Chúa Nhật XV THƯỜNG NIÊN, năm C
Lc 10, 25-37

NGƯỜI SAMARITANÔ NHÂN HẬU

Người Samaritanô nhân hậu là chính Chúa Giêsu. Câu chuyện mà thánh Luca thuật lại hôm nay đã gây ấn tượng và xúc động cho nhiều người. Nó đã đi vào nền văn hóa của nhân loại. Câu chuyện về lòng thương xót của Chúa Giêsu đã khơi lên trong lòng chúng ta sự nhạy cảm yêu thương người khác.Chúa đã hướng chúng ta lên đỉnh cao của đức ái.

Sống nơi trần gian này, có nhiều người thật hy sinh, dũng cảm và thực hiện đức ái sâu xa. Chúa Giêsu chính là người Samaritanô nhân hậu. Chúa Giêsu khi đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Ngài đã có một cái nhìn sâu xa, đã đi ngược với những điều mà những người Do Thái lúc đó, đặc biệt là những nguồi Pharisêu, Lêvi, Tư tế, các người này đã thực hiện đúng luật lệ nhưng thực tế luật lệ chỉ ở trên giấy tờ, ở trong chữ viết. Họ đã quá nại vào luật, do đó, không còn tình thương, không còn bác ái bởi vì họ bóp nghẹt người khác. Chúa Giêsu lại khác hoàn toàn, Ngài đến để cứu sống chứ không phải để giết chết. Chúa Giêsu đã hướng con người lên cao, đi vào chiều sâu của đức bác ái. Ngài đã tới với mọi thành phần xã hội. Ngài không đứng ở xa để nhìn họ, nhưng tới gần họ để cảm thông, chữa lành và cứu vớt họ. Như người Samaritanô nhân hậu, Chúa Giêsu đã chữa lành, cứu vớt, băng bó vết thương cho họ. Ngài nhìn con người với ánh mắt yêu thương và Ngài còn tình nguyện hiến mạng sống, trả nợ cho con người bằng chính giá cứu chuộc, chết trên thập giá để cứu độ con người, làm cho con người được sống và sống dồi dào ( Ga 10, 10 ).

“ Ai là người thân cận của tôi ?”…câu hỏi hẹp hòi của ông kinh sư cho thấy ông muốn đóng khung người thân cận trong những người đồng đạo, trong những người mà ông gọi là thuộc phe ta. Chúa Giêsu dạy cho chúng ta tình yêu thương phải trải rộng ra cho đến mọi người : dù họ là Do Thái, Hy Lạp hay Roma, dù họ là người có đạo hay người không có đạo. Chúa Giêsu đã phá tung hàng rào kiên cố mà người ta núp,người ta nại vào để khỏi sống theo những đòi hỏi của tình thương, của luật bác ái ..v.v…

Lời Chúa hôm nay quả là một tra vấn cho mỗi người chúng ta. Những thầy Lêvi, Kinh sư, Tư tế quá tỉ mỉ, chi tiết bề ngoài mà bóp chết người khác. Đạo hay Luật lệ không phải là một pháo đài hay là một blockauss để đàn áp,để bóp nghẹt người khác. Trong khi đó, Đạo Công Giáo là Đạo tình thương. Cốt lõi của Tin Mừng là bác ái yêu thương. Mẹ Têrêsa Calcutta đã hy sinh cả cuộc đời của mình để phục vụ các người nghèo, Mẹ đã nói “ Phục vụ người nghèo là phục vụ Chúa “. Đức cố Giám mục Gioan Cassaigne đã hy sinh co những người cùi ở Di Linh và chết giữa những người cùi.Biết bao người đã hy sinh cuộc đời, quảng đại và can đảm phục vụ người nghèo.

Qua câu chuyện người Samaritanô nhân hậu, Chúa dạy mọi người giới răn yêu thương không những đòi hỏi chúng ta phải có những việc làm cụ thể, mà còn thể hiện tình thương đối với mọi người kể cả kẻ thù nữa. Do đó, bất cứ ai gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc đời, cũng đòi hỏi chúng ta yêu thương, giúp đỡ.

Chúa luôn đòi hỏi chúng ta phải sống tình thương vì Đạo Công Giáo là Đạo Yêu Thương, Đạo Bác Ái. Là môn đệ của Chúa, chúng ta được mời gọi yêu thương, cảm thông đối với mọi người. Một nụ cười, một lời an ủi sẽ phá tan mặc cảm cho một con người, giúp người đó vượt thắng tiến lên.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một con tim nhạy cảm, một tâm hồn nhiệt thành : hiền lành và khiêm nhường. Xin ban cho chúng con một lòng mến thiết tha để chúng con không sống giả tạo. Lời của thánh Phanxicô khó khăn :” …Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời “ luôn vang lên trong từng nhịp sống của con người. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Người Samaritanô nhân hậu là ai ?
2.” Ai là người thân cận “ theo ý của vị Kinh sư là ai ?
3.Đạo Công Giáo là Đạo gì ?
4.Cốt lõi của Tin mừng là gì ?