Lm Lê Phú Hải, OMI, Strasbourg, Pháp

Đối với một người muốn học nhạc, họ tìm những phương pháp hầu giúp họ mỗi ngay trau dồi để đọc được bản nhạc, thấu đạt dần dà nghệ thuật của nhạc và điều đó trở nên một nguồn vui. Người Kitô hữu cũng thế, nếu thật sự coi Kinh Thánh là chỉ nam cuộc sống cũng cần phải học hỏi và trau dồi để thấu hiểu Lời Chúa. Vì thế cần phải dùng đến những phương pháp phân tích để hiểu văn bản và khám phá ý nghĩa. Tháng 4 năm 1993, Ủy ban Kinh Thánh Giáo Hoàng đã cho ra văn kiện mang kiện "Việc Giải thích Kinh Thánh trong Hội Thánh". Mục đích văn kiện là "nghiên cứu những phương pháp khả dĩ chấp nhận để góp phần hữu hiệu làm cho tất cả kho tàng phong phú chứa đựng trong các bản văn Kinh thánh được nổi bật lên, ngõ hầu Lời của Thiên Chúa luôn ngày càng trở nên lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng các phần tử trong dân của Người, trở thành nguồn mạch đời sống đức tin, đức cậy và đức mến cho họ, cũng như trở thành một ánh sáng chiếu soi toàn thể nhân loại". Văn kiện đưa ra tất cả 12 lối đọc Kinh Thánh trong Giáo Hội Công Giáo,1 và loại hẳn lối giải thích bảo thủ (fondamentaliste). Trong bài này, tác giả đề nghị một lối đọc Kinh Thánh theo các phương pháp phê bình lịch sử. 2


1. Vài mốc chính về phương pháp phê bình lịch sử.

Phương pháp này được gọi là phê bình vì việc nghiên cứu dùng đến những tiêu chuẩn khoa học khách quan xác định ý nghĩa một bản văn theo như ý tác giả. Nó còn được xem là lịch sử vì phương pháp cố gắng đặt bản văn vào thời đại tác giả viết ra. Việc này có thể đưa tới việc tìm thấy lại làm cách nào bản văn được hình thành hoặc việc biên soạn của nó được trải dài ra nhiều thời kỳ khác nhau.

Phương pháp phê bình lịch sử thực sự bắt đầu xuất hiện vào hồi thế kỷ thứ XVIIỊ Trong giai đoạn này, hai nhân vật được coi như tiên phong là ông Johann David Michaelis (1717-1791) và ông Johann Salomo Semler (1725-1791). Nhà chú giải Michaelis nghiên cứu Kinh Thánh dựa vào những khám phá mới đến từ khoa khảo cổ như những văn bản cổ tìm thấy trên những mãnh da cừu, những cuộn giấy cói miền Cận Đông và những hàng chữ ghi trên những mãnh bình bể. Ông Semler thì nhấn mạnh vào cấu trúc văn phạm của những văn bản. Tác giả cho thấy luôn luôn phải đặt bản văn vào bối cảnh như người chứng của thời đại.

Bước sang thế kỷ thứ XIX, hai tác giả có công đưa ra những thuyết về "nguồn gốc văn chương" của các bản văn là Karl Heinrich Graf (1815-1869) và Julius Wellhausen (1844-1918). Dựa vào những khám phá này, nên mới thấy xuất hiện giả thuyết bốn văn kiện đối với Cựu ước : Gia-vít (J); Êlôhít (E); Đệ Nhị Luật (D) và Tư Tế (P). Với Tân ước nhất là về vấn đề Nhất Lãm giả thuyết "hai nguồn văn" đã ra đời. Tiếp theo có Abraham Kuenen (1828-1891), Otto Pfleiderer (1839-1908) và Emile Schơrer (1844-1910) với những khám phá trong khoa lịch sử các tôn giáo. Kuenen xuất bản một cuốn sách về lịch sử Do thái và Do thái giáo. Pfleiderer đưa ra phương pháp lịch sử đối chiếu các tôn giáo và Schơrer là người đầu tiên đưa phương pháp lịch sử vào việc nghiên cứu Tân ước. Phần đông các tác giả trên đều xuất hiện bên Đức và những tư tưởng trên chỉ phổ biến vào Pháp với tác phẩm về "Cuộc đời Đức Giêsu" do Ernest Renan (1823-1892) xuất bản. Vào cùng thời gian này, cha Marie Joseph Lagrange (1855-1938) dòng Đa minh đã thành lập trường Thánh Kinh Giê-ru-sa-lem năm 1890, và ngài xuất bản cuốn "Phương pháp lịch sử" năm 1903. Về phía Công giáo, các công trình nghiên cứu Kinh thánh bị tạm gián đoạn với cuộc khủng hoảng Duy Tân thuyết. 3

Người đưa khoa chú giải vượt ra khỏi khoa phê bình văn chương là Hermann Gunkel (1862-1932) với lối nghiên cứu "lịch sử các hình thức" (Formgeschichte) để tìm môi trường bản văn xuất xứ (Sitz im Leben). Những tác giả đã áp dụng phương pháp này vào việc nghiên cứu Tân ước là Martin Dibelius (1883-1947), Rudolf Bultmann (1884-1976). Gerhard Von Rad (1901-1971) cũng áp dụng nhưng đưa ra thêm một đường hướng mới mà sau này ta gọi là "Lịch sử truyền thống" (Traditionsgeschichte).

Sau đệ nhị thế chiến, phương pháp "Lịch sử việc biên soạn" (Redaktiongeschichte) mới ra đời với những tác giả Robert Henry Lighfoot (1883-1953), Gunther Bornkamm (1905- ) và Hans Conzelmann (1915- ).

2. Phương pháp phê bình lịch sử.

Đọc sơ lược qua tiến trình lịch sử trên đây, phương pháp phê bình lịch sử gom góp rất nhiều phương pháp khác nhau vì thế gọi các phương pháp phê bình lịch sử đúng hơn. Hôm nay khi nghiên cứu một bản văn theo phương pháp lịch sử, ta có thể tóm lại theo tiến trình như sau:

1. Phê bình bản văn

2. Phân tích bản văn

3. Phê bình nguồn gốc

4. Phê bình văn chương

5. Lịch sử Truyền thống

6. Lịch sử biên soạn

7. Tóm lại những khám phá trong tiến trình chú giải và đề nghị ý thần học và hiện tại hóa bản văn.

Dĩ nhiên, tùy theo đối với một bản văn có nhiều nguồn hay không có nguồn để có thể áp dụng tiến trình trên đây. Trong bài này, chúng ta sẽ xét qua những yếu tố ghi trên, cho nên những ví dụ được lựa chọn trong một số văn bản Tân ước chứ không chỉ áp dụng riêng vào cho một đoạn văn mà thôi.


2.1. Phê bình bản văn . 4

Phê bình bản văn tức là đi Kiểm tra bản văn. Trong phần này, chúng ta xem bản văn Kinh Thánh muốn nghiên cứu có dị bản hay không. Tại sao lại có vấn đề dị bản? Trước đây, Kinh Thánh được các Ký lục viết lại bằng tay từ thế hệ này qua thế hệ khác cho các Cộng đoàn Kitô hữu. Bởi vậy có rất nhiều thủ bản Kinh Thánh được lưu hành tại Trung Đông, Bắc Phi và Âu châu. Các thủ bản này được viết nên không tránh khỏi có những điểm khác biệt. Điểm khác biệt có thể đến từ việc giải thích Kinh thánh của một Cộng đoàn, nhưng cũng có thể là do Ký lục chép lại sai, thiếu một chữ hay cả một đoạn, nhưng cũng đôi lúc thêm thắt vào đó. Kinh Thánh chỉ bắt đầu được in vào thời Phục Hưng và ấn bản đầu tiên xuất hiện năm 1520. Các nhà chuyên môn về phê bình bản văn đã xếp các thủ bản Kinh thánh lại. Chỉ riêng Tân ước cũng đã có hơn 5000 thủ bản. Họ xếp theo năm xuất bản, so sánh giữa các thủ bản và đặt các tài liệu mang cùng dị bản hoặc cùng sai sót giống nhau. Họ cho biết bản nào tương đối là gần bản gốc nhất. Việc làm này đòi hỏi phải theo một số tiêu chuẩn nghiêm ngặt : phải để ý và biết ngữ vựng tác giả thường dùng trong các bản văn của họ; xem xét bối cảnh; trước tiên phải chấp nhận bản văn khó hiểu có thể là văn bản cũ nhất; phẩm chất của thủ bản. Mục đích phê bình bản văn là cố gắng đi tìm bản văn nào sát bản gốc nhất.

Thí dụ : Tin Mừng Lu-ca 1,46-55.

Đoạn văn này thường được biết tới dưới tên "Bài ca Magnificat". Văn bản Magnificat không có nhiều dị bản, nhưng câu nhập đề bài ca 1,46 đặt ra một vài vấn nạn. Chúng ta phải đọc : "và Maria nói" hay "và Elisabeth nói"? Phê bình về mặt ngoại bản văn thì bài ca do chính Maria cất lời ca ngợi. Tất cả các thủ bản bằng tiếng Hy lạp đều ghi "Mariam" hoặc "Maria" trong thủ bản C 5 và D.6 Các văn bản sao bằng tiếng La tinh và các tác giả Hy lạp và Syriaque đều ghi như trên. Đó cũng là giải pháp của các tác giả trước thế kỷ thứ III.

Thế nhưng, dị bản hiếm hoi cho rằng Elisabeth là tác giả bài ca được ba thủ bản bằng tiếng La tinh chứng nhận:

- thủ bản a (Vercellensis) ở thế kỷ IV - V ghi Elisabet.

- thủ bản b (Veronensis) ở thế kỷ thứ V ghi Elisabel.

- thủ bản l (Rhedigeranus) ở thế kỷ thứ VIII ghi Elisabeth.

Hơn nữa, Đức giám mục Nicetas, thành Remesiana miền Dacie (nay thuộc nước Yougoslavie), sống khoảng năm 400, trưng dẫn tên Elisabeth trong trong bản văn "De psalmodiae Bono" 9.11.

Tại sao lại có dị bản nay. Một số tác giả cho rằng ở vào thế kỷ thứ IV, một số Giáo hội bên Tây phương đã đọc Elisabeth như người xướng bài ca này. Ví dụ dị bản này cũng còn được đọc thấy trong thủ bản "Adversus haereses" của thánh Irénée bằng tiếng La tinh. Trong bài giảng thứ 7 về Tin Mừng Luca (Lucam Homiliae), Giáo phụ Origène cũng cho Elisabeth là người hát Magnificat. Ngược lại các Giáo phụ La tinh khác như thánh Ambroise, Jérôme và Augustin đều đọc tên Maria trong câu Luca 1,46. Ngoài ra dị bản cũng có thể đến vì sơ xuất của ký lục: ví dụ một vài thủ bản ghi "và Maria nói với Elisabeth", khi chép lại Ký lục đã quên tên Maria. Chúng ta thấy điều này đã xảy ra đối với câu Luca 1,42: "và bà (Elisabeth) cất tiếng lớn và nói với Maria" trong các thủ bản Sinai 7 và Peshitto.8 Những điều trên đưa đến việc lựa chọn "Maria" là bản vững vàng hơn cả. Các ấn bản Tân ước hôm nay đều nhận Maria là người xướng bài ca tạ ơn.

2.2. Phân tích bản văn

Phần này gồm có việc ấn định phạm vi bản văn, bối cảnh của nó, từ vựng của bản văn, phân tích ngữ pháp và thể văn, phân tích từ nghĩa học.

2.21. Ấn định phạm vi bản văn.


