Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sau phiên tòa kéo dài 8 tháng, Tòa án quốc gia thành Vatican đã kết án hai viên chức Vatican, nhưng tha bổng hai nhà báo người Ý, trong vụ án “Vatileaks II”.
Trong phán quyết đưa ra hôm thứ Năm, 7 tháng Bẩy, 2016:
- Đức Ông. Lucio Vallejo Balda, nguyên thư ký của Hội Đồng Các Vấn Đề Kinh Tế Tòa Thánh, bị kết án rò rỉ các tài liệu bí mật của Vatican cho các phóng viên. Tòa tuyên án mười tám tháng tù giam.
- Francesca Chaouqui, là người mà các công tố viên cho là kẻ chủ mưu của vụ rò rỉ này, bị kết tội âm mưu. Tuy nhiên, vì Tòa án thấy không có bằng chứng kết luận rằng cô đã thực tế trao các tài liệu cho các phóng viên, cô chỉ bị mười tháng tù giam – nhưng đình chỉ thi hành án trong năm năm thử thách; nghĩa là trong vòng 5 năm tới, nếu Francesca Chaouqui không phạm một tội khác thì án mười tháng tù giam được hủy bỏ. Nếu cô phạm vào một tội khác, cô ta phải thi hành hình phạt của án đó cộng với mười tháng tù giam của án này. Như vậy Chaouqui, giờ đây đã gần sinh con, được phóng thích tại tòa .
- Nicola Maio, nguyên thư ký cho Đức Ông Vallejo Balda, được tuyên bố vô tội vì không tham gia vào âm mưu này.
- Gianluigi Nuzzi và Emiliano Fittipaldi, là hai nhà báo Ý đã xuất bản những cuốn sách dựa trên các tài liệu bị rò rỉ, đã được tha bổng, trên cơ sở đó họ là công dân Ý hoạt động bên ngoài Vatican, không thuộc thẩm quyền tài phán của quốc gia thành Vatican.
Phán quyết của tòa án được coi là nhẹ hơn rất đáng kể so với đề nghị của các công tố viên. Trước đó, các công tố viên đã đề nghị mức án ba năm và chín tháng cho Chaouqui; ba năm và một tháng đối với Đức Ông Vallejo Balda.
Đức Ông Vallejo Balda sẽ không phải ngồi tù đến 18 tháng vì đương sự đã bị bắt nhiều tháng trước khi phiên tòa kéo dài 8 tháng này được mở ra. Xét vì Đức Ông Vallejo Balda đã nhận tội, Đức Thánh Cha cũng có thể sẽ ân xá cho đương sự.
Phán quyết của tòa án cho thấy những yếu điểm của các công tố viên. Mặc dù Chaouqui được xem là nhân vật trung tâm trong vụ này - và các thẩm phán cũng tin chắc về vai trò của cô trong vụ án – các công tố viên đã không trình ra được những bằng chứng thuyết phục rằng cô ta đã tham gia vào vụ rò rỉ này.
Trường hợp vô tội của ông Maio là hiển nhiên. Ông chưa từng gặp các nhà báo là những người nhận được các tài liệu bị đánh cắp. Vụ rò rỉ xảy ra sau khi ông kết thúc công việc với Đức Ông Vallejo Balda.
Và thực tế là tòa án quốc gia thành Vatican không có quyền tài phán trên Nuzzi và Fittipaldi, khiến cho các quan sát viên nghĩ rằng các công tố viên có thể đã lãng phí thời gian của họ. Tuy nhiên, phát ngôn viên của Tòa Thánh là Cha Federico Lombardi, nói việc truy tố các phóng viên là cần thiết để chứng minh quyết tâm của Vatican muốn chặn đứng các vụ rò rỉ. Lựa chọn duy nhất, theo cha Lombardi, “là can đảm giải quyết vấn đề và hiểu rõ trách nhiệm thực tế của các phóng viên, mặc dù Tòa Thánh thấy trước sẽ gây ra những ý kiến có tính luận chiến về vấn đề tự do báo chí”
Chaouqui, người thề rằng cô ta sẽ thụ án tù bất kỳ phán quyết nào của tòa nói rằng kết luận này của tòa đã kết thúc “một phần đau đớn nhất của cuộc đời tôi.” Cô tuyên bố rằng phán quyết này sẽ thuyết phục Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng “Tôi không bao giờ phản bội ngài.”
Đối với Nuzzi và Fittipaldi - và các nhà báo ủng hộ họ - phán quyết của tòa là một sự xác minh công việc của họ như các phóng viên. Các luật sư của các nhà báo lập luận rằng các thân chủ của họ chỉ săn lùng để công bố sự thật về vấn đề kinh tế của Vatican, và họ có quyền dùng các tài liệu có trong tay.
