CHU KỲ CỬ MỪNG

Thế là Thanksgiving 1998 qua rồi. Không bao giờ còn tìm lại được Thanksgiving 1998 nữa!

Nhưng nếu mình cắt bỏ “1998”, thì Thanksgiving vẫn còn mãi với dòng sống của người Hoa Kỳ. Thanksgiving sẽ trở lại cho mẹ già trong viện dưỡng lão thấy lại mặt con cháu, cho các chủ trại gà tây sung sướng bán “turkey”, cho các hãng máy bay tha hồ tăng thêm đường bay, thu thêm lợi tức, cho các cửa tiệm hân hoan thấy khách hàng tuôn đổ vào tiệm mình trong ngày thứ sáu “sau Thanksgiving”...

Nếu chúng ta nghĩ đến thời gian theo đường dài như người tây phương thì quá khứ sẽ đi vào dĩ vãng, không bao giờ với lại được, níu kéo lại được. “1997” đã qua rồi và không bao giờ trở lại. Nhưng nếu chúng ta xem thời gian theo nghĩa “chu kỳ” (cycle- circular) và “cử mừng” (celebration) của người Việt, thì “xuân đi xuân lại tới”, Tết Con Cọp qua đi, Tết Con Cọp sẽ lại tới.

***

Giáo Hội cũng tổ chức “lịch” của mình theo ý nghĩa chu kỳ và cử mừng. Giáng Sinh qua đi, Giáng Sinh lại đến. Mùa Vọng đã qua, Mùa Vọng nay lại vừa đến, mở đầu cho một năm mới Phụng Vụ

Người Việt chúng ta cử mừng chu kỳ 12 năm với 12 con giáp - Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Kết nối với 10 tinh - Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí, chúng ta sẽ có một chu kỳ 60 năm cử mừng cuộc sống của con người, của xã hội... 12 năm nữa chúng ta sẽ gặp lại năm Dần. 60 năm nữa chúng ta sẽ lại ăn mừng Tết Mậu Dần.

Chu kỳ cử mừng của Giáo Hội không xây dựng trên 12 con giáp, nhưng trên 4 sách Tin Mừng. Giáo Hội chia chu kỳ thành 3 năm: năm A, B, C. Trong năm A, Giáo Hội sẽ công bố trọn cuốn Tin Mừng theo thánh Mát-thêu trong các ngày chúa nhật. Vì thế, năm A còn được gọi là năm Mát-thêu. Năm B sẽ là năm Mác-cô, năm C là năm Lu-ca. Còn Tin Mừng Thứ Tư (vẫn thường được gọi là Tin Mừng theo Thánh Gioan) sẽ được công bố trong các ngày lễ trọng trong suốt 3 năm.

Song song với việc công bố Tin Mừng, mỗi chúa nhật Giáo Hội mời chúng ta lắng nghe hai bài đọc trích từ trong Kinh Thánh Do Thái (vẫn thường được gọi là Cựu Ước) và các sách khác trong Tân Ước.

Các ngày thường trong tuần, chu kỳ cử mừng của Giáo Hội là hai năm, năm chẵn và năm lẻ. Trong các ngày này, Giáo Hội sẽ tuyên đọc Kinh Thánh một cách liên tục, từ chương này sang chương khác, từ sách này sang sách khác. Tinh thần này được tỏ hiện trong câu “Đọc Tiếp Tin Mừng theo Thánh. ..”.

Giáo Hội chia chu kỳ cử mừng của mình như thế với niềm ước mong sau 3 năm A, B,C, và hai năm chẵn, lẻ, tất cả các phần chính yếu trong Kinh Thánh đều được công bố và rao truyền.

Đó là ước muốn tối thiểu của Giáo Hội, Mẹ chúng ta. Tuy nhiên, Giáo Hội sẽ sung sướng lắm khi thấy chính bạn ngoài việc lắng nghe và suy niệm các bài đọc, các đoạn Tin Mừng được loan truyền trong thánh lễ chúa nhật và hằng ngày, bạn còn quyết tâm, hứa với chính mình trong ba năm sẽ đọc xong trọn bộ Kinh Thánh!

Và trong mùa Vọng này, từ nay cho đến lễ Giáng Sinh, mời bạn thử thêm một bước nữa nhé: quyết tâm mỗi ngày dành 3 phút (một khoảng thời gian quá ngắn so với thời gian “download” một “program” quan trọng trong WEB!) để đọc Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, đọc liên tục — “Đọc Tiếp Tin Mừng theo thánh Mát-thêu”, sao cho đến Đêm Giáng Sinh bạn đã đọc xong trọn sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, như một quà sinh nhật —”birthday gift” cho Bé Giê-su.

Đức Ki-tô Giê-su hôm qua, Đức Ki-tô hôm nay, và Đức Ki-tô mãi mãi (châm ngôn của Năm Thánh 2000). Đối với Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô, thời gian là chu kỳ. Trên vòng tròn, không có điểm đầu hay điểm cuối. Điểm nào cũng có thể là điểm đầu và điểm cuối. “Đức Ki-tô là Alpha và Omega, là khởi nguyên và tận cùng” (Khải Huyền 21:6).

Xin dâng mọi danh dự, uy quyền và chúc tụng về Thiên Chúa là “Đấng đã có, hiện có và sẽ tới” (Khải Huyền 1:8).

-Cầu nguyện

-Quyết tâm

-Dấn thân