Công việc đầu tiên là cần giới hạn phạm vi bản văn Kinh Thánh được lựa chọn nghiên cứu. Việc ấn định này giúp biết bản văn bắt đầu từ câu nào và kết thúc ở đâu. Nhiều người cho rằng việc này dễ dàng vì trong Kinh thánh các chương và câu đã được phân chia ra rồi. 9 Việc chia các sách ra từng Chương, từng Câu là một ý tốt đẹp nếu như nó hợp với ý nghĩa. Ở đây nhiều khi cách phân chia không hợp tình hợp lý nên cũng là điều đáng tiếc. Tuy nhiên việc chia cắt này được toàn thể các bản dịch thừa nhận vì rất thiết dụng cho việc trưng dẫn.

Nhiều lúc thiếu chính xác nên người nghiên cứu Kinh Thánh cần xác định lại xem bản văn đó có thật sự đơn nhất mang cùng câu truyện. Vì thế cần xem bối cảnh gần của bản văn: sự biến đổi chủ đề, thay đổi nhân vật. Tất cả những đổi dời này là tiêu chuẩn để giới hạn bản văn. Đôi khi, bài văn mang nhập đề với công thức mẫu như : "Người bắt đầu nói..."; "Người nói với họ dụ ngôn..."; "Đức Giêsu nói với đám dân chúng..." v.v... Những công thức này quan trọng vì giúp ta dễ dàng ấn định câu đầu và câu cuối bản văn.

Một tiêu chuẩn khác để thấy bản văn đơn nhất khi ta nhận ra bố cục của nó như cách biên soạn bao hàm, cấu trúc đồng tâm, sự song song... Lối bao hàm là cách nhà biên soạn lập lại những từ hay thành ngữ ở đầu và cuối bản văn. Ví dụ trong thư thứ nhất gửi Ti-mô-thê 1,35 và 1,18 với những từ "lương tâm ngay thẳng và đức tin không giả hình". Lối song song là cách lấy lại tư tưởng dưới một hình thức khác. Cấu trúc đồng tâm lấy lại những chủ đề theo cách như sau: A - B - C ; C - B - A- (xem Gioan 7,3-5; 7,1-13).

Trên đây là những tiêu chuẩn chính cho việc ấn định phạm vi bản văn. Có những bản văn dễ dàng giới hạn (thí dụ Lu-ca 1,46-55); ngược lại khi gặp bản văn khó biết phải ngắt ở đâu lúc này ta phải dựa vào những thay đổi thể văn hay cách dùng từ vựng. Khi đọc bài Thánh thi trong thư gửi tín hữu Cô-lô-xê, chúng ta nhận xét có sự khác biệt các ấn bản Tân ước. Có bản ngắt Cô-lô-xê 1,12-20, hoặc Cô-lô-xê 1,13-20 hoặc Cô-lô-xê 1,15-20.

Thí dụ : Lu-ca 1,46-55

Lu-ca 1,39-56thường được gọi là trình thuật «Thăm viếng». Bài văn nằm giữa hai trình thuật truyền tin (Lu-ca 1,5-38) và hai trình thuật ra đời (1,57-2,52). Trình thuật Maria thăm viếng bà Elisabeth mang tác dụng làm gạch nối giữa hai trình thuật truyền tin và biến cố những sự sinh ra. Việc ấn định phạm vi trình thuật Thăm viếng là điều dễ dàng.

- Lu-ca 1,38 : Thiên thần Gabriel kết thúc việc truyền tin cho Maria

- Lu-ca 1,39 : một chỉ số thời gian "Trong những ngày ấy", cộng thêm nhân vật là Maria.

- Lu-ca 1,56 : một chỉ số niên biểu "ba tháng", cộng thêm nhân vật là Maria.

Lu-ca 1,39-56 là một đoạn văn mới đối với những gì xảy ra trước. Trong cùng một đoạn chúng ta còn có thể chia nhỏ ra làm hai phần. Lu-ca 1,39-45 là trình thuật nói về việc thăm viếng. Trước hết tác giả nói về cuộc viếng thăm (câu 39-42a), và từ câu 42b đến câu 45 là đoạn Elisabeth ca ngợi Maria đầy ơn Thánh Thần.

Bắt đầu câu 46, Maria làm bung nổ nỗi vui mừng sau khi nghe lời người bà con ngợi khen mình và Maria tạ ơn Thiên Chúa. Đoạn văn 1,46b-55 cấu tạo thành một tổng hợp : bài ca tạ ơn Magnificat.

Câu 56 thu tóm tỗng thể trình thuật thăm viếng và tác giả chỉ định Maria trở về nhà. Điều này tương hợp với việc Maria ra đi ở câu 39. Bản văn được cấu tạo thật chặt chẻ và nêu lên sự ra đi là cách tác giả Lu-ca thường dùng đến để chấm dứt một đoạn trình thuật trong hai chương đầu cuốn Tin mừng.

2.22. Bối cảnh.

Bản văn thường luôn có một liên hệ với những gì ở trước và sau tức là bối cảnh gần nhất của bài văn. Dầu vậy chúng ta cũng không nên quên bối cảnh xa rộng của nó. Đối với một bản văn rút ra từ Tin Mừng, bối cảnh rộng tức là ta cần xem bài đó nằm trong phần nào của cuốn sách. Ngược lại đối với bối cảnh gần đòi hỏi chính xác hơn, để ý những dấu hiệu văn chương như văn phạm với liên từ, thể văn... Mục đích làm nổi cấu âm với những gì ở trước và sau bài văn.

Thí dụ : Lu-ca 15,11-32

Dụ ngôn người cha nhân hậu là dụ ngôn cuối của một bộ ba dụ ngôn cùng chương 15 trong Tin Mừng Lu-ca: Dụ ngôn con chiên bị mất (4-7); Dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất (8-10) và Dụ ngôn người cha nhân hậu (11-32).

Bối cảnh gần. Dụ ngôn Người Cha nhân hậu có bối cảnh gần với hai dụ ngôn trước đó. Cả ba dụ ngôn đều liên kết với nhau ở thể văn với những cụm từ "Đức Giêsu mới kể cho họ nghe dụ ngôn này" (câu 3); hoặc (câu 8); "Rồi Đức Giêsu nói tiếp" (câu 11). Cả ba kết thành một đơn vị văn chương đơn nhất, cả ba dụ ngôn đều mang yếu tố chung về chủ đề vui mừng : "Xin chung vui với tôi..." (câu 6; câu 9); "...chúng ta mở tiệc ăn mừng" (câu 23). Với những yếu tố đó, nên nhiều nhà chú giải đặt tên chương 15 là " Dụ ngôn về sự vui mừng".

Bối cảnh rộng. Điều nhận xét đầu tiên là chương 15 không liên kết về thể văn và chủ đề với chương 14. Tác giả Lu-ca đặt nơi chương 14 chủ đề quan trọng về sự nghèo khó và những người nghèo. Chương 16, Lu-ca trở lại vấn đề tiền của. Ta thấy tác giả đã lồng chương 15 vào giữa hai chương nói về sự giàu sang. Nếu nhìn tổng thể toàn bộ Tin Mừng Lu-ca, chương 15 nằm ở vị trí nào ? Tin Mừng Lu-ca thường được chia ra làm 3 giai đoạn lớn trong tiến trình sứ mạng của Đức Giêsu : Lc 4,14-9,50 : Đức Giêsu trở về Ga-li-lêa đầy ơn Thánh Thần. Lc 9,51-19-27 : Hành trình lên Giê-ru-sa-lem. Lc 19,28-24,53 : "Đức Giêsu nói những lời ấy xong, Người đi đầu, tiến lên Giêrusalem". Lu-ca đặt chương 15 trong đoạn Đức Giêsu hành trình lên Giê-ru-sa-lem. Ngoài hai chương đầu về thời Thơ ấu, chình trong đoạn 2 này Lu-ca đã đặt vào đó nhiều bản văn riêng biệt chứ không thấy các tác giả Nhất lãm khác có. Vì thế, các nhà chú giải thấy chương 15 mang một cấu trúc và ý nghĩa thần học quan trọng trong Tin Mừng Lu-ca.

2.23. Từ vựng & phân tích ngữ pháp.

Một bản văn được soạn với những từ với nhiều thể loại khác nhau. Muốn phân tách chính xác ngữ pháp cần sao kê tất cả những từ và xếp theo văn phạm : liên từ, giới từ, phó từ, tính từ, từ hạn định, động từ, đại từ, thể từ...

2.24. Từ nghĩa học (Sémantique).


Phần phân tích này nhắm tìm hiểu nghĩa rõ ràng của một số từ hiếm hoi như những từ mà ta chỉ gặp một lần trong toàn bộ Kinh Thánh. Các nhà chuyên môn gọi là hapax legomenon. Đôi khi có những từ không rõ nghĩa nên bắt buộc phân tích từ nghĩa học 10, ví dụ phải hiểu từ "viên mãn" (plêrôma) thế nào trong thư gửi Cô-lô-xê 1,19. 11

2.3. Phê bình nguồn gốc .12

Công việc trong giai đoạn này là đi tìm nguồn gốc bản văn. Phương pháp này lần đầu tiên được khám phá ra ở thế kỷ thứ XVIII. Đối với Tân ước, phương pháp này đã đưa tới giả thuyết hai nguồn văn áp dụng cho Tin Mừng Nhất Lãm. Đây là một giả thuyết được một số đông nhà chú giải chấp nhận. Theo giả thuyết này thì Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca trực tiếp lệ thuộc vào Tin Mừng Mác-cô và cùng lệ thuộc vào một sưu tập các lời của Đức Giêsu, thường được gọi là nguồn Q do chữ Quelle từ tiếng Đức.

Phương pháp phê bình nguồn gốc có thể áp dụng trong Tân ước qua hai trường hợp : văn bản độc nhất không có bài song song như bài ca Magnificat; hoặc văn bản có bản song đôi như trường hợp Kinh lạy Cha theo Mát-thêu và Lu-ca; hoặc song ba như trường hợp bài về ơn gọi ông Lê-vi trong Mát-thêu 9,9, Mác-cô 2,23-14 và Lu-ca 5,27-28.

Trước 1 bản văn không có bản song song.

Nơi đây có một số tiêu chuẩn giúp xét lại bản văn:

1- Những khác biệt hay chống đối nhau.

Thật vậy, ngay trong 1 bản văn cũng có thể những dấu hiệu không nhất trí với nhau, những khác biệt mà khó hoà giải được. Điểm này làm cho bản văn không liên tục. Trong trình thuật phép lạ hóa bánh lần thứ nhất theo Mác-cô 6,30-44. Chúng ta đọc câu 32-33 : "Vậy, các ngài xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài".

2- Những khác biệt về ý nghĩa thần học.

Nhiều lúc ta có thể chứng minh một đoạn văn mang ý nghiã thần học không phùhợp với cuốn sách hay cùng một tác giả. Điều này là dấu hiệu cho biết đoạn văn đó có thể được thêm vào sau này. Lời cầu nguyện của Đức Giêsu cùng Chúa Cha trong đoạn Mát-thêu 11,25-27: "Lạy cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn...". Các nhà chú giải gặp nhiều khó khăn chú giải Lời kinh này, vì lối văn và tư tưởng quá gần với tư tưởng Tin Mừng theo Gioan hơn là của Mát-thêu.

3- Khung cảnh một đoạn văn.

Nơi đây cần để ý đến đọan mở đầu và đoạn kết của một bản văn. Các tác giả thường viết để nối vào một trình thuật vì vậy là dấu hiệu biên soạn của tác giả. Trong đoạn mở đầu bài giảng trên núi theo Mát-thêu 5,1-2, tác giả biên soạn để đưa ta vào toàn bộ bài giảng dài từ chương 5 đến chương7.

4- Những thống kê.

Chúng ta cần phân tích những từ ngữ của một đoạn văn để khám phá xem ngữ vựng đó có phải là sắc thái riêng của một tác giả hay một nhà biên soạn. Đôi khi một từ được các tác giả dùng quá nhiều, hiển nhiên chúng ta khó mà chú giải được.

