SỰ THẬT BUỘC CỘNG SẢN VIỆT PHẢI CÔNG BỐ THỦ PHẠM FORMOSA

I. LỜI Đức Thánh Cha.

A./ Kinh Truyền Tin ngày 10.07.2016.

1. Bài giảng.

Đúng ngọ ngày 10.07.2016, nhân khi đọc Kinh Truyền Tin với tín hữu và du khách tại quảng trường thánh Phêrô, Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giảng ý nghĩa dụ ngôn ‘Người Samaritano nhân hậu’ (Luca, 10, 25-37) : « Trong trình thuật đơn sơ và khích lệ, dụ ngôn chỉ cho chúng ta thấy một kiểu sống, mà trọng tâm không phải là chính mình mà là những người khác, với các khó khăn của họ, mà chúng ta gặp gỡ trên đường đời và họ kêu gọi sự giúp đỡ từ chúng ta. Nếu họ không kêu gọi chúng ta, thì có cái gì đó không ổn; có cái gì đó không là kitô trong con tim ấy… Chính qua các công việc tốt lành chúng ta làm cho tha nhân với tình thương và niềm vui, đức tin của chúng ta nảy mầm và đem lại hoa trái ».

Vị tiến sĩ luật hỏi Chúa Giêsu ‘xin cho tôi biết ai là người thân cận của tôi? (c. 29)’ và được Người trả lời bằng dụ ngôn này ‘Có một người kia, từ Giêrusalem xuống Giêricô, đã bị cướp tấn công, hành hung và bỏ rơi. Trên con đường đó trước hết có một tư tế đi qua, rồi một lêvi, là những người tuy trông thấy người bị thương, nhưng không dừng lại và đi thẳng (cc.31.32). Rồi có một người Samaritano đi ngang qua, nghĩa là một dân thành Samaria, và như là người Samaritano họ bị người do thái khinh bỉ, bởi vì họ không tuân giữ tôn giáo thật; nhưng trái lại, chính ông ta là người “cảm thương”, khi trông thấy kẻ bị nạn tội nghiệp ấy. Ông tới gần, băng bó các vết thương… đem tới một quán trọ và lo lắng cho người ấy” (cc. 33-34); và ngày hôm sau ông ta phó thác người ấy cho chủ quán trọ săn sóc, trả tiền cho chủ quán và nói rằng ông cũng sẽ trả mọi sự còn lại (c. 35). Bây giờ, Chúa Giêsu hỏi vị tiến sĩ luật: ‘Ai trong ba người – vị tư tế, thầy lêvi, người samaritano – đối với ông là ngưòi thân cận của kẻ đã bị rơi vào tay bọn cướp?’. Dĩ nhiên là người thông minh ông ấy trả lời: ‘Đó là người đã cảm thương anh ta?’ (cc. 36-37)…

- Dụ ngôn ‘Người Samaritano nhân hậu’ là bài học thời sự khẩn cấp tại Việt Nam mà Tin Mừng Thầy Chí Thánh đã dạy cho chúng ta, có giá trị trong mọi trường hợp và xuyên qua thời gian. Từ đầu năm nay, nhà nước cộng sản không do dân bầu ngày càng ‘hèn với giặc, ác với dân’: trước thảm cảnh cá chết hàng loạt, để bảo vệ bọn tội phạm ‘Formosa’, chúng đã không ngừng đàn áp đẫm máu những người biểu tình, kể cả trẻ em. Hiện tại, do sợ đồng bào biểu tình chống Tàu cộng, công an đội lốt côn đồ đã chận đánh nhiều người yêu nước. Ngày 09.07.2016, anh Nguyễn viết Dũng bị chặn bắt tại Sài gòn và bị đưa lên phi cơ bay về Nghệ an. Ngay tại sân bay Vinh, anh bị bắt đưa lên xe và bị đánh lối một giờ rồi mới được thả xuống đường. Anh phải tự liên lạc với gia đình để đón về nhà.

