HÃY LẦN CHUỖI: LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI

Kinh Mân Côi không phải là lời kinh xa lạ với Kitô hữu. Càng quen thuộc bao nhiêu, nó càng được Hội Thánh khuyến khích phải đọc, phải suy niệm và cầu nguyện bấy nhiêu. Đặc biệt, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong triều đại giáo hoàng của mình, đã có những hành động cụ thể đề cao kinh Mân côi.

1. Giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II.

Để diễn tả lòng yêu mến Đức Mẹ thẳm sâu của mình, Đức Thánh Cha đã viết tông thư Rosarium Virginis Mariae – Kinh Mân Côi kính Đức Trinh Nữ Maria và công bố năm 2003 là Năm Thánh Mẫu Mân Côi, nhằm cổ suý việc đọc kinh truyền thống này để tôn vinh các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Cứu Thế. Qua đó, Đức Thánh Cha khuyên dạy các tín hữu hãy yêu mến, hãy chú trọng nhiều đến chuỗi Mân Côi trong đời sống Kitô hữu của mình, hãy chuyên chăm cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi.

Chính trong năm Mân Côi dâng kính Chúa Kitô qua Mẹ Maria, Đức Thánh Cha đã thêm vào chuỗi Mân Côi truyền thống mầu nhiệm Năm Sự Sáng.

Người nhấn mạnh đặc biệt đến việc đọc kinh Mân côi bằng lối chiêm ngưỡng. Người đặc biệt mời gọi Hội Thánh nhìn vào mẫu gương Đức Maria mà chiêm ngưỡng Chúa Kitô. Bởi “không ai đã say sưa chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô một cách trung thành như Đức Maria. Đôi mắt tâm hồn của Mẹ đã hướng về Người ngay từ lúc truyền tin, khi Mẹ cưu mang Người nhờ quyền năng Thánh Thần. Rồi trong những tháng sau đó, Mẹ bắt đầu cảm nhận sự hiện diện của Người và hình dung ra diện mạo của Người. Cuối cùng khi hạ sinh Người tại Bêlem, đôi mắt Mẹ đã âu yếm nhìn ngắm dung nhan Con Mẹ, khi Mẹ lấy tã bọc con rồi đặt nằm trong máng cỏ. Từ đó, đôi mắt chan chứa sự tôn thờ và kinh ngạc của Mẹ không bao giờ rời xa Người… Sáng ngày Phục sinh, cái nhìn của Mẹ tỏa rạng niềm vui Phục sinh…” (Rosarium Virginis Mariae – số 10).

Chiêm ngưỡng theo tấm gương Đức Maria phải là cái hồn của việc lần chuỗi Mân côi. Phải chiêm ngưỡng chớ không đọc máy móc vì đó là lời kinh sống động xuất phát từ cái nhìn nội tâm và mãnh liệt của Mẹ Thiên Chúa: “Đức Maria sống mà đôi mắt chăm chú nhìn Đức Kitô, và mỗi lời của Người trở thành một kho tàng cho Mẹ: Mẹ hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc 2, 19; x.2, 51). Những kỷ niệm về Đức Giêsu được ghi khắc trong tim Mẹ, luôn luôn đi theo Mẹ và thúc đẩy Mẹ suy gẫm về những thời gian sống bên cạnh Con Mẹ. Một cách nào đó, những kỷ niệm ấy là chuỗi kinh Mân Côi mà Mẹ không ngừng ngâm nga trong suốt cuộc đời trần thế” (Rosarium Virginis Marie – số 11).

Để cụ thể hóa việc chiêm ngưỡng, Đức Thánh Cha đề nghị chúng ta nên công bố ít là một bản văng Lời Chúa thật ngắn sau khi đã xướng tên mầu nhiệm (x.RVM30). Tiếp theo đó là khoảng lặng để dễ chiêm ngưỡng: “Lắng nghe và suy ngắm được nuôi dưỡng bằng thinh lặng… Khám phá ra tầm quan trọng của sự thinh lặng là một trong những bí quyết của thực hành suy ngắm và chiêm ngưỡng… Quả là thích hợp việc ngưng lại một lát sau khi nghe lời Thiên Chúa, đang khi tâm trí tập trung vào nội dung của một mầu nhiệm” (RVM31).