Các bị cáo có ba ngày để kháng cáo quyết định của tòa án nhưng không ai kháng cáo.
2. Người nghèo là kho tàng của Giáo Hội
Anh chị em ở trong tim Giáo Hội và anh chị em cho phép chúng tôi gặp gỡ Chúa Giêsu, vì toàn cuộc sống của anh chị em nói về Ngài.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong buổi tiếp kiến đoàn hành hương 200 người nghèo thuộc các giáo phận Pháp lúc 9 giờ sáng hôm 6 tháng 7 trong đại thính đường Phaolô Đệ Lục.
Đức Thánh Cha nói:
“Dù hoàn cảnh, lịch sử và gánh nặng của anh chị em thế nào đi nữa, thì chính Chúa Giêsu tụ họp chúng ta; Ngài tiếp đón từng người như họ là, và trong Ngài chúng ta tất cả là anh chị em với nhau, con của cùng một Thiên Chúa Cha. Với các vị đồng hành với anh chị em, anh chị em làm chứng cho tình huynh đệ, yêu thương trợ giúp nhau, tạo điều kiện cho nhau đi hành hương, và anh chị em trao ban chính Chúa Giêsu cho họ và cho tôi. Vì Chúa Giêsu đã muốn chia sẻ điều kiện của anh chị em, vì yêu thương, Ngài đã trở thành một người trong anh chị em: bị người khác khinh rẻ, quên lãng, một người không là gì cả. Nhưng Giáo Hội yêu thương và ưa thích điều Chúa Giêsu đã yêu thương và ưa thích. Giáo Hội sẽ không an lòng cho tới khi nào không tới với tất cả những người sống kinh nghiệm bị khước từ, loại bỏ và không có giá trị đối với người khác.”
Đức Thánh Cha cũng cám ơn các người đồng hành với đoàn hành hương người nghèo vì tất cả những gì họ đã làm để giúp các anh chị em này về hành hương Roma trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Họ đã trung thành với lý tưởng của cha Giuseppe Wresinski, chia sẻ cụ thể điều kiện sống của dân nghèo, chứ không yêu thương trong lý thuyết. Các lý thuyết trừu tượng dẫn đưa tới các ý thức hệ và các ý thức hệ dẫn đưa chúng ta tới chỗ chối bỏ rằng Thiên Chúa đã làm người như chúng ta. Cuộc sống chia sẻ với người nghèo biến đổi và hoán cải chúng ta. Anh chị em đã bước vào cuộc sống và sự thất vọng của người nghèo và đã dấy lên một cộng đoàn tái trao ban cho họ một cuộc sống, một căn cước, một phẩm giá. Và Năm Thánh Lòng Thương Xót là dịp giúp tái khám phá và sống chiều kích liên đới, huynh đề, trợ giúp và nâng đỡ nhau. Anh chị em hãy duy trì lòng can đảm giữa các âu lo, duy trì niềm vui và hy vọng. Ước chi ngọn lửa ấy đừng tắt ngấm nơi anh chị em.
Đức Thánh Cha đã phó thác cho các anh chị em nghèo một sứ mạng: đó là cầu nguyện cho ơn hoán cải của tất cả những ai là nguyên nhân tình trạng sống nghèo túng của họ, để xin ơn hoàn cải cho họ; cầu nguyện cho biết bao nhiêu người giầu ăn mặc sang trọng, mở tiệc tưng bừng, nhưng không nhận ra biết bao nhiêu Ladarô nghèo trước cửa nhà thèm một chút thức ăn thừa từ bàn của họ. Cầu nguyện cho các tư tế, các lêvi tránh né và ngoảnh mặt đi qua, không cứu giúp người bị nạn dở sống dở chết. Cầu nguyện cho họ và cho biết bao nhiêu người khác dính líu tới cảnh nghèo túng và khổ đau của ho, mỉm cười với họ từ thâm tâm, cầu mong sự lành cho họ và xin Chúa Giêsu hoán cải họ. Nếu anh chị em làm điều đó, tôi bảo đảm với anh chị em là sẽ có niềm vui lớn trong Giáo Hội, trong tim anh chị em và trong nước Pháp thân yêu.