Cùng ngày, một nhóm 8 bạn trẻ, trong đó có những thành viên Hội Anh em Dân chủ đi dự đám cưới một bạn ở Cửa lò (Nghệ an) đã bị chặn, tước tiền bạc, điện thoại và bị đưa lên xe. Anh Nguyễn trung Trực thuật lại sự việc: « Cách Cửa lò vài cây số, xe dừng lại để mua phong bì và quà. Bỗng nhiên, xuất hiện chừng 40-50 người vây lấy chúng tôi. Nhanh chóng, họ giật chìa khóa, cướp tài sản và tống chúng tôi lên xe. Trên xe có sẵn an ninh và như thế họ đánh túi bụi, đè đầu. Sau đó, họ cho xe chạy lối 15 cây số, dừng xe lại và họ lôi xuống đánh tiếp, đánh nhừ tử. Bản thân tôi bị đánh ngất hai lần như mọi người khác! Khi chạy đến rừng Trường sơn, ranh giới giữa Hà tĩnh và Nghệ an, họ tống chúng tôi xuống lề rừng và lấy hết tài sản, tiền bạc, điện thoại, giấy tờ tùy thân. Họ bỏ chúng tôi ở đó; đặc biệt họ xé hết áo quần, có người chỉ còn lại quần lót, có người không còn mảnh vải che thân! Rồi họ biến mất… Những dân địa phương đến hỏi han chúng tôi, giúp đỡ một ít áo quần mặc tạm. Khi lần mò được đến Giáo xứ Kẻ động cách đó chừng 15 cây số. Nhờ sự che chở của giáo dân và Cha Micae Trần Định, cũng như chữa vết thương, bảo vệ an ninh. Mãi đến trưa ngày 10.07.2016, chúng tôi mới về được đến nhà ».

Ngày 10.07.2016, anh Lã việt Dũng, thành viên đội bóng NoU bị côn đồ tấn công gây thương tích nặng sau khi anh gặp các thành viên khác sau khi trận bóng chấm dứt. Thông tấn xã AFP cho biết anh bị tấn công với các vết thương nặng trên đầu do bị đập bằng đá và được bạn bè đưa vào bệnh viện cấp cứu. NoU là chữ viết tắt ‘không chấp nhận đường lưỡi bò’ do Tàu cộng vẽ cho là chủ quyền của chúng bao gồm nhiều nước, trong đó có Việt Nam (ngày 12.07.2016, Tòa trọng tài quốc tế đã bác bỏ trò cướp chủ quyền này). Đội bóng này được thành lập năm 2011 và thường tổ chức các trận đấu giao hữu với các đội bóng khác tại Hà nội tuy phải thay đổi sân bóng rất nhiều lần do bị ngăn cấm và sách nhiễu. Anh Dũng cho rằng mình bị tấn công, sách nhiễu vì chính kiến của anh chống lại bá quyền Trung cộng và nhà nước Việt cộng không thích điều đó.

2. Ngày Chúa Nhật của Biển.

Sau khi ban phép lành Toà thánh cho mọi người, Đức Phanxicô đã nhắc tới ‘Ngày Chúa Nhật của Biển’ nhằm ủng hộ việc săn sóc mục vụ cho người sống trên biển: « Tôi khích lệ các thủy thủ và các ngư phủ trong công việc làm của họ thường cam go và nguy hiểm, cũng như các linh muc tuyên uý và các thiện nguyện viên trong công việc phục vụ quý báu của họ. Xin Mẹ Maria là Sao Biển canh chừng trên anh chị em ». Những lời nhắc nhở của vị Cha Chung đưa chúng ta nhớ về Quê hương, nơi Biển đã chết và việc phục hồi vô cùng khó khăn do Việt Nam không có một nhà nước do dân cử mà chỉ theo ý cộng đảng Tàu (như Nguyễn cơ Thạch phải rời chức Bộ trưởng ngoại giao vì ông không hồ hởi với mật ước Thành đô) và chúng là những kẻ ‘hèn với giặc và ác với dân’. Như tiền nhân đã lưu truyền ‘Gần đèn thì sáng, gần mực thì đen’ nên những ai muốn là lãnh đạo, dân sự hay tôn giáo, đều có khung hướng giống họ. Hồng Y tôi tớ Chúa P.X. Nguyễn văn Thuận đã lưu ý chúng ta ‘Chọn Chúa, chứ không chọn việc của Chúa’.

Hệ sinh thái biển 4 tỉnh miền Trung (Hà tỉnh, Quảng bình, Quảng trị và Thừa thiên) hầu như đã bị hủy diệt, vì nhà máy thép Formosa Hà tĩnh xả thải độc chất chưa qua xử lý ra môi trường. Nhà nước Việt Nam hứa hẹn tìm biện pháp giải quyết ô nhiễm, phục hồi môi trường biển, nhưng họ có khả năng và phương tiện để thực thi hay không? Các thủy thủ và các ngư phủ ở Việt Nam phải ra khơi để vừa đánh bắt hải sản vừa phải hiện diện hầu bảo vệ chủ quyền Quốc gia chống bọn bá quyền Tàu cộng.

