Email spam là gì?

Email spam là hành động gởi đi những bản sao của cùng một thông điệp cho hàng loạt người, bất kể người nhận có muốn nhận hay không. Yếu tố chủ yếu trong email spam là tính chất bất kể người nhận có muốn nhận hay không.

Email spam là một hiện tượng tương đối độc đáo ở điểm là người gởi gần như không mất gì nhiều trong khi người nhận thì phải trả giá rất nhiều cho việc nhận những thông điệp đó.

Thí dụ sau cho thấy rõ hơn ý đó: Chúng ta có một tấm hình trong computer khoảng 1 megabyte. Chúng ta gởi hình đó qua email tới địa chỉ a@xyz.com. Việc gởi như vậy mất, chẳng hạn, 5 phút. Nếu chúng ta không chỉ gởi cho ông a, mà còn cho cả ông b, ông c, và tất cả những ông nào mà ta biết email address, ta chỉ mất công đánh máy thêm tiếp vào a@xyz.com;b@uvw.org;.... ..(trong nhiều trường hợp nếu đã có sẵn cũng không cần mất công đánh máy nữa) và vẫn chỉ chờ trong 5 phút mà thôi. Email đó khi lên Internet sẽ tỏa về các địa chỉ của các ông mà ta gởi. Mỗi ông sẽ mất - tùy theo máy nhanh hay chậm, modem mạnh hay yếu, và vận tốc truy nhập Internet của ISP (Internet Service Provider) - từ 10 phút đến vài tiếng đồng hồ để download xuống cái thông điệp bằng hình của ta.

Thiệt hại của người nhận

Chính vì dễ dàng và gần như không mất gì cả như vậy, nhiều người đang thu lượm những địa chỉ email của chúng ta và bỏ vào trong danh sách các địa chỉ của họ để gởi vô tội vạ cho chúng ta đủ các thứ rác rưới.

Một linh mục ở Việt Nam cho chúng tôi biết, ngày kia khi ngài mở computer lên để đọc email, ngài đã phải chờ gần 2 tiếng đồng hồ để lấy xuống hàng trăm email trong đó có vô số những email giống hệt như nhau (chỉ khác tên người gởi). Tất cả những email này tuy đều dùng chữ Việt, đọc được rõ ràng nhưng không có liên quan gì đến ngài hay công việc của ngài và hoàn toàn vô dụng. Có cả những bản tin kiểu như "Ông nội của thằng bạn của thằng con bà dì mới chết ngày hôm qua, xin chia buồn" hoặc những thông điệp như "Ủa mày cũng quen với cái ông mới chết hả?" mà cũng được truyền đi khắp thế giới thì thật là khó hiểu.

Ngày thứ nhất, mất 2 tiếng đồng hồ, bao nhiêu tiền điện thoại, bao nhiêu tiền nối vô Internet. Ngày thứ hai còn bi đát hơn vì số lượng những thông điệp trả lời cho những thông điệp của ngày thứ nhất cộng với số lượng thông điệp mới đưa ra.

Không phải ai cũng là chuyên viên về computer, không phải ai cũng biết cách đối phó với những tình huống như vậy. Nếu ta có điều kiện cộng lại tất cả thời gian và tiền bạc của tất cả những nạn nhân thì chắc chắn là sẽ có những con số chóng mặt và sẽ không quá đáng khi nói rằng email spam thực sự là một trò khủng bố với quy mô toàn cầu.

Nạn nhân không chỉ mất thời gian và tiền bạc. Trong nhiều trường hợp họ còn có thể bị mất việc vì các cơ quan có thể không hài lòng trước số lượng email không liên quan gì đến công việc của họ trong mail box và băn khoăn về thời gian họ dành cho việc xử lý các email này.

Công ty AOL cho biết trước khi tòa án ra án lệnh buộc Cyber Promotions chấm dứt dùng email spam, mỗi ngày họ phải nhận 1.8 triệu spam. Giả thiết những người nhận không thèm đọc mà chỉ đơn giản là xóa đi thì cũng mất 10 giây cho một email, tức là 5000 giờ máy, chưa kể số giờ dùng để download những email này xuống có thể lên đến khoảng 20,000 giờ máy nữa. Ðó mới chỉ là trường hợp của Cyber Promotions. Do luật lệ các bang chưa thống nhất, AOL ước lượng hiện nay họ còn phải đương đầu với khoảng vài triệu spam mỗi ngày.