3. Người Công Giáo Á Căn Đình mong mỏi 5 giáo sĩ bị chế độ quân phiệt sát hại sớm được phong chân phước
Khi người Công Giáo ở Á Căn Đình đánh dấu kỷ niệm lần thứ 40 vụ sát hại năm giáo sĩ ở nước này, Đức Hồng Y Tổng Giám mục Buenos Aires bày tỏ sự ủng hộ của ngài cho tiến trình xét phong Chân Phước tử đạo cho các vị nói trên.
Đức Hồng Y Mario Poli nói: “Máu các vị tử đạo là hạt giống cho các Kitô hữu mới,” trong thánh lễ ngày 04 tháng 7 kính nhớ ba linh mục và hai chủng sinh bị thiệt mạng vào năm 1976.
Có lẽ người ta sẽ không bao giờ biết chính xác ai là kẻ giết các ngài. Nhưng rất ít người nghi ngờ rằng các sát thủ đã hành động theo lệnh của các nhà lãnh đạo quân sự trong thời kỳ quân phiệt, là những kẻ đã cáo buộc các linh mục cấu kết với chủ nghĩa Marx.
Trong khuôn khổ đánh dấu kỷ niệm lần thứ 40 vụ sát hại các giáo sĩ Công Giáo, các Giám Mục Công Giáo Á Căn Đình đã công bố các tài liệu liên quan đến vai trò của hàng giáo phẩm Công Giáo trong những năm khi Á Căn Đình bị cai trị bởi chính quyền quân sự.
Giáo Hội Công Giáo tại Á Căn Đình thường bị phê phán là chia rẽ trong thời gian cai trị quân sự, từ năm 1976 đến năm 1983. Một số Giám Mục được coi là đồng minh của các nhà lãnh đạo quân sự, bất chấp các các vụ lạm dụng nhân quyền trong cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” của chính phủ chống lại những người hô hào dân chủ. Đồng thời, một số Giám Mục và linh mục Công Giáo đã có những dấn thân nổi bật chống lại chế độ quân sự này.
4. Các Giám Mục Venezuela cầu nguyện cho quốc gia
Các giám mục Venezuela đã quỳ cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa cho quốc gia hôm 7 tháng Bẩy trước khi bắt đầu cuộc họp kéo dài sáu ngày.
Venezuela có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới tới 500%, và cuộc họp của các giám mục đang diễn ra trong bối cảnh một nạn đói khủng khiếp đang lan tràn, tình trạng bất ổn, bạo lực, cướp bóc, đánh nhau và căng thẳng chính trị.
Ngày 01 Tháng Bảy, một băng nhóm đã tấn công năm chủng sinh để cướp bóc. Trong những ngày gần đây, khi giá một qủa trứng gà đã lên tới 20 Mỹ Kim, hàng trăm phụ nữ đã vượt biên giới trái phép sang Colombia để mua thực phẩm, và một phụ nữ đã bị bắn chết.
Trong khi đó, các quốc gia Nam Mỹ trong khối Mercosur, tức là Thị trường chung Nam Mỹ -đang cố gắng để ngăn chặn Venezuela đảm nhận trách vụ lãnh đạo theo kỳ hạn khối thương mại khu vực.
Venezuela là một quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu, vàng, kim cương và một loạt các khoáng chất khác. Tuy nhiên, quốc gia này đang trải qua một cuộc khủng hoảng trong đó hầu hết người dân không thể tìm được thức ăn và thuốc men.
Trong vài tháng qua, tình trạng bất ổn xã hội đã lan rộng tại Venezuela. Người dân Venezuela tràn ra đường phố đòi hỏi các nhu cầu cơ bản của họ, tấn công các xe tải chở hàng hóa và các cửa hàng để có được các nhu yếu phẩm. Các hoạt động hàng ngày của họ bị gián đoạn bởi điện nước bị cắt. Đó là kết quả của với bỏ bê tu sửa các cơ sở hạ tầng cơ bản trong một thời gian dài dưới chế độ mị dân của Hugo Chavéz.
Cầm quyền trong 14 năm cho đến khi qua đời vào năm 2013, Hugo Chavéz để lại một di sản thê thảm cho Nicolás Maduro, một tên ngu dốt, trước đó làm tài xế xe buýt, lãnh đạo công đoàn và là một ủng hộ viên vô điều kiện của Chávez. Đổi lại, Chavez bổ nhiệm Nicolás Maduro là thành viên Quốc hội, rồi Bộ trưởng Ngoại giao, Phó chủ tịch và sau đó là người thừa kế của mình.
Maduro đã cố gắng bắt chước phong cách của Chavez, làm cho hình ảnh của Chávez trở thành bất tử, chế ra các nghi lễ chiêm bái người tiền nhiệm mình và hình thành cả một trung tâm thờ phượng và chi tiêu hoang phí để tạo ra một giáo phái tin vào “Vị Lãnh Tụ Vĩnh Cửu”.