B./ Thông điệp Bảo vệ Thiên nhiên.

Ngày 18.06.2015, Thông điệp ‘Laudato sí’ (Vinh danh Thiên Chúa) về bảo vệ thiên nhiên được Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành. Thông điệp lấy tên từ lời cầu của thánh Phanxicô. 'Laudato sí, mí Signore' (Lạy Chúa của con, chúc tụng Chúa), trong ‘Bài ca Vạn vật’ nhắc nhởù mọi người rằng trái đất là ‘căn nhà chung của chúng ta’. Người đã đặt câu hỏi như là trọng tâm thông điệp ‘Loại thế giới nào chúng ta muốn chuyển lại cho những người đến sau chúng ta, cho các trẻ em đang lớn lên?’ và để mời chúng ta ‘săn sóc căn nhà chung’. Người viết tiếp ‘Nghi vấn này không chỉ liên quan đến môi trường mà thôi, vì ta không thể đặt câu hỏi chỉ một phần’, và điều này khiến phải tự hỏi về ý nghĩa cuộc sống và những giá trị làm căn bản cho đời sống xã hội: ‘Chúng ta đến trần thế này để làm gì? Chúng ta hoạt động và tranh đấu với mục đích nào? Tại sao trái đất lại cần chúng ta?’. ‘Nếu chúng ta không đặt những câu hỏi căn bản này, thì tôi không tin rằng những quan tâm của chúng ta về môi trường có thể có những giải đáp quan trọng’.

‘Bài ca Vạn vật’ nhắc chúng ta trái đất là căn nhà chung của mình, ‘cũng như người chị chúng ta, chúng ta chia sẻ cuộc sống với chị ấy, và như người mẹ tươi đẹp đón nhận chúng ta trong vòng tay mẹ’ (1). Do ‘chúng ta là đất’ (x. St 2,7), nên thân thể chúng ta được cấu thành nhờ những thành tố của trái đất, không khí là yếu tố mang lại cho chúng ta hơi thở và nước từ trái đất làm cho chúng ta được sống và được bổ dưỡng’ (2).

Ngỏ lời với tín hữu Công Giáo, Đức Thánh Cha nhắc lại lời Thánh Gioan Phaolô II: ‘Đặc biệt Kitô hữu nhận biết các nghĩa vụ mình trong thiên nhiên, đối với thiên nhiên và Đấng Tạo hóa là thành phần Đức Tin mình’ (64), nhưng họ ‘đặc biệt muốn đối thoại với tất cả mọi người về căn nhà chung chúng ta’ (3): đối thoại được nhắc trong toàn Thông điệp, và nơi chương V, nó trở thành một phương thế để đối phó và giải quyết các vấn đề. Từ đầu, Đức Phanxicô nhắc nhở cả ‘các Giáo Hội và Cộng đoàn Kitô khác đã phát triển sự quan tâm sâu xa và một suy tư quí báu’ về đề tài môi sinh học (7)…

Văn kiện này đã được Đức Thánh Cha ban hành đúng lúc chúng ta học hỏi trước khi môi trường Quê hương bị tàn phá do sự tham nhũng và vô trách nhiệm của nhà nước cộng sản.

II.- THẢM TRẠNG FORMOSA HỦY HOẠI MÔI TRƯỜNG.

A./ Sự kiện.

Từ ngày 06.04.2016, tình trạng cá chết được ngư dân phát hiện tại vùng biển một số xã thuộc thị xã Kỳ anh (Hà tĩnh). Hôm 10.04.2016, hiện tượng này lan tiếp đến vùng biển xã Quảng đông, huyện Quảng trạch (Quảng bình), rồi tiếp đến vùng biển Quảng trị và lan rộng vào Thừa thiên-Huế. Hiện tượng cá chết vẫn tiếp tục xuất hiện suốt 20 ngày dọc theo bờ biển miền Trung dài hơn 200 cây số… Ngư dân phải đưa thuyền lên bờ phơi nắng và nhịn đói. Tại Quảng bình, hàng loạt người dân ăn cá phải vào bệnh viện cấp cứu… Nguy cơ ô nhiễm môi trường thật là trầm trọng.

B./ Thủ phạm tàn phá môi trường.

