Chương 3 : Diễn tả xúc động và tình cảm-Khẳng quyết bản sắc của mình "tôi là ai ?" (tt)

3. Ba bước đi lên trong tiến trình học nói :

Bước Một : Phát âm một cách tùy hứng, gặp đâu nói đó, nhớ gì thì phát ra một cách lộn xộn, chưa hẳn phản ảnh những gì đang có mặt trong môi trường chung quanh. Trẻ em nói : "Trời mưa". Đang khi đó, chưa hẳn trời đang mưa. Trẻ em giống như một người mới học một ngoại ngữ, gặp hay nhớ một vật gì, thì tìm cách nói ra một từ ngoại ngữ có liên hệ đến vật dụng ấy.

Bước Hai : Phát âm nhằm diễn tả, trình bày ước muốn và ý định của mình. Chẳng hạn một người vào tiệm ăn, ở nước ngoài. Vì họ đói, họ muốn ăn, họ tìm mọi phương tiện để diễn tả mình muốn gì. Có khi họ dùng chỉ một từ. Khi khác, họ đưa tay làm dấu. Hay là họ tìm cách vẽ ra điều họ muốn ăn.

Bước Ba. Phát âm để trao đổi qua lại, thương lượng. Chẳng hạn hôm ấy bạn vào một tiệm ăn ở Thụy Sĩ, nhân một chuyến đi công du. Bạn thèm ăn hột vịt lộn. Cô tiếp khách trả lời cho bạn : không có trứng lộn trong tiệm ăn ở Thụy Sĩ. Nếu bạn có khả năng ngôn ngữ, sau khi bạn trình bày ý muốn, bạn tìm hiểu thực tế của người đối diện, nhất là khi họ không có điều kiện đáp ứng lời yêu cầu của bạn. Làm được những vòng trao đổi qua lại như vậy, để diễn tả mình, tìm hiểu người, và cuối cùng đi đến một sự đồng ý; đó là nội dung và ý nghĩa của thương lượng. Thay vì làm như vậy, bạn có thể tức giận, bất mãn bỏ đi, tìm quán ăn khác. Thêm vào đó, bạn còn có thể phê phán : Thụy Sĩ thật quê mùa, mọi rợ. Không có một tiệm ăn nào có khả năng cung ứng cho bạn bốn chiếc vịt lộn. Đương khi đó, tại Thành phố Sài Gòn, bạn chỉ cần đi ra ở đầu đường, bạn có thể mua hằng chục tá…Chừng ấy nhận xét chứng minh một điều: học nói chỉ có lợi ích thực sự, khi ngôn ngữ cho phép chúng ta trao đổi, thương lượng, hiểu biết nhau. Và đơn vị trao đổi thương lượng đầu tiên là CHONHẬN. Nói đúng hơn, cho để nhận. Nhận để cho.

Trong chiều hướng ấy, thay vì ép buộc trẻ em lặp đi lặp lại từ nầy qua từ khác, như keo vẹt sáo cưởng, chúng ta hãy trao đổi với trẻ em :

- Con muốn gì? Xin gì?

- Đi tìm và mang lại cho mẹ cái muổng.

- Con biết mẹ đang cần gì không?

- Con thích mẹ bồng con đi chơi, phải không?

- Bây giờ, mẹ bận. Ba về, hai mẹ con sẽ đi chơi một vòng.

Nếu chúng ta ngày ngày xoáy lui xoáy tới bài học trao đổi, tạo quan hệ ấy, trẻ em thế nào cũng trở thành một chủ thể có khả năng sử dụng một phương tiện tiếp xúc. Và phương tiện nầy chưa hẳn là ngôn ngữ có lời. Trong cuộc sống, còn nhiều ngôn ngữ không lời thích ứng với cấp độ phát triển của mỗi trẻ em.

4.- Diễn tả XÚC ĐỘNG và TÌNH CẢM :

Để giúp trẻ em phát huy tư duy trừu tượng, chúng ta có ba chiều hướng tác động khác biệt nhau, nhưng bổ túc mật thiết cho nhau.

Chiều hướng thứ nhấttrò chơi giả bộ, còn mang tên là tư tuởng hình tượng.

