Hầu hết các cuộc thăm dò trong năm 2016, trong từng thời kỳ, đã sai. Và các cuộc thăm dò dự đoán rằng Hillary Clinton sẽ ẵm trọn số phiếu người Công Giáo chỉ là một giấc mơ viễn vong hơn là thực tại. Thực tế là dù bị vây đánh hội đồng bởi hầu hết các phương tiện truyền thông tại Mỹ, ông Donald Trump đã chiến thắng oanh liệt.

Trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử, chỉ có các cuộc thăm dò do IBD-TIPP tiến hành luôn luôn chỉ ra rằng Trump sẽ chiếm được ưu thế trong số những cử tri người Công Giáo, như tờ Crux ghi nhận tuần trước. Hầu như tất cả những người khác đều cho rằng Clinton sẽ chiến thắng một cách áp đảo.

Cả hai ứng cử viên đều có những vấn đề. Nhưng vụ tai tiếng email của bà Clinton làm tê liệt chiến dịch tranh cử của bà ta trong nhiều tháng, và sau đó một lần nữa vào cuối tháng Mười, với cuộc điều tra của FBI, không nghi ngờ gì đã đóng góp đáng kể vào chiến thắng của Trump. Các lo lắng về một nền kinh tế trì trệ, xung khắc chủng tộc, sự gia tăng chi phí và các vấn đề với Obamacare hiển nhiên cũng góp phần trong sự thất bại của bà Hilary Clinton.

Nhưng vượt khỏi tầm nhìn của hầu hết các báo cáo trên các phương tiện truyền thông, mối quan tâm tôn giáo cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến thắng của Trump. Cho dù cử tri tôn giáo thực sự ủng hộ Trump hay đơn giản là chỉ muốn ngăn chặn Clinton, chiến thắng của Trump là một thông điệp chính trị rõ ràng cho thấy người ta không thể xem thường những người có đức tin.

Cuộc chiến giằng dai trong nhiều năm qua giữa Obama và các cơ sở tôn giáo, các giám mục Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo tôn giáo khác qua các chính sách như bắt buộc các cơ sở tôn giáo mua bảo hiểm tránh thai, trong đó bao gồm cả các phương pháp triệt sản và phá thai, tiên báo một cách tiêu biểu cho thái độ thù địch của bà Clinton với các khía cạnh đức tin của người Công Giáo và Tin Lành.

Những chính sách công cộng của bà Clinton được nêu tỏ tường trong chiến dịch tranh cử cũng tỏ ra mâu thuẫn gay gắt với giáo huấn của Giáo Hội về các vấn đề như phá thai, án tử hình và hôn nhân.

Tai hại nhất là vụ rò rỉ các emails từ giám đốc chiến dịch tranh cử của bà Clinton là John Podesta, trong đó cho thấy những âm mưu thâm độc trong việc hình thành ra ít là hai tổ chức Công Giáo trá hình (Catholic United và Catholics in Alliance for the Common Good) nhằm tạo ra các mầm mống nổi loạn trong lòng Giáo Hội Công Giáo.

Trước vụ rò rỉ các emails này, Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của tổng giáo phận Louisville, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã ra một tuyên bố phản đối. Nhưng người ta ghi nhận một sự phản ứng còn dữ dội hơn trong lá thư của các mục sư người Mỹ gốc Phi gởi cho Hilary có tựa đề “Một Thư ngỏ đến Hillary Clinton Về Tự Do Tôn Giáo cho người Mỹ da đen” vào tháng 10 vừa qua. Các mục sư này bày tỏ lo ngại rằng Hilary dám giở những thủ đoạn như thế với Giáo Hội Công Giáo thì liệu bà ta có tha cho Tin Lành không?

Những lo ngại này của những cử tri có niềm tin tôn giáo cũng được khoét sâu hơn vì lời bình luận của bà Clinton năm ngoái cho rằng “quan điểm tôn giáo” về các vấn đề như phá thai phải thay đổi.

Trong thực tế, quan điểm cấp tiến về nạo phá thai của bà Clinton không chỉ mâu thuẫn với người Mỹ có đạo nhưng với ít nhất là 8 phần 10 tổng thể người Mỹ, là những người ủng hộ việc hạn chế phá thai sau gần một thập kỷ thăm dò của cơ quan Marist thuộc phong trào Knights of Columbus.

Tương tự như vậy, hai phần ba người Mỹ, đặc biệt là những người có tín ngưỡng, tỏ ra không chia sẻ nỗi thái độ hỗ trợ của bà Clinton cho việc bãi bỏ Tu chính án Hyde.

Kết quả bầu cử này không nghi ngờ gì phản ánh cảm giác lo lắng về kinh tế, và những lo ngại càng ngày càng lớn dần về tư cách của bà Clinton theo sau các vụ rò rỉ emails bởi Wikileaks, FBI và Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, sự thù địch của bà Clinton với niềm tin tôn giáo, và những gì nhiều người Mỹ thấy như thái độ càng ngày càng cực đoan của bà ta về các vấn đề như phá thai với viễn ảnh là bổ nhiệm các chánh án Tối Cao Pháp Viện cực đoan, là những yếu tố đã góp phần vào việc dành chiến thắng của ông Trump.