Formosa Plastics Group là một doanh hiệu mang nhiều tai tiếng trên thế giới về hành vi gây ô nhiễm môi trường gây ung thư và chết người. Năm 2009, chúng nhận giải ‘Hành tinh đen’ do Ethecon, một tổ chức bảo vệ môi trường ở Đức dành cho những cá nhân hay tổ chức ‘góp phần’ vào việc phá hủy môi trường. Đây là một tập đoàn công nghiệp đa ngành hàng đầu Đài loan, đầu tư khoảng 10 tỷ Mỹ kim vào dự án Vũng áng và được các bên thứ ba quan tâm đầu tư. Do đó, số vốn đầu tư này đã đổi chủ thành Trung cộng hay Công ty JFE (Nhật), có thể tham gia đầu tư lối 27 tỷ yên (220 triệu Mỹ kim) vào dự án này (Reuter, 30.07.2015). Đó là dự án quy mô rất lớn ở Việt Nam và tham nhủng gia tăng không kém : bọn cướp chính quyền chia nhau ‘đớp’ trên sự đau khổ người dân đồng bào.

Từ khi khởi công, Formosa đã để xảy ra nhiều điều tai tiếng ở Việt Nam :

1. Đưa nhiều ngàn lao động Tàu làm việc ‘chui’ ở Vũng áng ;

2. Sập giàn giáo ở Hà tĩnh ngày 25.03.2015: 13 người chết, 29 bị thương ;

3. Đổ trộm rác thải ra, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ;

4. Năm 2011, chúng chọc giận giáo dân Hà tĩnh nổi giận khi, không những gây ảnh hưởng về môi trường làm ăn của ngư dân, còn ‘thuê’ công an trấn áp sự phản kháng của dân chúng. Kết quả, sau nhiều ngày chịu đựng, giáo dân đã bắt 5 công an, nhốt lại mà chính quyền không dám phản ứng mạnh, mà phải nhờ sự can thiệp của linh mục chính xứ, 5 công an mới được thả ra ;

5. Sự hiện diện của người Tàu chưa đầy 10 năm tại vùng đất này thì có hàng loạt vụ thảm trạng xã hội (thanh niên hư hỏng, thiếu nữ nghiện ngập và bán dâm, cá độ bóng đá, cho vay nặng lãi, nạn xì ke ma túy tràn lan… ;

6. Nghi án Formosa xả thải độc chất ra biển, làm hàng chục tấn cá chết.

Trong khi, vì Formosa Vũng áng là khu công nghiệp có yếu tố nước ngoài nên các cơ quan chức năng không vào được, nhà cầm quyền cộng sản đã mất ‘chủ quyền’ ngay trên chính lãnh thổ Việt Nam? Do đó, phải chờ đến ngày 25.04.2016 khi ông Chu xuân Phàm (Chou Chun Fan), Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa trả lời phóng viên Lan Anh là ‘đã xả thải thì phải tác động đến môi trường, nên phải chọn hoặc là thép hoặc tôm cá. Trước kia, nơi trồng lúa mà nay là nơi đặt nhà máy thì đâu còn lúa. Đó cũng là đã phải chọn lựa. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được’. Trước câu trả lời ‘thật’ này, mới đầu, nhiều người Việt phản đối ông. Hậu quả, ông đã bị sa thải và các lãnh đạo Fortmosa xin lỗi ‘láo’ người Việt. Sau đó, người ta nhận thức là, vô ý hay không, ông đã tiết lộ Thủ phạm Thật sự. Tối ngày 27.04.2016, trong một cuộc họp báo ngắn chỉ 15 phút để Thứ trưởng Võ tuấn Nhân lên tiếng bênh vực tập đoàn Formosa khi tuyên bố: « Chưa có bằng chứng để xác định Formosa Vũng áng có liên quan đến cá chết ».

C./ Hành động vì môi trường.

Sau thảm trạng cá chết, ngày 27.04.2016, Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh cũng ra thông cáo, yêu cầu nhà cầm quyền ‘thành lập một Ủy ban điều tra độc lập cấp Chính phủ, với sự cố vấn của các chuyên gia trong nước cũng như các cơ quan quốc tế có uy tín trong lĩnh vực bảo vệ môi sinh’, ‘Hỗ trợ ngư dân, hộ gia đình nuôi trồng thủy hải sản, làm muối và các doanh nghiệp để họ có cuộc sống ổn định và duy trì nghề nghiệp của họ’.

