Trong cuộc họp báo ngày 26 tháng Chín tại Phòng Báo Chí của Tòa Thánh, Ông Greg Burke, phát ngôn viên Tòa Thánh, đã cung cấp chi tiết về chuyến tông du Georgia và Azerbaijan của Đức Phanxicô trong các ngày từ 30 tháng Chín tới 2 tháng Mười. Đây sẽ là chuyến tông du lần thứ 16 của ngài ra bên ngoài Ý Đại Lợi và là chuyến tông du tập chú vào các chủ đề hoà bình và tình huynh đệ, tiếp theo sau cuộc tông du tới Armenia hồi tháng Sáu. Ngài thăm Georgia trước khi thăm Azerbaijan.

Các con số thống kê về Georgia và Azerbaijan

Nhân chuyến đi này, Sở Thống Kê Trung Ương của Giáo Hội đã công bố các số liệu thống kê liên quan tới Giáo Hội Công Giáo tại hai quốc gia trên, được cập nhật hóa tới ngày 31 tháng 12, năm 2015 như sau.

Georgia có diện tích 69,700 kilômét vuông và dân số là 4,506,000 người, trong đó, có 112,000 người Công Giáo, tương đương với 2.5 phần trăm tổng dân số. Có một giáo khu và 32 giáo xứ. Hiện có hai giám mục, 28 linh mục, 39 tu sĩ (2 nam, 37 nữ) và 45 giáo lý viên, 14 chủng sinh. Giáo Hội có 3 trung tâm giáo dục, từ mẫu giáo tới trình độ đại học. Về các trung tâm bác ái và xã hội trực thuộc Giáo Hội hay do các giáo sĩ và tu sĩ điều khiển, thì tại Georgia, có 9 bệnh xá, 1 nhà cho người cao niên, bệnh hoạn hay khuyết tật, 1 nhà mồ côi/vườn trẻ, 2 trung tâm cố vấn gia đình, và 2 định chế thuộc các loại khác. Georgia có 84% là người Chính Thống Giáo với gần 10% là người Hồi Giáo.

Azerbaijan có diện tích 86,600 kilômét vuông và dân số là 9,642.000 người, trong đó, 570 là người Công Giáo, tương đương với 0.01% tổng dân số. Chỉ có một giáo phận, 1 giáo xứ và một trung tâm mục vụ. Hiện có 7 linh mục, 10 tu sĩ (3 nam, 7 nữ), và 4 giáo lý viên, 1 chủng sinh. Giáo Hội có 1 trung tâm Giáo Dục Công Giáo bậc trung học. Về các trung tâm bác ái và xã hội trực thuộc Giáo Hội hay do các giáo sĩ hoặc tu sĩ điều khiển, thì ở Azerbaijan, có 1 nhà dành cho người cao niên, bệnh hoạn hoặc khuyết tật. Azerbaijan có 97% dân số theo Hồi Giáo (phần lớn là Shia).

Tại sao Azerbaijan? Các chìa khóa để hiểu cuộc tông du sắp tới của Đức Phanxicô

Khi Tòa Thánh công bố chuyến đi Azerbaijan của Đức Phanxicô, nhiều người cau mày. Họ biết rất ít về đất nước này, thậm chí nó nằm ở đâu, họ cũng không rõ.

Cha Stefan Kormancik là một trong số ít linh mục Công Giáo từng phục vụ tại Azerbaijan, và ngài là một trong những vị chủ chốt đóng góp vào việc thiết lập ra trung tâm truyền giáo Salêdiêng, là trung tâm phục vụ cộng đồng Công Giáo hết sức nhỏ bé tại đất nước này vì chỉ gồm khoảng 500 giáo dân như trên đã nói. Ngài cho RomeReports biết vài điều chủ yếu về chuyến đi của Đức Phanxicô.