Dựa trên chính giáo huấn của vị Cha chung, chúng ta kiểm điểm lại mình, vì rất nhiều khi lần chuỗi cá nhân hay cùng đọc chung với nhau, chúng ta đã không đọc một cách thanh thản, bình tĩnh, không thật sự cầu nguyện, vì thế cũng không thật sự chiêm ngưỡng.

2. Chuỗi hoa hồng.

Chuỗi Mân côi, chuỗi hoa hồng. Người tín hữu đọc kinh Mân côi với ý nghĩa là từng lời kinh mà họ đọc được ví như từng đóa hoa hồng dâng lên Đức Mẹ, và kết hợp với Đức Mẹ, dâng lên Chúa Giêsu.

Vì thế, mỗi khi lần chuỗi, người tín hữu kết thành tràn hoa hồng thánh thiện, dâng tấm lòng, dâng tình mến, dâng tâm hồn, dâng quyết tâm sống đẹp lòng Chúa như Đức Mẹ. Do đó, khi lần chuỗi, là người tín hữu ấp ủ hoa hồng thiêng liêng, hoa hồng mầu nhiệm của lòng mình kính dâng Đức Mẹ và hợp với Đức Mẹ mà tôn thờ Chúa.

Đặc biệt, dù kinh Mân côi là lời kinh mà người tín hữu dùng để cầu nguyện, và tỏ lòng yêu mến Đức Mẹ, thì cũng là lời kinh mà chính Đức Mẹ cũng dùng để cầu nguyện. Bởi thật lạ lùng, trong những lần hiện ra ở Lộ Đức hay ở Phatima, người ta đều nhìn thấy Đức Mẹ cầm tràn chuỗi và lần chuỗi. Đức Mẹ cùng cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi với con cái của mình.

Đọc những kinh Kính mừng, vì là lời kinh trực tiếp hướng lên Đức Mẹ, do đó, cũng là lời kinh cho ta được kết nối với Đức Mẹ.

Nhưng quan trọng hơn, khi đọc kinh Mân côi, ta lại được cùng Đức Mẹ kết nối với Chúa Kitô. Điều đó được thấy rõ qua hai bằng chứng:

- Trong kinh Kính Mừng chỉ có hai danh xưng Maria và Giêsu được xướng lên, mở đầu bằng Maria và kết thúc bằng Giêsu: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ”, nghĩa là kết nối với Đức Mẹ để được nối kết với Con của Người. Qua Đức Mẹ đến với Chúa Giêsu.

- Nhưng kết nối với Chúa Giêsu được thấy rõ nhất là qua những mầu nhiệm Mân côi: mùa Vui, mùa Sáng, mùa Thương, mùa Mừng.

Vui trong mầu nhiệm Nhập Thể Chúa Giêsu xuống thế làm người sống cho mọi người; Sáng trong mầu nhiệm Chúa Giêsu công khai loan báo Tin Mừng, công bố ơn tha tội và ban Nước Trời cho mọi người tin; Thương trong mầu nhiệm Tử nạn, Chúa Giêsu chịu chết, chuộc tội cho cả nhân loại; Mừng trong mầu nhiệm Phục Sinh, Chúa Giêsu bước vào vinh quang mang ơn cứu độ đời đời cho mọi người.

Kết nối với Chúa Giêsu là kết nối nền tảng và là đỉnh cao. Thiếu sự kết nối này, kết nối với Đức Maria sẽ còn lỏng lẻo, chưa lên đến đỉnh điểm, chưa mang lại sức sống cứu độ. Bởi Chỉ có Chúa Giêsu, mới là Đấng Cứu Độ duy nhất của loài người. Vì thế, chỉ có kết nối với Chúa, ta mới đạt tới sự thánh thiện hoàn hảo. Đức Maria chỉ là con đường dẫn ta đến cùng Chúa Giêsu.

