Cuối tháng Mười Một, tại Albuquerque, Bang New Mexico, một trung tâm thai nghén phò sự sống được Project Defending Life, một thừa tác vụ Công Giáo, bảo trợ đã bị cướp phá và nổi lửa đốt.

Kẻ cướp phá đã nổi lửa đốt bàn thờ và các hàng ghế ở nhà nguyện Các Thánh Anh Hài của Trung Tâm, rồi đốt hết các sách báo truyền đơn chống phá thai.

Sở Điều Tra Liên Bang đang điều tra biến cố trên, được coi như môt tội ác kỳ thị.

Từ năm 2006, thừa tác vụ trên đã dành cho phụ nữ nhiều hình thức phục vụ, từ kiếm nhà ở và việc làm tới các khám nghiệm thai nghén, tại một tòa nhà đối diện với một cơ sở của tổ chức phá thai khổng lồ Planned Parenthood.

Tiểu Bang New Mexico mới xuất hiện như là một tiểu bang người ta tới để phá thai, càng ngày càng lôi cuốn nhiều phụ nữ từ các tiểu bang khác; nó là một trong 7 tiểu bang cho phép phá thai ở bất cứ thai kỳ nào.

Cuộc tấn công nói trên chứng tỏ phá thai vẫn còn là một điểm nóng, sau một cuộc tổng tuyển cử trong đó, vấn đề phá thai chắc chắn đã đóng một vai trò quan trọng trong việc bầu cho ông Donald J. Trump.

Trong ba tháng cuối cùng của cuộc tranh cử tổng thống, người ta thấy Bà Hillary Clinton hết lòng ủng hộ việc phá thai ở thai kỳ cuối cùng và được liên bang tài trợ.

Các chủ trương này đã lạc điệu đối với nước Mỹ chính dòng. Bà ta công khai chủ trương thu hồi Tu Chính Án Hyde, một đồng thuận lưỡng đảng đã có từ năm 1976 nhằm ngăn cản việc dùng tiền Liên Bang hỗ trợ việc phá thai. Chủ trương này chỉ được 36 phần trăm cử tri ủng hộ mà thôi. Bà ấy cũng chủ trương dùng tiền Liên Bang tài trợ cho Planned Parenthood.

Ông Trump thì nói mình sẽ thôi tài trợ cho Planned Parenthood. Trong cuộc tranh luận lần thứ ba, Bà Clinton nhất quyết ủng hộ việc phá thai ở thai kỳ cuối, “để bảo vệ sự sống và sức khỏe người mẹ”. Nhưng nhiều bác sĩ sản khoa, trong đó có cựu bác sĩ sản khoa C. Everett Koop, từng hành nghề trong 35 năm, quả quyết rằng thủ tục phá thai này chưa bao giờ được dùng để cứu sinh mạng người mẹ cả.

Câu đối đáp của Ông Trump hết sức rõ ràng: “Nếu qúy vị theo những điều bà ta nói, thì qúy vị có thể xé nát một hài nhi ra khỏi bụng mẹ ở tháng thứ chín, và bà ấy sẽ bảo: việc ấy o.k.. Nhưng nó không o.k. đối với tôi. Điều ấy không thể chấp nhận được”.

Hồi tháng Năm, 2016, dù chỉ có 19 phần trăm cử tri phò sự sống nghĩ rằng Ông Trump đồng quan điểm với họ, nhưng đến ngày 8 tháng Mười Một, Ông Trump là sự lựa chọn của những người tự coi mình có chủ trương phò sự sống: các cử tri Tin Lành và Tái Sinh (82 phần trăm), những người đi nhà thờ ít nhất mổỉ tuần một lần (56 phần trăm), và người Công Giáo (52 phần trăm).

Đến 60 phần trăm người Công Giáo không nói tiếng Tây Ban Nha bỏ phiếu cho Ông Trump đến, ngược với khoảng 67 phần trăm người Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha bầu cho bà Clinton.