Dưới sự lãnh đạo bất tài của Nicolás Maduro, tham nhũng tràn lan đã đẩy nhanh đất nước vào bờ vực của phá sản và khủng hoảng.
5. Đức Hồng Y Robert Sarah khích lệ các linh mục cử hành thánh lễ hướng mặt về phiá Đông
Đức Hồng Y Robert Sarah, tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, đã khuyến khích các linh mục cử hành Thánh Lễ trong tư thế “ad orientem”, bắt đầu từ Mùa Vọng này.
Trong phụng vụ Kitô giáo, thuật ngữ “ad orientem” là tiếng Latin có nghĩa là “hướng về phía Đông”, dùng để mô tả một tư thế đặc biệt của một linh mục khi cử hành Thánh Lễ.
Trong tư thế “ad orientem”, vị linh mục dâng thánh lễ hướng về bàn thờ, và quay mặt về hướng Đông. Như thế, vị linh mục và cộng đoàn cùng nhìn về một hướng thay cho tư thế linh mục quay xuống đối mặt với cộng đoàn.
“Tôi xin anh em thực hiện thực hành này bất cứ nơi nào có thể,” Đức Hồng Y Sarah nói như trên trong hội nghị Phụng Vụ Thánh tại London vào ngày 5 tháng Bẩy. Ngài khuyến khích các linh mục chuẩn bị cho sự thay đổi này bằng cách giải thích ý nghĩa của tư thế “ad orientem” cho anh chị em giáo dân.
Điều rất quan trọng là chúng ta trở lại càng sớm càng tốt với định hướng chung trong đó các linh mục và anh chị em giáo dân cùng quay về một phía là phía đông hoặc ít nhất là hướng về cung thánh, hướng về Chúa, là Đấng sẽ ngự đến. Đức Hồng Y nói: “Thật là thích hợp để bắt đầu sử dụng tư thế này khi Giáo Hội bước vào mùa Vọng, là mùa chúng ta mong đợi Chúa đến.”
Tuy nhiên, sáng thứ Hai 11 tháng Bẩy, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, đã ra một tuyên bố nhấn mạnh rằng Đức Hồng Y Sarah chỉ phát biểu một ý kiến của riêng ngài, chứ không phải là đưa ra một chỉ thị của Vatican, và đến nay “chưa có chỉ thị mới nào về phụng vụ bắt đầu từ Mùa Vọng sắp đến.”
6. Đức Thượng Phụ Bechara Boutros al-Rahi nói không nên khích lệ các tín hữu Kitô bỏ vùng Trung Đông
Trong một cuộc nói chuyện gần đây tại một giáo xứ ở Cincinnati, Hoa Kỳ, Đức Thượng Phụ Bechara Boutros al-Rahi của Công Giáo nghi lễ Maronite đã trình bày về tình trạng hiện nay và triển vọng tương lai của các Kitô hữu tại Trung Đông.
“Các cuộc xung đột Israel-Palestine là nguồn gốc của các vấn đề Trung Đông,” Đức Thượng Phụ al-Rahi, năm nay 76 tuổi, là người đã lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Đông Phương tại Li Băng kể từ năm 2011, đã đưa ra nhận xét trên.
Đức Thượng Phụ cũng nói thêm rằng:
“Các tôn giáo phải được tách biệt khỏi nhà nước; cả Do Thái giáo lẫn Hồi giáo. Đó là một trong những điều kiện cơ bản cho một giải pháp chính trị lâu dài cho khu vực. “
Li Băng, một quốc gia với bốn triệu dân, giờ đây đang phải đón tiếp 1.5 triệu người tị nạn Syria và 500,000 người tị nạn Palestine.
Dịp này Đức Hồng Y Thượng Phụ cũng lên tiếng kêu gọi các quốc gia Hồi giáo và các nhà lãnh đạo tôn giáo phải mạnh mẽ tố cáo quân khủng bố Hồi Giáo IS và cộng đồng quốc tế phải chấm dứt việc buôn bán vũ khí cho các nhóm khủng bố.
“Thay vì khuyến khích các Kitô hữu rời khỏi Trung Đông, họ cần phải giúp đỡ các tín hữu Kitô được ở lại trong nước của mình. Họ cần phải ngưng ngay việc cung cấp vũ khí cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS và các thứ khủng bố khác trên thế giới.”
