Giáo họ Cây Rỏi - Niềm tin đang thắp sáng

Theo đoàn người đi dự lễ khánh thành nhà thờ Cây Rỏi, cảm giác đầu tiên của chúng tôi thật khó chịu. Khó chịu là vì đường đi trắc trở, cát bụi mịt mù suốt đoạn đường 12 cây số về phía núi. Nhiệt độ lúc này khoảng chừng 35oc. Chỉ 12 cây số tính từ đường quốc lộ I, nhưng lần đầu tiên đến đây nên càng tạo cho mọi người cảm giác xa xôi và mệt mỏi. Khi thấy ngôi nhà thờ nguy nga với đỉnh tháp cao chót vót hiện ra trước mặt, chúng tôi thấy an lòng vì đã đến nơi.

Tuy bụi, tuy nắng nóng nhưng đoàn người vẫn không ngớt, người đội nón, người che dù tất cả cùng đi, đi như ngày hội. Niềm tin đang được thắp sáng. Anh chị em giáo dân ở đây rất vui, vì những công sức của họ bỏ ra để hôm nay có được ngôi nhà thờ để thờ phượng Chúa một cách xứng đáng, và đó cũng chính là lòng khao khát của họ bây lâu nay. Được biết giáo dân họ Cây Rỏi thường vào những dịp lễ lớn phải chở nhau trên những chiếc xe máy xe đạp đến nhà thờ giáo xứ Phù Cát cách đó khoảng 20 cây số. Dù nắng, dù mưa, dù khó khăn gian khổ họ vẫn dìu nhau sống đức tin. Trải qua bao nhiêu thời kỳ chiến tranh loạn lạc, Cây Rỏi trở nên khô cằn, lặng im giữa vùng đồi núi; giáo dân tản mác khắp nơi, nhà thờ đổ nát, chỉ còn lại hang đá Đức Mẹ Lộ Đức như dấu chỉ gìn giữ đức tin của họ đến ngày nay. Ba năm nổ lực cùng với sự cố gắng của cha sở Phêrô Nguyễn Công Sanh, cha phó GioanKim Nguyễn Đức Quang và của mọi người, nhờ ơn Chúa giúp mọi sự được hoàn thành tốt đẹp. Giờ đây đoàn dân Chúa đã được an lòng nương tựa vào Chúa nơi ngôi thánh đường này và hy vọng niềm tin đã được thắp sáng nơi đây sẽ còn sáng mãi.

Dưới đây, một vài nét sở lược về giáo họ Cây Rỏi (phần sử liệu do TGM Qui Nhơn cung cấp)

Trong báo cáo của thánh Giám Mục Stêphanô Thể năm 1850 không thấy có tên Cây Rỏi.

Trong tiểu sử của cha Jean Baptiste Amand JURBERT ( MEP) có ghi : Thụ phong linh mục ngày 25/02/1893; rời Pháp ngày 26/4/1893 đến địa phận Đông Đàng Trong làm việc tại Phương Phi và Cây Rỏi thuộc vùng Bình Định 02 năm. Năm 1895 làm việc ở vùng truyền giáo Kon Tum và qua đời tại vùng đất nầy ngày 05/8/1898. ( Archives Mep ).

Trong báo cáo của Đức Cha Van Camelbeke Hân năm 1893 có ghi : “ Cha Hamon cho tôi biết mới gần đây một cộng đoàn nhỏ được thành lập ở chân dãy núi Cây Rỏi. Cha hy vọng ở đây còn thu hút được nhiều gia đình tòng giáo” (RAE. 1893 - Van Camelbeke).

