Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Bức họa ‘Đức Mẹ có tài có phép’ của danh họa Domenico Bartolini đã được trưng bày trên sân khấu Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục trong buổi tiếp kiến chung Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho các tín hữu hôm 28 tháng 12.
Tờ Quan Sát Viên Rôma cho biết bức họa cũng được trưng bày tại Đền Thờ Thánh Phêrô khi Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Kinh Chiều Tạ Ơn vào ngày 31 tháng 12, và trong Lễ Kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vào ngày 01 Tháng Giêng.
Bức họa, thường được đặt tại nhà thờ Sant'Andrea delle Fratte tại Rôma, có ý nghĩa kỷ niệm cuộc hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria với Marie-Alphonse Ratisbonne (1814-1884) trong nhà thờ này vào tháng Giêng năm 1842. Ratisbonne, là một người Do Thái, đã theo đạo Công Giáo, và đã hứa hôn. Biến cố Đức Mẹ hiện ra đã thay đổi cuộc đời anh. Anh trở thành một linh mục dòng Tên, và thành lập Hội dòng Đức Mẹ Sion.
Cha Francesco Trebisonda, linh mục giáo xứ Sant'Andrea delle Fratte nói với tờ Quan Sát Viên Rôma rằng bức họa xuất hiện tại Đền Thờ Thánh Phêrô “là một cách trang trọng để bắt đầu việc cử hành Năm Thánh Mẫu nhân 175 năm Đức Mẹ hiện ra tại giáo xứ này.”
2. Sứ điệp của Đức Thánh Cha gởi các bạn trẻ tham dự cuộc gặp gỡ đại kết ở Riga, Latvia
Cuộc gặp gỡ giới trẻ Kitô Âu Châu lần thứ 39, do Tu viện đại kết Taizé tổ chức, đã khai diễn tại thành phố Riga, thủ đô Cộng hòa Latvia hôm 28 tháng 12 và kéo dài đến ngày 1 tháng Giếng. Theo thống kê sơ khởi, có hơn 10 ngàn bạn trẻ Công Giáo, Tin Lành, Anh giáo và Chính Thống tuổi từ 17 đến 35, đã đến với cuộc gặp gỡ này từ các nước Âu Châu, đặc biệt là từ các nước láng giềng với Latvia như Ukarine, Belarus, Ba Lan và Nga.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi sứ điệp sau đến các tham dự viên:
Các bạn trẻ thân mến,
Hàng ngàn bạn trẻ đến từ tất cả các miền của châu Âu, và từ một số châu lục khác đang quây quần với nhau tại Riga, Latvia, trong cuộc gặp gỡ lần thứ 39 do cộng đồng Taizé tổ chức và lãnh đạo. Với chủ đề “làm chứng cho niềm hy vọng” được đặt nơi trung tâm các suy tư và cầu nguyện, Đức Giáo Hoàng Phanxicô gần gũi cách riêng với các bạn vì ngài thường xuyên kêu gọi các bạn đừng để cho bất cứ ai cướp đi niềm hy vọng của mình. Trong buổi canh thức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Kraków, ngài mạnh mẽ nhấn mạnh thực tại thiết yếu này của đức tin Kitô: “Tại thời điểm khi Chúa kêu gọi chúng ta, Ngài nhìn vào tất cả những gì chúng ta có thể làm được, và tất cả tình yêu chúng ta có thể chia sẻ. Ngài luôn đặt cược vào tương lai, vào ngày mai. Chúa Giêsu kêu gọi các bạn hướng tới các chân trời, chứ không bao giờ hướng tới những bảo tàng viện”(Diễn từ 30 tháng 7 năm 2016).
Đức Thánh Cha cám ơn các bạn đã chọn rời khỏi ngôi nhà tiện nghi của mình để sống cuộc hành hương tín thác này như một đáp trả trước lời mời gọi của Chúa Thánh Thần.