7. Một nhà điều dưỡng Công Giáo tại Bỉ bị phạt vì từ chối trợ tử cho một bệnh nhân.
Một tòa án dân sự ở Leuven, bên Bỉ đã truyền rằng nhà điều dưỡng Thánh Augustinô của Giáo Hội Công Giáo tại Bỉ “không có quyền từ chối trợ tử vì lý do lương tâm.”
Theo luật pháp của Bỉ, các bác sĩ có thể từ chối tiêm thuốc độc, nhằm mục đích kết thúc mạng sống của một bệnh nhân. Tuy nhiên, tòa án tại Leuven nói rằng “điều khoản lương tâm” này chỉ áp dụng cho cá nhân, không phải cho các tổ chức.
Bệnh nhân trong vụ án này là một phụ nữ 74 tuổi bị ung thư phổi, cuối cùng được đưa ra khỏi nhà điều dưỡng để về nhà riêng của mình, ở đó một bác sĩ đã chích một liều gây tử vong.
Tòa truyền rằng nhà điều dưỡng Thánh Augustinô phải trả tiền phạt là 3,000 € (khoảng 3,320 Mỹ Kim), và 1,000 € cho mỗi một trong ba đứa con của người phụ nữ đã chết vì “các đau khổ không cần thiết về tinh thần và thể chất.”
Cộng với các án phí, nhà điều dưỡng Thánh Augustinô, sau một thời gian tận tình chăm sóc cho người phụ nữ này, đã phải đóng phạt một con số lên đến hơn 10,000 Mỹ Kim.
8. Di dân chiếm nhà thờ chính tòa Regensburg
Hôm thứ Ba 5 tháng 7, một nhóm 40 người nhập cư đã chiếm nhà thờ chính tòa Công Giáo tại Regensburg, để đòi được ở lại Đức. Họ là những di dân đến từ các quốc gia vùng Balkan, và không được cấp quyền lưu trú vì thiếu các giấy tờ cần thiết.
Những người nhập cư này đã được đưa đến các trung tâm chuyển tiếp trong vùng Bavaria là Ingolstadt và Regensburg để chờ ngày hồi hương.
Phát ngôn viên của giáo phận Regensburg cho biết giáo phận không đồng ý cho các di dân này chiếm nhà thờ làm nơi tị nạn. Tuy nhiên, cho đến nay, giáo phận cũng không lên tiếng kêu gọi cảnh sát can thiệp. Do đó, sinh hoạt của nhà thờ chính tòa bị gián đoạn từ thứ Ba 5 tháng 7 đến nay.
9. Đức Cha Gervas Rozario than phiền về việc gia tăng các trường Hồi Giáo dạy các tư tưởng cực đoan
Lên tiếng về các cuộc tấn công khủng bố ngày 01 tháng Bảy giết chết 20 người ở thủ đô Dhaka, một giám mục Công Giáo ở Bangladesh nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc rằng chủ nghĩa cực đoan đang sinh sôi nẩy nở trong những người trẻ tuổi một phần lớn là do sự thất bại của các gia đình.
Đức Giám Mục Gervas Rozario của Rajshahi nhận xét rằng nhiều bậc phụ huynh đã thất bại trong việc cung cấp các chăm sóc thực sự cho trẻ em, đặc biệt là bỏ bê việc giáo dục đạo đức cho họ.
Ngài nói:
“Họ để mặc cho con em mình tiếp xúc với các tư tưởng cực đoan. Và chúng ta không thể quên được những vấn nạn liên quan đến việc phát triển ồ ạt các trường madrasas nơi người trẻ đang bị tẩy não, và bị đào tạo với những ý tưởng cực đoan.”
Madrasas là từ chỉ các trường dạy kinh Koran miễn phí, nơi các thầy giảng kinh Koran đua nhau đưa ra những tư tưởng bạo lực và bất khoan dung tôn giáo.
Đức Cha Rozario ghi nhận rằng các thanh niên tham gia vào các vụ tấn công khủng bố tại Dhaka đều xuất thân từ những gia đình giàu có và đang theo học tại các trường có uy tín. Bề ngoài của họ là các “chàng trai tử tế” nhưng họ đã bị tẩy não bằng các tư tưởng Hồi giáo cực đoan.
Hôm 1 tháng Bẩy, một nhóm các thanh niên con nhà giàu có, tuổi từ 20 đến 22, đã bắt giữ 20 con tin và sau đó thảm sát họ. Một trong số những tên sát thủ là Rohan Imtiaz Khan. Tên này là con trai của lãnh tụ đảng Liên Minh Awami.