Lời Cha Stefan Kormancik: “Trước khi Đức Gioan Phaolô II thăm viếng Azerbaijan, chúng tôi tuyệt đối không được nhà nước nhận biết vì chúng tôi là một cộng đồng hết sức nhỏ bé; nhưng sau khi ngài tới thăm, chúng tôi nhận được đất đai, xây được nhà thờ, lập được một cộng đồng nhỏ nhưng gây ảnh hưởng ở Azerbaijan, và chúng tôi hy vọng tiếp tục đường lối này, nhờ thế, nhiều hoạt động Công Giáo, đặc trưng Công Giáo, sẽ được nhà nước chấp nhận, sau chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô”.

Cuộc tranh chấp Nagorno-Karabakh là cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Azerbaijan và Armenia về vùng Nagorno-Karabakh, một vùng không Hồi Giáo và về phương diện sắc tộc là của người Armenia. Cuộc tranh chấp này đã có từ thập niên 1990 và đã gây nhiều tử vong, trong đó, có 75 binh lính chết hồi tháng Tư năm ngoái. Cha Kormancik hy vọng chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô sẽ cổ vũ sự hòa giải.

Lời Cha: “tôi nghĩ không ai muốn có cuộc tranh chấp này trong tương lai, nên chúng tôi cần phải tha thứ, đem thương xót và yêu thương đến cho nhau, và chúng tôi hy vọng chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ mang ý tưởng này đến cho cuộc tranh chấp”.

Trong chuyến viếng thăm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ gặp Đại Giáo Trưởng Hồi Giáo Vùng Caucasus. Theo Cha Kormancik, Azerbaijan là điển hình lớn lao của tinh thần hợp tác liên tôn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Lời Cha Kormancik: “Tại Azerbaijan, có một hoàn cảnh hết sức đặc biệt, trong đó, hai tôn giáo sống chung với nhau một cách hòa bình và tự do, chúng tôi thăm viếng nhau, nhiều lần tôi tham dự lễ lạc của Hồi Giáo, các đại diện Hồi Giáo từng tham dự các lễ lạc Kitô Giáo. Bạn không thấy điều ấy thường xuyên đâu”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ dành ngày 2 tháng Mười cho Azerbaijan, một cuộc viếng thăm rất ngắn nhưng rất thâm hậu. Ngài sẽ tới đó sau khi đã thăm Georgia. Hai cuộc viếng thăm này cùng với cuộc viếng thăm Armenia hồi tháng Sáu cho thấy ý hướng của ngài muốn bắt tay với vùng Caucasus.

Mang lại hòa bình

Mười bốn năm sau cuộc thăm viếng của Đức Gioan Phaolô II, một lần nữa, Azerbaijan lại đang chuẩn bị đón tiếp một vị giáo hoàng khác. Đức Phanxicô không những sẽ thăm viếng một cộng đồng Công Giáo nhỏ nhoi ở đây, mà còn sẽ cố gắng đem lại hòa bình cho một vùng đau khổ lâu đời vì tranh chấp.

Nằm trên bờ Biển Caspian, Baku là một thành phố rất đẹp nếu qúy độc giả quên đi những khu nhà cao tầng xây từ hồi Sôviết còn làm mưa làm gió. Đậm nhiều nét Đông Phương, kinh đô này là một tổng hợp từ nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, bắt đầu là cổ thành với những đường đi bộ chật hẹp, những dinh thự cổ điển và những đền hồi giáo cổ kính, tới khu Baroque từ thời bùng nổ kỹ nghệ dầu hỏa đầu thế kỷ 20, qua khu cực hiện đại của thời bùng nổ dầu hỏa mới đây; ở khu này, những kiến trúc táo bạo nhất trên địa cầu đã có cơ nở rộ.

Đất nước giầu có, phải nói là rất giầu có, nhờ dầu hỏa khiến người ta không thèm lưu ý tới bất cứ dự án nào khác. Thậm chí “Dubai của Biển Caspian”còn dự tính sẽ tạo ra nhiều hòn đảo nhân tạo, giống như thói quen hiện nay của các vương quốc giầu có ở Bán Đảo Ả Rập. Chín mươi lăm phần trăm tài nguyên của nước này phát xuất từ dầu hỏa. Điều này có nghĩa: nước này không thoát khỏi các hậu quả của việc giảm giá dầu thô trên thế giới hiện nay. Các dự án vĩ mô như nối dài hệ thống xe điện ngầm đã phải ngưng lại trong khi nhiều vấn đề ngân sách đã lộ diện rõ nét.