Ví dụ như động từ "đã làm" (thể aoriste của động từ poiêo) trong câu "Đấng quyền năng đã làm cho tôi những điều cao cả" (Lu-ca 1,49). Động từ này được dùng đến khoảng 520 lần trong Tân ước. Khó mà phân định những đặc điểm của mỗi tác giả. Chúng ta chỉ nêu lên nhận xét là trong bản văn Tin Mừng thời thơ ấu, Lu-ca đã sử dụng ít nhất là bảy lần. Và sự kiện đó cho phép chúng ta có một số ý nghĩ : Động từ được dùng năm lần trong ba bài ca ngợi : 1,25 "đó là việc mà Chúa đã làm cho tôi...";1,49-51 "Vì Đấng quyền năng đã làm cho tôi những điều cao cả...";1,68-72 : "Chúa làm (thực hiện) sự giải thích cho dân ngài...". Có một lần trong truyện thuật về sự kiện dâng vào đền thánh Lu-ca 2,27 và lần cuối trong bản văn Đức Maria nói với Đức Giêsu : "Này con, tại sao con đã làm như vậy cho cha mẹ" (2,48).

Ngược lại ví dụ trong Lu-ca 1,48 : "vì Người đã đoái nhìn thân phận mọn hèn tớ nữ của Người. Này từ đây, mọi đời sẽ khen tôi có phước" cho thấy các từ trong câu này đều mang đặc điểm riêng của tác giả Lu-ca :

- "đã nhìn đến" (epiblepô). Động từ này rất hiếm thấy trong Tân ước. Nó xuất hiện hai lần trong Tin Mừng Lu-ca và một lần trong thư của Giacôbê (2,3). Lu-ca dùng hai lần trong câu 9,38 nơi câu truyện chữa lành đứa trẻ bị quỹ ám. Câu truyện đều được ba bản văn nhất lãm kể lại, trong một bối cảnh như nhau, nhưng có nhiều điểm dị biệt. Lu-ca là tác giã nhất lãm duy nhất đã ghi lại lời cầu xin của người đàn ông, kêu cầu Đức Kitô nhìn đến (epèblepô) con trai mình. Có lẽ đây là một đặc điểm của lối hành văn.

- Sự thấp hèn (tapeinosis). Chữ này có thể cũng là một nét đặc trưng của ngôn ngữ Lu-ca. Thật thế nó được dùng đến ba lần trong Lu-ca 1,38; 1,48 và Công vụ 8,33. Nhưng trong phần còn lại của toàn bộ Tân ước ta chỉ gặp có hai lần (Phi-lê-môn 3,21; và thư của Gia-cô-bê 1,10).

- của nữ tì ngài (doulè). Ngôn ngữ này hẳn là đặc loại của Lu-ca. Thành ngữ này hai lần được dùng để nói về Maria. Trong mẫu truyện truyền tin, Maria trả lời cho Thiên thần và nói rằng ngài là "nữ tì của Chúa. Xin cho sự việc xảy đến đúng như lời của Ngài" (câu 38). Trong bài Magnificat, Maria lại tự nhận là "nữ tì của Chúa". Ở câu Lu-ca 2,29 "doulè" nói về Syméon, trong sách công vụ, chữ đó nói đến những người được tiếp nhận ơn của thánh thần trong ngày hiện xuống (Công vụ Tông đồ 2,18.18 = Joel 3,2. Công vụ Tông đồ 4,29)

- Vì này đây (idou gar). Thành ngữ được thấy bảy lần trong Tân ước. Lu-ca đã dùng đến sáu lần, còn lần kia ở trong thư 2Cô-rin-tô 7,11. Trong Tin Mừng Lu-ca, ba lần được sử dụng trong phần Tin Mừng thời thơ ấu (1,44.48 và 2,10). Như thế, chắc chắn đây là một thành ngữ riêng được Lu-ca dùng.

- từ nay (apo ton nun). Lối nói này chỉ gặp thấy trong các bản văn của Lu-ca (Lu-ca 1,48; 5,10; 12,52; 22,18.69; Mác-cô 14,62 và Công vụ Tông đồ 18,6) trừ trường hợp các câu Gio-an 8,11 và thư 2Cô-rin-tô 5.16. Đây là một mệnh đề nêu lên thời gian tính, giải thích những tình cảm của Maria hướng về Thiên Chúa,

Với những phân tích trên, nên nhiều tác giả cho rằng câu 48 có thể được thêm vào sau này. Câu 48 là một sáng tác văn chương riêng của Lu-ca. Đó là một câu được thêm vào để ứng dụng cho những hoàn cảnh của Maria.

Chúng ta nhìn nhận rằng Lu-ca đã có ngôn ngữ riêng của mình qua câu này với động từ "épiblepô", chữ "doulè" và những thành ngữ về thời gian "idou gar""apo ton nun"; nhưng vẫn còn thiếu một số chỉ dẫn chắc chắn để quả quyết rằng có một sự thêm thắt nào đó sau này vào bản văn tán tụng. Ngoài ra, chúng ta có những điểm song song với Cựu ước và nhất là bản văn Bảy Mươi, chỉ dẫn này có thể là một dấu chỉ để nhận ra rằng câu này nằm trong bản tán tụng nguyên thủy và Lu-ca đã trau chuốt lại một vài thành ngữ.

5- Những rời rạc trong bản văn.

Điểm này cho thấy những thiếu sót có trong một bản văn, hoặc vì bản văn quá ngăn như thể bản tóm lược. Đó là dấu chỉ đoạn văn đến từ một nguồn khác hoặc là nhà biên soạn đã sửa đỗi. Hai câu nói về việc Đức Giêsu chữa bệnh cho bà mẹ vợ ông Si-mon (Mác-cô 1,29-31) quá ngắn và thiếu nhiều chi tiết về câu chuyện nên có thể bản gốc đầy đủ hơn.

6. Ngoài ra còn những tiêu chuẩn như việc phân tích thể văn của một tác giả, hay cách tác giả dùng ngữ pháp. Những điều này giúp ta biết cách tác giả biên soạn.

Trước 1 bản văn có bản song song.

Khi một văn bản có bản song song hẵn giúp ta dễ dàng hơn trong vấn đề đi tìm nguồn gốc. Nơi đây có ba việc phải phân tích

1- So sánh các văn bản song song.

Việc so sánh tìm xem những điểm dị biệt và những điểm tương đồng giữa các bản văn. Sau đó phải cố gắng tìm giải thích những khác biệt và giống nhau đó. Có phải tác giả đã quên, hay ông đã không hiểu ý của bản gốc?

2- Những thêm thắt : Tác giả có thể thêm thắt vào đó một vài chi tiết khác với bản gốc.

3- Những thống kê (như phần trên).

4- Thứ tự : Đôi khi tác giả thay đổi thứ tự một bản văn hay một loạt số trình thuật.

5- Khung cảnh một trình thuật : như trên phải để ý Nhập đề và phần kết bài văn.

6- Khác biệt ý nghĩa thần học : Điều này đối với bản đối chiếu sẽ cho ta thấy rõ hơn sự khác biệt giữa các tác giả.

7- Thể văn và ngữ pháp

Thí dụ : 1 hay 2 Kinh Lạy Cha?

Nếu mở Tin Mừng ra, chúng ta sẽ thấy Kinh Lạy Cha có tất cả hai bản. Một theo Mát-thêu 6,9-13 và một theo Lu-ca 11,2-4. Chúng ta thấy bảng văn Nhất Lãm của thánh sử Mát-thêu dài hơn bản văn của thánh Lu-ca.

Tác giả Tin Mừng thứ nhất, viết lời khẩn cầu mở đầu như sau: «Lạy Cha chúng con, Đấng ngự trên trời» trong khi lời kinh mở đầu thánh Lu-ca giữ từ ngữ rất đơn giản: «Lạy Cha». Trong lời cầu xin thứ ba, Mát-thêu ghi thêm lời cầu thứ bốn: «xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời» (câu 10 b). Lu-ca cũng không ghi lại lời cầu xin thứ bảy có trong Mát-thêu: «nhưng xin cứu chúng con khỏi quỉ dữ» (câu 13 b). Tổng cộng Mát-thêu bao gồm cả thảy bảy lời xin và Lu-ca chỉ có năm lời xin.

Dù những lời xin theo Mát-thêu 6,11-12 và Lu-ca 11, 3-4 ab giống nhau, nhưng cũng có vài điểm khác biệt về thể văn và văn phạm. Rồi khi tìm hiểu đến bối cảnh văn chương cũng như trong hoàn cảnh nào Kinh Lạy Cha được giảng dạy, thì ta thấy những điểm dị biệt càng rõ ràng hơn. Hai bản đều mang hai hoàn cảnh khác biệt, và để có thể tìm hiểu về bản Kinh thì những câu hỏi được đặt ra như sau:

- Xét về phương diện nguyên bản của lời Kinh thì : sự thể có hai bản Kinh trong Tân ước, phải chăng Đức Giêsu đã giảng dạy hai lần Kinh này qua hai hoàn cảnh khác nhau? Nếu như Chúa Kitô không dạy Kinh này hai lần, thì Mát-thêu và Lu-ca, tác giả nào giữ đúng nguyên bản? Hoặc Thánh sử nào đã sửa lời Kinh của Thiên Chúa ? Có phải Mát-thêu thêm vào hay Lu-ca bớt đi ?

- Xét về phương diện văn chương : Đó là vấn đề bản kinh được hoàn thành như thế nào, tức là những yếu tố văn chương nào góp vào sự hình thành đó.

A) Đức Giêsu dạy Kinh Lạy Cha hai lần?

Điểm này cũng mang những dị biệt giữa Mát-thêu và Lu-ca:

- Mát-thêu 6,7-9a : Đức Giêsu khởi xướng.

- Theo Lu-ca 11,1 : Theo lời xin một môn đệ

- Đức Giêsu dạy Kinh Lạy Cha hai lần khác nhau (giả thuyết nhiều mối). Nhà chú giải Joachim Jérémias chấp nhận «giả thuyết nhiều mối», nhưng ông lưu ý : «Đức Giêsu có thể dạy các môn đệ Kinh Lạy Cha dưới hai hình thức, một ngắn, một dài, trong những trường hợp khác nhau». Còn lại những trường hợp khác, có thể là một lần đầu trước đám đông với bài giảng trên núi, và một lần khác Đức Giêsu chỉ dạy riêng nhóm môn đệ. Giả thuyết này giải quyết nhiều khó khăn, nhưng vì quá hay nên khó có thể là thật. Ông A. Plummer còn đi xa hơn : Đức Giêsu có thể tự phát dạy Kinh Lạy Cha lần đầu cho số lớn môn đệ. Dĩ nhiên một số môn đệ khác lúc đó lại vắng mặt. Vì thế, trong lần khác với nhóm nhỏ và theo lời yêu cầu của một môn đệ, Người dạy Kinh Lạy Cha lần thứ hai. Tóm lại, «giả thuyết nhiều mối» đặt lý lẽ trên sự khác biệt giữa hai bối cảnh theo Mát-thêu và Lu-ca. Thêm nữa, trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã đôi lần lập lại những lời giảng dạy của Ngài như dụ ngôn về người gieo giống, Kinh nguyện vui mừng... Ngoài dữ kiện bối cảnh văn chương và hoàn cảnh, chúng ta cần đề cập tới khung cảnh lịch sử, ngày và nơi kinh Lạy Cha được khai sinh. Chúng ta nhận thấy Tin Mừng Mát-thêu đặt Kinh Lạy Cha vào thời gian đầu của cuộc đời công khai và mục vụ của Chúa Kitô, được lồng trong khung cảnh bài giảng trên núi. Lu-ca thì đặt Kinh Lạy Cha trễ hơn, ở một nơi khác hầu cho khung cảnh lịch sử có thể xác thực hơn. Trước khi Chúa Kitô dạy Kinh Lạy Cha cho môn đệ, theo Lu-ca, Người đã đến gặp gỡ chị em Martha và Maria ở làng Bêthania. Vì vậy, các nhà chú giải Thánh Kinh đều phỏng đoán Đức Giêsu đã giảng dạy Kinh Lạy Cha chung quanh vùng Bethania, gần vườn cây dầu.

B) Bao nhiêu lời xin ?

Vấn đề không đặt ra cho văn bản theo Lu-ca, vì 5 lời xin này đều nằm gọn trong văn bản Mát-thêu. Nơi Mát-thêu, hai câu văn 13ab có thể hợp lại thành một và chúng ta có 6 lời xin : đoạn đầu mang 3 lời xin hướng về Thiên Chúa, đoạn hai chứa 3 hoặc 4 lời xin (cầu cho con người). Lời xin cuối tách đôi làm song đối đưa đến con số 7 lời xin (con số hoàn hảo). Theo Schurmann, thì tác giả Mát-thêu có thể bổ sung bằng cách dựa vào những Kinh thường dùng tìm đạt tới con số 7 lời xin. Thật vậy, con số 7 mang nhiều nghĩa trong Thánh Kinh. Ta thấy Mát-thêu sử dụng 9 lần, sách Khải Huyền 50 lần. Con số này biểu hiện cái gì hoàn hảo, trọn vẹn nên Kinh Lạy Cha phải có 7 lời xin cũng dễ hiểu thôi. Cha Jean Carmignac giải thích về vấn đề bao nhiêu lời xin như sau : «chúng ta hãy nhớ Mát-thêu đã chăm sóc ra sao bản văn phân chia gia phả của Đức Giêsu (1,17), tác giả chia ra làm ba phần với 14 thế hệ vì con số 14 là gấp đôi của số 7».

C) Nguồn gốc văn bản

Tác giả Mát-thêu và Lu-ca đã dùng truyền thống văn chương truyền khẩu hay văn chương viết ? Và hai ông dùng tất cả bao nhiêu nguồn văn? Ta biết xứ Pa-lét-tin và các miền Cận Đông thời Đức Giêsu nói tiếng A-ramê. Kinh Thánh Cựu Ước lại viết bằng tiếng Híp-ri. Còn Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca viết bằng tiếng Hy-lạp. Khi dạy Kinh Lạy Cha, Đức Giêsu nói bằng A-ramê hay tiếng Híp-ri? Bởi thế có nhiều giả thuyết cắt nghĩa hai văn bản Kinh Lạy Cha :

1) Hai văn bản này có thể được khai triển độc lập từ một nguồn văn duy nhất bằng tiếng A-ramê. Văn bản đó có sự khác biệt do mỗi tác giả hoặc cả hai gây ra.

2) Hai văn bản đến từ một nguồn văn gốc bằng tiếng A-ramê và được dịch ra tiếng Hy-lạp. Vì vậy có sự khác biệt đi từ bản gốc bằng tiếng Hy-lạp.

3) Có hai truyền thống bằng tiếng Hy-lạp độc lập : truyền thống truyền khẩu và truyền thống viết theo Mát-thêu và theo Lu-ca. Thêm vào đó, mỗi tác giả vẫn dựa trên nguồn gốc A-ramê nguyên thủy.

4) Có hai truyền thống khác nhau:

- truyền thống truyền khẩu và viết bằng tiếng Hy-lạp theo Lu-ca.

- truyền thống truyền khẩu và viết bằng tiếng A-ramê theo Mát-thêu.

Những truyền thống này đưa đến hai văn bản hiện tại có các đặc điểm : bản văn bằng tiếng Hy-lạp của Mát-thêu, có những từ ngữ rất gần với truyền thống Hy-lạp của Lu-ca, trong sự biên tập cuối cùng của bản văn.

Kinh Lạy Cha có cùng một văn bản bằng tiếng Hy-lạp, song được khai triển ra hai hình thức. Giả thuyết này giải thích luôn sự tương hợp từ ngữ giữa hai văn bản. Mát-thêu và Lu-ca lấy Kinh Lạy Cha từ một nguồn gốc dịch ra tiếng Hy-lạp và chứa đựng một nội dung cổ truyền.

Cấu trúc Kinh Lạy Cha hoàn thành với thể thức giúp người ta dễ đọc và dễ nhớ. Các diễn từ của Đức Giêsu như bài giảng trên núi cũng mang nhịp điệu thể văn truyền miệng, cho nên có thể Kinh Lạy Cha không mang đúng bối cảnh xác thực, nhưng bản chất lời kinh là để đọc, và nhà biên tập Mát-thêu trung thành ghi lại sự linh động nguyên thủy. Lu-ca thay đổi đôi chút lời Kinh gốc, vì thính giả không hiểu những ngữ điệu Sê-mít. Riêng Mát-thêu cho Kinh Lạy Cha trang trọng, hướng về phụng tự hơn. Hai tác giả sửa đổi chút ít cho hợp với thính giả và nhu cầu giáo lý.

D) Bản Kinh Lạy Cha nguyên thủy?

Sau vấn đề số lời xin, có một vấn đề khác không kém phần quan trọng liên quan đến bản Kinh gốc. Chúng ta có thể tìm ra được bản Kinh Lạy Cha nguyên thủy không ? Câu trả lời mang nhiều giả thuyết và dĩ nhiên có giả thuyết lấy văn bản Mát-thêu như sát với bản gốc và giả thuyết khác lại chọn văn bản Lu-ca. Chúng ta biết các nhà chú giải đều đồng ý Kinh Lạy Cha theo Mát-thêu và Lu-ca, đến chung từ một bản gốc viết bằng tiếng Hy-lạp thấy xuất hiện nơi các cộng đoàn tiên khởi. Từ bản gốc này sinh ra hai Kinh Lạy Cha khác nhau và đó là lý luận giải thích phần nào những từ vựng giữa hai bản văn trùng hợp.

Trả lời câu hỏi về bản gốc, không bắt buộc phải đi lên tới văn bản tiếng A-ramê hay Híp-ri để có được chính xác ngôn từ đến chính từ miệng Đức Giêsu (ipsissima Verba Jesu). Joachim Jéremias đã phiên dịch Kinh Lạy Cha theo Lu-ca ra tiếng A-ramê và ông ghi : «gần như âm thanh mà Kinh Lạy Cha được phát ra từ môi miệng Đức Giêsu». Còn Cha Jean Carmignac lấy bản văn theo Mát-thêu và trình bày sự «khôi phục văn bản Híp-ri nguyên thủy của Kinh Lạy Cha với «cách phát âm phỏng chừng».

Các nhà chú giải rất dè dặt và khiêm tốn trong khi tìm tòi và chú giải, nhưng chúng ta cố gắng tìm hiểu xem Mát-thêu hay Lu-ca, ai trung thành hơn cả về nội dung trình thuật bằng tiếng Hy-lạp nguyên thủy, được thừa hưởng từ những cộng đoàn tiên khởi. Khuynh hướng thứ nhất tán thành văn bản ngắn của Lu-ca với những lý luận như sau:

- dựa trên khoa phê bình bản văn, nếu như một bản văn ngắn có hết trong văn bản dài, thì bản ngắn đó có khả năng gần bản gốc hơn. Khi áp dụng cho Kinh Lạy Cha, câu hỏi phải đặt ra: phải chăng tác giả nào dám loại bỏ 2 lời xin mang một truyền thống rất cổ?

- Mát-thêu và Lu-ca không ghi lại từng chữ một phát ra từ miệng Đức Giêsu, nhưng lấy từ tài liệu cũng như truyền thống các cộng đoàn Kitô hữu họ biết hay nghe tới. Vấn đề ở đây tìm xem cộng đoàn nào còn giữ được bản gốc hoặc ít ra gần gũi với ngôn từ của Đức Giêsu. Ta thấy bản văn Mát-thêu được truyền bá rất nhanh trong Giáo hội sơ khai, không có nghĩa Mát-thêu gần sát với ngôn từ của Đức Giêsu. Sự thành công trên do ảnh hưởng sách Tin Mừng thứ nhất trên các Kitô hữu sơ khai, vì Mát-thêu là cuốn Tin Mừng cũ nhất... Thêm nữa, Kinh Lạy Cha theo Mát-thêu được trình bày rất trang trọng, và phụng vụ thì thích cái gì trang trọng. Vì thế, bản văn ngắn theo Lu-ca có nhiều may mắn gần sát với ngôn từ gốc của Đức Giêsu.

- Bản văn dài Mát-thêu thêm thắt chi tiết làm cắt đứt sự liên tục là yếu tố dị biệt của Kinh Lạy Cha, và thay đổi cấu tạo thể thức, như sự phân chia làm 7 lời xin làm cho cấu trúc và nội dung được hoàn hảo. Thế nhưng con số 7 không phù hợp với cấu trúc chung theo bản văn ngắn Lu-ca. Mát-thêu có những yếu tố không cùng loại.

- Kinh nguyện trong các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi mang lời khẩn cầu ngắn như «Abba» (Lạy Cha !) theo như thư thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma 8,15 và thư gửi tín hữu Galát 4,6 đều xác nhận như vậy. Trong khi đó chỉ một mình Mát-thêu mang lời khẩn cầu trang trọng (Mát-thêu 6,9b).

Tóm lại, chính vì lý luận theo khuynh hướng lấy bản văn Lu-ca gần như bản văn gốc dựa trên khác biệt về chiều dài của hai bản Mát-thêu và Lu-ca. Do đó có khuynh hướng thứ hai cũng dựa trên cùng luận lý, và cho rằng Mát-thêu trung thành hơn Lu-ca :

- những lý luận thuận với văn bản Mát-thêu, được dựa theo chung quanh một bản văn của thánh Augustinô ghi trong cuốn «Enchiridion ad Laurentium» : «ở thánh Lu-ca 11,2-4, Kinh Lạy Cha thay vì có 7 thì chỉ có 5 lời xin. Thật ra không phải vì tác giả khác với Mát-thêu : bản thu tóm của ông chỉ định cho chúng ta làm cách nào nghe hiểu 7 thể thức của Mát-thêu.....Lu-ca trưng dẫn lời xin thứ ba theo Mát-thêu chỉ là sự lập lại hai lời xin trước và từ chỗ đó cho chúng ta hiểu hơn bằng cách loại đi.....Những gì tác giả Tin Mừng thứ nhất để ở phần cuối các lời «cứu chúng con khỏi quỉ dữ», thì Lu-ca không lấy lại, gợi cho chúng ta điểm này gắn liền với lời xin trước về «chước cám dỗ».

- quy tắc chọn bản ngắn chỉ áp dụng cho phương pháp phê bình bản văn chứ không thể áp dụng cho trường hợp tác giả. Các nhà chép lại thủ bản thường mang khuynh hướng loại bỏ một hoặc nhiều từ hơn là thêm vào; vì những lỗi dễ làm hơn.

- việc áp dụng vào phụng vụ có thể thụ hứng bằng lối diễn tả dài dòng hay khai triển thêm như sách Didachè ghi lại Kinh Lạy Cha theo Mát-thêu, và còn thêm «Vinh Tụng Ca» ở phần cuối; nhưng tự bản chất phụng vụ là rất bảo thủ, như sự ổn định đáng chú ý của Kinh Lạy Cha từ thời các tông đồ cho đến ngày hôm nay. Phụng vụ có khuynh hướng thêm thắt hơn là sửa đổi; vì vậy nếu phụng vụ ảnh hưởng trên Mát-thêu và Lu-ca, thì chắc sẽ khai triển dài dòng hơn là rút bỏ những từ ngữ như «ngự trên trời»; và sẽ thêm lời xin «ý Cha thể hiện dưới đất như trên trời» sau lời xin về triều đại Thiên Chúa; cũng như sẽ không bao giờ chấm dứt bản kinh với lời ám chỉ về ảnh hưởng ma quỉ.

- những yếu tố Mát-thêu có thêm đều mang âm hưởng Sê-mít hay nền văn chương của các Rabbi. Kinh Lạy Cha rất hài hòa, rất thơ và được cấu tạo đúng theo luật thơ Do-thái cổ, vì thế không thể nào là công trình của phụ chú gia.

- lời khẩn cầu mở đầu Kinh Lạy Cha theo Mát-thêu «Lạy Cha chúng con Đấng ngự trên trời» phản ảnh môi trường Pa-lét-tin; nhất là thánh sử Mác-cô dù không ghi lại Kinh Lạy Cha nhưng cũng biết từ này trong cùng một bối cảnh về cầu nguyện : «và khi đứng cầu nguyện, các ngươi hãy tha thứ, giả như các ngươi có gì bất bình với ai, ngõ hầu Cha các ngươi, Đấng ngự trên trời, cũng tha thứ cho các ngươi, những điều các ngươi sa lỗi» (Mác-cô 11,25).

Nói tóm lại, cả hai khuynh hướng về vấn đề bản nguyên thủy đều có những lý luận đúng đắn và giá trị, nên không có khuynh hướng nào có thể áp đặt tuyệt đối. Từ đó một giải pháp trung dung thành hình như sau:

- dù Mát-thêu có điểm thêm chi tiết hay Lu-ca rút ngắn cũng không có gì quan trọng lắm. P.Zerwick viết rằng những gì Đức Giêsu giảng dạy, những gì Thần khí Người trao lại cho chúng ta như Lời Chúa, trước hết là «tinh thần» và sau mới đến «nghĩa đen», trước hết là «nội dung» sau mới là «thể thức».

Dù các nhà chú giải đã đi đến những văn bản có thể gần bản gốc nhưng các tác giả viết nhập đề rất ý tứ và khiêm nhượng :

- Joachim Jérémias : «chúng tôi có thêm một lần nữa bản văn xem như cổ nhất : biên tập ngắn theo Lu-ca nhưng ghi lại với công thức dị điểm của Mát-thêu»:

Lạy Cha yêu dấu

Xin danh Cha hiển thánh,

Xin triều đại Cha đến

Bánh ngày mai, xin cho chúng con ngày hôm nay

và xin tha nợ chúng con như chúng con cũng vậy,

nói những lời này, tha cho những kẻ nợ chúng con

và đừng để chúng con rơi vào cám dỗ.

- F.Mussner : «Chúng ta không thể nghi ngờ về Kinh Lạy Cha, vì Kinh đó được bắt nguồn từ chính Đức Giêsu ngay từ hình thức sơ khai của nó; Dẩu có giả thiết cho rằng nó có thể được sắp xếp lại, Kinh này làm thành một lời giáo huấn của Đức Giêsu về một mẫu mực cho sự cầu nguyện;có thể từ nguyên bản ta có nội dung như sau»:

Lạy Cha

Xin danh Cha hiển thánh

Xin triều đại Cha đến

Xin cho chúng con hôm nay bánh cần dùng

và xin tha tội chúng con

và xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ.

Dù hai văn bản trên chỉ là giả thuyết, nhưng cũng đã có những dị biệt văn chương. Vì thiếu những bằng chứng chính xác về văn chương với những lý luận không thể bác, nên công việc đi tìm bản kinh nguyên thủy thật khó khăn. Dầu vậy, chúng ta có thể tạm kết luận tác giả Mát-thêu đã dựa theo bản Kinh Lạy Cha từ nguồn gốc mang văn bản như sau:

Lạy Cha

Xin cho danh Cha hiển thánh

Xin triều đại Cha mau đến

Xin cho chúng con hôm nay bánh cần dùng

Xin tha nợ chúng con

và đừng để chúng con sa chước cám dỗ.

Kết luận

Kinh lạy Cha nguyên thủy hẳn là một kinh nguyện ngắn gọn dễ cho người đọc hơn là hai bản chúng ta hiện có trong Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca. Bản Kinh đó diễn đạt cái bình thường của ngưòi dân xứ Galilê. Hai tác giả Tin Mừng Nhất lãm khi lấy lại bản kinh gốc đã thêm thắt cho phù hợp với cộng đoàn của các ông. Điều này không có gì là sai, vì các ông phải sáng tạo đưa Tin Mừng đến cho anh chị em trong cộng đoàn hiểu thấu.


2.4. Phê bình văn chương.

Phương pháp này dẫn đưa ta xác định thể loại văn chương của bản văn và môi trường khai sinh ra.

2. 41. Trước hết muốn biết thể loại một bản văn, chúng ta cần để ý tới những yếu tố của nó như những từ ngữ, câu văn và tương quan giữa những yếu tố đó. Muốn đạt tới điều này, chúng ta cần phải xem xét cấu trúc bản văn, và đi tìm xem thể loại đó có xuất hiện trong một cuốn sách hay tác giả nào khác. Trong Tân ước có bốn thể loại văn chương chính : Tin Mừng, các Công vụ, 13 các Thư 14 và Khải Huyền.15 Đặc biệt Tin Mừng còn mang những thể loại văn chương như :

- Những lời có tính cách ngôn sứ. Bình thường là những ngôn từ đến từ các ngôn sứ Cựu ước diển đạt ý Thiên Chúa: "Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em" (Lu-ca 12,32).

- Những lời theo truyền thống khôn ngoan. Những câu ngắn gọn mùc từ túi khôn loài người và giúp người nghe phải suy nghĩ đến một hoàn cảnh : "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà tôi" (Mác-cô 6,4).

- Những lời thuộc lề luật. Luật Ngũ Thư hay luật truyền thống Rabbi : "Ai rẫy vợ mình mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình, và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình" (Mác-cô 10,11-12).

- Dụ Ngôn. ám dụ hay Mashal. Ba thể loại gần giống nhau nhưng mang những sắc thái riêng biệt. 16

- Những ngôn từ ở ngôi thứ nhất (ich-worter). Nhân vật chính giải thích sứ mạng của mình "Quả vậy, Ta đến để gây chia rẻ giữa người ta với cha mình..." (Mát-thêu 10,35).

- Thể loại kiểu mẫu là một bản văn ngắn đơn nhất và giúp cho việc thuyết giáo. Đọc đoạn Mác-cô 2,1-12 và 3,1-6.

- Thể loại Phép lạ.

- Thể loại Thương Khó.


2. 42. Thứ đến đi tìm môi trường bản văn được khai sinh. Đầu tiên là bối cảnh bản văn; rồi đến tình trạng cộng đoàn dùng văn bản đó mà không là một bản văn nào khác. Mỗi văn bản đều có một quá trình lịch sử riêng biệt. Một bản văn có thể khai sinh ra từ điểm phụng vụ, trong một môi trường xã hội hay một hoàn cảnh nào đó. Đi tìm xuất xứ một bản văn không phải lúc nào cũng dễ và đòi hỏi chúng ta phải thấu đáo những dữ kiện lịch sử và xã hội học đã khám phá ra. Đối với một bản văn Tin Mừng cần phải chú ý đến ba nơi : bối cảnh thời Đức Giêsu, bối cảnh cộng đoàn tiên khởi, bối cảnh khai sinh Tin Mừng.


2.43. Thí dụ : Thể loại Văn chương Luca 1,26-38.


2.431. Cấu trúc bản văn.

Cốt lõi trung tâm điểm của bản văn Lu-ca 1,26-38 nằm từ câu 28 đến câu 38 tức là từ đoạn Thiên sứ Gabriel vào chào Maria cho đến lúc Thiên sứ từ giã ra về. Sự đơn nhất tổng hợp thể văn chương nối kết sáng kiến của Thiên Chúa và câu trả lời đầy nhân tính của Đức Maria. Sự đơn nhất của trình thuật muốn nhấn mạnh tinh thần trung thực của mọi cuộc đối thoại trong đức tin. Với ý nghĩa trên rút ra cho cốt lõi này một cấu trúc như sau:

1. (câu 28) : Mở màn cuộc thăm viếng

2. (câu 29) : Đức Maria phản ứng

3. (câu 30-33) : Sự khích lệ và mạc khải chương trình Thiên Chúa

4. (câu 34) : Đức Maria phản ứng

5. (câu 35-38a) : giải thích chương trình Thiên Chúa và Maria chấp thuận

6. (câu 38b) : chấm dứt cuộc viếng thăm. 17

2. 432. Nhận xét về thể văn.

Sau khi rút ra cấu trúc cho đoạn văn Lu-ca 1,26-38 phần này sẽ định nghĩa thể văn. Đây là thể văn báo tin việc sinh hạ liên quan đến Đức Giêsu hay thể văn về ơn kêu gọi liên quan đến Đức Maria?

2. 433. Thể văn báo tin việc sinh hạ.

Cựu ước thường có những trình thuật nói về Thiên sứ đến báo tin cho một người đàn bà trọng tuổi hay son sẻ hiếm hoi sẽ trở thành người mẹ qua việc Thiên Chúa can thiệp. Sách Khởi nguyên nơi chương 18,9-15 có câu chuyện bà Sara vợ ông Abraham. Hai ông bà đã già nhưng Thiên Chúa vẫn nhớ lời hứa với Abraham và vợ ông đã được báo tin sẽ sinh ra I-sa-ác. Trong sách Thủ Lãnh nơi chương 13,2-7, Thiên sứ báo tin cho bà Ma-no-a son sẻ hiếm muộn sẽ hạ sinh ra Samson. Trong Tân ước trình thuật truyền tin cho ông Da-ca-ri-a (Lu-ca 1,5-25) Thiên sứ Gabriel báo cho ông biết vợ ông là bà Ê-li-sa-bét sẽ sinh ra một người con và đặt tên là Gio-an.

Cấu trúc chung chung của loại thể văn báo tin việc sinh hạ gồm năm phần :

1. Thiên sứ hiện ra

2. Phản ứng người được thị kiến : nghi ngờ, sợ hãi...

3. Thiên sứ loan báo

4. người thị kiến chất vấn : bác bỏ...

5. Thiên sứ thuyết phục, khẳng định điều loan báo và cho một dấu hiệu. 18

Bản văn truyền tin cho Đức Maria mang nhiều yếu tố rất gần với cấu trúc thể văn báo tin việc sinh hạ nhưng cũng có ít nhất hai điểm dị đồng quan trọng : Thiên sứ Gabriel chào Maria không bằng tên gọi của ngài nhưng lại kêu bằng danh hiệu «Đầy ơn phúc»; và ở phần cuối khi nhận lời Thiên sứ, Đức Maria cũng tự mình nhận là «Tôi tá Chúa».


2. 434. Thể văn ơn kêu gọi.

Nhà chú giải Augustin Georges nhìn nhận Lu-ca đã hoàn thành đoạn văn truyền tin theo những mẫu văn chương Cựu ước. 19 Tác giả Tin Mừng thứ ba lấy lại cấu trúc, chủ đề và thể thức; hơn nữa trong cảnh truyền tin cũng có những chủ đề về ơn gọi với những cụm từ như «Chúa ở cùng người» và tên mới mà Thiên sứ đặt cho Maria là «Đầy ơn phúc» . 20

Trong sách Thủ Lãnh nơi chương 6,11-24 có nói về ơn gọi của Gê-đê-ôn con ông Giô-át thuộc bộ lạc Abiezer ở Manassê và cư ngụ tại Ophra. Ông đang đập lúa trong bồn đạp nho, Thiên Chúa gọi ông đi giải thoát It-ra-en khỏi sự đàn áp người Ma-đi-an. Trước khi ông nhận lời, Gê-đê-ôn tỏ ra hoài nghi khả năng và gốc gác nhỏ nhoi của mình. Ông xin Thiên Chúa một dấu chỉ để thật sự tin rằng chính Thiên Chúa đã gọi ông. Thiên Chúa đã cho ông ba dấu chỉ : Thịt và bánh không men tự nhiên bốc cháy; lông chiên có sương mà đất vẫn khô và lông chiên khô còn sương vẫn thấm trên mặt đất. Sau khi nhận được những dấu chỉ trên ông mới thực sự nhận ra ơn gọi lên đường giải thoát It-ra-en. Các nhà chú giải đều nhìn nhận đoạn văn Thủ Lãnh 6,11-24 tiêu biểu cho loại thể văn ơn gọi và có nhiều điểm giống với ảnh truyền tin cho Đức Maria.