Chiều hướng thứ haingôn ngữ. Ngôn ngữ phải được hiểu như là phương tiện trao đổi, tiếp xúc, thương lượng. Nếu vì một lý do gì chưa thể xác định được, về mặt y khoa, trẻ em không thể phát huy ngôn ngữ có lời, các em sẽ phát huy một loại ngôn ngữ tương tự và tương đương, miển là từ ngày ra đời, nhu cầu tiếp xúc của các em được người lớn coi trọng, nuôi dưỡng, khuyến khích và xúc tác bằng cách tạo ra mọi điều kiện thuận lợi.

Chiều hướng thứ bakhả năng diễn tả, bộc lộ những xúc động và tình cảm . Lúc ban đầu, cách diễn tả còn mơ hồ, mông lung, lộn xộn. Nhưng dần dần, nhờ trò chơi, qua trò chơi, trẻ em sẽ bộc lộ rõ ràng hơn, bằng cách phân biệt nhiều tình cảm và nhiều khía cạnh khác nhau thuộc về một tình cảm duy nhất. Nếu quan sát trò chơi của trẻ em hay là lắng nghe các em phát biểu trong lúc chơi, chúng ta sẽ có thể khám phá những chủ đề sau đây :

- Nuôi nấng, đùm bọc:

Gấu mẹ đút cơm cho gấu con.

Búp-bê Mẹ thay áo quần cho con và đặt con vào giường.

Búp-bê ôm choàng mẹ, sợ mẹ ra khỏi nhà.

Với những trò chơi tương tự, trẻ em diễn tả nhu cầu được cha mẹ săn sóc lo lắng.

- Những chủ đề khác có liên hệ đến cuộc sống hằng ngày :

- Vui thích, reo mừng, nhảy nhót.

- Hiếu kỳ, mạo hiểm. Muốn khám phá những điều chưa biết.

- Quyền lực, sức mạnh, muốn làm cho kẻ khác vâng phục.

- Tức giận, tấn công, chinh phục.

- Trật tự, qui luật, điều có phép làm, điều không được phép.

- Lo sợ bị bỏ rơi, bị thương tích hay là bện hoạn.

- Tình thương, đồng cảm, chăm sóc kẻ khác.

- Làm chủ tình hình, điều khiển, kiểm soát, ra lệnh, trừng phạt.

***

Nhiều tình cảm khác nhau trong cùng một lúc :

Khi xúc động xuất hiện trong các trò chơi giả bộ, trẻ em đang DIỄN XUẤT một xúc động. Diễn xuất có nghĩa là đóng kịch. Cho nên, trong trò chơi giả bộ, trẻ em là một diễn giả.

Khi xúc động xuất hiện trực tiếp trong tác phong, trẻ em chỉ là tác nhân thừa hành, theo lệnh điều khiển của một sức ép đang khống chế các em. Trong những điều kiện sinh hoạt như vậy, theo lối nói của tâm lý học đương đại, trẻ em đang TÁC HÀNH một xúc động. Từ được dùng trong tiếng Anh là Acting out. Từ tương đương trong tiếng Việt Nam là "bùng nổ".

Trong cả hai trường hợp trên đây, trẻ em chưa làm chủ xúc động của mình. Chừng nào trở thành chủ nhân, chủ thể, trẻ em sẽ diễn tả mình bằng ngôn ngữ thích hợp. Khả năng nầy đòi hỏi trẻ em phải biết tạo khoảng cách, nghĩa là nhìn mình, thấy mình, quan sát mình. Lúc bấy giờ các em mới có thể GỌI TÊN xúc động đang xuất hiện trong nội tâm. Khả năng tự quan sát như vậy mang tên là Ý THỨC về mình hay là LÀM CHỦ đời sống xúc động.

Trong thực tế, có khi cả ba loại trình bày, diễn tả ấy đang còn lẩn lộn, chồng chéo vào nhau, trong cùng một lúc. Để trẻ em thành đạt giai đoạn cuối cùng là diễn tả và hóa giải tình cảm, cha mẹ, thầy cô cần cho phép các em đi qua hai giai đoạn trước (tác hành và diễn xuất), một cách an toàn, theo cấp độ phát triển và lứa tuổi. Cho phép có nghĩa là có mặt, gọi tên, phản ảnh và nhìn nhận xúc động của các em :

"Mẹ thấy con buồn. Con muốn khóc. Con cứ tự nhiên khóc, nếu con muốn. Sau đó, con nói cho mẹ biết con buồn thế nào. Con cần gì ? Mẹ làm được gì cho con?"