Đức Cha kêu gọi các nhà lãnh đạo Hồi Giáo tại Bangladesh như sau:
“Có những nhà lãnh đạo Hồi giáo tại Bangladesh này đã lên án bạo lực, nhưng chúng ta còn phải làm nhiều hơn và phải làm điều đó cùng với nhau. Tất cả các lực lượng lành mạnh phải, bắt đầu từ chính tổ chức mình, hoạt động để mang lại các giá trị của hòa bình và khoan dung tại trung tâm của các chương trình nghị sự chính trị; và cùng nhau đánh bại mối đe dọa khủng bố”
10. Cảnh sát Ai Cập cho rằng nữ tu Athanasia bị giết vì đạn lạc
Trong thông cáo được đưa ra hôm 6 tháng Bẩy, được đọc tại tu viện Mar Girgis, và được gởi đến thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, cảnh sát tại Guizeh cho rằng chị Athanasia, một nữ tu Chính Thống Coptic đã bị giết vì đạn lạc chứ không phải bị khủng bố tấn công.
Một ngày trước đó, tức là hôm thứ Ba 5 tháng 7, chị Athanasia đi trên một xe hơi cùng với tài xế và các chị em khác trên quốc lộ nối liền thủ đô Cairo và thành phố Alexandria để đến tu viện Mar Girgis ở Khatatba.
Cảnh sát nói rằng khi xe đến Guizeh, chị Athanasia bị trúng một viên đạn và đã qua đời. Cảnh sát tin rằng đó là một viên đạn lạc trong lúc hai gia tộc lớn có máu mặt ở địa phương đang bắn giết nhau.
Báo cáo ban đầu được gửi đến Fides nói cái chết của chị là do một âm mưu khủng bố chống lại người Chính Thống Giáo Coptic Ai Cập.
11. Khủng bố Hồi Giáo Séléka hồi sinh tái chiếm 60% lãnh thổ Trung Phi
Hôm Chúa Nhật 29 tháng 11, 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót đầu tiên tại nhà thờ chính toà Thánh Giuse ở thủ đô Bangui của Cộng Hoà Trung Phi. Trước biến cố này, nhiều người tin rằng bọn khủng bố Hồi Giáo Séléka chỉ còn là một hồn ma sống vất vưởng ở biến giới với Chad.
Tuy nhiên, trong một báo cáo gởi cho tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, Cha Aurelio Gazzera, một thừa sai tại Cộng Hoà Trung Phi cho biết bọn khủng bố Hồi Giáo Séléka đã hồi sinh và đã đạt những chiến thắng lẫy lừng. Quân đội chính phủ liên tục rút chạy khiến giờ đây bọn khủng bố đã kiểm soát được 60% lãnh thổ!
Cuộc xung đột tại Cộng Hòa Trung Phi đã bùng lên từ ngày 10 tháng 12 năm 2012 giữa quân đội nước này và phiến quân Hồi Giáo Séléka. Do các yếu tố bất ngờ, đến cuối tháng 12 năm 2012, quân Hồi Giáo đã chiếm được nhiều thành phố và ngày 24 tháng Ba năm 2013 chiếm được thủ đô Bangui. Lãnh đạo phiến quân là Michel Djotodia được đưa lên làm tổng thống.
Quân Hồi Giáo Séléka bắt tay ngay vào việc cướp bóc, hãm hiếp, và thủ tiêu các tín hữu Kitô. Nhóm Hồi Giáo cực đoan này thực hiện âm mưu Hồi Giáo hóa đất nước bằng một cuộc diệt chủng người Kitô Giáo trên một quy mô kinh hoàng đến mức chính Michel Djotodia đã bất ngờ tuyên bố từ chức và đào vong ở nước ngoài hôm 10 tháng Giêng năm 2014 để tránh bị bắt đưa ra trước tòa án quốc tế về tội ác chống nhân loại.
Quân Séléka như rắn mất đầu đã mất quyền kiểm soát trên hầu hết các thành phố lớn tại Cộng Hòa Trung Phi và phải rút chạy sang Chad.
Tuy nhiên, trong vòng hai năm qua, các khí tài chiến tranh được liên tục đưa lậu vào Chad từ các quốc gia Hồi Giáo nhằm hồi sinh quân Séléka.
Cha Aurelio giải thích thêm như sau:
“Đã có những thông tin sai được đưa ra trên Internet, theo đó nhiều người Hồi giáo đã bị giết hoặc bị tra tấn dã man. Có ai đó đang cố gắng cố thúc đẩy tình trạng bất ổn”.