Trên đường trọn lành của ta có Đức Mẹ cùng đồng hành, đó là điều quý giá vô cùng. Để Đức Mẹ hướng dẫn, giáo dục, đó chắc chắn là điều Chúa Giêsu muốn. Bởi Chúa ban cho Đức Mẹ được làm mẹ chúng ta, và chúng ta được làm con của Đức Mẹ, tất cả đều không ngoài mục đích: Chúa dạy chúng ta, muốn đi về vĩnh cửu, hãy học gương thánh thiện của Đức Mẹ, hãy để Đức Mẹ đồng hành, hãy “nối kết” liên lỉ với Chúa cùng Đức Mẹ và như Đức Mẹ.

Bằng tràn chuỗi Mân côi, chúng ta, con của Đức Mẹ, sẽ sống trong phúc lành của Chúa. Bởi Chúa đã yêu Đức Mẹ, thì chúng ta, những môn đệ của Chúa, chắc chắn cũng sẽ được Chúa tỏ lòng mến thương không kém.

Xưa bên chân thánh giá, sau khi đã được Chúa Giêsu trao người mẹ của ngài, thánh Gioan đã mau chóng nhận lãnh lời trăn trối và rước Đức Mẹ về nhà mình (Ga 19, 27).

Như thánh Gioan đã lãnh nhận Đức Mẹ về nhà, cũng có nghĩa là thánh nhân càng đi vào chiều sâu của tình yêu với Đức Mẹ, càng để Đức Mẹ gần mình hơn. Nói cách khác, ngay sau ngày Chúa chết, sống lại và lên trời, tâm trí, sự sống và cuộc đời của thánh Gioan càng đầy hình ảnh của Đức Mẹ, càng được Đức Mẹ chiếm ngự nhiều hơn.

Bởi trước đây, tương quan của thánh Gioan với Đức Mẹ chỉ là tương quan giữa môn đệ của Thầy với Mẹ của Thầy. Nhưng từ nay, từ giây phút thập giá được giương cao trên đồi tử nạn, đã trở thành tương quan mới: “Mẹ của con” và “con của Mẹ” (Ga 19, 26). Khoảng cách đã xóa bỏ đến không còn một khoảng cách nào, mà chỉ là tình yêu giữa Mẹ và con và tình yêu giữa con và Mẹ.

Là Kitô hữu, hơn ai hết, Chúa Giêsu đặc biệt trao gởi chúng ta cho Đức Mẹ. Cùng một cách như thánh Gioan, chúng ta hãy để Đức Mẹ đến với mình. Những năm tháng làm người, sống và tư duy của chúng ta…, tất cả hãy để Đức Mẹ cùng đồng hành, dẫn dắt, chỉ dạy.

Hãy làm như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đem tất cả năm tháng, sức lực, tình yêu, sự tôn thờ Chúa, lòng hăng say phục vụ con người, kể cả những buồn vui sướng khổ trong đời… đặt vào tay Đức Mẹ, để trong mọi hoàn cảnh, mọi biến cố, mọi thành công hay thất bại... của đời sống, ta có Đức Mẹ hiện diện, hơn nữa, chính Đức Mẹ tham dự vào.

Ngày qua ngày, hãy xin Đức Mẹ gìn giữ, chở che, bàu cử. Chắc chắn, khi để Đức Mẹ hiện diện cùng, nhất là khi cậy đến công nghiệp lớn lao mà Đức Mẹ đã thực hiện trong sự hiệp công cứu độ với Chúa Kitô, đời sống, việc làm, sức lực, thời gian… mà chúng ta cống hiến, sẽ càng mang chiều kích vĩnh cửu hơn, càng đưa tới hiệu quả cứu độ, càng đẹp lòng Chúa hơn, và nếu Chúa muốn, càng xứng đáng là thành quả phục vụ truyền giáo.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết noi gương Đức Mẹ mà yêu mến Chúa, trung thành với Chúa suốt đời. Xin cho chúng con cũng biết thực hành lòng yêu mến Đức Mẹ như Chúa, để luôn là người con ngoan, xứng hợp với tình yêu mà Đức Mẹ dành cho chúng con. Amen.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG