Ai cũng biết Jean Paul Sartre là một triết gia người Pháp, giải thưởng văn chương Nobel năm 1964, theo chủ nghĩa duy hiện sinh, và là tác giả vở kịch nổi tiếng “Huis Clos” (Cửa Đóng), viết năm 1944, trong đó có câu nói thời danh “L’enfer c’est les autres” (hỏa ngục chính là những người khác).

Đó là câu truyện 3 người cùng bị phạt sa hỏa ngục, và một trong ba người, tức Inès, không tin là do tình cờ, họ cùng bị giam trong một căn phòng. Sau đó, cô hiểu ra rằng họ bị giam chung với nhau là để làm khổ nhau. Do đó, cô diễn dịch rằng họ phải trở thành những người hành khổ nhau. Nhưng chính câu nói “hỏa ngục chính là những người khác” là của nhân vật đàn ông Joseph.

Sartre thì cho rằng phần đông người ta hiểu lầm câu nói trên. Năm 1965, chính ông phát biểu như sau: “ ‘hỏa ngục chính là những người khác’ luôn bị hiểu lầm. Người ta vốn cho rằng điều tôi muốn nói là các liên hệ của chúng ta với người khác luôn bị chuốc độc, chúng luôn là những mối liên hệ đầy tính hỏa ngục. Nhưng điều tôi thực sự muốn nói hoàn toàn khác thế. Tôi muốn nói rằng nếu các liên hệ của chúng ta với một ai đó bị bẻ cong, ra hư hại, thì người khác này chỉ có thể là hỏa ngục”.

Trên thực tế, câu nói của ông phần đông được hiểu theo nghĩa đơn giản: người khác hiện diện là để làm khổ mình, họ là hỏa ngục của nhau. Điều này đi ngược hẳn lại tín điều các thánh cùng thông công của người Công Giáo. Đối với họ “thiên đàng là những người khác”.

Người Công Giáo tin rằng các phiền nhiễu của đời sống và các gánh nặng của người khác có thể dẫn ta tới cái biết sâu sắc hơn về chính ta và một tình yêu lớn hơn đối với người khác. Điều này có thể là con đường dẫn ta tới nhân đức, tự do thoát khỏi lòng yêu mình thái quá, và sự thánh thiện ở đời.

Khi mở Năm Thánh Đặc Biệt về Lòng Thương Xót, Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn nhấn mạnh tới tín điều trên khi dạy rằng “Giáo Hội sống trong sự hiệp thông các thánh”. Ngày mai, người Công Giáo cử hành sự hiệp thông này qua lễ Các Thánh ngày 1 tháng Mười Một và lễ các linh hồn ngày 2 tháng Mười Một.

Niềm tin vào sự hiệp thông các thánh bắt đầu trên trái đất này khi mọi người đã chịu phép rửa, tức những người được trình thuật thánh kinh gọi là các thánh hay “những người thánh thiện” hợp nhất bằng tâm trí trong việc thờ phượng, trong tín lý, trong lãnh đạo mục vụ, trong tình bằng hữu, và phục vụ người nghèo.

Thực tại tính của hiệp thông các thánh trên trái đất được phản ảnh ở gian giữa Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ở Rôma, vốn là đền thờ Thánh Phêrô Tông Đồ và được mọi người thừa nhận là biểu tượng của Đức Tin Kitô Giáo. Gian giữa này chứa các tấm bảng đồng thau mang tên các nhà thờ lớn trên khắp thế giới.

Dù các tấm bảng này mục đích để so sánh chiều dài của các nhà thờ này với chiều dài của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, nhưng chúng vẫn cho thấy sự hợp nhất của mọi tín hữu khắp thế giới, thuộc mọi văn hóa, ngôn ngữ, xã hội và dân tộc.

Các người đã chịu phép rửa được đem lại gần nhau và qua tình hiệp thông, được kết nối thành một thân thể rồi được sai đi làm muối sự thiện, ánh sáng và men hợp nhất cho toàn bộ gia đình nhân loại.

Tuy nhiên, sự hiệp thông các thánh không kết thúc với “các thánh” còn đang sống trên trần gian. Nó không bị khựng lại ở sự chết, nhưng được sự chết lên năng lực vì sự chết nuôi dưỡng hy vọng và hướng ta về thiên đàng.

Và do đó, sự hiệp thông các thánh cũng bao gồm những người đã qua khỏi đời này để bước vào đời sau. Nó bao gồm mọi người đang ở trong thời kỳ thanh luyện, chuẩn bị lãnh nhận cuộc sống vĩnh cửu, và những người đã lãnh phần thưởng của mình trên thiên đàng.

Triều thiên mầu nhiệm hiệp thông các thánh là các linh hồn đã chiến thắng trên thiên đàng. Nhóm này bao gồm mọi linh hồn trên thiên đàng nhất là những vị đã được Giáo Hội Công Giáo tôn phong chính thức. Các thánh đã được tôn phong là những vị thánh thiện được các tín hữu tôn kính và noi gương công khai. Các vị thánh thiện này được tuyển chọn một cách đặc biệt vì khi còn trên dương thế, các vị là các điển hình đặc biệt của sự tốt lành, của nhân đức, và của đường lối Thiên Chúa.

Các thánh được coi như bằng hữu của Thiên Chúa, nhưng cũng như mẫu mực và là anh chị cho những người còn sống trên dương thế.

Dưới ánh sáng Năm Thánh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói về các vị thánh đã được tôn phong rằng “Sự thánh thiện của các vị đến trợ giúp sự yếu đuối của chúng ta theo một cách nào đó khiến Giáo Hội, bằng lời cầu nguyện trong tư cách người mẹ và lối sống của mình, có khả năng tăng cường một số người yếu đuối bằng sức mạnh của những người khác”.

Và do đó, thiên đàng chính là những người khác một cách rất thực tế.

Bởi thế, các hành động và đời sống của các Kitô hữu không phải là việc tư riêng, nhưng được xét trong khuôn khổ mầu nhiệm hiệp thông các thánh. Tín hữu tin sự hiệp thông và đặc ân cùng trách nhiệm này. Họ tin và họ sống trong nó.
Nhân đức của người tín hữu, tình yêu và sự phục vụ người khác của họ, và việc chu toàn các bổn phận của đời họ đều là thành phần của việc xây đắp sự hiệp thông này vì vinh quang của Thiên Chúa và vì sự phuc vụ đối với toàn thể gia đình nhân loại.

Và bởi vậy, không như ba linh hồn trong Huis Clos của Sartre, người môn đệ của Chúa Kitô được kêu gọi trở nên thành viên tích cực của sự hiệp thông ơn thánh và lòng tốt sống động, tiếp đón những người thiếu thốn như phản ảnh thiên đàng và luôn tìm cách trở thành thiên đàng cho những người chung quanh.