Các bạn trẻ Chính thống, Tin lành và Công Giáo, khi sống những ngày này trong tình huynh đệ, đang thực sự thể hiện mong muốn của mình được là những nhân vật chính của lịch sử chứ không để cho những người khác quyết định thay tương lai của mình. Đức Thánh Cha khuyến khích các bạn đứng vững trong niềm hy vọng bằng cách đặt để Chúa nơi con tim và cuộc sống hàng ngày của các bạn. Với Chúa Giêsu, người bạn trung thành không bao giờ làm ta thất vọng, các bạn sẽ có thể tiến bước trên con đường hướng tới tương lai với niềm vui, trong khi cống hiến tài năng và khả năng cho thiện ích chung của tất cả mọi người.
Hôm nay, nhiều người đang chán nản và lúng túng bởi bạo lực, bất công, đau khổ và chia rẽ. Họ có ấn tượng rằng sự ác mạnh hơn bất cứ điều gì. Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các bạn hãy thể hiện bằng lời nói và việc làm của mình rằng sự ác không có tiếng nói chung cuộc trong lịch sử của chúng ta vì “đây là thời của lòng thương xót cho mỗi người và cho tất cả, không ai có thể nghĩ rằng mình bị cắt đứt khỏi sự gần gũi của Thiên Chúa và quyền năng tình yêu nhân hậu của Ngài” (Tông Thư, Misericordia và Misera, phần 21).
Đức Thánh Cha hy vọng rằng những ngày này mang các bạn lại với nhau tại Riga sẽ giúp các bạn đừng sợ những giới hạn của mình nhưng tăng trưởng niềm tin vào Chúa Giêsu, Đấng Kitô và là Chúa chúng ta, Đấng tin tưởng và hy vọng nơi các bạn. Cầu xin cho các bạn, với chứng tá về sự đơn sơ của Thầy Roger, sẽ xây dựng các cầu nối của tình huynh đệ và thể hiện cho thế giới thấy tình yêu mà Thiên Chúa yêu thương chúng ta.
Từ sâu thẳm tâm hồn mình, Đức Thánh Cha gởi những lời chúc lành của ngài đến các bạn, là những người đang tham dự cuộc gặp gỡ này, và đến với các sư huynh Taizé, cũng như đến tất cả mọi người đang chào đón bạn ở Riga và các khu vực xung quanh.
3. Các vị Thượng Phụ Công Giáo Đông phương bày tỏ âu lo về tương lai của các tín hữu Kitô Trung Đông
Kitô hữu ở Trung Đông tiếp tục chịu đựng sự ngược đãi nghiêm trọng, các vị Thượng Phụ Công Giáo Đông phương tại Trung Đông đã đồng thanh nhận định như trên trong các thông điệp Giáng Sinh riêng biệt.
Đức Hồng Y Bechara Boutros al-Rahi của Công Giáo nghi lễ Maronite cảnh báo rằng những kẻ khủng bố đang “giết chết và làm ly tán các gia đình Kitô, cũng như tước đoạt nhân quyền và phẩm giá của họ”. Ngài kêu gọi Liên Hiệp Quốc bảo đảm hòa bình trong khu vực và hoạt động đắc lực hơn cho các Kitô hữu tị nạn có thể trở về quê hương của họ.
Đức Thượng Phụ Ignatius Joseph Yonan của Công Giáo nghi lễ Syriac thì nói:
“Vì trung thành với Chúa Giêsu Đấng Cứu Độ, các Kitô hữu Syria và Iraq đã phải chịu đựng những hậu quả khủng khiếp của chiến tranh, bạo lực, và tất cả các sách lược khủng bố”.
Đức Thượng Phụ nhấn mạnh rằng:
“Điều khá rõ ràng là người dân của chúng tôi bị bách hại vì hận thù tôn giáo. Nhưng họ bị quên lãng vì thứ chủ nghĩa cơ hội chính trị của các siêu cường trên thế giới”.
Với một cung giọng lạc quan hơn, Đức Thượng Phụ nói thêm: “Chúng tôi tiếp tục hy vọng rằng các chính phủ trong khu vực và các nhà lãnh đạo quốc tế sẽ trục xuất những kẻ khủng bố và khôi phục lại an ninh và hòa bình”.
Ngài lên tiếng ca ngợi đích danh Dân Biểu Chris Smith của New Jersey và nói rằng hy vọng của ngài chưa tàn lụi là vì “còn có nhiều chính trị gia Công Giáo ở phương Tây không thể đồng ý với đường lối dửng dưng của các chính phủ trước hoàn cảnh của các Kitô hữu tại Trung Đông.”