Trong tháng Sáu đã liên tiếp xảy ra các vụ bắt cóc các viên chức cảnh sát ngay tại Bangui, thủ đô của quốc gia. Cha Gazzera nhận xét rằng: “Điều này khẳng định sự suy yếu thê thảm của chính phủ”.
12. Amnesty International: Mỹ ủng hộ các nhóm phiến quân Syria bất chấp tội ác chống các tín hữu Kitô của các nhóm này
Amnesty International, tức là Tổ chức Ân xá Quốc tế, đã công bố một báo cáo về các vụ bắt cóc, tra tấn và giết người trong khu vực kiểm soát của các nhóm phiến quân Syria được Mỹ ủng hộ.
Các báo cáo, được công bố hôm 05 Tháng Bảy, đưa ra “một cái nhìn khác thường về cuộc sống thực sự là như thế nào trong các khu vực dưới sự kiểm soát của các nhóm vũ trang chống chính phủ của tổng thống Bashar al-Assad”.
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, “các nhóm phiến quân này đang được sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ và các nước trong khu vực như Qatar, Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp những bằng chứng cho thấy các nhóm này đang vi phạm công pháp quốc tế về nhân đạo.”
Thảo luận về chính sách khủng bố nhắm vào các Kitô hữu, báo cáo cho biết:
“Nhiều cư dân Kitô hữu là nạn nhân của các vụ bắt cóc trong các khu vực nằm trong tay phiến quân tại Aleppo và Idleb. Họ đã phải đối mặt với những vụ bách hại vì niềm tin tôn giáo của mình. Ba nhà hoạt động và hai linh mục được Tổ chức Ân xá Quốc tế phỏng vấn cho biết phiến quân Jabhat al-Nusra và phong trào Hồi Giáo Ahrar al-Sham đã phá hủy các nhà thờ và gây ra những vụ bắt cóc các Kitô hữu tại Idleb. Họ nói thêm rằng một số gia đình Kitô hữu đã bị buộc cải đạo sang Hồi Giáo hoặc ra đi khỏi các khu vực này với hai bàn tay trắng trong hiểm nghèo .. Bọn Jabhat al-Nusra tại Idleb đã bắt cóc một số lớn Kitô hữu để đòi tiền chuộc hay thậm chí là thủ tiêu họ để tịch thu nhà cửa và đánh cắp đồ đạc của họ.”
13. Một Giám Mục California qua đời năm 1991 được tuyên phong Bậc Đáng Kính
Trong buổi điều trần ngày 08 Tháng 7 với Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng Trưởng Bộ Tuyên Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn nghị định tuyên thánh cho chín vị.
Trước hết, Đức Thánh Cha phê chuẩn việc công nhận một phép lạ nhờ lời cầu bầu của Cha Ormières Louis (1809-1890), một linh mục người Pháp, là đấng sáng lập Dòng Nữ Thánh Thiên Thần Hộ Thủ, mở đường cho việc tuyên phong Chân Phước cho ngài.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng phê duyệt hai sắc lệnh công nhận việc tử đạo, mở đường cho việc tuyên phong Chân Phước cho:
Cha Antonio Arribas Hortigüela, MSC (1908-1936) và sáu bạn tử đạo thuộc dòng Thừa Sai Thánh Tâm Chúa Giêsu, bị giết tại Serina, Catalonia, Tây Ban Nha trong cuộc nội chiến tại quốc gia này.
Anh Josef Mayr-Nusser (1910-1945), một giáo dân Ý đã hoạt động trong Hội Thánh Vincent de Paul, một người chồng và người cha của một trẻ sơ sinh. Anh bị gọi nhập ngũ vào quân đội của Hitler nhưng kiên quyết từ chối đọc lời tuyên thệ trung thành với Hitler. Anh chết trên đường tới trại tập trung Dachau.
Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng chấp thuận việc công nhận các nhân đức anh hùng cho sáu vị tôi tớ Thiên Chúa, là các vị sẽ được vinh danh với danh hiệu “Bậc Đáng Kính”
Đức Cha Alphonse Gallegos là Giám mục phụ tá Sacramento, sinh năm 1931 và qua đời năm 1991. Ngài sinh tại Albuquerque, thụ phong linh mục Dòng Augustinô vào năm 1958 và được tấn phong giám mục vào năm 1981.
Cha Rafael Sánchez García sinh năm 1911 và qua đời năm 1973, là một linh mục triều tại Tây Ban Nha.