Theo nguồn sử liệu nầy, Cây Rỏi được thành lập sau phong trào Văn Thân (1885) và trước 1893. Có thể nói Cây Rỏi được thành lập trong thời cha Hamon (cố Lựu), cha sở tiên khởi của Truông Dốc. Từ đây, Cây Rỏi là một giáo họ thuộc giáo xứ Truông Dốc được các cha phó thường xuyên hiện diện:

Cha Phêrô Qua 1908-1909; Cha Stêphanô Cao Tấn Truyện 1929-1936; Cha Antôn Hoàng Liên Mầu 1936-1938; Cha Martinô Nguyễn Hộ 1938-1941, năm 1941 tổng số tín hữu Cây Rỏi là 256 người (CR.1941, p.30); Cha Đôminicô Châu Phận 1941-1944; Cha Phêrô Lê Đức Châu 1944-1946; Từ năm 1946-1954 Cây Rỏi, Hội Sơn, Tùng Chánh, An Điềm, Hiệp Luôn, Vĩnh Ân và Tân Hóa được tách khỏi giáo xứ Truông Dốc lập thành giáo xứ Cây Rỏi do cha Anrê Nguyễn Văn Tường đảm nhiệm, sau năm 1954 nhập trở lại Truông Dốc. Từ năm 1963 - 1965 Cha Gioakim Phan Công Sử về nghỉ tại Cây Rỏi. Từ năm 1965 -1975 toàn bộ giáo dân di cư vào Quy Nhơn, một số đông đến định cư tại giáo xứ Xuân Quang. Cuối năm 1975, sau khi hòa bình vãn hồi đa số đã hồi cư về Cây Rỏi.

Từ lúc thành lập cho đến nay, ngoài các cha phó thường xuyên ở tại cây Rỏi và thời gian tách khỏi giáo xứ Truông Dốc ( Nhà Đá), Cây Rỏi được các cha sở Truông Dốc chăm sóc mục vụ :

STT TÊN THÁNH HỌ TÊN THỜI GIAN GHI CHÚ

01 Théodule Joseph HAMON 1882 - 1908 Chết 06/5/1911

02 Gustave Paul DUBULLE 1908 - 1909 Chết 24/6/1937

03 Charles Eugène SAULÇOY 1909 - 1914 Chết 04/6/1939

04 Jean Marie GUÉNO 1914 - 1924 Chết 20/8/1939

05 Giuse MIỄN 1921 - 1923 Tạm quyền khi cha Guéno về Pháp

06 Jean Liévin SION 1925 - 1931 Làm Giám mục KonTum năm1941

07 Phêrô NHÌ 1931 - 1933 S.1886; T.1950 mộ tại Làng Sông

08 Gioakim Phan Công SỬ 1933 - 1946 S.1891; T.1971 mộ tại Làng Sông

09 August. Nguyễn Thanh LONG 1946 - 1948 S.1902; T.1976 mộ tại Làng Sông

10 Phêrô Nguyễn Sĩ TƯ 1948 - 1953 S.1895; T.1974 mộ tại Làng Sông

11 Giuse Lê Văn LY 1953 - 1957 Chết ở Đà Nẵng

12 Phêrô Nguyễn Vĩnh LƯU 1957 - 1962 S.1908; T.1968 mộ tại Làng Sông

13 Bernard Phan Văn HOÀNG 1962 - 1965 Về Đà Nẵng năm 1967

Từ năm 1965 giáo dân Cây Rỏi di cư. Giáo họ hoàn toàn bỏ trống.

Từ năm 1975 cho đến nay Cây Rỏi là một giáo họ thuộc giáo xứ Phù Cát, được cha sở Phù Cát Phêrô Nguyễn Công Sanh chăm sóc mục vụ.

Trong thời gian chiến tranh các cơ sở vật chất của giáo họ bị sụp đổ, hư nát, chỉ còn lại hang đá Đức Mẹ Lộ Đức. Khi hòa bình vãn hồi giáo dân trở về Cây Rỏi, hằng đêm dù trăng thanh hay mưa gió vẫn có những người con của Mẹ đến với Mẹ tại hang đá tâm sự, nài nĩ, kêu cầu Mẹ.

Ngày 10/07/2001 lễ đặt viên đá đầu tiên nhà thờ Cây Rỏi. Ngày hôm nay nhà thờ, nhà xứ đã hoàn thành tốt đẹp. Khánh thành ngày 31/05/2004. Tạ ơn Chúa, cảm tạ Mẹ.

Bài cám ơn của cha sở Phêrô Nguyễn Công Sanh.

Trước hết con xin có đôi lời cảm tạ Đức Cha.