Trong khi đó, Đức Thượng phụ Gregory III Laham của Công Giáo nghi lễ Melkite Đông Phương cảnh báo rằng “ngày nay ở Trung Đông, là cái nôi của Kitô giáo, sự hiện diện của Kitô giáo đang bị đe dọa ... Chiến tranh làm gia tăng các cuộc di cư kinh hoàng trong đó đa số những người phải chạy giặc là các Kitô hữu.”
4. Dòng Salêdiêng Bangalore xác nhận video về cha Tom Uzhunnalil là xác thực
Cơ quan thông tin của Dòng Salêdiêng Bangalore xác nhận video về cha Tom Uzhunnalil do bọn khủng bố Hồi Giáo đưa lên mấy ngày trước đây là xác thực.
Thông báo của Dòng Salêdiêng Bangalore nhấn mạnh rằng:
“Anh em Salêdiêng ở Bangalore đã quan sát kỹ khuôn mặt và giọng nói của người bị bắt cóc và đồng thanh xác nhận đó chính là cha Tom”.
Cha Tom Uzhunnalil, 56 tuổi, một linh mục dòng Salêdiêng, Ấn Độ, là người bị bắt cóc ở Yemen vào đầu tháng Ba, đã cầu xin sự giúp đỡ trong một đoạn video được đăng tải trên Youtube vào ngày 26 tháng 12.
Cha Tom Uzhunnalil đã bị bắt giữ bởi những kẻ khủng bố khi chúng bắn chết bốn nữ tu của Dòng Thừa Sai Bác Ái trong cuộc tấn công ngày 04 tháng 3 tại một nhà dưỡng lão ở Aden, Yemen. Kể từ thời điểm đó đến nay vẫn chưa có tin tức rõ ràng về số phận của ngài.
“Tôi rất chán nản. Sức khỏe của tôi xấu đi rất nhanh”, Cha Tom nói trong video. Ngài than phiền rằng chẳng có gì đã được thực hiện để bảo đảm việc trả tự do cho ngài, mặc dù những kẻ bắt cóc đã liên lạc với chính phủ Ấn Độ.
Những lời của cha Tom dấy lên một làn sóng bất bình về cách hành xử của chính phủ Ấn.
Hôm 2 tháng Tư, một phái đoàn từ Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ đã có cuộc gặp gỡ với Sushma Swaraj, bộ trưởng ngoại giao của Ấn, để thảo luận về mối quan tâm của các ngài cho số phận của Cha Uzhunnalil, “đặc biệt là bây giờ, khi những tin đồn khủng khiếp đang được lan truyền.” Vị bộ trưởng chính phủ “bảo đảm dứt khoát với phái đoàn rằng cha Tom Uzhunnalil đang được an toàn”. Tuy nhiên, ông Swaraj từ chối tiết lộ bất kỳ thông tin chi tiết nào về cuộc đàm phán giữa chính phủ Ấn Độ và những kẻ bắt giữ ngài.
Thông báo của Dòng Salêdiêng Bangalore trấn an mọi người rằng:
Vị linh mục bị bắt cóc “nói bằng một ngôn ngữ chậm và do dự. Trong tình trạng bị cô lập của ngài, chắc chắn là ngài không biết gì về những nỗ lực mà chính phủ, và toàn thể Giáo Hội và các cơ quan cứu trợ nhân đạo đang thực hiện để ngài được trả tự do.”
Thông báo kết luận rằng:
“Nếu Cha Tom vẫn còn sống, chúng ta có bổn phận phải gia tăng những lời cầu nguyện cho ngài.”
5. Đức Cha Tadeusz Kondrusiewicz phê phán chính phủ Belarus cố tình bôi xấu Công Giáo
Nhà lãnh đạo hàng đầu của Công Giáo tại Belarus, là Đức Tổng Giám mục Tadeusz Kondrusiewicz của tổng giáo phận Minsk-Mogilev, phê phán chính phủ nước này đang có mưu toan bôi xấu Giáo Hội Công Giáo qua các con số thống kê ngụy tạo.
