự hiệp thông giữa họ với nhau; tìm cách rút được những điều tốt nhất ở nơi họ, và tranh thủ họ tham gia các dự án lớn lao, vì trái tim của một tông đồ đã không được tạo nên cho những điều nhỏ nhặt "(ibid.).

Cuối cùng, ánh mắt của Đức Maria là ánh mắt "toàn diện", ôm lấy tất cả. Nó mang mọi sự lại với nhau: quá khứ, hiện tại và tương lai của chúng ta. Nó không phân mảnh hoặc từng phần: lòng thương xót có thể nhìn sự vật như một toàn thể và nắm bắt những gì cần thiết nhất. Tại Cana, Đức Maria "một cách tương cảm" nhìn thấy trước: việc thiếu rượu tại tiệc cưới sẽ có ý nghĩa như thế nào, nên ngài đã yêu cầu Chúa Giêsu giải quyết vấn đề, mà không ai để ý. Chúng ta có thể coi toàn bộ đời sống linh mục của chúng ta phần nào như đã được lòng thương xót của Đức Maria "thấy trước"; Ngài nhìn thấy trước những điều chúng ta thiếu và cung ứng chúng. Nếu có bất kỳ thứ "rượu ngon" hiện diện trong cuộc sống của chúng ta, thì đó không phải do công lao của chúng ta nhưng do lòng "thương xót dự ứng" của ngài. Trong kinh Magnificat, ngài tuyên xưng Chúa đã "đoái nhìn phận hèn tôi tớ" và "nhớ tới (giao ước) thương xót của Người", một "lòng thương xót được biểu lộ từ đời này tới đời kia" đối với người nghèo và người bị áp bức. Đối với Đức Maria, lịch sử là lòng thương xót.

Chúng ta có thể kết luận bằng cách đọc kinh Lạy Nữ Vương (Salve Regina). Những lời của kinh này ngân vang với mầu nhiệm của kinh Magnificat. Đức Maria là Mẹ của lòng thương xót, là sự sống của chúng ta, là vị ngọt ngào của chúng ta và là niềm hy vọng của chúng ta. Bất cứ khi nào linh mục anh em có những khoảnh khắc đen tối hay đau buồn, bất cứ khi nào trái tim anh em bối rối, tôi khuyến khích anh em đừng chỉ “nhìn Mẹ anh em”, một việc dù sao anh em cũng sẽ làm, nhưng hãy đến với ngài, để ngài nhìn anh em, anh em hãy giữ im lặng và thậm chí thiếp ngủ trước mặt ngài. Sự đau buồn của anh em, và tất cả những lầm lỗi từng gây ra sự đau buồn ấy… tất cả những bẩn tưởi này đều sẽ trở thành chiếc bình chứa lòng thương xót. Hãy để Đức Mẹ nhìn anh em! Đôi mắt thương xót của ngài chắc chắn là chiếc bình vĩ đại nhất chứa lòng thương xót, vì cái nhìn của chúng giúp chúng ta uống thoả thuê trong sự nhân hậu và tốt lành ấy mà chúng ta hằng khao khát với một niềm hoài mong mà chỉ có cái nhìn yêu thương mới có thể thỏa mãn. Đôi mắt thương xót của ngài cũng giúp chúng ta nhìn thấy lòng thương xót của Thiên Chúa hoạt động trong lịch sử nhân loại và tìm thấy Chúa Giêsu trên khuôn mặt của anh chị em chúng ta. Trong Đức Maria, chúng ta thoáng nhìn thấy đất hứa – Vương Quốc thương xót do Chúa chúng ta thiết lập - đã hiện diện ở đời này, bên kia cuộc lưu đầy mà tội lỗi đã dẫn chúng ta vào.

Như thế, hãy để Đức Mẹ nắm lấy tay anh em, và anh em hãy bám lấy tà áo ngài. Tại văn phòng của tôi, tôi có một bức ảnh đáng yêu Đức Bà Synkatabasis mà Cha Rupnik tặng tôi. Bức ảnh cho thấy Đức Maria duỗi hai bàn tay ra như một cầu thang để Chúa Giêsu leo lên. Điều tôi thích nhất về bức ảnh này là Chúa Giêsu một tay cầm trọn bộ Lề Luật, còn tay kia thì bám lấy tà áo Mẹ. Trong truyền thống Nga, các đan sĩ già cho ta hay rằng giữa gió bão thiêng liêng, chúng ta cần đến trú ẩn dưới tà áo Đức Mẹ. Đáp ca Thánh Mẫu đầu tiên ở Phương Tây cũng đã nói cùng một điều: Sub Tuum Praesidium (chúng con trông cậy). Dưới tà áo Mẹ. Như thế, anh em đừng xấu hổ, đừng nói hoài nữa, cứ ở đó đi và để anh em được che chở, hãy để anh em được nhìn ngắm. Và hãy khóc. Khi chúng ta tìm được một linh mục có thể làm điều này, có thể chạy đến với Đức Mẹ với mọi tội lỗi của mình và khóc, thì, tôi xin nói đó chính là một linh mục tốt, vì ngài là một người con tốt. Ngài sẽ là một người cha tốt.

Nắm bàn tay ngài và dưới cái nhìn của ngài, chúng ta có thể hân hoan tuyên xưng sự cao cả của Chúa. Cùng với Đức Maria, chúng ta có thể thưa rằng: Lạy Chúa, linh hồn con ca ngợi Chúa, vì Chúa đã đoái nhìn phận thấp hèn và khiêm hạ của tôi tớ Chúa. Con diễm phúc xiết bao vì đã được tha thứ. Lạy Chúa, lòng thương xót của Chúa, mà Chúa đã biểu lộ với các thánh của Chúa và với tất cả dân trung thành của Chúa, Chúa cũng đã biểu lộ với con. Con đã xa lạc, chỉ tìm kiếm bản thân mình, vì cao ngạo trong lòng, nhưng nào thấy vinh quang. Vinh quang duy nhất là Mẹ của Chúa đã ôm lấy con, đã bao phủ con bằng tà áo của ngài, và kéo con vào tâm hồn ngài. Con muốn được yêu như một trong những người nhỏ bé nhất của Chúa. Con muốn dùng bánh của Chúa nuôi sống tất cả những người đang đói khát Chúa. Lạy Chúa, xin Chúa nhớ tới giao ước thương xót của Chúa với con cái Chúa, các linh mục của dân Chúa. Với Đức Maria, ước chi chúng ta trở thành dấu hiệu và bí tích của lòng thương xót Chúa.