Kính Thưa Đức Cha, khi Đức Cha gợi ý muốn phục hồi nhà thờ Cây Rỏi, con đã thưa với Đức Cha: Đức Cha hỗ trợ thì con làm được. Đức cha bảo: làm ngay đi! Con thật vững dạ an lòng. Cách đây đúng 3 năm, 31/05/2001, cũng nhằm ngày lễ Đức Mẹ thăm viếng bà Êlisabét, Đức cha đã dõi bước chân của Mẹ Maria đến vùng núi xa xăm này để thăm chúng con, ngày đó, chúng con càng tin tưởng, hy vọng và thật sự nhảy mừng trong lòng. Niềm vui mà Đức Cha đã đem đến cho chúng con tương tự như niềm vui Đức Mẹ đã đem đến cho gia đình bà Êlisabét.

Ngày 10 tháng 7 năm 2001 chúng con lại vui mừng hơn được đón tiếp Đức cha đến đặt viên đá đầu tiên cho nhà thờ Cây Rỏi này. Có thể nói, đây là nhà thờ đầu tiên vinh dự được Đức Cha đặt viên đá đầu tiên trong chức vụ Giám mục. Ngày đó con đã thưa: Đức Cha đã thương khởi sự cho chúng con những điều tốt đẹp, thì xin Đức Cha thương chúng con nhiều hơn nữa, để mọi sự được hoàn thành cách tốt đẹp hơn. Giờ đây nhờ lòng thương yêu của Đức Cha, chúng con đã được nhiều điều vượt quá mơ ước của chúng con. Chúng con có nhà thờ, nhà xứ, hang đá Đức Mẹ và tất cả đã được Đức cha làm phép và chúc lành.

Có lẽ, Cây Rỏi là một trong những nơi ưu tiên nhất của vùng Bắc Bình Định, nơi đã bị chiến tranh tàn phá hầu như hoàn toàn, được Đức Cha quan tâm đưa vào trong chương trình tái thiết giáo phận của Đức cha. Đồng thời, chúng con cũng đã nhận được nhiều lời động viên, khuyến khích, cũng như nhiều lần thăm viếng của Đức cha khi công trình đang thi công, và đặc biệt là nhận được sự đầu tư rất rộng rãi của Đức cha cho công trình này, để hôm nay được thành công tốt đẹp. Chúng con tin rằng dưới sự lãnh đạo của Đức Cha, giáo phận nhà sẽ tiếp tục phát triển trong đời sống đức tin và mạnh mẻ hơn trong công cuộc truyền giáo.

Con cũng xin được cám ơn Cha Tổng Đại Diện, quí cha và quí vị là những người thầy, là huynh đệ đã khích lệ chúng con bằng cách này hay cách khác để nhà thờ Cây Rỏi được hoàn thành.

Tôi cũng xin cám ơn tấm lòng quảng đại của các vị ân nhân xa gần. Nhà thờ Cây Rõi được hoàn thành là nhờ tấm lòng rộng rãi của quí vị. Có thể nói không có yêu cầu nào đã bị từ chối, nhiều người đã sẵn lòng hỗ trợ và hỗ trợ thêm cho đến khi hoàn thành. Có lẽ quí vị đã thấm nhuần lời Chúa: cho thì có phúc hơn là nhận. Một lần nữa chúng tôi xin cám ơn quí vị và xin Thiên Chua trả công bội hậu cho quí vị.

Tôi cũng xin cám ơn anh chị em giáo dân Cây Rỏi, luôn có mặt tại công trường từ ngày đầu cho đến hôm nay. Bất kể nắng nóng hay mưa sa, gió lạnh anh chị em sẵn sàng đảm trách và hoàn thành mọi công việc với lòng nhiệt thành và hy sinh không ngơi nghỉ. Anh chị em là những người đã đóng góp rất lớn cho ngôi thánh đường này. Hơn ai hết, giờ đây anh chị em có lý do để vui mừng, vì những công lao khó nhọc những công hiến của mình cho thành quả tốt đẹp hôm nay.

Một lần nữa xin cám ơn tất cả và xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Click vào đây để xem hình lễ khánh thành nhà thờ Cây Rỏi vietcatholic.net/giaoxu/phuyen/mucvu/ktcayroi/index.htm