Trong những năm gần đây, các cơ quan truyền thông tại Belarus, còn được gọi là Bạch Nga, đã có một thói quen là đưa ra các số liệu thống kê về số người Công Giáo tham dự các thánh lễ vào dịp Giáng Sinh và Phục Sinh.
Trong một kháng thư đề ngày 27 tháng 12, gởi cho Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Igor Shunevich, và Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Cha Kondrusiewicz chỉ ra rằng các báo cáo theo đó chỉ có 40,000 người Thánh Lễ Giáng Sinh 2016, là hoàn toàn sai sự thật. Con số thực tế “lớn hơn gấp nhiều lần.”
Đức Tổng Giám mục Kondrusiewicz bày tỏ lo ngại rằng chính phủ Belarus đang cố gắng vẽ ra một bức tranh sai sự thật về cái gọi là “sự sụt giảm đáng kể người Công Giáo tham dự lễ Giáng Sinh” từ 240,000 năm 2011 xuống còn 83,000 năm 2013 và chỉ còn 40,000 trong năm 2016.
Belarus có có 9.6 triệu dân trong đó 48% theo Chính thống giáo, Công Giáo chiếm 7% dân số, và 41% nói mình là người vô thần. Giáo Hội Công Giáo tại Belarus có 3 giáo phận và một tổng giáo phận.
Tổng giáo phận Minsk-Mogilev do Đức Cha Kondrusiewicz coi sóc có 610,000 người Công Giáo sinh hoạt trong 222 giáo xứ và được coi sóc bởi 57 linh mục triều và 65 linh mục dòng.
Đức Tổng Giám mục Tadeusz Kondrusiewicz được nhiều người đánh giá là một nhà lãnh đạo kiệt xuất. Năm 1976, ở tuổi 30, ngài vào chủng viện và 5 năm sau được thụ phong linh mục. Trong thời cộng sản, ngài hoạt động mục vụ tại Lithuania và năm 1988 được bổ nhiệm làm cha sở một giáo xứ ở Belarus.
Những hoạt động hăng say của ngài lọt đến tai Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngày 20 tháng 10 năm 1989, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đích thân tấn phong Giám Mục cho ngài tại Đền Thờ Thánh Phêrô và bổ nhiệm ngài làm Giám Quản Tông Tòa Minsk, Belarus.
Tận dụng thời cơ cộng sản vừa sụp đổ, ngài thành lập một chủng viện, cấp tốc đào tạo các linh mục để mở lại 100 nhà thờ vừa đòi lại được. Ngài cũng thành lập ủy ban dịch kinh sách ra tiếng Belarus làm cơ sở cho các hoạt động truyền giáo.
Ngày 13 tháng 4 năm 1991, Tòa Thánh thiết lập 2 miền Phủ Doãn Tông Tòa tại Nga. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lại cử ngài làm Giám Quản Tông Tòa miền Nga Âu.
Năm 2002, Tòa Thánh chia Giáo Hội Công Giáo tại Nga thành 4 giáo phận. Đức Cha Tadeusz Kondrusiewicz được thăng Tổng Giám Mục tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa tại Mạc Tư Khoa.
Ngài đã giữ chức chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Nga trong 2 nhiệm kỳ cho đến khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục Minsk-Mogilev vào ngày 21 tháng 9 năm 2007.
6. Thông điệp chúc mừng Giáng Sinh của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa
Chủ tịch của Vụ Đối ngoại Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã gửi lời chúc mừng Giáng Sinh đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tổng giám mục Anh Giáo thành Canterbury, các nhà lãnh đạo của cộng đồng Lutheran ở Đức, và các nhà lãnh đạo các Giáo Hội Kitô không thuộc khối các Giáo Hội Chính thống.
Các Giáo Hội thuộc khối Chính thống dùng lịch Julian, và do đó, sẽ mừng lễ Giáng Sinh vào ngày 6 tháng Giêng, chứ không phải là ngày 25 tháng 12 như Giáo Hội Công Giáo, Tin Lành và các Giáo Hội dùng lịch Gregorian khác.
