Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái tục các Thánh Lễ hàng ngày tại nhà nguyện Santa Marta sau kỳ nghỉ hè. Trong bài giảng đầu tiên hôm thứ Năm 08 tháng 9, ngài đã nói về tầm quan trọng của việc kiến tạo hòa bình từ những hành động nhỏ nhặt, hàng ngày - bởi vì, chính từ những cử chỉ nhỏ bé hàng ngày mà hòa bình trên quy mô toàn cầu được nẩy sinh.

Đừng quá hy vọng vào những cuộc hội đàm quốc tế trong việc kiến tạo hòa bình. Hòa bình là một ân sủng từ Thiên Chúa được phát sinh từ những nơi nhỏ bé như trong trái tim con người, hay trong một giấc mơ, như đã từng xảy ra với Thánh Giuse khi Thiên Thần nói với ngài đừng ngại đón Maria về làm vợ mình, vì Mẹ sẽ cung cấp cho thế giới Đấng “Emmanuel”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” Và “Thiên Chúa ở cùng chúng ta có nghĩa là hòa bình.”

Ân sủng phát sinh từ công việc hàng ngày

Đức Thánh Cha bắt đầu bài Suy niệm ngài với nhưng suy từ về danh từ ‘hòa bình’ được đề cập trong lời nguyện đầu lễ. Ngài tập trung vào những từ trong lời nguyện này: ‘xin cho tất cả chúng con được triển nở trong sự hợp nhất và bình an’. Chúng ta phải hoạt động để ‘triển nở’ trong hòa bình vì hòa bình tự nó là kết quả của một cuộc hành trình cam go cả đời, vì thế, mỗi người phải hoạt động để hòa bình được không ngừng triển nở.

“Con đường này của các thánh và các tội nhân nói với chúng ta rằng chúng ta phải đón nhận hòa bình, coi hòa bình là con đường chúng ta phải theo, hội nhập hòa bình vào hành trình đời sống của ta, hội nhập vào tâm hồn ta và vào thế giới. Hòa bình không thể là chuyện một sớm một chiều. Hòa bình là ân ban mà chúng ta phải đón nhận và hoạt động mỗi ngày. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng hòa bình là một ân sủng trở thành hiện thực trong bàn tay lao tác của con người. Chúng ta, những người nam nữ trên trái đất này, mỗi ngày phải tiến thêm một bước gần hơn về phía hòa bình. Đó là công việc của chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta với ân sủng được nhận lãnh là: kiến tạo hòa bình.

Cuộc chiến nội tâm, cuộc chiến ngoài thế giới

Nhưng làm sao để chúng ta có thể thành công trong mục tiêu này. Bài đọc hôm nay đã cho thấy rằng có một từ ngữ chuyên biệt: đó là từ ngữ “sự nhỏ bé” được dùng khi nói về Mẹ Maria mà chúng ta mừng trong lễ Giáng Sinh, và cũng được dùng khi nói về thành Bêlem, một thành “nhỏ bé đến nỗi không có trên bản đồ.”

Hòa bình là một ân sủng, một ân sủng do bàn tay lao tác hằng ngày, từ những điều nhỏ bé của cuộc sống hằng ngày. Người ta không thể kiến tạo hòa bình trong những cuộc hội đàm, trong những cuộc gặp gỡ quốc tế vĩ đại. Nhưng trái lại, hòa bình được tìm thấy trong những điều nhỏ bé. Chúng ta có thể nói về hòa bình bằng những lời hoa mỹ, có thể triệu tập những hội nghị lớn để bàn về hòa bình… Nhưng nếu trong chính chúng ta, trong con tim của chúng ta không có bình an, trong gia đình của chúng ta không có bình an, trong khu phố của chúng ta không có bình an, trong nơi làm việc của chúng ta không có bình an; thì cũng sẽ chẳng bao giờ có được hòa bình trên thế giới này.

Câu hỏi cần phải hỏi

Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị rằng chúng ta cần phải nài xin Thiên Chúa ân sủng của sự khôn ngoan để biết kiến tạo hòa bình, từ những công việc nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng hướng đến vào chân trời của toàn nhân loại. Đặc biệt, ngày hôm nay, chúng ta đang sống trong chiến tranh và tất cả mọi người đều mong muốn hòa bình. Và vì thế thật là chính đáng để bắt đầu với câu hỏi sau đây:

‘Ngày hôm nay, tâm hồn của anh chị em như thế nào? Phải chăng đang có bình an? Nếu như tâm hồn anh chị em bất an, thì trước khi nói về hòa bình, hãy làm cho tâm hồn mình bình an trước đã. Gia đình của anh chị em hôm nay như thế nào? Có bình an không? Nếu anh chị em không thể thăng tiến gia đình, xứ đạo, cộng đoàn, dòng tu của anh chị em trong hòa bình thì hãy khoan nói về hòa bình cho thế giới này… Bởi thế, câu hỏi mà ngày hôm nay tôi muốn chia sẻ với anh chị em: Tâm hồn của mỗi người chúng ta như thế nào? Có bình an không? Gia đình của mỗi người chúng ta như thế nào? Có được thanh thản hay không? Đó là cách mang hòa bình đến cho thế giới.”