Xét về lịch sử, các cử tri Công Giáo được coi là những người quyết định trễ và chính họ quyết định người thắng cuộc.

"Trong suốt cuộc tranh cử, cam kết của Donald Trump đối với các quan điểm phò sự sống luôn mỗi ngày một mạnh mẽ hơn”. Mallorey Quigley, Giám Đốc Truyền Thông của Susan B. Anthony List (SBA), một tổ chức luôn ủng hộ các ứng viên và các nhà cổ vũ luật lệ phò sự sống.

Tổ chức trên nhắm vận động các tiểu bang Florida, Missouri, North Carolina, và Ohio ủng hộ tư cách ứng viên của Ông Trump. Họ chi 18 triệu dollars trong hai năm, trong khi EMILY’s List chi tới trên 40 triệu dollars trong mùa bầu cử này để vận động cho các ứng viên phò phá thai.

Tháng 7 năm 2015, Trump ủng hộ ưu tiên lập pháp hàng đầu của SBA List tức việc ngăn cấm phá thai sau 5 tháng.

Quigley cho biết thêm: tổ chức của cô không chỉ ủng hộ các ứng viên Cộng Hoà mà cả các ứng viên Dân Chủ và Độc Lập có thể thương lượng được miễn là có khuynh hướng phò sự sống rõ rệt. Tổ chức của cô đã gõ 1.1 triệu cửa nhà tại các tiểu bang nói trên và đã thắng tại mọi tiểu bang này.

Như Cha Paul O'Callaghan, Cha Sở Nhà Thờ Chính Tòa Chính Thống Giáo tại Wichita, nói với tờ Washington Examiner: "nhiều người cho tôi hay họ hết sức ngỡ ngàng trước việc Hillary Clinton cổ vũ việc phá thai ở tam cá nguyệt thứ ba. Họ hết sức xúc động đối với việc này”.

Theo Google Lab, vào ngày bầu cử, hai chữ được người ta tra cứu nhiều nhất chính là “phá thai” và “di dân”: hai chữ này quả đã đóng một vai trò quan trọng đối với các cử tri tại các khu ngoại ô Detroit.

Martin Manna, Chủ Tịch Phòng Thương Mãi Can Đê-Hoa Kỳ, cho rằng “cộng đồng chúng tôi đi bầu như chưa từng thấy bao giờ”. Canđê là cộng đồng Công Giáo đến từ Iraq; đây là cộng đồng Canđê lớn nhất ở ngoại quốc: 121,000 người.

Khi lá phiếu cuối cùng bầu tổng thống được đếm ở Michigan cho thấy Ông Trump chỉ thắng hơn đối thủ 10,704 phiếu, thì các khu ngoại ô đông bắc của Detroit, nhất là Quận Macomb, tự chứng tỏ có lá phiếu quyết định, như giới truyền thông địa phương đã chứng tỏ.

Quận Macomb, nơi nhiều người Canđê Iraq sống, đã bầu cho Trump 12 phần trăm nhiều hơn bầu cho Clinton dù họ từng bầu cho Obama cả hai kỳ bầu cử năm 2008 và 2012. Các cử tri tại quận này không phải là công nhân cổ xanh, mà là các nhà chuyên nghiệp.

Theo Manna, điều vận động được cộng đồng tương đối bảo thủ nói chung này là vấn đề phò sự sống cũng như vấn đề bách hại Kitô hữu ở Iraq và Syria, những điều vốn không được chính phủ đương quyền quan tâm.

Manna cho hay: “Chúng tôi không thấy chính phủ Obama có hành động gì bất kể cuộc diệt chủng các Kitô hữu và bạo động cũng như đe dọa không ngừng của các phần tử cực đoan duy Hồi Giáo”. Ông hy vọng rằng chính phủ kế tiếp sẽ ủng hộ một tỉnh mới dùng làm nơi an toàn cho các nhóm thiểu số tôn giáo tại Bình Nguyên Nineveh.