Cầu chúc Đức Giáo Hoàng và các nhà lãnh đạo Kitô giáo “sức khỏe tốt và ân sủng của Thiên Chúa cho sứ vụ cao cả được trao phó,” Đức Giám Mục Trưởng Hilarion của giáo phận Volokolamsk nhắc nhớ mầu nhiệm Nhập Thể và nói thêm rằng:
Trong thời của chúng ta khi “các tai ương ngày càng ngặt nghèo” (Tv. 24:17) và trái đất càng lúc càng nhiều các “tội ác đẫm máu” (Ez. 7:23), điều có ý nghĩa đặc biệt đối với nhân loại là quy hướng về Đấng Cứu Thế, vì chỉ một mình Ngài mới có thể đem lại ủi an cho các linh hồn đau khổ.
7. 28 nhân viên mục vụ của Giáo Hội bị giết trong năm 2016
Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc vừa đưa ra báo cáo thường niên về các trường hợp nhân viên mục vụ của Giáo Hội bị giết trong năm qua.
Trong năm 2016, 28 nhân viên chăm sóc mục vụ của Giáo Hội đã bị thiệt mạng trên toàn thế giới. Điều đáng lo ngại là liên tiếp trong 8 năm qua, Mỹ Châu tiếp tục là miền đất xảy ra nhiều vụ thảm sát nhất. Có đến 9 nhân viên mục vụ của Giáo Hội bị giết tại đại lục này trong năm 2016 vừa kết thúc; nghĩa là gần gấp đôi con số hồi năm 2015.
Theo những số liệu do Fides thu thập được, trong năm 2016, 14 linh mục, 9 nữ tu, một chủng sinh, 4 giáo dân đã bị chết thảm. Ở Mỹ Châu có 12 nhân viên chăm sóc mục vụ đã bị giết; trong đó có 9 linh mục và 3 nữ tu. Tại Phi Châu 8 vị đã bị giết gồm 3 linh mục, 2 nữ tu, một chủng sinh, cùng với 2 giáo dân. 7 vị tại Á châu đã bị giết chết gồm 1 linh mục, 4 nữ tu, và 2 giáo dân. Tại Âu châu có một linh mục đã bị khủng bố Hồi Giáo giết chết.
Phần lớn các nhân viên chăm sóc mục vụ đã bị giết trong năm 2016 là do các vụ cướp đã cố gắng, và trong một số trường hợp các vị bị giết rất dã man. Đó là dấu chỉ của sự suy đồi đạo đức, sự gia tăng nghèo đói cả về kinh tế lẫn văn hóa, dẫn đến các hình thái bạo lực coi thường tính mạng con người.
Trong nhiều trường hợp, các linh mục, nữ tu và giáo dân đã bị giết, nằm trong số những người lớn tiếng lên án bất công, tham nhũng, nghèo đói, nhân danh Tin Mừng. Cha José Luis Sánchez Ruiz, thuộc Giáo Phận San Andres Tuxtla, thuộc bang Veracruz, Mễ Tây Cơ là một trong những nạn nhân bị bắt cóc và sau đó người ta tìm thấy thi thể của ngài với những “dấu hiệu rõ ràng của sự tra tấn”. Trong những ngày trước khi xảy ra vụ bắt cóc, ngài đã nhận được nhiều lời đe dọa, vì những lời chỉ trích nghiêm khắc của ngài trước tệ nạn tham nhũng và tội phạm tràn lan.
Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại trong ngày lễ kính thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi, “thế gian ghét các Kitô hữu vì cùng một lý do như nó đã từng ghét Chúa Giêsu vì Ngài đã mang ánh sáng của Thiên Chúa đến, nhưng thế gian lại thích bóng tối để che giấu những hành động gian ác của mình”.
Tất cả những vị bị giết đều sống trong những hoàn cảnh bình thường của con người và xã hội, ban phát các phép bí tích, giúp đỡ người nghèo, chăm sóc trẻ mồ côi và người nghiện ma túy, tham gia vào các dự án phát triển, và mở cửa nhà mình cho bất cứ ai cần đến sự giúp đỡ của các ngài. Và một số vị đã bị giết bởi chính những người mà họ giúp đỡ.
Trong hầu hết các trường hợp, các cuộc điều tra được tiến hành bởi các nhà chức trách địa phương đều dẫn đến việc xác định thủ phạm, những kẻ chủ mưu của những vụ giết người này, và những lý do tại sao họ đã làm như thế.