Ngày 13.05.2016, Đức Cha Phaolô Nguyễn thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh công bố ‘Thư Chung’ về ô nhiễm môi trường biển tại miền Trung. Qua đó, Người kêu gọi người Công Giáo có trách nhiệm với quê hương, đất nước và các thế hệ tương lại bằng các hành động thiết thực như: không sản xuất thực phẩm bẩn, phá hoại môi trường, nên chôn cất, không trao đổi, giao dịch cá chết, hợp tác tìm ra thủ phạm vụ việc,... Nhân dịp này, Đức Cha cho rằng các nhà chức trách đã tránh né công bố nguyên nhân và thủ phạm hơn một tháng.

Ngày 12.06.2016, hàng trăm người dân ở khu vực Quỳnh lưu (Nghệ an) xuống đường vì hiện tượng cá chết đã xảy ra từ hơn hai tháng nay. Ông Trần minh Nhật, thuộc truyền thông Công Giáo 'Tin mừng cho người nghèo' nói với đải BBC : ‘Đồng bào Quỳnh lưu đa phần là ngư dân. Công việc chính của họ là nghề biển. Thảm họa môi trường hiện nay làm cuộc sống của họ gần như đảo lộn. Tàu thuyền không thể ra khơi, hay có đưa cá về cũng không thể bán được’. Trong cuộc biểu tình, đồng bào ở đây giăng biểu ngữ có nội dung ‘Phản đối VTV1 vu cáo đối với Đức Cha Phaolô Nguyễn thái Hợp’. Việc gây ra phản đối xuất phát từ bản tin ngày 13.05.2016 của Đài Truyền hình VTV nói: ‘ngày 13.05.2016 Giám mục Giáo phận Vinh Nguyễn thái Hợp đã ra bản thư chung, diễn tả sự việc một cách thiếu khách quan, thổi phồng, gây hoang mang và dùng những lời lẽ kích động giáo dân’.

Sáng ngày 16.06.2016, bất ngờ Đức Cha Giuse Ngô quang Kiệt đến thăm bà con giáo dân Đông Yên, khiến nhiều người không kìm được cảm xúc của mình đã khóc lớn. Những giọt nước mắt trào ra; những dồn nén, oan ức mấy năm nay tự nhiên vỡ ra… Đức Cha đã cùng bà con vào nhà thờ, cùng nhau kunh nguyện, ân cần hỏi thăm, động viên. Người căn dặn, trong đau khổ, người giáo dân phải can trường gìn giữ đức tin, làm chứng cho sự thật-công lý-hòa bình, sống yêu thương, tha thứ cho kẻ thù. Đức Cha đã ban phước lành cho tín hữu.

D./ Sự ‘Phản kháng Cá chết hàng loạt’ vượt biên giới Tổ quốc.

Ngày 13.05.2016, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc tiếp tục lên tiếng bày tỏ ‘quan ngại về tình trạng bạo lực gia tăng nhắm vào những người biểu tình bày tỏ sự bất bình về việc cá chết bí hiểm hàng loạt ở miền Trung’. Cơ quan nhân quyền này cũng kêu gọi ‘chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền tự do hội họp của theo đúng các cam kết về nhân quyền quốc tế’. Chúa Nhật ngày 08.05.2016, chính quyền đã đàn áp thẳng tay các cuộc biểu tình ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của khoảng 3.000 người. Hơi cay được sử dụng để giải tán người biểu tình, và có ghi nhận khoảng 300 người, bất kể phụ nữ và trẻ em, bị đánh đập và bắt giữ. Chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam tuân thủ các khuôn khổ pháp lý trong việc bảo vệ môi trường và quyền con người. Không cản trở và đảm bảo rằng tất cả những người dân bị ảnh hưởng do nạn cá chết, trường hợp này là các ngư dân, được hưởng các đền bù thỏa đáng. Nhân viên các nước thành viên Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc không còn biết mắc cở khi trong cơ quan này có một thành viên thường xuyên tước đoạt nhân quyền người dân như Cộng sản Việt Nam.

Sáng ngày 01.05.2016, hiệp thông với đồng bào Hà nội và vài tỉnh, thành khác, cộng đồng người Việt sinh sống, lao động và học tập tại Đài loan biểu tình chống Formosa trước Phủ Tổng thống Đài loan.