Tắc nghẽn giao thông trên Internet

Nhiều người quá sợ email spam nhưng không biết phải làm sao, đành bỏ luôn cái địa chỉ email cũ chuyển qua dùng email mới. Hậu quả là ngày càng có nhiều địa chỉ ma. Khi các thông điệp gởi đi trên Internet mà không đến được địa chỉ, nó dội lại nơi gởi (từ chuyên môn gọi là bounce) và sản ra một số những thông điệp báo cho biết là không gởi được. Thành ra, số lượng spam lưu thông trên Internet có khi nhiều gấp nhiều lần số lượng được gởi đi ban đầu. Chính vì vậy, Internet ngày càng chậm gây thiệt hại không chỉ cho nạn nhân trực tiếp của email spam mà còn cho tất cả những ai dùng Internet.

Tất cả các ISP ở tất cả các nước (dù có luật về email spam hay không)đều phải đương đầu với email spam. Mới đây Liên Hiệp Quốc có bàn đến phương cách làm thế nào để chống email spam, nhưng cũng chưa ngã ngũ ra sao. Tại Hoa Kỳ đã có luật chống email spam, đã có những vụ ra tòa, thế nhưng email spam vẫn còn vô số. Những ai ở Australia bắn lên Internet email spam thì gặp rắc rối với luật pháp nhưng các ISP ở Australia không vì thế mà thoát được email spam. Họ vẫn phải xử lý những email spam xuất phát từ các nước khác. Theo Big Pond, ISP lớn nhất tại Australia, tổng số công suất dành cho email spam không dưới 60%. Như vậy, nếu giải quyết được email spam giá nối vào Internet có thể giảm xuống rất nhiều.

Cần phải suy nghĩ lại

Những người biện minh cho email spam thường cho rằng thông điệp của họ là quan trọng, là đứng đắn không phải là những quảng cáo vô bổ. Cần phải suy nghĩ lại về điều này. Cách thức gởi những thông điệp có thể làm cho những thông điệp này mất đi ý nghĩa.

Trong các tranh luận tại tòa án, các luật gia chưa chắc đã hiểu hoàn toàn về email spam, cho nên các ISP thường đưa ra một ẩn dụ sau: Email spam giống như là mình gọi điện thoại viễn liên đến nhà một người nào đó để quảng cáo về một điều gì. Sau đó, mình bắt người nhận phải trả tiền cho cú gọi đó. Ẩn dụ này tuy chưa hoàn toàn sát với email spam nhưng cũng nói lên được ý là người gởi gần như chẳng mất gì nhưng người nhận thì lãnh đủ, và cho thấy sự ấm ức của người nhận vì đây là chuyện không công bằng.

Một chuyện còn khôi hài nữa là câu: "To unsubscribe, please send a message to... " ? Nếu không muốn nhận nữa thì xin gởi thư về... Người ta subscribe hồi nào mà bảo người ta unsubscribe? Kiểu nói đó y hệt như "Nếu ông thấy việc tôi gọi điện thoại đến và bắt ông trả tiền cho cú gọi này là làm phiền ông, xin gởi đơn tới cơ quan chúng tôi để chúng tôi cứu xét". Nói kiểu "bố thiên hạ" như vậy, ai mà nghe được.