Hiện vẫn còn nhiều quan ngại về số phận của nhân viên chăm sóc mục vụ khác bị bắt cóc hoặc đã biến mất, trong đó Giáo Hội không có bất kỳ tin tức nào như trường hợp của cha Tom Uzhunnalil.
8. Đức Thánh Cha gặp gỡ các nạn nhân những trận động đất ở miền Trung Italia
Thứ Năm 5 tháng Giêng, Vọng Lễ Hiển Linh, Đức Thánh Cha Phanxicô có cuộc gặp gỡ tại Vatican với các nạn nhân của trận động đất tàn phá miền trung Italia trong cả năm qua.
Gần 300 người đã thiệt mạng trong một trận động đất xảy ra gần thị trấn Amatrice vào ngày 24 tháng 8. Chỉ hơn hai tháng sau đó, một loạt các trận động đất khác đã xảy ra trong cùng khu vực, nghiêm trọng nhất là trận động đất cường độ 6.6 vào ngày 30 tháng 10. Đó là trận động đất lớn nhất xảy ra tại Italia trong hơn ba mươi năm qua. May mắn là chỉ có hai người chết trong các trận động đất này, mặc dù một số thị trấn, trong đó có thị trấn Norcia, nơi sinh của hai Thánh Biển Đức và Scholastica, đã bị thiệt hại nghiêm trọng.
Đức Cha Renato Boccardo, là Tổng Giám Mục Spoleto-Norcia, cho biết cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng “được dành đặc biệt cho những ai bị mất người thân, nhà cửa, sinh kế, hay phải di dời đến các nơi khác.”
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài muốn chào đón đặc biệt những người, dưới nhiều hình thức khác nhau, bị thương tổn bởi các trận động đất, và những người đang tìm kiếm “niềm an ủi và hy vọng.”
Tham dự cuộc gặp gỡ này có khoảng 800 người từ các giáo phận, được tháp tùng bởi các giám mục, và linh mục địa phương. Đại diện các cơ quan dân sự đã cứu giúp người tị nạn hay đang xây dựng lại các thị trấn cũng có mặt trong buổi tiếp kiến.
Cảnh Giáng Sinh tại Vatican năm nay có một bổ sung khác thường đó là một cây thánh giá từ ngọn tháp của Vương Cung Thánh Đường Thánh Biển Đức tại Norcia, cùng với một số gạch đất từ trong những đống đổ nát, đã được đặt bên cạnh Cảnh Giáng Sinh với những pho tượng có kích thước to như người thật. Thiết kế này nhằm khuyến khích các tín hữu và khách hành hương đóng góp cho việc trùng tu các ngôi thánh đường trong vùng này.
9. Đức Thánh Cha Phanxicô lên án vụ tấn công khủng bố kinh hoàng trong Đêm Giao Thừa tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ
Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên án vụ tấn công khủng bố vào đêm Giao Thừa rạng sáng ngày Mùng Một Tết Dương Lịch tại một hộp đêm ở thủ đô Istanbul, của Thổ Nhĩ Kỳ.
Lúc 1:30 sáng giờ địa phương, một tay súng có dáng dấp của một người miền Trung Á, đã xả súng bắn bừa bãi vào những người đang đón năm mới trong hộp đêm Reina, giết chết ít nhất 39 người và làm bị thương khoảng 70 người khác. Con số thương vong có thể còn lên cao hơn vì một số người bị thương đang trong tình trạng thập tử nhất sinh.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa với các tín hữu và du khách hành hương tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha ngỏ lời chia buồn với các nạn nhân và gia đình của họ, cũng như nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Đức Thánh Cha nói:
“Với nỗi buồn sâu sắc, tôi xin bày tỏ sự gần gũi của tôi với người dân Thổ Nhĩ Kỳ, tôi cầu nguyện cho đông đảo các nạn nhân và những người bị thương và cho cả dân tộc đang than khóc, và tôi cầu xin Thiên Chúa nâng đỡ tất cả những người thiện chí đang dũng cảm xắn tay áo lên đối diện với bệnh dịch khủng bố và những vết máu đang bao trùm toàn thế giới trong bóng tối của sợ hãi và hoang mang.”
