Colombo (Agenzia Fides, 05/12/2016) -... "Giáo Hội tại châu Đại Dương là sôi động về mặt đức tin. Nói chung về mặt mục vụ và xã hội, chúng tôi là một Giáo Hội trẻ trung với một cộng đồng sôi nổi và năng động. Chúng tôi đạt được nhiều kết quả ổn định về số tín hữu. Chúng tôi phải cảm ơn các Giáo Hội Á Châu đã gửi các nhà truyền giáo sang. Nhưng hôm nay chúng tôi đang lo ngại về tình trạng xã hội dân sinh, bị ảnh hưởng bởi sự biến đổi khí hậu". theo lời tuyên bố cuả Đức Hồng Y John Ribat, vị Hồng Y đầu tiên cuả Papua New Guinea, tổng giám mục Port Moresby, đang tham gia đại hội lần thứ mười một của Liên hội đồng Giám mục Á châu (FABC), tổ chức tại Negombo (gần Colombo) ở Sri Lanka.
Đức Hồng Y tham gia cuộc họp với tư cách là chủ tịch của Liên đoàn các Hội Đồng Giám mục châu Đại Dương (FCBCO), trong đó bao gồm Úc, New Zealand, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Fiji và 17 quốc gia nhỏ trong Thái Bình Dương. Ngài đại diện cho 84 giáo phận cuả 21 quốc gia, với những đặc điểm văn hóa, kinh tế và tôn giáo khác nhau, nhiều quốc gia có đa số là Kitô hữu.
"Nhân dịp này, tôi xin cảm ơn các giám mục châu Á đã gửi các nhà truyền giáo vào khu vực của chúng tôi", ĐHY nói. "Hầu hết các nhà truyền giáo của chúng tôi đến từ các nước châu Á như Ấn Độ, Philippines, Indonesia và Việt Nam".
Đức Tổng Giám mục cho biết rằng một số giáo phận tại Papua New Guinea và quần đảo Solomon ở Châu Đại Dương vừa mới kết thúc lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Giáo Hội địa phương, và "sự phát triển ấy có được là nhờ đến sự hỗ trợ huynh đệ của các Giáo Hội Á Châu ".
Đức Hồng Y Ribat là một sĩ tử của dòng Thừa Sai Thánh Tâm, thành lập năm 1854 bởi Cha Jules Chevalier tại Issoudun, Pháp.
Liên quan đến những vấn đề hiện tại, Đức Hồng Y than phiền rằng: "Vấn đề quan trọng đối với các quần thể ở Châu Đại Dương là sự biến đổi khí hậu. Mặc dù chúng tôi không tạo ra vấn đề này, chúng tôi là những người chịu ảnh hưởng cách nặng nề". Các tác động tiêu cực, Ngài giải thích, bao gồm mức biển nâng cao, đại dương bị axit hóa, những cơn mưa lũ bất thường, tất cả đều gây tổn hại nghiêm trọng đến cộng đồng ngư dân và nông dân trong khu vực.
"Trong một số trường hợp, toàn bộ khu vực gồm nhiều quốc gia bị đe dọa bởi sự gia tăng không thể tranh cãi của mực nước biển. Kể ra, điều này liên quan đến các hòn đảo Carteret, Fead Islands, Kiribati, quần đảo Marshall, Quần đảo Mortlock, quần đảo Nukumanu, Tokelau, hải đảo Tuvalu ", Ngài nói.
Đức Hồng Y John Ribat phát biểu sự quan tâm về cuộc sống và tình trạng xã hội của các dân tộc bản địa của Châu Đại Dương: "Bị ảnh hưởng liên tục giữa lũ lụt rồi hạn hán, năng lực sản xuất cuả đất đã bị suy giảm đáng kể và người dân bản địa bị buộc phải bỏ đi", tạo ra một hiện tượng di cư của lục địa này.