Gần đây cũng có một số Diễn Đàn gửi những thư như vậy, họ cũng bày đặt nói viết rằng: Chúng tôi xin lỗi nếu điện thư này làm phiền Qúi Vị. Trường hợp vì lý do nào không muốn nhận tuần báo này, xin Qúi Vị vui lòng trả lời thư này về địa chỉ sau đây với tựa đề (subject) : KHONG NHAN. Thế nhưng khi nhấn vào địa họ cho thì lại là địa chỉ "ma"! Đúng là trò bịp bợm "ma vẫn ra ma qủi"! Tuy nhiên, điều tệ hại nhất là dù người ta có nhẫn nhịn xuống nước năn nỉ xin đừng gởi tới nữa, những yêu cầu như vậy thường không được đáp ứng. Những hạng người này chẳng khác gì những kẻ "côn đồ ăn cắp" đột nhập và tấn công nhà người khác, bị người ta coi khinh như đồ rác rưởi, giống như những loại "vi trùng" và cũng tồi tệ như những tay ma-cô gửi đi những thư tục tĩu, thế thì hỏi cái thông điệp của họ còn có giá trị gì nữa không?!

Phản ứng "hiền nhất" của những người nhận là lặng lẽ xóa đi những spam trong mail box của họ ? nhiều quá làm gì có thời giờ mà đọc.

Một dịch tễ khác: gần đây xuất hiện một số nhân vật hằng ngày gửi đi những bài tranh luận, viết những thư tố cáo đến tất cả các địa chỉ mà họ có. Dù chẳng ai thèm để ý tới họ. Nhưng cái nguy hiểm là ở chỗ, vì một số địa chỉ họ gửi tới ở Việt Nam, nơi đó có những người sử dụng không có phương tiện chống virus, nên một số virus như My Doom và Sasser chẳng hạn, tự động dùng luôn hồ sơ địa chỉ trong các máy trên gửi đi hàng loạt những email khác kèm virus.

Thêm vào đó, còn có một số người khác, giả dạng và lợi dụng email của người này tổ chức kia để phát tán đi những thư cốt ý gây sự hiềm khích, mà nếu những người nhận không là chuyên viên computer không thể biết được đích xác thật hư ai là người gửi thật, thì tất nhiên sẽ bị hoang mang bị sốc!

Những người vô trách nhiệm nêu trên cần phải nghĩ lại và tự thay đổi. Càng gửi nhiều thư không mời mà đến, thì chỉ làm cho người nhận hết sức bực mình và gây tổn hại không lường được.

Kết luận

Ðối với những người có ý định truyền giáo trên Net, chúng tôi thiết nghĩ email là một phương tiện càng ngày càng có hiệu quả nhưng cần phải sử dụng cách khôn ngoan và phải chú ý đến phản ứng của người đối thoại. Lời khuyên của Kevin Knight, một chuyên gia về các hoạt động tông đồ trên Net, đáng để ta suy nghĩ: "Ðừng chú ý tới số lượng ? nhưng hãy tập trung vào việc thiết lập một tình bạn CÁ NHÂN với người mà bạn muốn truyền giáo, những người mà sẽ rất mong chờ và hân hoan khi nhận được email của bạn".

Ðối với chúng ta, những người sử dụng Internet như một tài nguyên, để tránh là nạn nhân của email spam, điều quan trọng nhất vẫn là đừng cho địa chỉ email bừa bãi. Là người Công Giáo, ta còn phải ý tứ hơn để tránh trường hợp phải nhận những hình ảnh và tài liệu dâm ô.

Trong trường hợp thường xuyên phải nhận những email không mời mà đến, để tránh phiền toái, quý cha và anh chị em có thể đối phó như sau nếu dùng OutLook hay OutLook Express:

Bước 1: Khởi động OutLook hay OutLook Express

Bước 2: Chọn menu Tools / Message Rules / Mail

Bước 3: Nhấn vào nút New

Bước 4: Trong phần 1 "Select the Conditions for your rule", xin nhấn vào Where the From line contains people

Bước 5: Trong phần 2 "Select the Actions for your rule", xin cuộn xuống và nhấn vào Delete it from server

Bước 6: Trong phần 3 "Rule Description", xin nhấn vào chữ contain people và trong dialog tiếp theo đánh toàn bộ email (hay một phần của email đó) của người gởi (mà ta không muốn nhận). Thí dụ, nếu đánh là a@xy.com thì ta chỉ chặn email a@xy.com không chặn b@xy.com Nhưng nếu đánh @xy.com, thì ta chặn tất cả emails từ những ai có email address tận cùng là @xy.com

Nhấn nút Add - Sau đó, nhấn OK là xong.