Tình báo Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng hung thủ là một thành viên của bọn khủng bố Hồi Giáo IS, là những kẻ muốn áp đặt một thứ Hồi Giáo quá khích trong đó thù ghét mọi hình thức vui chơi giải trí. Reina là một hộp đêm nổi tiếng tại Istanbul nơi các danh ca và các cầu thủ túc cầu thường hay lui tới.
10. Đức Thánh Cha bổ nhiệm tân Giám Quản Đền Thờ Đức Bà Cả
Hôm 28 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Stanislaw Rylko làm Giám Quản Đền Thờ Đức Bà Cả. Đây là một trong 4 đại đền thờ ở Rôma.
Đức Hồng Y Rylko, người Ba Lan, năm nay 71 tuổi, sẽ thay thế cho Đức Hồng Y Santos Abril y Castelló, 81 tuổi, từng là Giám Quản Đền Thờ Đức Bà Cả kể từ năm 2011.
Đức Hồng Y Rylko đã được chính Đức Gioan Phaolô II, lúc bấy giờ là Tổng Giám Mục Kraków, phong chức linh mục vào năm 1969.
Năm 1995, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm cha Rylko làm thư ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân và năm sau đó, ngài được tấn phong giám mục.
Năm 2003, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài là chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân, và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tấn phong Hồng Y cho ngài vào năm 2007.
Với việc thành lập Thánh Bộ Giáo dân, gia đình và cuộc sống, gần đây, Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân không còn tồn tại từ ngày 01 tháng 9, và Đức Hồng Y Rylko đang chờ một nhiệm vụ mới.
11. Nga tổ chức quốc tang cho 92 người bị thiệt mạng trong tai nạn máy bay
Hôm 26 tháng 12, một ngày sau khi một máy bay quân sự của Nga trên đường bay sang Syria bị rơi xuống Biển Đen giết chết tất cả 92 người trên máy bay, Nga đã tổ chức một ngày quốc tang cho các nạn nhân, và mở rộng các hoạt động tìm kiếm để cố gắng phục hồi thi thể của các hành khách và chiếc hộp đen của chiếc máy bay phản lực TU-154.
Chiếc máy bay của Bộ Quốc phòng Nga, chở hàng chục ca sĩ, vũ công và các thành viên trong dàn nhạc Alexandrov của quân đội Nga, đã dự định bay đến phi trường Latakia của Syria để trình diễn cho các binh sĩ Nga tham chiến tại Syria trong thời gian năm mới.
Trên chuyến bay này cũng có chín phóng viên Nga, cùng với bà Elizaveta Glinka, một thành viên nổi bật của Hội đồng cố vấn nhân quyền cho Tổng thống Vladimir Putin.
Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ lời chia buồn của ngài với nhân dân Nga trong diễn từ sau kinh Truyền Tin ngày 26 tháng 12, kính thánh Stêphanô Tử Đạo tiên khởi.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói:
“Tôi bày tỏ lời chia buồn chân thành của tôi trước những tin tức bi thảm liên quan đến chiếc máy bay Nga bị rơi tại Biển Đen. Nguyện xin Chúa an ủi người dân Nga thân yêu và gia đình của các hành khách trên chiếc máy bay bao gồm các nhà báo, và dàn hợp xướng nổi danh của các lực lượng vũ trang Nga”
“Xin Đức Trinh Nữ Maria nâng đỡ các hoạt động tìm kiếm đang diễn ra.”
Đức Thánh Cha cho biết thêm:
“Năm 2004, dàn hợp xướng này đã trình diễn tại Vatican vào năm thứ 26 triều đại giáo hoàng của Thánh Gioan Phaolô II. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ”.
12. 4 triệu người tham dự các buổi tiếp kiến chung với Đức Thánh Cha, 21.2 triệu người hành hương về Rôma trong năm 2016
Nhân dịp cuối năm, hôm 29 tháng 12, Phủ Giáo Hoàng đã công bố con số các tín hữu và du khách hành hương gặp gỡ Đức Thánh Cha trong các buổi tiếp kiến chung trong năm 2016.