Lúc các nữ tu của Mẹ Têrêxa tới đây năm 2006 để phục vụ người nghèo, các dì được người ta cho hay: ở Azebijan làm gì có người nghèo để phục vụ! Tuy nhiên, vẫn có những người bị hệ thống lãng quên; đó là những người hoài nhớ thời Sôviết lúc ai cũng được lãnh trợ cấp.

Người Hồi Giáo Sunni là thiểu số ở Azerbaijan với ước chừng từ 15% tới 30% dân số. Chính phủ rất quan tâm theo dõi bất cứ mưu toan cực đoan hóa nào, không những vì bản chất tôn giáo mà còn vì những vang dội do tình hình Trung Đông hiện nay tạo ra nữa. Dù chỉ chiếm quá 2% dân số một chút, tôn giáo quan trọng thứ hai là Chính Thống Giáo. Trong quá khứ, tôn giáo này lên tới nửa triệu tín hữu, nhưng hiện nay giảm xuống còn chừng 200,000 người, khi một nửa số người Nga rời nước này sau khi nước này được độc lập. Giáo Hội Chính Thống có một tòa giám mục với chừng 15 giáo xứ và có mối liên hệ tốt với Giáo Hội Công Giáo.

Một nhà thờ Công Giáo được xây ở đây năm 1912 lúc có cuộc bùng nổ kỹ nghệ dầu hỏa lần thứ nhất, nhưng đã bị đóng cửa khi người Bônsêvích tới đây năm 1920 và sau đó bị phá hủy vào thập niên 1930. Khi Giáo Hội Công Giáo trở lại đây năm 1992, chỉ chừng một chục tín hữu già nua còn sót lại ở một cộng đoàn từng có tới 10,000 thành viên. Ngày nay, cộng đồng này cũng chỉ gồm trên dưới 500 thành viên địa phương, phần lớn nhờ các cuộc hôn nhân hỗn hợp và khoảng 1,000 thành viên ngoại quốc trong đó có 300 người Phi Luật Tân: nhìn trong tương quan với toàn bộ xứ sở, thì đây quả là một hiện diện chỉ có tính biểu tượng. Tính trung bình, khoảng 500 tín hữu tụ họp nhau hàng tuần.

Cuộc viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II mang lại nhiều kết quả kỳ diệu cho cộng đồng nhỏ bé này, vốn được coi như một địa điểm truyền giáo. Thực vậy, nhờ cuộc viếng thăm này, tổng thống đã tặng Giáo Hội một khu đất để xây Nhà Thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Một tượng Đức Mẹ khá lớn được đặt trước mặt nhà thờ và lôi cuốn được rất nhiều người, kể cả nhiều người Hồi Giáo, nhất là phụ nữ.

Giáo Hội Công Giáo tại Azerbaijan chỉ có một giáo xứ duy nhất với một nhà thờ và một nhà nguyện do sáu linh mục quản nhiệm. Cộng đồng nhỏ bé này cũng bao gồm 5 nữ tu thuộc Dòng Bác Ái Truyền Giáo của Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta và 2 nữ tu Dòng Salêdiêng, dưới quyền lãnh đạo của một giám quản tông tòa, Đức Ông Vladimir Fekete, một tu sĩ Dòng Salêdiêng người Slovenia.

Ngày 29 tháng Năm vừa qua, vị linh mục đầu tiên người Azerbaijan đã được tấn phong tại Saint Petersburg: đây quả là niềm vui lớn cho Giáo Hội ở Azerbaijan. Vì đây là nụ bông đầu tiên của sự hiện diện kín đáo nhưng thực sự truyền giáo này.