Trong cách phản ảnh nầy, người mẹ thực thi bốn động tác khác nhau như sau:

- Một là quan sát, ghi nhận : Mẹ thấy… mẹ nghe…

- Hai là nhận biết và gọi tên : Con đang BUỒN.

- Ba là lắng nghe nhu cầu của con : Chuyện gì đã xảy ra…Con CẦN gì ?

- Bốn là thương lượng : Con muốn gì? Mẹ làm được gì? Ngay bây giờ hay là sau này ? Con tự làm lấy hay là mẹ giúp con lúc đầu ?

Trong cách hành xử như vậy, người mẹ đã giúp trẻ em chuyển biến thể thức tác hành, diễn xuất thành diễn tả bằng ngôn ngữ. Từ đó, xúc động được tháo mỡ ra thành bốn thành tố : sự kiện, gọi tên, nhu cầu và ước muốn.

Khi làm được như vậy, trẻ em đang học chủ động, sáng tạo, trở nên một chủ thể.

***

Biết mình để giúp đỡ trẻ em

Diễn tả xúc động và tình cảm là một bài học thiết yếu cho cuộc sống thành người. Trong vai trò giáo dục, người lớn không những cho phép. Họ còn phải khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi và hướng dẫn trẻ em một cách liên tục, hữu hiệu. Tuy nhiên, như tôi đã nhấn mạnh từ đầu, đây là bài học rất khó dạy và khó học. Nếu người lớn không ý thức sáng suốt về mình và có khả năng làm chủ tình hình xúc động của mình, làm sao họ có thể hướng dẫn con cái hay là học sinh của mình?

Thêm vào đó, khi trẻ em tác hành và diễn xuất những xúc động của mình, rất thông thường chúng ta trở thành ĐỐI TƯỢNG của con cái và học sinh. Các em muốn tấn công chúng ta. Một cách thẳng thừng, các em có thể sử dụng với chúng ta một giọng điệu ngang tàng, bướng bỉnh, đầy tức giận :

- Mẹ xấu, con ghét mẹ,

- Ba vũ phu, con không thèm nói chuyện với ba.

Trong lề lối giáo dục cỗ điển, cha ông chúng ta muốn tránh và đề phòng tối đa tình trạng hỗn xược nầy. Lối nói - có bề mặt khinh thường, nhưng chất chứa nhiều lo lắng và sợ hãi ở chiều sâu - mà quí vị thường dùng, là « chơi với chó, có ngày chó liếm mặt «. Vì lý do tối thượng nầy, nhiều cha mẹ đã cố tình tỏ thái độ lạnh lùng, nghiêm khắc, và giữ khoảng cách với con cái. Tuy nhiên, đó chỉ là PHẢN ỨNG TỰ VỆ.

Ngày nay, nhờ Phân tâm học, chúng ta nhận biết rằng: Phản ứng tự vệ là một dấu hiệu bên ngoài của một tâm trạng lo sợ. Và khi lo sợ như vậy, chúng ta bóp méo, xuyên tạc thực tế khách quan bên ngoài. Thêm vào đó, khi phản ứng, chúng ta chỉ là đối tượng. Chúng ta chưa làm chủ tình hình, chưa có khả năng nhận diện và đối diện một vấn đề, để giải quyết và khắc phục một cách tốt đẹp và hài hòa.

Cách chúng ta hằng trăm thế kỷ, về mặt thời gian, và hằng ngàn cây số về mặt không gian, người La Tinh đã có thái độ tương tự. Nguyên tắc giáo dục của họ còn lưu truyền đến ngày hôm nay là "DUM METUANT". Miễn là chúng nó sợ.

Sợ và gây sợ hãi, cho dù phải dùng phương tiện khủng bố tinh thần, đó là nguyên tắc sắt thép, trong quan hệ giáo dục cổ điển.

Nếu chúng ta chọn lựa con đường giáo dục trên đây "Miển là chúng nó sợ", suốt đời con cái, học sinh của chúng ta sẽ không có bầu khí an toàn nội tâm, để diễn tả xúc động và tình cảm của mình, một cách hồn nhiên, trung thực và thoải mái.