Chúng ta cùng so sánh hai đoạn văn kể trên. 21

1. Thiên sứ hiện ra chào người được thị kiến.

(Tl 6,12) «Giavê ở với ông, hỡi chiến sĩ anh dũng» (Lc 1,28bc) «Chúa ở cùng người»

2. Nghi ngờ & xao xuyến.

(Tl 6,13) «nếu Giavê ở với chúng tôi, thì tại sao lại xảy đến cho chúng tôi tất cả cơ sự này ?

(Lc 1,29) «Nhưng lời đó đã làm bà xao xuyến lắm, và bà suy tính lời chào đó có nghĩa gì.»

3. Sứ điệp đầu tiên.

(Tl 6,14) «Với sức lực ngươi có đó, hãy đi mà cứu It-ra-en khỏi bàn tay Mađian. Há không phải Ta sai ngươi đó sao?»

(Lc 1,30-33) «người đã đắc sủng nơi Thiên Chúa. Và này nơi lòng dạ, người sẽ thụ thai, và sinh con, và người sẽ gọi tên tên Ngài là Giêsu. Ngài sẽ làm lớn, và được gọi là Con Đấng Tối Cao.....»

4. Khó khăn.

(Tl 6,15) «tôi sẽ lấy gì mà cứu Ợt-ra-en ? Này họ hàng tôi yếu thế nhất trong Manassê, và tôi là út trong nhà cha tôi»

(Lc 1,34) «Điều ấy sẽ làm sao được ? vì việc phu thê tôi không nghĩ đến!»

5. Sứ điệp thứ hai.

(Tl 6,16) «Ấy là vì Ta sẽ ở với ngươi, và ngươi sẽ đánh quân Mađian như thể chỉ có một người!»

(Lc 1,35) «Thánh thần sẽ đến trên người, và quyền năng Đấng Tối Cao trên người rợp bóng; bởi thế mà trẻ sắp sinh sẽ được gọi là thánh, là Con Thiên Chúa»

6. Dấu chỉ.

(Tl 6,17 tt) «Nếu thực tôi được nghĩa với Người, xin Người làm một dấu cho tôi biết là chính Người đã phán với tôi....» (dấu chỉ được thực hiện).

(Lc 1,36) «Kìa Ê-li-sa-bét trong hàng thân thích của người cũng đã mang thai lúc tuổi giá, cái thai nay đã là sáu tháng nơi một kẻ đã từng mang tiếng là son sẻ hiếm hoi !»

7. Chấp nhận.

(Tl 6,24) Gêđêôn đã xây ở đó một tế đàn và ông gọi là Giavê-Bằng yên.

(Lc 1,38) «Này tôi là tôi tá Chúa,xin hãy thành sự cho tôi theo lời Ngài !»

Độ tương hợp giữa hai đoạn văn thật khít khao như thể có một liên hệ trong cùng một thể loại văn chương và từ đó kết luận rằng Lu-ca 1,26-38 mang thể văn ơn kêu gọi. Cảnh truyền tin cho Đức Maria là một sứ điệp. Nếu đi vào nội dung ta mới thấy có những điểm dị biệt quan trọng. Nơi yếu tố dấu chỉ hai trình thuật đã khác nhau quá xa: một bên Gêđêôn đòi dấu chỉ và những dấu này được trao ban như thể ma thuật, ngược lại dấu chỉ cho Đức Maria thật súc tích. Điểm khác biệt thứ hai ở sự chấp thuận của hai nhân vật được thị kiến. Câu Đức Maria trả lời thật ngắn gọn và rõ ràng còn Gê-đê-ôn im lặng và làm một dấu hiệu khắc ghi.

Ngoài hai thể văn chính nêu trên, gần đây một số nhà chú giải lại đưa ra thêm những giải pháp mới. Khi nghiên cứu đoạn Tin Mừng Mát-thêu 28,16-20 kể cuộc Đức Giêsu hiện ra tại Ga-li-lê và sai các môn đệ đi đến với muôn dân, nhà chú giải Benjamin J.Hubbard tìm ra một thể văn mới và ông đặt tên là «Commission Form» tức là thể văn «sai đi truyền giáo». Dựa trên khám phá của Hubbard, nhà chú giải Terence Y. Mullins 22 cũng tìm thấy trong Tân ước thể văn này được dùng tới 37 lần chia ra như sau : Mát-thêu 6 lần, Mác-cô 2 lần, Gio-an 2 lần (1 trong Tin Mừng và 1 trong Khải Huyền), còn lại Lu-ca 10 lần trong Tin Mừng và 17 lần trong Công vụ Tông đồ.

Tóm lại Tác giả Tin Mừng thứ ba dùng thể văn này nhiều nhất với 7 yếu tố căn bản áp dụng vào cảnh truyền tin như sau:

1. (câu 26-27) : Nhập đề

2. (câu 28) : Chạm trán

3. (câu 29) : Phản ứng

4. (câu 30-33) : Sứ mệnh

5. (câu 34) : Phản kháng

6. (câu 35-37) : Lời bảo đảm

7. (câu 38) : Kết luận.

Thể văn «sai đi truyền giáo» rất gần với thể văn ơn kêu gọi vì vậy theo Terence Y.Mullins Lu-ca 1,26-38 là một trình thuật về ơn kêu gọi. Vào khoảng thập niên 1980, nhà chú giải Lucien Legrand, giáo sư Thánh Kinh tại Bangalore Ấn Độ, trình một luận án tại Paris về đoạn văn Truyền tin theo Lu-ca 1,26-38. Theo tác giả cảnh truyền tin cho Đức Maria thuộc thể văn báo tin việc sinh hạ nhưng theo hệ thống tư tưởng khải huyền. Một trình thuật trong đó điều mạc khải được gián tiếp hóa bởi một hữu thể đến từ trời cho một người nhận dưới thế để mở ra một thực tại siêu nghiệm. Bởi vậy đoạn văn Lu-ca 1,26-38 không chỉ là một cuộc báo tin việc sinh hạ thần diệu nhưng còn nhắm về sự mạc khải huyền bí về mầu nhiệm chứa đựng trong con người Đức Giêsu. 23

Sau khi nhìn qua các thể văn chúng ta thấy không một loại thể văn nào chắc chắn áp đặt hoàn toàn cho cảnh truyền tin vì đoạn văn Lu-ca 1,26-38 mang đầy tiêu chuẩn có thể áp dụng vào cả bốn loại thể văn nêu trên. Dầu sao truyền thuật truyền tin tương đối rất gần với đoạn văn ơn gọi của Gê-đê-ôn cho dù có những yếu tố trong thể loại báo tin sinh hạ hoặc gọi để gửi đi hay còn để mạc khải mầu nhiệm của Đức Giêsu. Đoạn văn Lu-ca 1,26-38 là một trình thuật về «ơn gọi» làm nổi bật vai trò của Đức Maria với sự nhập thể của Con Thiên Chúa. Thể loại ơn gọi ở đây rõ hơn là «sứ điệp của Thiên Chúa cho một cá nhân riêng biệt».

2. 44. Môi trường khai sinh đoạn văn Lu-ca 1,26-38.

Các nhà chú giải đều nhấn mạnh đến cách thức văn chương song đối giữa nguồn gốc của Đức Giêsu và Gioan Tẩy giả, cho dù những chi tiết có thể thay đổi đôi chút. Nhìn lại bảng so sánh, những trình thuật về truyền tin mang một đối chiếu hiển nhiên. 1. Truyền tin cho ông Zachrie (1,5-25); 2. Truyền tin cho Maria (1,26-38); 3. Đoạn chen : Maria thăm viếng (1,39-45); Bài ca Magnificat (1,46-56); Kết thúc : Maria trở về (1,56). Cách thức song đối này còn thể hiện qua sự ra đồi của ông Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu. Vì vậy, có tác giả cho rằng trình thuật Truyền tin cho Đức Maria là một sáng tác của Lu-ca dựa theo mẫu Truyền tin cho ông Da-ca-ri-a. Dù Lu-ca biên soạn hai chương đầu theo thể song đối nhưng ông hẳn dựa vào những chất liệu đến từ truyền thống. Môi trường khai mào đoạn văn Truyền Tin cho Đức Maria là một vấn đề phức tạp. Nền Kitô thời Giáo Hội tiên khởi khai triển theo sự Sống lại của Đức Giêsu và Người được công bố là Đấng Tiên Tri. Sau đó dần dà người ta mới bắt đầu suy tư về nguồn gốc Đức Giêsu. Và việc Đức Giêsu sinh hạ là giai đoạn suy tư cuối về Kitô học theo truyền thống Nhất Lãm. Bài Truyền Tin cho Đức Maria được khai sinh nơi cộng đoàn Do thái nói tiếng Hy-Lạp.

2.5.Phê phán Truyền thống.

Phương pháp phê phán truyền thống là đi tìm xem một lời nói, một trình thuật hay một văn bản đến từ truyền thống nguyên thủy được truyền lại trong các giáo đoàn tiên khởi. Cách nào các tác giả làm cho những sứ điệp đó đáp ứng trong một hoàn cảnh mới.

Thí dụ: Trình thuật Đức Giêsu lập phép Thánh Thể 24

Trình thuật này được thánh Phaolô ghi lại trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô 11,23-25. Chúng ta cũng đọc thấy trong truyền thống Nhất Lãm : Mt 26,26-27; Mc 14,23-24; Lc 22,19-20. Từ đó ta rút ra một kết luận nào ? Những văn bản về phép thánh thể đã được 4 tác giả chú giải khác nhau và có thể kết hợp lại thành hai truyền thống chính : Một qui tụ Phaolô và Lu-ca và hai kết hợp Mát-thêu và Mác-cô.

Giáo đoàn Cô-rin-tô do thánh Phaolô thành lập trong chuyến truyền giáo lần thứ hai và ngài ở đó từ năm 50 đến năm 52. Trong thư giáo đoàn Cô-rin-tô vào khoảng năm 56 Phaolô tự coi mình lãnh nhận truyền thống việc thành lập phép Thánh Thể và giờ ngài truyền lại. Các nhà chú giải cho rằng Phaolô nhận truyền thống đó tại thành Antioche khoảng năm 36-40 sau khi ngài được ơn trở lại. Truyền thống nàyxưa nhất dưới dấu chỉ giao ước mới thực hiện nơi thập giá Đức Giêsu. Thập giá nên một đề tài quan trọng trong thần học của Phaolô. Truyền thống theo Phaolô và Lu-ca nêu rõ sự Tạ ơn suốt buổi tiệc ly. Tác giả nhắc nhở người Kitô hữu tầm quan trọng hồi tưởng trong phụng vụ những điều Đức Giêsu đã làm trong buổi Tiệc Ly, và điều đó cần được tưởng nhớ cho đến ngày Ngài tái lâm.

Truyền thống theo Mt/Mc khai sinh khoảng năm 55/70 tại Pa-lét-tin và qui chiếu theo giao ước cũ ghi lại nơi sách Xuất Hành 24,8 : mở đầu với lời chúc tụng và kết thúc với lời Tạ ơn nhắc lại biến cố Vượt qua của người Do thái. Cái chết của Đức Giêsu như là một hiến lễ giao ước mà chúng ta phải tưởng niệm.