Thầy Andrés García Acosta sinh năm 1800 và qua đời năm 1853, là một tu sĩ Phanxicô sinh tại Tây Ban Nha và qua đời ở Chile
Cha Giuseppe (José) Marchetti, người Ý, sinh năm 1869 và qua đời năm 1896, một nhà truyền giáo dòng Scalabrinian truyền giáo ở Brazil và đồng sáng lập Dòng Thừa Sai Charles Borromeo (Các Nữ Tu dòng Scalabrinian) cùng với em gái của ngài, là Chân Phước Assunta Marchetti
Cha Giacomo Viale, sinh năm 1830 và qua đời năm 1912, là một linh mục dòng Phanxicô người Ý
Chị Maria Pia della Croce (tục danh Notari Maddalena), người Ý, sinh năm 1847 và qua đời năm 1919, là vị sáng lập dòng các Nữ Tu Chầu Thánh Thể.
14. Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu Chầu Mình Thánh Chúa mỗi ngày
Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích tất cả mọi người chầu Thánh Thể mỗi ngày, nếu có thể, trong một video gởi cho Đại Hội Thánh Thể sắp diễn ra tại Genoa, Italia.
“Nhân ngày hồng phúc được ban tặng cho chúng ta, tôi khuyến khích tất cả các tín hữu hãy luôn luôn tôn vinh Thánh Thể,” Đức Thánh Cha nói trong video gửi Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, là Đức Hồng Y Bagnasco Agnelo.
Trích dẫn các tài liệu của Thánh Công Đồng Vatican II, Đức Thánh Cha gọi Thánh Thể là “một bí tích của tình yêu, một dấu chỉ của sự đoàn kết, một mối giây bác ái”, và ngài mời gọi các tín hữu hãy để cho mình được nuôi dưỡng bởi Thánh Thể “để được kết hiệp huynh đệ với nhau, và hợp tác trong việc xây dựng Giáo Hội và thế giới tốt hơn”
“Hơn nữa, tôi muốn khuyến khích tất cả mọi người kính viếng Thánh Thể - hàng ngày nếu được - Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của cuộc sống. Bí Tích Thánh tình yêu vô biên của Chúa Kitô và lòng thương xót của Ngài, được bảo quản trong các nhà thờ của chúng ta, và thường bị bỏ rơi. Hãy đến để thân thưa với Ngài, để lắng nghe Ngài trong im lặng, và để yên bình phó thác chính mình cho Ngài.”
Đại hội Thánh Thể sẽ diễn ra từ 15 đến 18 tháng 9 tại thành phố Genoa phía bắc Italia.
15. Khóa huấn luyện nhân viên Giáo Hội ở Syria đối phó với khủng hoảng nhân đạo
Khoảng hơn mười người, gồm các Giám mục, các đại diện của các dòng tu nam nữ và các nhân viên của Giáo Hội từ một số Giáo phận ở Syria đã tham dự khóa huấn luyện do Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Đồng Tâm) cùng với Catholic Relief Services, Tổ chức Giáo Hội đau khổ và Hội Missio tổ chức từ 29/6-2/7 gần Beirut – Libăng.
Khóa huấn luyện được tổ chức cho các nhân viên Giáo phận đang điều hành các dịch vụ trợ giúp bác ái của Giáo Hội trước cuộc khủng hoảng nhân đạo; để giúp các tổ chức bác ái Công Giáo và các giáo phận có những kế hoạch và thực hiện tốt hơn công tác cứu trợ họ đang làm trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng ở Trung đông. Trong chương trình của khóa cũng có việc huấn luyện nâng cao năng lực, xây dựng và quản lý các dự án, tinh thần trách nhiệm và đào tạo thần học.
Khóa huấn luỵên này nhắm đến các nhu cầu và yêu cầu mà các Giám mục và các tổ chức bác ái đã đưa ra trong kỳ họp vào tháng 9/2015. Đó là lần họp thứ 3 được tổ chức bởi Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, tập trung vào cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria, Iraq và các nước láng giềng. Thông cáo ban hành ngày 30/6 của Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum viết: “Cuộc khủng hoảng ở Syria, Iraq và các nước láng giềng tiếp tục là tâm điểm của mối quan tâm của Tòa Thánh và cộng đồng quốc tế vì sự trầm trọng của những gì đã xảy ra trong chiến tranh
Từ khi cuộc nội chiến bắt đầu tại Syria vào năm 2011, đã có hơn 400 ngàn người chết và 2 triệu người bị thương. Hiện có hơn 12 triệu người ở Syria và 8 triệu ở Iraq cần được giúp đỡ.
Năm 2015, Giáo Hội Công Giáo đã quyên góp hơn 150 triệu Mỹ kim để giúp gần 5 triệu người. Số tiền thường được dùng để trợ giúp việc giáo dục, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và nơi cư trú.