***

Thể thức tạo an toàn nội tâm trong quan hệ giáo dục :

Để can trường nâng đỡ trẻ em, trong chiều hướng học tập diễn tả tình cảm, chúng ta cần ghi nhận một số nguyên tắc hành động sau đây :

***

Chính khi trẻ em có hành động tấn công :

Khi trẻ em có hành vi xúc phạm và ngôn ngữ làm tổn thương chúng ta, chính khi ấy chúng ta nên ý thức sáng suốt rằng : trẻ em đang bị tràn ngập, không có khả năng làm chủ tình hình. Hơn bao giờ hết, các em đang cần chúng ta nâng đỡ, đùm bọc, chỉ dẫn và soi sáng, trong những lúc như vậy, để học làm người.

Thay vì cắt đứt quan hệ, rút lui, chưởi bới, trừng phạt… chúng ta vẫn lắng nghe, tìm hiểu, phản ảnh, nhìn nhận nhu cầu của các em. Chúng ta bắc cầu, cho các em từ từ "làm người", nghĩa là có khả năng từ chối những gì không thích hợp và chọn lựa những điều thích hợp.

Chỉ trong trường hợp các em có hành vi bạo động thực sự :

Chỉ trong trường hợp nầy, chúng ta phải lập tức dùng biện pháp cô lập hóa hay là chế ngự hành vi đang bùng nổ, để bảo vệ chính mình các em và những bạn bè chung quanh. Chúng ta cũng tuyệt đối không cho phép các em TÁC HÀNH trên chúng ta. Ngoài ra, thái độ đáp ứng thường xuyên của chúng ta là ĐỒNG CẢM. Đồng cảm vô điều kiện. Nhờ vào cách chúng ta biết đồng cảm, các em mới có thể học đồng hành, chia sẻ, trao đổi, thiết lập những quan hệ hài hòa và tôn trọng lẫn nhau. Nếu chúng ta không biết tôn trọng trẻ em, làm sao các em học tôn trọng chúng ta ? Học với ai ? Học ở đâu ? Học khi nào ?

Trường hợp chúng ta cảm thấy mình sắp mất bình tĩnh:

Khi quân bình nội tâm không vững vàng, chúng ta sáng suốt nhìn nhận, thú nhận nhu cầu của mình VÀ LẬP TỨC DỪNG LẠI : "Mẹ đang thấy khó chịu trong mình. Mẹ cần nghỉ xã hơi vài ba phút. Sau đó, Mẹ nói chuyện lại với con".

Nếu chúng ta đang săn sóc trẻ em dưới 5 tuổi, chúng ta nhờ người nào đó tiếp tay trong vài ba phút : "Mẹ đang khó chịu trong mình. Nhờ con thay mẹ lo cho em con, trong năm phút".

Ngoài những trường hợp khẩn trương, như vừa được nói tới, chúng ta không tìm cách giải quyết, thay đổi, thoa dịu, an ủi. Lý do cơ bản là trẻ em có quyền bộc lộ, diễn tả xúc động. Và diễn tả như vậy không phải là điều xấu, cần sửa sai, ngăn chận, cấm đoán.

Ngược lại, chúng ta còn cho phép và khuyến khích : "Mẹ thấy con tức giận với mẹ. Con có phép nói ra hết nỗi tức giận của con cho mẹ nghe, để mẹ hiểu con. Sau đó, mẹ sẽ nói cho con hay ý định của mẹ".

Càng cho phép và khuyến khích như vậy, chúng ta càng tạo nên quan hệ tin tưởng, hiểu biết và thân mật đối với trẻ em.

Nói tóm lại, xúc động và tình cảm, như một dòng nước, luôn luôn cần phải biến thái và lưu chuyển. Bị ứ động - từ chuyên môn trong Phân tâm học là DỒN NÉN - xúc động và tình cảm sẽ làm ô nhiểm toàn thể đời sống nội tâm của con người. Trái lại, khi được diễn tả và hóa giải, tình cảm là ĐỘNG CƠ thúc đẫy chúng ta xây dựng bản thân, tô điểm và làm đẹp toàn thể cuộc sống làm người của mình và những người hai bên cạnh.

Mùa Hè 2004 - Lausanne, Thụy Sĩ

(Còn tiếp)