Tính chung các buổi tiếp kiến thường lệ ngày thứ Tư hàng tuần, các buổi tiếp kiến đặc biệt ngày thứ Bẩy trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, những cử hành phụng vụ bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô hay trước quảng trường bên ngoài đền thờ này, các buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật và các buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trong mùa Phục sinh, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ khoảng 4 triệu người.
Tháng Ba và tháng Chín là những tháng có đông tín hữu gặp gỡ Đức Thánh Cha nhất. Tháng Ba có Tuần Thánh và Lễ Phục sinh, trong khi tháng Chín có lễ phong thánh cho Mẹ Têrêsa thành Calcutta.
Con số 4 triệu người gặp gỡ Đức Thánh Cha chưa kể đến những người gặp gỡ ngài trong các buổi tiếp kiến riêng bên trong Vatican, các chuyến viếng thăm mục vụ tại giáo phận Rôma, những chuyến đi bên trong nước Ý và các chuyến tông du hải ngoại nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ hàng triệu người khác.
Trong khi đó, Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hóa cho biết đã có 21,292, 926 khách hành hương về Rôma ghi danh tham dự các biến cố trong Năm Thánh Lòng Thương Xót kéo dài từ ngày 8 tháng 12 năm 2015 đến ngày 20 tháng 11 năm 2016.
13. Đức Tổng Giám Mục José Gomez cử hành lễ Giáng Sinh trong nhà tù trung tâm Los Angeles
Lúc 9h sáng Chúa Nhật Giáng Sinh 25 tháng 12, Đức Tổng Giám Mục José Gomez đã cử hành thánh lễ trong nhà tù dành cho nam giới ở trung tâm của thành phố Los Angeles.
150 tù nhân đã tham dự thánh lễ này. Các tù nhân đã thay phiên nhau đọc các bài sách thánh và cùng hát những bài thánh ca với sự phụ hoạ của ca đoàn nhà thờ Thánh Agatha.
Trong bài giảng, bằng tiếng Anh, xen lẫn với tiếng Tây Ban Nha, Đức Tổng Giám Mục nói: “Thiên Chúa yêu thương bạn, Thiên Chúa yêu thương tôi một cách cá vị. Ngài yêu thương mỗi một người trong chúng ta, không phải một cách chung chung, nhưng là từng người trong chúng ta.”
Cảnh sát trưởng Los Angeles Agustin Del Valle là người tích cực tham gia trong việc tổ chức thánh lễ này nói: “Thánh lễ Giáng sinh hàng năm là một cái gì đó mà tất cả mọi người sống trong tù đều hết sức mong muốn. Thánh lễ đã mang lại cho các tù nhân một sự khích lệ lớn và một bầu khí hướng về Thiên Chúa”.
Sau thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục còn đi thăm các tù nhân khác tận phòng giam của họ, trao tặng qùa và sách báo.
14. Tuyên bố của miền Giám Quản Tông Tòa Nam Ả Rập về trường hợp cha Tom Uzhunnalil
Tòa Giám Quản Tông Tòa Nam Ả rập đã ra một tuyên bố về một video được tung lên Youtube hôm 26 tháng 12 liên quan đến Cha Tom Uzhunnalil, một linh mục Ấn Độ bị khủng bố Hồi Giáo bắt cóc tại Aden, Yemen, hồi tháng Ba.
Cũng như các linh mục tu sĩ dòng Salêdiêng quen biết với cha Tom, Tòa Giám Quản Tông Tòa Nam Ả rập tin rằng người nói trong video chính thực là vị linh mục bị bắt cóc, nhưng cảnh báo rằng “nguồn của video, ngày video được quay và quay trong hoàn cảnh nào vẫn là những điều chưa được rõ ràng.”
Tòa Giám Quản nói thêm:
“Mặc dù chúng tôi không có thông tin nào về nơi ở hiện nay của Cha Tom, chúng tôi có những dấu chỉ mạnh mẽ để tin rằng ngài vẫn còn sống. Đức Giám Mục Phaolô Hinder, Giám Quản Tông Tòa Nam Ả rập, đang liên lạc với các nhóm khác nhau những người đang làm việc và đang chỉ đạo các cuộc đối thoại với bọn khủng bố để bảo đảm việc trả tự do an toàn cho ngài. Các thông tin chi tiết hơn chưa thể được công bố vào lúc này.”