2.6. Phê phán biên soạn.

Phương pháp phê phán biên tập rất gần với phương pháp phê phán truyền thống . Vì rất gần nên dễ đưa đến sự lầm lẫn. ễ đây, nhà nghiên cứu đi tìm xem một tác giả, hay một cộng đoàn làm cách nào hội nhập một lời nói hay một hành động của Đức Giêsu đến từ truyền thống vào môi trường của họ. Họ đã làm gì với những điều đến từ truyền thống? Phương pháp này giả định có một văn bản gốc mà các tác giả đã dựa vào đó để soạn. Nếu như chưa xác định ra một bản văn gốc, việc phê phán biên tập là điều rất khó khăn. Trong tân ước, còn phải phân loại hai trường hợp: Nhất Lãm và các Văn bản khác.

1. Trường hợp Nhất lãm.

Tác giả Nhất lãm soạn Tin Mừng dựa vào những tài liệu đến từ truyền thống truyền khẩu hoặc đã được viết ra. Phương pháp phê phán biên soạn sẽ giúp tìm ra những gì tác giả giữ lại và những gì tác giả không lấy vào cho bộ sách riêng mình. Mỗi tác giả Nhất Lãm đều có cách riêng tư khai thác những tài liệu truyền thống hầu làm nỗi bật điểm mà họ cho là quan trọng cần thông đạt. Họ còn lựa chọn biên soạn đáp ứng theo hoàn cảnh cộng đoàn. Phương pháp phê phán biên soạn cần đối chiếu giữa bản gốc và bản của tác giả mới thấy những thêm thắt, những thiếu xót, những thay đổi và nhận ra thể văn của tác giả mới hiểu được viễn tượng riêng của mỗi tác giả. 25

2. Những văn bản ngoài Nhất Lãm.

Mục đích giống nhau, nhưng những tiêu chuẩn nêu ra cho Nhất Lãm không thể hoàn toàn áp dụng cho sách Công vụ các Tông đồ, Tin Mừng Gio-an... Chúng ta chỉ có thể dựa vào tiêu chuẩn cho Nhất lãm nếu như tương đối xác định được gốc những đoạn văn Công vụ hay của Gioan.

Thí dụ : Mt 6, 9-13 : Kinh Lạy Cha.

Trước khi đi đến việc phê phán biên soạn, phải đi qua ít nhất giai đoạn kiểm tra bản văn, phê phán nguồn gốc và phê bình văn chương. Ở phần phê bình nguồn gốc trên đây, thí dụ về Kinh lạy Cha cho biết tác giả Mát-thêu đã dựa theo bản Kinh Lạy Cha từ nguồn gốc mang văn bản như sau:

Lạy Cha

Xin cho danh Cha hiển thánh

Xin triều đại Cha mau đến

Xin cho chúng con hôm nay bánh cần dùng

Xin tha nợ chúng con

và đừng để chúng con sa chước cám dỗ.


Còn bản chúng ta có hiện tại trong Tin Mừng Mát-thêu là như sau: Mt 6,9-13

9a Vậy, anh em cầu nguyện như thế này:

b Lạy Cha chúng con Đấng ngự trên trời

c Xin cho danh Cha hiển thánh

10a Xin triều đại Cha mau đến

b Xin ý Cha thể hiện

c dưới đất cũng như trên trời

11 Xin cho chúng con ngày hôm nay bánh cần dùng

12a Và xin tha nợ chúng con

b như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con

13a Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ

b nhưng xin cứu chúng con khỏi quỉ dữ



So sánh đối với bản gốc:

- câu 9b : Mát-thêu thêm từ «chúng con» và cụm từ «ngự trên trời». Suốt từ chương 5 đến chương 7, Mát-thêu luôn luôn sử dụng những từ ngữ như : «cha của anh em» (5,16.45.48; 6,1.8.14-15.26.32; 7,11); «cha của anh» (6,4.6.18); «cha chúng tôi» (6,9); «cha Ta» (7,21); trừ ra ba lần «cha các ngươi» (Mát-thêu 5,48 = Lu-ca 6,36; Mát-thêu 6,14 = Mác-cô 11,25; Mát-thêu 6,32 = Lu-ca 12,30), còn lại mọi dạng sở hữu khác như «của anh em», «của anh», «của chúng tôi»..... đều là những từ được tác giả Mát-thêu cố ý thêm vào hoặc sửa đổi theo mục đích riêng; cho nên từ sở hữu «chúng con» ở câu Kinh Lạy Cha 9b cũng do tác giả thêm vào đánh dấu mối thâm giao của toàn thể cộng đoàn đối với người Cha trên trời.

Trong Tin Mừng, Mát-thêu dùng hết thảy 20 lần dưới dạng «Cha Ta, Đấng ngự trên trời» : Mát-thêu 7,21; 10,32-33; 12,50; 15,13; 16,17; 18,10.19.35. Từ ngữ «ngự trên trời» diễn tả hình ảnh Đấng cao cả và siêu việt; một số lời dẫn Kinh Thánh cũng như văn bản các Rabbi (= thầy; tôn sư hay đạo sư) ta thấy dùng từ «ngự trên trời» thay thế từ «Gia-vê». Thể thức này giúp tránh phải đọc danh Thánh Thiên Chúa và phân biệt rõ người cha trần thế với Cha ngự trên trời.

- câu 9c và câu 10a : mát-thêu giữ nguyên theo ban gốc.

- câu 10b «Xin ý Cha thể hiện» : Mát-thêu có tất cả 5 lần từ «ý» (thelema) đi đôi với từ «cha» (pater) : Mát-thêu 6,10; 7,21; 12,50; 18,14; 26,42 (13) nhưng các nhà chú giải như Schlosser và Boismard đều nghĩ rằng những từ này không phải ở nguồn đích thực nhưng do tác giả biên tập. Mát-thêu cũng có 5 lần động từ «thể hiện» (geneteto) 6,10; 8,13; 9,29; 15,28; 26,42, nhưng chỉ thấy trong Kinh Lạy Cha và trong lời Đức Giêsu cầu nguyện ở vườn Ghết-sê-ma-ni, vì từ «ý» làm chủ từ, có động từ «thể hiện».

- câu 10c : Mát-thêu thêm cụm từ «dưới đất cũng như trên trời» (en ouranoi) rất quen thuộc với Mát-thêu, tác giả dùng nhiều hơn các nhà Nhất Lãm khác. Còn từ «dưới đất» không mạo từ chỉ có 2 lần ở Mát-thêu 6,10 và Lu-ca 2,14. Trái lại, Mát-thêu dùng từ «dưới đất»với mạo từ nhiều gấp đôi Mác-cô và Lu-ca cộng lại. Và cuối cùng, hai từ đôi «trời - đất» thường được thấy trong văn chương các Rabbi; và thỉnh thoảng lại được thay thế bằng từ đôi «ở trên... ở dưới». Mát-thêu cũng dùng hai từ này nhiều hơn Mác-cô và Lu-ca. câu văn của Mát-thêu mang nhiều âm hưởng Sê-mít và truyền thống Rabbi, rất hài hòa với Kinh Lạy Cha và thích hợp đối với thế giới người Kitô hữu gốc Do-thái giáo.

- câu 11 Mát-thêu giữ theo nguyên bản gốc.

- câu 12 a Mát-thêu thêm từ «và» nối lời xin này với lời xin ở câu trên.

- câu 12 b Mát-thêu thêm «như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con». Chúng ta phải tha thứ cho người anh em trước khi Chúa tha thứ loài người chúng ta. ý tưởng này không những phù hợp với Tin Mừng nhưng còn rất phù hợp với thói quen mà tác giả Mát-thêu dùng đến động từ «tha thứ»: «vì nếu các ngươi tha thứ cho người ta những điều họ sai lỗi, thì Cha các ngươi, Đấng ngự ở trên trời, cũng sẽ tha cho các ngươi; nhược bằng các ngươi không tha thứ cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha thứ những điều các ngươi sai lỗi» (Mát-thêu 6, 14-15). Trong phần cuối trình thuật về dụ ngôn con nợ bất nhân, Đức Giêsu đưa ra bài học : «cũng vậy Cha Ta, Đấng ngự trên trời, sẽ xử với các ngươi, nếu các ngươi mỗi người không thật lòng tha cho anh em mình» (Mát-thêu 18,35). Khi nói về luật mới và luật cũ, ý tưởng trên còn rõ rệt hơn nữa : «vậy nếu ngươi dâng của lễ nơi bàn thờ, và ở đó nhớ ra anh em có điều bất bình với ngươi, ngươi hãy đặt của lễ đó trước bàn thờ, mà đi làm hòa với anh em ngươi Trước đã, rồi Bấy giờ hãy đến mà dâng lễ vật của ngươi» (Mát-thêu 5,23-24). Tha thứ cho người anh em trước khi được Chúa thứ tha cho mình, là một ý tưởng đặc biệt theo Tin Mừng thứ nhất. Viễn ảnh thần học này chỉ một mình Mát-thêu khai triển.

- câu 13 a Mát-thêu giữ theo nguyên bản gốc.

- câu 13 b Mát-thêu thêm «nhưng xin cứu chúng con khỏi quỉ dữ». Sách Didachè 8,2 ghi đúng như câu văn Mát-thêu. Tính cách phụ thêm vào lời xin 6,13a rõ rệt ngay lối kết cấu của câu văn: bắt đầu bằng tiêu từ «và» (kai), câu văn còn mang liên từ «chớ.....nhưng» (mè.....alla) đánh dấu sự chống chọi đáp lại giữa hai phần của câu văn. Đoạn văn đầu mang nghĩa phủ định, và ngay đầu phần hai từ «nhưng» (alla) làm đối trọng dẫn nhập vào thể thức cấp nguyên. Mát-thêu thích thể văn cân bằng trong một câu và dùng ít nhất 8 lần tiêu từ «chớ.....nhưng» trong Tin Mừng. Từ «quỉ dữ» trong Kinh Lạy Cha theo văn bản Mát-thêu nhắm rõ ràng nhân vật Satan.

Sau khi xét qua bảng đối chiếu, Mát-thêu rõ ràng thêm một số yếu tố biên soạn riêng vào bản Kinh Lạy Cha từ bản gốc. Tác giả thay đổi và thêm thắt hầu đáp ứng theo bối cảnh của cộng đoàn là những người Do thái giáo trở lại Kitô giáo. Những từ Mát-thêu dùng mang âm hưởng A-ra-mê và những đoạn ông thêm cũng rất cân đối với và bản Kinh mang trọn 7 lời nguyện xin biểu tượng lời Kinh hoàn hảo đối với người Do thái.


2.7. Đọc và hiện tại hóa bản văn.


Khi đã duyệt qua giai đoạn phân tích theo các phương pháp phê bình lịch sử như tiến trình đề nghị trên, giai đoạn chót thu thập tất cả những khám phá trong phần phân tích. Phương pháp tổng hợp gồm hai giai đoạn : thứ nhất tổng hợp những khám phá ở từng giai đoạn phân tích, rồi sau mới tổng hợp cho toàn thể bài văn. Khi tổng hợp có thể đối chiếu với óc phê phán các sách chú giải về đoạn văn vừa mới nghiên cứu. Cuối cùng ta có thể đưa ra ý nghĩa bản văn được hiện tại hóa cho hôm nay và ý thức việc này đã đi ra ngoài bình diện chú giải.