Sau đó, thảm họa cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam mà nghi phạm là công ty Formosa ở Vũng áng, đã lan đến Đài loan. Trong hai ngày 15 và 16.06.2016, đã có một cuộc họp báo ở Quốc hội và một ngày họp của các cổ đông Formosa, đồng thời, bên ngoài có cuộc biểu tình phản đối Formosa với sự góp mặt của nhiều người Việt. Được mời tham dự và góp tiếng tại buổi họp báo này và tham dự biểu tình ngày hôm sau, linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Văn phòng Trợ giúp Pháp lý cho Công nhân và Cô Dâu Việt ở Đài loan, thuật lại diễn biến sự việc về :

Cuộc họp báo được tổ chức bởi các Dân biểu và các tổ chức phi chính phủ gồm Liên minh theo dõi và Thực thi Công ước Nhân quyền, Hiệp hội Luật sư về Môi trường và Văn Phòng chúng tôi với một người lao động, anh Lê quang Đông, xuất thân từ huyện Kỳ anh. Gia đình anh là một trong những gia đình bị bắt di dời khỏi vùng Đông yên. Những gia đình không chịu dời đi thì các con không được đi học. Anh ấy trình bày những gì đã thấy, đã nghe và đã biết.

Dân biểu Ngô công Dụ, giáo sư đại học, nói về vấn đề hóa chất có thể gây nên thảm trạng ô nhiễm môi trường. Dân biểu Tô trị Phân, đến từ tỉnh Vân Lâm, nơi có một công ty Formosa lọc dầu. Chính công ty này đã gây nên ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường sống chung quanh của người dân Đài Loan cũng như các loài cá sống trong vùng biển này. Sau cùng, Dân biểu Vu mỹ Nữ đã nói lên quyền được sống, được an cư lạc nghiệp, được chọn nơi mình ở, được giáo dục... Những quyền đó đã bị tước đoạt khi Formosa đến Hà tĩnh, buộc cả ngàn hộ dân ở vùng Đông yên phải di dời. Hiện nay còn 180 hộ từ chối không đi vì mức bồi thường không công bằng. Nên để tạo áp lực, nhà nước Cộng sản không cho con em của họ đi học ở trường quanh đó mà bắt các em phải đến cái trường nơi đó họ yêu cầu gia đình các em phải di dời đến.

Tiếp đến, đại diện Hiệp hội Luật sư về Môi Trường cho biết : Năm 2009, Formosa cũng đã đệ trình dự án thành lập một cơ xưởng như họ đang có ở Hà tĩnh nhưng đã bị chính quyền Đài Loan yêu cầu làm lại những việc họ nghĩ chưa tốt và sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống. Do đó, Formosa đã đưa dự án đó qua Việt Nam. Sau đó, đến phần báo cáo của một nhân viên cao cấp Bộ Môi sinh : Khi biến cố cá chết xảy ra ở Hà tĩnh thì chính họ đã đề nghị với chính phủ Việt cộng hợp tác để điều tra nhưng chúng từ chối.

Cha Hùng đã nhắc lại sự quan tâm của Giáo Hội Công Giáo. Năm ngoái, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ra một Thông điệp liên quan đến môi sinh, Người có nói đến một yếu tố rất quan trọng là sự liên hệ việc tàn phá môi trường sống mà những công ty kinh doanh trong đó có công ty của nước ngoài, làm ô nhiễm môi trường sống là tội lỗi chống lại tự nhiên, chống lại chúng ta và chống lại Thiên Chúa. Công ty Formosa Đài loan phải điều tra và phải giải trình một cách công khai cho người Đài Loan, cho chính phủ Đài loan và cho người Việt Nam biết được nguyên nhân gây tác hại môi trường sống như vậy.

Trước áp lực từ giới công quyền và các tổ chức phi chánh phủ Đài loan, công ty Formosa buộc lòng phải cho phép nhà cầm quyền Việt Nam, ngày 30.06.2016, công bố kết quả điều tra về nguyên nhân (hàm lượng Phenol, Cyanua và nhiều chất độc hại khác chiếm nồng độ quá mức cho phép ở ngưỡng nặng) và thủ phạm phá hoại môi trường, gây cá chết hàng loạt tại Miền Trung. Thủ phạm Formosa đồng ý đền bù 500 triệu Mỹ kim. Dựa vào những con số tổng kết những thiệt hại mà Đất Nước và đồng bào phải gánh chịu mà chính phủ phải chấp nhận con số 500 triệu Mỹ kim đó ? Formosa phải gánh tội, chính phủ cộng sản phải liên đới chịu tội.

Hà Minh Thảo