Kết luận

Từ hơn một thập niên nay, phương pháp phê bình lịch sử thường xuyên bị chỉ trích, nhất là đối với một số người đọc Kinh Thánh theo lối bảo thủ. Ủy ban Kinh Thánh Giáo hoàng đã loại hẳn lối đọc Kinh Thánh đó trong văn kiện nêu ở trên. Ngoài ra, những phương pháp nghiên cứu mới dựa vào khoa học về ngôn ngữ đã tương đối hóa sự quan trọng về phê bình lịch sử và coi điều này đã quá xưa cổ rồi. Qua những ví dụ trích ra trên đây, phương pháp phê bình lịch sử đòi hỏi việc làm cần mẩn với những tiêu chuẩn khoa học, vậy mang lại ích lợi gì cho đức tin? Điều hiển nhiên cần nhắc lại là đức tin kitô giáo gắn liền với lịch sử. Chính trong lịch sử Do thái mà Thiên Chúa Abraham, Isaac và Giacóp mạc khải và thể hiện rõ rệt qua biến cố Xuất Hành. Bước sang thời tân ước Đức Giêsu đã mang thân phận con người và đưa Lời Thiên Chúa đến cho loài người. Chúng ta nhớ lại những biến cố cứu rổi trên nhờ những chứng nhân lịch sử. Phương pháp phê bình lịch sử giúp Kitô hữu trở về những biến cố sáng lập cho đức tin.

Dầu sao những khám phá do phương pháp phê bình lịch sử tìm ra để đọc Kinh Thánh không thể tự coi như tuyệt đối, và phương pháp sẽ còn được cải tiến do khám phá đến từ các khoa nhân văn. Vì vậy, những kết quả do các phương pháp mới mang đến cần được hội nhập chung với những gì phê bình lịch sử tìm ra.


Chú Thích

1 12 lối giải thích gồm có: phương pháp phê bình lịch sử (historico-critique); Phân tích tu từ học (analyse rhétorique); Phân tích thuật chuyện (analyse narrative); Phân tích ký hiệu (analyse sémiotique); Lối tiếp cận thư qui (approche canonique); Lối tiếp cận dựa vào những truyền thống giải thích của Do thái (approche par le recours aux traditions juives dinterprétation); Lối tiếp cận nhờ lịch sử hiệu quả của bản văn (approche par lhistoire des effets du texte); Lối tiếp cận theo xã hội học (approche sociologique); Lối tiếp cận qua khoa nhân học văn hóa (approche par lanthropologie culturelle); Lối tiếp cận tâm lý và phân tâm (approche psychanalytique); Lối tiếp cận giải phóng (approche libérationiste) và lối tiếp cận đề cao quyền phụ nữ (approche féministe).

2 Bình thường chúng ta thường gọi là "phương pháp phê bình lịch sử" (đôi khi còn được dịch là "sử quan phê phán"), nhưng đúng hơn nên gọi "các phương pháp phê binh lịch sử" vì ngay trong đó nhiều phương pháp khác nhau được dùng tới, và gom lại thành một tiến trình chung.

3 Phái Duy Tân Thánh Kinh do Alfred Loisy (1857-1940) chủ trương lấy phương pháp phê bình Lịch sử làm nền tảng nghiên cứu Kinh thánh. Trong các tác phẩm xuất bản, Loisy đã tách rời Chuá Kitô đức tin và Đức Giêsu lịch sử. Cuộc khủng hoảng đưa đến trì hoản những nghiên cứu sâu sắc của các nhà chú giải Công giáo. Phải đến năm 1943 với Tông huấn "Divini afflante Spiritu" của Đức Piô XII mở rộng cửa chấp nhận những khám phá do các phương pháp phê bình lịch sử soi rọi ý nghĩa của các bản văn Kinh Thánh. Sau này, Công đồng Vaticanô II đã nhiệt liệt cổ võ phương pháp phê bình lịch sử qua hiến chế tín lý về mạc Khải của Thiên Chúa "Dei Verbum" ban hành ngày 18 tháng 11 năm 1965.

4 Khi đến phần này của một văn bản Tân ước, cần tham khảo cuốn sách của tác giả B.M.Metzger, A Textual Commentary of the Greek New Testament, United Bible Societies, Londres & New York,1971. Tác giả ghi nhận và xem xét 1440 dị bản, và cho biết ông lựa chọn những bản văn nào theo phương pháp đề nghị ở phần đầu của cuốn sách. Ngoài ra còn thêm vào đó 600 dị bản khác phần nhiều cho sách Công vụ các Tông đồ. Dựa vào cuốn sách này, các tác giả K.Aland, M.Black, C.M.Martini, B.M.Metzger và ẠWilgren đã cho xuất bản bộ Tân ước bằng tiếng Hy-lạp (Greek New Testament, New York-Londres 1975). Chính cuốn Tân ước này được tất cả các dịch giả dùng để dịch ra những ngôn ngữ khác.

Các độc giả chỉ đọc Pháp ngữ có cuốn của L.Vaganay, Initiation à la critique textuelle néotestamentaire, Paris Bloud et Gay 1934. Cuốn sách phát hành năm 1934 nên có những điểm quá cũ, nên cần đọc thêm J.Duplacy, où en est la critique textuelle du Nouveau Testament ? Paris Gabalda 1959.

5 Ephraemi Syri Rescriptus (Tập lục). Tập lục Ephremi Syri rescriptus bằng tiếng Hy-lạp mang chữ hiệu đầu : C được viết ở thế kỷ thứ V, và có vài mãnh được giữ tại Bibliothèque Nationale Paris (Pháp). Lúc ban đầu chỉ thảo này chứa đựng toàn bộ Thánh Kinh, nhưng vào hồi thế kỷ thứ XII vì da thuộc khan hiếm nên người ta đã xóa văn bản trên da thuộc này và viết lên đó một vài khảo luận của Thánh Ephrem thành Syria, và vì thế tập lục mang cùng tên Thánh Ephrem.

6 D gồm có D 05 : Tập lục Bezae Cantabrigensis thế kỷ thứ IV hoặc thứ V. Tập lục chỉ gồm các sách Tin Mừng và Công vụ các Tông đồ. Tập lục mang tên nhà phát hành Théodore de Bèze lấy được từ tu viện Thánh Irénée ở Lyon (Pháp) năm 1562 khi thành phố này bị người Tin Lành thuộc phái Calvin tàn phá. Từ năm 1581, chỉ thảo này thuộc sở hữu đại học Cambridge cho đến ngày nay. Chỉ thảo này mang điểm đặc biệt là cùng được viết bằng hai thứ tiếng La-tinh và Hy-lạp.

Và D 06 : Claramontanus hay codex de Clermont en Beauvaisis. Bộ văn bản Thánh Kinh tiếng Hy-lạp. Bộ Văn bản này được viết khoảng thế kỷ thứ V bao gồm các thư Thánh Phaolô và hiện được lưu giữ tại Thư viện quốc gia Paris.

7 Sinaiticus. Chỉ thảo Sinaiticus khoảng giữa thế kỷ thứ IV, được chép ở Ai-cập và được ông Constantin Tischendorf tìm thấy trong tu viện Thánh Catherine trên núi Sinai, hiện giữ ở British Museum, Luân Đôn. (Hai chỉ thảo Vaticanus và Sinaiticus là hai văn bản căn bản được dùng dịch ra các bản Kinh Thánh bằng các thứ tiếng địa phương hiện nay)

8 Peshitto hay Peshitta thường được viết tất bằng ký hiệu SyrP. Văn bản bằng tiếng Syriaque hoàn thành ở thế kỷ thứ V.

9 Chia Thánh Kinh ra từng đoạn từng câu một là việc làm của hậu sinh. Toàn bộ Cựu ước hay Tân ước đều viết một hơi một mạch không có Chương, không có Đoạn. Ý nghĩa chia mỗi cuốn sách ra từng Chương và từng Đoạn là do công trình của ông Etienne Langton năm 1226. Rồi đến năm 1551, ông Robert Estienne làm nghề phát hành sách, trên chuyến xe từ thành Lyon về Paris đã chia mỗi Chương ra từng Câu và ghi số hẳn hoi.

10 Khi gặp vấn đề trên, tham khảo cuốn sách gối đầu về từ nghĩa học trong Kinh Thánh : James Barr, The Semantics of Biblical Language, London Oxford University Press, 1960; hay bản dịch Sémantique du langange biblique, Paris Cerf 1971.

11 xem chú thích đ, trong Kinh Thánh Tân ước do Nhóm Phiên dịch các giờ Kinh Phụng Vụ xuát bản năm 1994 tại Việt nam, trang 814.

12 Phần này cũng như những phần lấy Kinh lạy Cha ví dụ , xin xem chi tiết rút ra từ cuốn: Nguyễn Đăng Trúc & Lê Phú Hải, Kinh lạy Cha, Định Hướng Tùng Thư 1977, trang 59-129.

13 Công vụ các Tông đồ thường có những thể loại văn chương như : diễn từ, chúc thư, giai thoại, trình thuật về phép lạ, trình thuật huyền kiến, trình thuật các hanh trình, những trình thuật về tố tụng...

14 Thể loại văn chương tìm thấy trong các Thánh Thư : Thánh Thi, tuyên xưng đức tin, những văn bản liên quan về bửa Tiệc Ly, những công thức tuyên tín, những công thức Vinh tụng ca...

15 Văn chương Khải Huyền : huyền kiến, Phụng vụ trên trời, thơ phú loại ai ca, Thánh Thi, bài ca chiến thắng, công thức Cánh Chung, Phép lành....

16 Xin xem định nghĩa ba từ này trong bài : Lê Phú Hải, Chúa Giêsu : Lời và hành động, Thời Điểm Công Giáo số 19, USA 1993, trang 76-78.

17 Về cấu trúc bản văn, rất nhiều tác giả đưa những giải pháp khác nhau, xem Augustin Georges, Etudes sur loeuvre de Luc, Gabalda Paris 1978, trang 434 chia đoạn văn làm 4 phần; Raymond Brown, The birth of the Messiah, New York USA 1979, trang 297 : chia đoạn văn làm 5 phần, và nơi phần 3 về sứ điệp bao gồm cả thảy 8 yếu tố; Lucien Legrand, Lannonce à Marie, Cerf Paris 1981, trang 49 chia đoạn văn làm 9 phần và mang một cấu trúc đối xứng; Ignace De la Potterie, Marie dans le mystère de lAlliance, Desclée Paris 1988, trang 46-47 chia đoạn văn làm 5 phần. Ngoài phần mở đầu với câu 26-27 và phần kết với câu 38c, tác giả thấy có 3 phần chính và trong mỗi phần này đều mang Lời của Thiên Chúa và phản ứng của Maria.

18 Ignace De La Potterie, Marie dans le mystère de lalliance, Desclée Paris 1988, trang 42.

19 Ignace De La Potterie, sách đã dẫn trang 42.

20 Augustin George, Pour lire lEvangile selon Saint Luc, Cahiers Evangile số 5, 1973, trang 14.

21 Ignace De La Potterie, sách đã dẫn trang 44.

22 Terence Y. Mullins, New Testament commission forms, especialle in Luke-Acts, in JBL 95, 1976, trang 610.

23 Lucien Legrand, Lannonce à Marie, collection Lectio Divina 106, Paris Cerf 1981, trang 142.

24 Thí dụ dựa theo Pierre Guillemette - Mireille Brebois, Introduction aux méthodes historico-critiques, Ibid.

25 Nhà chú giải Heinrich Zimmermann đưa ra một số tiều chuẩn chính cho phưong pháp phê phán biên soạn như sau : 1. Sửa đổi thể văn hoặc thể văn đặc trưng; 2. Xác định bản văn gốc; 3. Quên xót một từ hoặc một câu khó hiểu; 4. Chuyển vị một hình ảnh; 5. Chuyển vị một đoạn văn thuộc truyền thống; 6. Chuyển vị ngay trong cùng một đoạn văn; 7. Thêm một đoạn văn truyền thống; 8. Xen vào một đoạn văn truyền thống; 9. Rút ngắn bản gốc; 10. Biên soạn theo kiểu với những từ móc (mots-crochés); nối kết những đoạn văn cách biệt từ ngay bản gốc; Những đoạn gọi là Tóm tắt; những dấu chỉ định địa dư và địa thể; Qui chiếu hoàn thành Cựu ước; Xem Pierre Guillemette - Mireille Brebois, sách đã dẫn trang 458-460.